4 Tin xấu bạn cần biết trong nửa đầu 2023 | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
18 Thg 07, 2023
Đời sống

4 Tin xấu bạn cần biết trong nửa đầu 2023

Năm 2023 không tệ như năm 2022. Nó tệ theo kiểu khác.
4 Tin xấu bạn cần biết trong nửa đầu 2023

Nguồn: The Narwhal

So với năm 2022, sáu tháng đầu năm 2023 có nhiều sự thay đổi - tốt hơn hay tệ hơn thì tùy vào góc nhìn của mỗi người. Thế giới chứng kiến sự phát triển nhanh chóng mặt của trí tuệ nhân tạo, những thành tựu mới trong khoa học công nghệ cũng như y học, và hình như đã lâu lắm rồi không thấy ai nói gì về Covid-19.

Song song với đó là những thảm họa từ cả tự nhiên và con người. Đầu năm nay, trận động đất mạnh thứ 5 trong lịch sử khiến nhiều người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tới tháng 3, khủng hoảng trong ngành tài chính và ngân hàng khiến nhiều nước trên thế giới quay cuồng đối phó. Sang mùa hè, lần lượt hạn hán tới lũ lụt đe dọa đời sống. Tất cả những điều đó xảy ra trên nền một cuộc chiến tranh đã kéo dài hàng trăm ngày.

Với tinh thần tổng kết sáu tháng đầu năm để hướng tới nửa cuối năm tươi đẹp hơn, sau đây là những thảm họa và nguy cơ đã và đang xảy ra trong nửa đầu năm nay. Dù xa hay gần ta, chúng đều quan trọng ở những mức độ khác nhau, và đều có khả năng ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta trong ngắn hạn.

1. Toàn cầu đang nóng quá nóng quá nóng quá đi

Nóng là trạng thái chung của người dân trên toàn thế giới. Trong nhiều năm qua, người ta đã nói về hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như quá trình Trái Đất “bốc khói” theo từng năm. Nhưng trong năm nay, hiện tượng nắng nóng xảy ra dữ dội và rộng khắp hơn bao giờ hết.

Sóng nhiệt ở khắp châu Á, châu Âu, và châu Mỹ tạo ra những cột mốc nhiệt độ cao lịch sử tại nhiều quốc gia. Con người gục ngã trước cái nhiệt ấy, co cụm trong những tấm áo che nắng, và tôn thờ những chiếc điều hòa. Ở nhiều nơi, chính phủ đưa ra cảnh báo nguy hiểm và khuyến khích người dân không ra đường trong nhiều khung giờ để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của họ.

17jul2023statisticsgraph1jpg
Nguồn: Statista/World Meteorological Organisation/Trà Nhữ cho Vietcetera

Tại Anh, những người lính trong đội cận vệ của Hoàng gia Anh ngất xỉu khi duyệt binh trong cái nắng gần 40 độ C. Tại Mỹ, lính cứu hỏa giờ phải kiêm cả nhiệm vụ hạ nhiệt và “dập lửa” cho những người gặp vấn đề sức khỏe vì nắng và nóng. Hy Lạp đóng cửa thành cổ Acropolis vì ở đó không một bóng cây để khách du lịch trốn nắng. Thủ tướng Israel phải vào viện vì đã ở “dưới ánh nắng mặt trời, không mũ, không nước.”

Tại Việt Nam và Đông Nam Á, người dân dù đã quen với cái nóng từ muôn đời nay, nhưng vẫn cảm thấy rõ rằng năm nay nóng hơn hẳn những năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động mạnh mẽ của hiện tượng El Nino, có thể kéo dài tới tận mùa hè năm sau. Nếu điều này thực sự sẽ diễn ra, chắc loài người chẳng còn cách nào khác ngoài ngửa mặt lên trời mà than rằng: chạy đâu cho khỏi nắng?

2. Cháy rừng tại Canada: khi xứ lạnh ngập trong biển lửa

Vào một ngày tháng sáu không đẹp trời lắm, người dân thành phố New York thức dậy và tưởng rằng mình đang ở Mexico. Vì một lý do nào đó, bầu không khí trở nên đặc quánh và xám lại, giống như màu của những bộ phim về Nam Mỹ mà Hollywood thường sản xuất. Đi kèm với đó là cảm giác nặng nề trong từng hơi thở và một vị khói thoang thoảng trong không gian.

Thứ ảnh hưởng tới chất lượng không khí ở New York hóa ra lại tới từ Canada, trong những đám cháy rừng trên khắp đất nước này. Theo ước tính của chính phủ Canada, từ đầu năm tới nay, 10 triệu héc-ta rừng đã và đang cháy thành tro. Bạn không đọc nhầm đâu: 10 triệu héc-ta rừng, tương đương với diện tích của Bồ Đào Nha, đã cháy âm ỉ, cháy bền bỉ trong hàng tháng trời.

17jul2023dejpg
Bản đồ các đám cháy tại Canada trong 2 tuần trở lại đây. | Nguồn: FIRMS US/Canada

Chính phủ Canada cho biết, tính tới ngày 16/07, có hơn 900 đám cháy trên toàn quốc, 570 trong số đó vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhìn rộng ra, từ đầu năm tới nay, đã có 4088 vụ cháy rừng trên đất nước lá phong. Những cột khói cao có thể nhìn thấy từ cách xa hàng cây số đã theo gió vượt đại dương sang tận châu Âu. Ngọn lửa thiêu rụi cả cây cối lẫn muông thú, để lại những vùng hoang tàn và những đợt hạn hán kéo dài.

3. Chiến tranh Nga-Ukraine: hơn 500 ngày qua, còn bao ngày sắp tới

Ngày 8/7/2023 đánh dấu một cột mốc buồn: cuộc đụng độ quân sự giữa Nga và Ukraine bước sang ngày thứ 500. Ngay khi bạn đang đọc những dòng này, các cánh quân Ukraine đang phản công để chiếm lại nhiều khu vực mà Nga đã đóng quân. Một khúc sông Dnieper tươi đẹp trong văn thơ, nhạc họa nay trở thành ranh giới phân chia giữa khu vực tiến công của quân Ukraine với vùng phòng thủ của lính Nga.

Tới thời điểm này, những con số về thương vong, về người tị nạn, về thiệt hại kinh tế hay khí tài quân sự bắt đầu mất dần ý nghĩa vì chúng quá lớn, hoặc vì ta đã quen tiếp xúc với chúng trong một khoảng thời gian dài. Có lẽ thứ duy nhất còn nguyên sức nóng và ý nghĩa là những nỗ lực đàm phán (hoặc kêu gọi đàm phán) và những thay đổi trong chính trị quốc tế.

Về phía Ukraine, ông Zelensky trở thành người cô đơn trong Hội nghị NATO diễn ra cách đây vài ngày. Bất chấp những cuộc gặp mặt, những cái bắt tay, những bài phát biểu, thì tương lai gia nhập NATO vẫn còn mù mờ. Chẳng những thế, các đồng minh phương Tây của Ukraine - nhất là Mỹ - đang phải giải trình về tính hợp lý và hiệu quả của các khoản viện trợ quân sự đắt đỏ.

17jul2023cq4kvz5r75kq7dehspfas2iuzqjpg
Cuộc không kích của Nga vào thành phố Kyiv diễn ra chỉ vài giờ trước khi Hội nghị NATO khai mạc tại Lithuania. | Nguồn: Reuters

Về phía Nga, cuộc đảo chính ngắn ngủi của tập đoàn quân sự Wagner cho thấy rằng tình hình trong nước không hề yên ả. Quan trọng hơn, những phát ngôn của Yevgeny Prigozhin - người đứng đầu Wagner - cho thấy rằng những lý do mà Nga đưa ra để biện hộ cho tính chính danh của cuộc chiến chẳng hề chính đáng như nhiều người tưởng. Nhưng có lẽ thiệt hại lớn nhất của Nga trên trường chính trị quốc tế là việc mất sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ vào tay NATO.

4. Ai sẽ kiểm soát AI, và AI sẽ kiểm soát ai?

Kể từ ChatGPT, người ta đã nói rất nhiều thứ về trí tuệ nhân tạo, cả những thành tựu lẫn hạn chế, cả phát triển lẫn tồn đọng, và cả ảnh hưởng tích cực lẫn tác động tiêu cực. Trí tuệ nhân tạo đang làm vô vàn việc: viết kịch bản, làm video, vẽ tranh, soạn email, làm thủ tục hoàn thuế, sáng tác nhạc, viết code, đưa lời khuyên về cuộc đời, v.v.

Với trí tuệ nhân tạo, ta nói bao nhiêu cũng là không đủ, bởi luôn có những thứ chưa được bàn bạc kỹ, hay thậm chí là không được nhắc tới. Một ví dụ điển hình là sự thiếu vắng những thảo luận thực chất của các tập đoàn công nghệ về việc kiểm soát trí tuệ nhân tạo và ngăn chặn những nguy cơ lạm dụng. Họ chỉ nói về tiền, về đầu tư, về phát triển, và về quy mô thị trường, nhưng chẳng mấy ai nói về chuyện kiểm soát thiệt hại.

Trong khi ấy, những thiệt hại đã xuất hiện rõ nét trong đời sống. Nhiều người mất tiền bạc, của cải do những cuộc gọi và tin nhắn mà AI giả dạng. Mới đây, một nhóm tin tặc đã làm ra một ứng dụng gọi là WormGPT - giống hệt ChatGPT hay Google Bard nhưng không có quy định ngăn AI này phản hồi những yêu cầu tiêu cực hoặc ý đồ xấu.

Theo mô tả của nhà phát triển ứng dụng, WormGPT sẽ giúp bạn “làm tất cả những việc phi pháp” và thực hiện chúng trên không gian mạng. Bạn có thể dùng ứng dụng này để viết mã độc, soạn kịch bản email hoặc cuộc gọi lừa đảo, và hiện thực hóa nhiều âm mưu khác. May mắn thay là WormGPT rất đắt - tận 550 euro một năm - và chưa được tối ưu hóa, nhưng đây là một ví dụ điển hình cho thấy AI có thể gây tác hại thế nào trong bàn tay kẻ xấu.