1. Chuyện gì đã xảy ra?
Có nằm mơ, nhiều người cũng không ngờ rằng nữ nhà văn người Hàn Quốc - Han Kang - là chủ nhân của giải Nobel Văn chương 2024. Bởi những tên tuổi được “nhà cái” đặt cửa lớn cho chiến thắng giải Nobel văn chương 2024 đều là những “gương mặt thân quen”: Tàn Tuyết (Trung Quốc), Gerald Murnane (Úc), Salman Rushdie (người Anh gốc Ấn Độ), Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya), Michel Houellebecq (Pháp), Anne Carson (Canada), và tất nhiên, Haruki Murakami (Nhật Bản).
Theo Viện Hàn lâm Thuỵ Điển (ngày 10/10), Han Kang chiến thắng giải Nobel Văn chương 2024 bởi “thứ văn xuôi mãnh liệt đậm chất thơ, qua đó thể hiện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người.”
Với chiến thắng, bà trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên, và nhà văn Hàn Quốc đầu tiên nhận giải Nobel Văn chương. Trước Han Kang, người Hàn Quốc duy nhất từng nhận giải Nobel là cựu Tổng thống Kim Dae-jung (giải Nobel Hòa bình năm 2000).
Han Kang biết tin chiến thắng Nobel qua điện thoại, lúc đang ăn cơm tối. Bà chọn cách ăn mừng đơn giản bên tách trà cùng cậu con trai của mình.
Han Kang, sinh năm 1970 tại Gwangju, cùng gia đình chuyển đến Seoul sinh sống từ năm 10 tuổi. Có cha là nhà văn có tiếng ở Hàn Quốc, Han Kang nhanh chóng say mê và theo học ngành Văn học tại Đại học Yonsei. Bà bắt đầu sự nghiệp bằng những bài thơ và truyện ngắn xuất bản trên một số tờ báo tại Hàn Quốc từ năm 1993.
Bước ngoặt lớn của Han Kang là khi bà xuất bản tiểu thuyết The Vegetarian năm 2007. Tác phẩm này đoạt giải Man Booker (2016), chỉ một năm sau khi bản dịch tiếng Anh ra mắt độc giả thế giới. Một số tác phẩm khác của bà được độc giả biết đến như Human Acts, The White Book...
2. Chiến thắng của riêng tác giả hay của Hàn Quốc?
Chiến thắng của Han Kang thực sự gây bất ngờ, nhanh chóng tạo ra sự “chia rẽ” trong những người đọc và quan sát mảng văn học. Một bên cho rằng Han Kang xứng đáng với giải thưởng này; bên còn lại cho rằng tác phẩm của bà dẫu hay nhưng chưa đủ xuất sắc để đạt Nobel.
Cũng có không ít người cho rằng, giải thưởng Nobel văn chương 2024 là chiến thắng của đất nước Hàn Quốc hơn là của riêng một mình nhà văn Han Kang. Điều này không phải vô lý khi xét trong bối cảnh tiếp thị văn học và văn hoá nói chung của Hàn Quốc ra thế giới trong hai thập kỷ gần đây với làn sóng Hàn lưu (Hallyu).
Riêng các hoạt động dịch thuật và quảng bá văn học Hàn Quốc ra thế giới diễn ra hết sức sôi động từ những năm 2000. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, nhiều tác giả Hàn Quốc từ Ko Un, Hwang Sok-yong cho đến những nhà văn đương thời như Han Kang, Kim Young-ha, Shin Kyung-sook, Hwang Jung-eun, Jeong You Jeong, Gong Ji-young, Bae Suah, Chung Bora... đều có rất nhiều ấn bản tiếng Việt được phát hành rộng rãi.
Cuốn Người Ăn Chay của Han Kang xuất hiện bản dịch tiếng Việt từ năm 2011, sau 4 năm ra mắt bản tiếng Hàn, và trước 4 năm ra mắt bản dịch tiếng Anh. 2/3 tác phẩm của Han Kang (và nhiều nhà văn Hàn Quốc khác) xuất bản tại Việt Nam được thúc đẩy và hỗ trợ tài chính từ Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc.
Điều này cho thấy, Hàn Quốc đã âm thầm xuất bản và tiếp thị văn hoá đến quốc tế trong một thời gian dài để thu được những thành quả, mà cuối cùng là nâng cao sức mạnh mềm văn hoá của họ trên thế giới.
Chiến thắng của Han Kang với giải Nobel Văn chương 2024 là một dấu mốc quan trọng của làn sóng Hàn lưu. Người Hàn bây giờ không chỉ tự hào về Kim Chi, Bong Joon-ho và Parasite, Squid Game hay Kpop mà còn là Nobel văn chương với chiến thắng của Han Kang.
3. Có nên đọc Han Kang không?
Dù bàn luận dông dài đến đâu, câu hỏi cuối cùng đặt ra cho chúng ta vẫn là: liệu có nên đọc Han Kang hay không? Câu trả lời là có, nhưng với một phần chú thích nhỏ. Trước hết, độc giả Việt Nam có thể tiếp cận ba tác phẩm được cho là quan trọng nhất của Han Kang thông qua bản dịch tiếng Việt bao gồm: Người Ăn Chay (The Vegetarian), Bản Chất Của Người (Human Acts),và Trắng (The White Book).
Trắng là một tiểu tự sự có phần u uẩn và tang thương; Người Ăn Chay lại đầy yếu tố kỳ dị và sự mong manh đầy hiện sinh của con người (đặc biệt là phụ nữ) trong đời sống hiện nay. Trong khi đó, Bản Chất Của Người đề cập trực tiếp đến Phong trào Gwangju, được biết đến với tên Thảm sát Gwangju (nơi sinh của Han Kang) với sự chất vấn: “Lương tâm. Đúng vậy, là lương tâm. Đó là thứ đáng sợ nhất trên thế gian này.”
Văn chương của Han Kang không khó nắm bắt hay cảm nhận nhưng lại rất nhiều sự u uẩn, tăm tối, lãnh đạm và thậm chí bạo lực ghê gớm. Tác phẩm của bà, có lẽ, không phải là lựa chọn hàng đầu cho những người yêu thích sự nhẹ nhàng, lãng mạn, dễ chịu.