Thế giới tuần qua: Mưa lũ tàn phá khắp nơi, Trung Đông lại có xung đột mới | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Thế giới tuần qua: Mưa lũ tàn phá khắp nơi, Trung Đông lại có xung đột mới

Tuần cuối tháng 9 đi qua với nhiều tin không vui về thảm họa và chiến tranh.
Thế giới tuần qua: Mưa lũ tàn phá khắp nơi, Trung Đông lại có xung đột mới

Người dân bị mắc kẹt do lũ lụt ở Kathmandu (Nepal). | Nguồn: Deccan Herald

Nếu có từ khóa nào để miêu tả tháng 9 với người dân Việt Nam thì có lẽ “mưa bão” hay “lũ lụt” sẽ là những ứng cử viên hàng đầu. Cơn bão Yagi đã để lại hậu quả với quy mô lớn nhất trong vòng 30 năm nay, khiến nhiều tỉnh thành miền Bắc thiệt hại nặng nề về người và của.

Với thế giới tình hình có lẽ cũng không sáng sủa hơn là bao, khi liên tiếp nhiều nước Đông Á, Nam Á và cả Bắc Mỹ bị bão lụt tàn phá. Còn ở Trung Đông, khi chiến tranh với Palestine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Israel tiếp tục có xung đột với một nước Hồi giáo khác là Lebanon.

Cùng Vietcetera điểm qua một số tin không mấy vui đã xảy ra trong tuần vừa qua, để thấy được sức ảnh hưởng đáng lo ngại của biến đổi khí hậu, và cách mà sự thay đổi địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta hàng ngày.

1. Bão Helene đổ bộ miền nam nước Mỹ

Vào đêm 26/9, cơn bão Helene với sức gió 225 km/h đã đổ bộ bang Florida (Mỹ). Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất hình thành tại vịnh Mexico trong 3 thập kỷ qua, khiến ít nhất 95 người thiệt mạng cùng hàng trăm người mắc kẹt. Ngay từ trước khi đổ bộ, bão Helene đã làm hơn một triệu hộ gia đình tại Florida và Georgia rơi vào cảnh mất điện.

Riêng tại bang Georgia đã có nơi ghi nhận lượng mưa lên tới gần 300mm trong vòng 48 tiếng, cao nhất kể từ khi bang này ghi dữ liệu mưa năm 1878. Hiện tại 6 bang Florida, Georgia, Bắc Carolina, Nam Carolina, Alabama và Virginia vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp.

30sep2024ap24270730887281jpeg17274096531250291727410181jpg
Gió to, sóng lớn trên bờ biển tại St Petersburg (Florida) ngay trước khi bão đổ bộ. | Nguồn: AP

2. Mưa lớn kéo dài gây sạt lở ở Nepal

Nằm sâu trong dãy Himalaya, Nepal có mùa mưa kéo dài từ tháng 6 tới tháng 9 hàng năm, song hiếm khi chịu ảnh hưởng của bão lũ. Tuy nhiên trong tuần qua, quốc gia này chứng kiến lượng mưa nhiều và kéo dài bất thường. Điều này dẫn tới thảm họa lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng với một đất nước được bao bọc bởi đồi núi.

Cảnh sát Nepal cho biết, đến nay đã có 193 người thiệt mạng, 45 người bị thương và ít nhất 31 người mất tích. Riêng thủ đô Kathmandu bị cô lập hoàn toàn trong 2 ngày 28 và 29/9, do toàn bộ 3 tuyến quốc lộ kết nối thành phố này với các địa phương khác đều bị sạt lở. Thành phố này cũng ghi nhận lượng mưa lên tới gần 240 mm chỉ trong 24 giờ, cao nhất từ năm 2002 đến nay.

30sep2024downloadjpg
Nước sông Bagmati dâng cao khiến thành phố Kathmandu (Nepal) ngập lụt trầm trọng. | Nguồn: CNN

3. Israel không kích Lebanon, hơn 1100 người thiệt mạng

Trong khi nhiều khu vực trên thế giới gồng mình chống chọi bão lũ, Trung Đông tiếp tục chứng kiến những bất ổn kéo dài giữa Israel và các nước Hồi giáo.

Bắt đầu từ ngày 23/9, Israel và Lebanon liên tiếp tiến hành các cuộc tập kích lẫn nhau, khiến hơn 1100 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người khác phải di tản khẩn cấp. Trong số người thiệt mạng có nhiều quan chức cấp cao của Lebanon, bao gồm cả thủ lĩnh Hezbollah tại Lebanon là Hassan Nasrallah.

Nguyên nhân được cho là xuất phát từ vụ việc hàng loạt máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah phát nổ tại Beirut hôm 17/9, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và gần 3000 người bị thương. Cơ quan tình báo Mossad của Israel được cho là đã bí mật cài chất nổ vào các máy nhắn tin này, rồi kích hoạt từ xa.

30sep2024israel60291727652782jpg
Một góc phố ở Beirut (Lebanon) bị san bằng sau cuộc không kích của Israel. | Nguồn: Reuters

Hezbollah là tổ chức chính trị-vũ trang của người Hồi giáo Shia tại Lebanon, thành lập năm 1985 nhằm phản ứng lại sự kiện Israel xâm lược để đẩy Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra khỏi Lebanon. Hiện có 15 thành viên tổ chức này nắm giữ ghế trong Quốc hội Lebanon. Giống như Hamas, Hezbollah cũng coi Israel là kẻ thù không đội trời chung.

Đáng nói là cách đây gần 1 năm, vào thời điểm xảy ra chiến tranh Israel-Palestine, bà Mona Yacoubian, Cố vấn Cấp cao về Syria, Trung Đông và Bắc Phi của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) đã bày tỏ lo ngại cuộc chiến sẽ mở rộng ra quy mô toàn khu vực Trung Đông. Và quả đúng là hiện tại khi cuộc chiến ở dải Gaza vẫn chưa ngã ngũ, một cuộc chiến mới ở Lebanon đã xuất hiện, làm dấy lên nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới.