3 Lý do bạn thường xuyên "mất não" khi cần đưa ra quyết định | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

3 Lý do bạn thường xuyên "mất não" khi cần đưa ra quyết định

Chúng ta thường muốn sống một cuộc đời chỉ có đúng, không có sai. Nhưng tiếc thay, được và mất luôn là "đôi bạn thân".
3 Lý do bạn thường xuyên "mất não" khi cần đưa ra quyết định

Nguồn: Phim Everything Everywhere All at Once (A24)

Được chuyển ngữ từ bài viết "3 Reasons Why You Make Terrible Decisions (And How to Stop)" đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chúng ta thường muốn sống một cuộc đời chỉ có niềm vui, không đau đớn, chỉ có thành công, không thất bại, chỉ có đồng thuận, không chối bỏ. Nhưng tiếc thay, được và mất luôn là "đôi bạn thân". Với mọi điều bạn nói, mỗi điều bạn làm, luôn có vô kể lựa chọn thay thế. Nói cách khác, khi quyết định làm gì đó, bạn luôn phải đánh đổi một thứ khác.

Nếu vậy thì dường như cuộc đời này sẽ trở nên mỹ mãn khi ta liên tục quyết định sáng suốt. Nhưng vấn đề là, con người vốn dĩ không giỏi đánh giá rủi ro và phần thưởng tương xứng, do đó hay đưa ra những quyết định tệ hại.

Và đó là điều tôi muốn dành thời gian bàn luận trong bài viết này: tại sao bạn thường xuyên như người "mất não" khi cần đưa ra quyết định, và làm thế nào để khắc phục (chứ không phải trị dứt điểm, vì chúng ta đơn giản không thể chống lại lập trình sinh học qua hàng ngàn năm tiến hóa).

Lý do 1: Bạn để cảm xúc "cầm lái"

Thử nghĩ lại xem, cho đến hiện tại điều ngu ngốc nhất mà bạn đã từng làm là gì?

Có thể bạn đã quá lo lắng mình không đủ tốt để rồi vuột mất một cơ hội nghề nghiệp lớn mà mình hằng mong ước. Có thể bạn đã sầu đời đến cùng cực sau khi chia tay người yêu nên uống say mèm, lái xe về nhà trong đêm rồi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu.

Dù là gì, tất cả chúng ta cũng đã ít nhất một lần trải qua cảm giác bị cảm xúc chiếm trọn lý trí. Điều này có thể xảy ra là vì cảm xúc hoạt động gần như tách biệt với suy nghĩ. Nói cách khác, mỗi chúng ta đều sở hữu hai bộ não, gồm bộ não tư duy - logic, kiên nhẫn và bộ não cảm nhận - ham muốn, tức thời. Đáng buồn thay, bộ não cảm nhận có xu hướng bắt bộ não tư duy phải phục tùng.

Lý trí bảo ta rằng, “Ồ này, người đằng kia thật thú vị. Cơ hội tuyệt vời tới rồi, nên lại bắt chuyện thôi.”

Khi đó, bộ não cảm nhận lại bắt đầu la hét những thứ như, “THẬT XẤU HỔ! KẺ THUA CUỘC! NGƯỜI TA KHÔNG THÍCH MÀY ĐÂU! KHÔNG AI YÊU MÀY!” cho đến khi bộ não tư duy thu mình vào một góc, run rẩy đầu hàng “Được rồi, được rồi, bác nói đúng. Ai lại thích một đứa như tôi.”

Trên thực tế, bạn có thể chỉ mất khoảng 10 giây để tiếp cận người đó, không mất thêm thứ gì khác, nhưng vẫn cảm thấy sao thật mạo hiểm và đáng sợ. Rồi bạn ngồi dính chặt trên ghế, nhâm nhi cốc nước, nhìn tình yêu của đời mình lặng lẽ bước ra khỏi phòng.

Làm thế nào để vượt qua điều này?

Hừm, thật sự rất khó, vì nó đã là thói quen được hình thành qua quá trình tiến hóa.

Nhưng bước đầu tiên bạn có thể làm là phát triển nhận thức của bản thân - ý thức được cảm xúc gì đang diễn ra bên trong mình. Nhiều người thậm chí còn không nhận ra rằng họ đang buồn hay tức giận cho đến khi sự việc xảy ra, do đó họ đưa ra những quyết định sai lầm mà không biết.

Khi bạn đã phát triển một chút nhận thức về bản thân, bước tiếp theo là phát triển thói quen suy luận trước khi đưa ra các quyết định quan trọng, bằng cách tự nói thành tiếng với chính mình hoặc viết ra giấy.

Khi các ý tưởng được viết ra, bạn có cơ hội nhìn nhận chúng một cách khách quan hơn, tựa như bạn cắt đứt chế độ lái tự động của não bộ và buộc nó phải đi chậm nhưng chắc hơn.

Ngoài ra, bạn có thể làm một bài tập đơn giản thế này: kẻ một hàng dọc ở giữa trang, liệt kê tất cả rủi ro và chi phí ở một bên, và tất cả những lợi ích tiềm năng ở bên còn lại.

Lý do 2: Thời gian bẻ cong khả năng tính toán

Có một thử nghiệm trong kinh tế học khá phổ biến thế này. Nếu bạn cho người khác hai lựa chọn: một là nhận 100 đô-la ngay trong hôm nay, hai là nhận 150 đô-la vào một năm sau, hầu hết mọi người sẽ chọn phương án đầu tiên.

Trong kinh tế học, hiện tượng này gọi là chiết khấu tạm thời. Trong tâm lý học, nó có tên thiên kiến hiện tại, và bạn sẽ thấy nó xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Chúng ta thà ăn buffet với bạn bè mỗi tối thứ Sáu hơn là nghĩ về số cân mình sẽ tăng lên trong một năm. Chúng ta thà cố cãi chày cãi cối để thỏa mãn cơn tức hơn là nghĩ về ảnh hưởng của việc làm đó đến mối quan hệ giữa hai người trong tương lai.

Thời gian cũng khiến chúng ta "rối não" theo cách khác. Hãy thử làm bài toán này. Lấy một đồng xu và đặt nó vào ô vuông đầu tiên của bàn cờ vua. Bây giờ đặt hai xu vào ô tiếp theo, rồi tiếp tục đặt bốn xu. Bạn cứ tiếp tục nhân đôi số xu cho tất cả 64 ô vuông. Ở ô vuông cuối cùng bạn sẽ có bao nhiêu tiền?

"92,2 triệu tỷ đô-la", nếu bạn nói thế thì bạn đúng rồi đó.

Nhưng thành thật đi, bạn không nghĩ ra đáp án đúng không. Hoặc có thể bạn đã nói ra một con số chung chung, như 5 triệu đô-la chẳng hạn, và nghĩ rằng như vậy là cao quá rồi. Vâng, đáp án của bạn chỉ thiếu khoảng 9 con số 0 thôi.

Tiếp tục thử tưởng tượng rằng, bạn thực hành một kỹ năng mới 30 phút mỗi ngày. Và qua mỗi ngày, bạn giỏi hơn 1%. Vậy tới cuối năm, bạn sẽ giỏi hơn bao nhiêu phần trăm?

Theo bản năng, bạn có thể nghĩ, "Chà, 365 ngày trong một năm, vậy chắc khoảng 400%?" Nếu bạn giỏi làm phép tính lãi kép, có lẽ bạn sẽ đoán con số cao hơn, chẳng hạn như 1000%.

Nhưng câu trả lời thực sự? ~ Khoảng 3778%.

Đó là sự khác biệt giữa việc trở thành chuyên gia và chỉ đơn thuần “giỏi” một thứ gì đó.

Vậy làm sao để đưa ra quyết định tốt hơn?

Dù khó nhưng phải chấp nhận rằng đôi khi chúng ta phải đi ngược lại với trực giác nếu muốn đưa ra quyết định tốt hơn. Kiểm tra giới hạn của bạn. Đặt câu hỏi cho các giả định của bản thân. Đó là một loại kỹ năng nội tại mà bạn phải phát triển thông qua luyện tập.

Lý do 3: Nạn nhân của "hiệu ứng hào quang"

Qua hàng ngàn năm tiến hóa, chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên một loạt các thành kiến về địa vị xã hội. Một số ít người gặt hái được nhiều tài nguyên và cơ hội nhất sẽ ở bậc trên cùng. Đa số những người khác thì vơ vét phần tài nguyên còn lại ở tầng dưới.

Vâng, có lẽ bạn sẽ nói rằng, “Tôi không quan tâm đến địa vị xã hội. Tôi làm những gì tôi muốn. Tôi sẽ không bị lung lay bởi những thứ ngớ ngẩn như đẳng cấp, huy hiệu”.

Chà, điều đó thật tuyệt… nhưng thực tế là từ trong tiềm thức chúng ta đều tự động bị ảnh hưởng bởi những khao khát về mặt xã hội. Khi ở trước những người xinh đẹp hơn, giàu có hơn và quyền lực hơn, tất cả đều ít nhiều trở nên thụ động hơn, bất an hơn.

Tôi nhận thấy điều này trong vài lần đầu tiên gặp Will Smith. Tôi cười nhiều hơn nghe chuyện cười của anh ấy, chú ý nhiều hơn cách anh đứng dậy, di chuyển trong phòng. Và tôi không phải là người duy nhất làm điều đó. Khi Will Smith ở trong phòng, anh ấy như một chiếc túi chân không hút hết sự chú ý vào đó.

Khi biết có cơ hội làm việc với anh trong một cuốn sách, tôi phải luôn phải tự nhắc bản thân: không vì Will Smith nổi tiếng mà đồng ý làm điều gì đó ngu ngốc.

Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao những thứ liên quan đến những người có địa vị xã hội và đánh giá thấp những thứ không liên quan đến họ. Chẳng hạn, ta tin rằng người thành công hơn thì thú vị hơn. Người có quyền lực hơn thì thông minh, hấp dẫn hơn. Trong tâm lý học, điều này được gọi là "hiệu ứng Halo".

Nhiều nhà nhà tiếp thị đã lợi dụng điều này để kiếm tiền. Hãy nghĩ về tất cả những người nổi tiếng đang quảng cáo xe hơi và các sản phẩm làm đẹp. Hãy nghĩ về cách bạn được thuyết phục bộ quần áo nào là đẹp, thức ăn nào là ngon, nhạc nào là hay thông qua gợi ý của người mà bạn ngưỡng mộ.

Làm thế nào để đưa ra quyết định tốt hơn?

Hiểu điểm yếu của bạn ở đâu và thiết lập môi trường để giải quyết những điểm yếu đó.

Mỗi chúng ta đều có những điểm yếu riêng khi đưa ra quyết định. Một số người dễ xúc động hơn những người khác. Một số người khác không thể từ chối những bữa tiệc sang trạng với những người có địa vị xã hội.

Sẽ rất hữu ích nếu bạn hiểu mình giỏi/không giỏi ở điểm nào và ghi nhớ điều đó khi cân nhắc các quyết định trong tương lai.

Cuối cùng, cách tốt nhất để khắc phục những điểm yếu này không phải là bằng ý chí hay tự kỷ ám thị, mà đơn giản là đưa mình vào môi trường có những người đang có thứ mà bạn muốn, hoặc không có thứ mà bạn đang muốn né.

Ví dụ, tôi không thích ăn đồ ăn vặt. Vì vậy, tôi quyết định không mua đồ ăn vặt, dù cho nó được quảng cáo bởi người nổi tiếng mà tôi yêu thích, hơn là mua rồi cố gắng để không ăn.

Không quyết định là quyết định tồi tệ nhất

Cuối cùng, tôi muốn dành một chút thời gian để nói rằng: không đưa ra quyết định nào là quyết định tồi tệ nhất của tồi tệ.

Tất cả chúng ta đều phải đưa ra quyết định mỗi ngày, dù lớn hay nhỏ, như ăn gì, mặc gì, nói chuyện với ai, sử dụng thời gian như thế nào. Nếu bạn không tự đưa ra lựa chọn, với tôi, bạn vẫn hít thở nhưng không sống. Bởi khi đó, thay vì là người làm chủ, bạn là sản phẩm, là hệ quả từ những lựa chọn của người khác.

Hãy sống với rủi ro, với nỗi sợ, nỗi xấu hổ khi làm sai, vì chúng là điều làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.