5 Hiểu lầm thường gặp về chủ nghĩa khắc kỷ | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 06, 2020
Cuộc SốngTriết Học

5 Hiểu lầm thường gặp về chủ nghĩa khắc kỷ

Bạn có đang hiểu sai về chủ nghĩa khắc kỷ? Giải đáp 5 nhầm lẫn thường gặp.
5 Hiểu lầm thường gặp về chủ nghĩa khắc kỷ

5 Hiểu lầm thường gặp về chủ nghĩa khắc kỷ

Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) là một trường phái triết học bị hiểu lầm khá nhiều. Có thể vì cái tên có phần giống như "khắc nghiệt" và “ích kỷ" của nó, cũng có thể vì người đọc chưa tiếp cận đủ sâu để hiểu rõ trường phái này. Sau đây là một vài nỗi oan thường gặp của chủ nghĩa khắc kỷ.

1. Chủ nghĩa khắc kỷ khuyến khích con người thoát ly thế giới thực tại

Chủ nghĩa khắc kỷ khuyên chúng ta tập trung vào những điều nằm trong khả năng. Nhiều người hiểu lầm rằng lời khuyên này khuyến khích chúng ta thờ ơ với thế giới xung quanh.

Ngược lại, việc sống hòa hợp với xã hội lại là điều thiết yếu khi thực hành khắc kỷ. Hai đại diện lừng danh của chủ nghĩa khắc kỷ — hoàng đế La Mã Marcus Aurelius và triết gia Seneca đều là những người dành cả đời để cống hiến cho xã hội. Nhà văn Anh Thomas de Quincey đã từng nhận xét về Marcus Aurelius trong The Caesars là “người thực tế và đầy nhân tính nhất trong số các vị hoàng đế xuất sắc nhất.”

Trong khắc kỷ có một học thuyết mang tên “apatheia”, chỉ một trạng thái tâm lý không bị nhiễu loạn trước những "đam mê". Học thuyết này thường bị nhầm lẫn với lãnh đạm trong cảm xúc và thoát ly thực tại.

Thật ra, nó chỉ khuyên chúng ta không nên đắm chìm cảm xúc vào nguyên nhân và kết quả. Thay vào đó, hãy chủ động kiểm soát bản thân, hiểu và chấp nhận kết quả mà không sợ hãi hay giận dữ.

Chủ nghĩa khắc kỷ hướng đến trạng thaacutei khocircng bị nhiễu loạn thay vagraveo đoacute lagrave chủ động kiểm soaacutet bản thacircn
Chủ nghĩa khắc kỷ hướng đến trạng thái không bị nhiễu loạn, thay vào đó là chủ động kiểm soát bản thân.

2. Chủ nghĩa khắc kỷ khiến con người khắt khe và lạnh lùng

Hiểu lầm này xảy ra vì chủ nghĩa khắc kỷ nhấn mạnh vào việc thực hành và kiểm soát bản thân, né tránh những cảm xúc không cần thiết. Tuy nhiên, thứ mà những người khắc kỷ hướng đến là sự điều độ. Không phải vì họ không tin vào khoái lạc, mà vì điều độ giúp những niềm khoái lạc được tự nhiên và lâu dài hơn.

Seneca cũng từng khuyên trong "On Anger": “Nếu như ta sống một cách khô khan, lạnh lùng, chán nản thì ta sẽ tránh được hiểm họa từ những cơn giận; nhưng ta sẽ bị cuốn vào những sai lầm mệt mỏi khác — đó là nỗi sợ hãi, chán chường, thất chí và đa nghi. Những người như vậy cần đến niềm vui để được cổ vũ, bao dung và vực dậy tinh thần.”

Những người khắc kỷ cũng chẳng hề lạnh lùng, như trong “Đàm luận” (Discourses), Epictetus cho rằng: “Ta không nên vô cảm như một bức tượng, mà nên quan tâm đến những mối quan hệ của mình bằng cả bản năng lẫn nhận thức, [...]”

Khắc kỷ không đối nghịch với cảm xúc, mà đối nghịch với “cảm xúc tiêu cực", chẳng hạn như giận dữ, căng thẳng, ghen ghét và sợ hãi. Nó khuyên ta hãy chọn một cách nhìn khác, loại bỏ những hành động và cảm xúc không đúng đắn ngay từ đầu, để chúng không đẩy ta đến tình trạng phải khắc khổ kiềm chế về sau.

Khắc kỷ khocircng đối nghịch với cảm xuacutec magrave đối nghịch với cảm xuacutec tiecircu cực
Khắc kỷ không đối nghịch với cảm xúc, mà đối nghịch với cảm xúc tiêu cực.

3. Chủ nghĩa khắc kỷ là ích kỷ

Nhiều người cho rằng người khắc kỷ không muốn dính dáng sự đời, chỉ quan tâm đến bản thân, như vậy là quá ích kỷ và vô tình. Hiểu lầm này tương tự như hiểu lầm đầu tiên.

Có thể ban đầu người ta tìm đến chủ nghĩa này với một động cơ ích kỷ, nhưng nếu vẫn giữ thái độ đó thì họ không thể trở thành một người khắc kỷ. Chủ nghĩa khắc kỷ đề cao việc thực hành đức hạnh (virtues), và không vị kỷ là một yếu tố chủ chốt. Theo lẽ đó, không màng đến nỗi khổ đau hay bất công của người đời không phải là một điều đức hạnh.

Trong “Sự kiên định của người sáng suốt” (On the firmness of the wise man), Seneca cho rằng những người sáng suốt vẫn nhận thức được nỗi đau và mất mát cả về tinh thần lẫn thể xác, dù vậy nguyên tắc của họ vẫn không bị lay chuyển. Có như vậy, họ mới có thể thực hành đức hạnh.

Người khắc kỷ nhìn nhận sự bình yên là khi bạn không để mình bị ngấu nghiến bởi những cảm xúc gây ra bởi sự xấu tính của những người tồi tệ. Bình yên không phải là thứ luyện tập mà thành, nó được sinh ra vì bạn học hỏi và cải tiến bản thân để bao dung và yêu thương nhiều người hơn nữa.

Vì vậy, người thực hành khắc kỷ thực sự quan tâm đến xã hội, đến công bằng, đến nỗi đau của mọi người, chứ không phải chỉ tập trung vào bản thân họ như nhiều người tưởng.

Người thực hagravenh khắc kỷ khocircng chỉ tập trung vagraveo bản thacircn magrave họ hướng đến bigravenh yecircn vagrave đức hạnh
Người thực hành khắc kỷ không chỉ tập trung vào bản thân, mà họ hướng đến bình yên và đức hạnh.

4. Chủ nghĩa khắc kỷ là một tôn giáo

Nếu như "tôn giáo" đối với bạn là những buổi lễ cầu nguyện, thờ cúng, nghi thức, đền miếu, giới luật,... thì chủ nghĩa khắc kỷ không phải là một tôn giáo. Triết gia Edward Caird gọi chủ nghĩa khắc kỷ là một triết học mang tính tôn giáo.

Nói đúng hơn, chủ nghĩa khắc kỷ hoà hợp với những điều răn tốt đẹp trong nhiều tôn giáo, vì nó hướng tới việc rèn luyện về mặt tinh thần. Nhưng chủ nghĩa khắc kỷ không đòi hỏi bạn phải thay đổi nếp sống, công việc hàng ngày để cống hiến cho nó, cũng không có những giới luật nghi lễ nào yêu cầu bạn phải tuân theo.

Điều duy nhất bạn cần làm là áp dụng và rèn luyện thường xuyên. Nếu bạn cảm thấy chủ nghĩa khắc kỷ phù hợp với mình thì tiếp tục làm theo, còn không, bạn tự do dừng lại bất cứ lúc nào.

5. Chủ nghĩa khắc kỷ là một bản hướng dẫn cuộc đời

Chủ nghĩa khắc kỷ không phải là một bộ bí quyết cho cuộc sống của bạn, không bảo bạn được và không được làm gì. Tất cả những gì chủ nghĩa khắc kỷ có thể đưa cho bạn là một hệ thống tư tưởng, và bạn có thể chọn ra những tư tưởng phù hợp để áp dụng. Bạn cũng cần đánh giá phương pháp và mục tiêu đặt ra khi thực hành khắc kỷ.

Chủ nghĩa này cũng không phải là mánh khóe giúp bạn đạt được bất cứ điều gì (như sự giàu sang, tham vọng cá nhân,...). Ngược lại, thực hành khắc kỷ giúp bạn phân biệt những gì mình có thể và không thể kiểm soát. Tư tưởng đó quyết định thái độ của bạn trước những vấn đề khác nhau, bao gồm những khủng hoảng và mất mát khi không đạt được điều mình muốn.

Kết

Trên đây là một số hiểu lầm thường thấy về chủ nghĩa khắc kỷ. Có thể thấy những hiểu lầm này chia ra làm hai thái cực rõ rệt: hoặc bị nhìn nhận quá tiêu cực, hoặc được tôn sùng thái quá. Lời khuyên cuối cùng là hãy tiếp cận chủ nghĩa khắc kỷ bằng một tâm hồn thoải mái và một cái đầu tỉnh táo.

Còn bạn, bạn nghĩ về chủ nghĩa khắc kỷ như thế nào?