5 Thuật ngữ để có góc nhìn đa chiều về khủng hoảng di cư | Vietcetera
Billboard banner

5 Thuật ngữ để có góc nhìn đa chiều về khủng hoảng di cư

Di cư - Giấc mơ đổi đời hay lối thoát duy nhất còn lại?
5 Thuật ngữ để có góc nhìn đa chiều về khủng hoảng di cư

Nguồn: Mother Jones

Hàng trăm con người chen chúc nhau trên những chiếc thuyền lênh đênh giữa biển, hay trong các đoàn tàu chật ních, mong ngóng về cuộc sống hạnh phúc hơn cho gia đình ở một vùng đất xa lạ là hình ảnh xuất hiện phổ biến trên truyền thông dưới tên gọi “cuộc khủng hoảng di cư.”

Đứng trước hình ảnh ấy, chúng ta tự hỏi điều gì khiến cho một người sẵn sàng từ bỏ quê hương và phiêu bạt ở đất khách quê người không biết ngày trở về? Liệu có phải chỉ bởi vì họ ham giàu, hay thiếu hiểu biết, và trở thành nạn nhân của chính giấc mơ đổi đời?

httpsvietceteracomuploadsimages03jul2022image1170x530croppedjpeg
Hàng trăm người di cư trên một chiếc thuyền đánh cá, được cứu nạn bởi Hải quân Italia năm 2014 | Nguồn:
The Italian Coastguard/Massimo Sestini

Các làn sóng di cư vừa có thể xuất phát từ nhu cầu cá nhân, vừa là hệ quả của vô vàn các yếu tố xuất phát từ môi trường kinh tế-văn hóa-xã hội đan xen phức tạp. Cùng Vietcetera tìm hiểu 5 từ tiếng Anh để có được góc nhìn đa chiều về tình trạng di cư trên thế giới.

1. Globalization

Globalization, hay toàn cầu hóa, là quá trình tương tác và tích hợp giữa các cá nhân, các công ty và các chính phủ trên toàn thế giới. Quá trình toàn cầu hóa thị trường lao động là yếu tố cốt lõi thúc đẩy các phong trào di cư quốc tế.

Theo hệ thống lý thuyết World Systems, tình trạng di cư là kết quả tự nhiên và không thể tránh khỏi trong quá trình các quốc gia phát triển mở rộng thị trường, mở ra các dòng hàng hóa, dịch vụ ra khắp các nước trên thế giới.

Quá trình toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy người lao động tìm đến các thị trường tiềm năng, với thu nhập cao hơn. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng trung bình 8%/năm; mỗi năm có khoảng 130 nghìn người lao động ra nước ngoài làm việc.

httpsvietceteracomuploadsimages03jul2022syrianrefugeescamppng
Những người Syria tị nạn | Nguồn: UNHCR, Jordi Matas

Vẫn là nhu cầu “ra nước ngoài kiếm tiền” ấy, với nhiều người lại là hành trình nguy hiểm với cái chết luôn rình rập. Không có đủ chi phí hay năng lực để xuất khẩu lao động hay du học, họ buộc phải “đi chui” bằng cách vượt biên trái phép. Chính điều này đã gây ra thảm kịch Essex ở Anh, hay gần nhất là những suy đoán xoay quanh vụ việc phát hiện thi thể trong container ở Texas.

Đồng thời, chính quá trình toàn cầu hóa cũng đang làm nới rộng khoảng cách giàu-nghèo giữa các quốc gia trên thế giới. Trong khi các nước phát triển ở Bắc Mỹ và Tây Âu tiếp tục giàu có thì các nước ở Trung Đông hay Châu Phi lại lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, chiến tranh và đại dịch.

Sự phân hóa trầm trọng này kéo theo các làn sóng di cư đổ dồn về các nước phát triển. Hàng trăm ngàn người sẵn sàng bất chấp nguy hiểm tính mạng để vượt Địa Trung Hải tiến vào Châu Âu. Đối với những người di cư này, họ đã bị buộc phải đưa vào “đường cùng,” nơi mạo hiểm tính mạng bản thân dường như là con đường duy nhất.

2. Economic inequality

Economic inequality, hay bất bình đẳng kinh tế, là tình trạng chênh lệch giữa các cá nhân, hội nhóm hay các quốc gia trong việc phân phối tài sản, sự giàu có và thu nhập. Tình trạng bất bình đẳng khiến nhiều người mắc kẹt trong nghèo đói kéo dài, cũng như không có cơ hội leo lên các nấc thang cao hơn trong xã hội.

Tình trạng phân hóa giàu-nghèo ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các nước kém phát triển được coi là nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng di cư.

Economic inequality trước hết thúc đẩy các cuộc di cư trong phạm vi quốc gia. Những người lao động di chuyển từ nông thôn lên thành thị, nhằm tìm kiếm các công việc và gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, do tình trạng bất bình đẳng xảy ra với nền kinh tế của cả quốc gia, nên dẫn tới các làn sóng di cư quốc tế.

Theo báo cáo của tổ chức Ngân hàng thế giới, các cuộc di cư quốc tế chính là biểu tượng mạnh mẽ cho tình trạng bất bình đẳng toàn cầu, liên quan đến tiền lương, cơ hội thị trường lao động hay chất lượng cuộc sống. Mỗi năm, hàng triệu người lao động mang theo gia đình di chuyển xuyên biên giới, nhằm tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa họ và những người dân ở các quốc gia giàu có hơn.

3. Living condition

Living condition là điều kiện sống, xoay quanh các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một cá nhân, bao gồm dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường làm việc và chất lượng thực phẩm, nước uống. Nếu như điều kiện sống tại một khu vực không được đảm bảo, các cá nhân sẽ có xu hướng di chuyển đến nơi khác để cải thiện chất lượng sống của họ.

Theo The Conversation, một trong những lý do chính khiến những người Afghanistan, Iran hay Iraq di cư đến Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến điều kiện sống tại quê nhà. Tại Hy Lạp, 58% người tị nạn cho họ phải trải qua điều kiện sống rất tồi tệ. Chính vì vậy, ngay khi tìm kiếm được các công việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, họ ít có xu hướng muốn tiếp tục di cư.

httpsvietceteracomuploadsimages03jul2022shutterstock233311912jpeg
Trại tị nạn tại Somalia | Nguồn: Sadik Gulec

Điều kiện sống thấp kém song hành với sự yếu kém về điều kiện y tế và giáo dục. Con cái của các gia đình di cư không được học hành, cũng như không được hưởng các chính sách chăm sóc y tế cần thiết. Vì vậy, những làn sóng di cư thường hướng đến các khu vực với điều kiện sống tốt hơn. Những người di cư thường tìm cách ở lại những môi trường với các dịch vụ y tế đầy đủ hơn, hoặc tiếp cận với nền giáo dục phát triển.

4. Social stability

Social stability thể hiện mức độ ổn định của xã hội và các thể chế chính trị. Một trong những điều kiện tiên quyết để giữ gìn ổn định xã hội là một môi trường hòa hợp, trong đó mọi cá nhân có thể sống và phát triển cùng với nhau trong hòa bình. Các yếu tố gây ảnh hưởng đến social stability như xung đột, chiến tranh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc khủng hoảng di cư trong thời đại ngày nay.

Cho đến thế kỷ XX, khi những cuộc chiến tranh thế giới và khu vực diễn ra với mật độ dày đặc về số lượng và ác liệt về cường độ thì dòng người tị nạn đã tăng đột biến. Theo báo cáo của Cao ủy LHQ về người tị nạn, cho đến cuối năm 2021, tổng số người trên toàn thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực, lo sợ bị ngược đãi đã lên đến con số 89,3 triệu người.

Khi đại dịch COVID-19 làm suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu, các cuộc chiến tranh, xung đột vẫn tiếp diễn, nhiều người dân phải bỏ quê hương để tránh nạn. Các cuộc khủng hoảng kéo dài tại Afghanistan, Syria, Yemen đẩy những người dân mắc kẹt hoặc bỏ mạng trên con đường di cư.

Gần đây nhất, xung đột Nga-Ukraine đã dẫn tới một làn sóng di cư lớn nhất khu vực châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai. Theo đó, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng, 3 triệu người dân Ukraine đã phải rời bỏ đất nước để di chuyển để các quốc gia lân cận.

5. Natural disaster

Natural disaster, hay thiên tai, là các sự kiện đột ngột và nguy hiểm trong tự nhiên như bão, lốc xoáy, động đất, sóng thần. Các thảm họa tự nhiên thường dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai và các cuộc di cư có một mối liên hệ chặt chẽ.

Theo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), chỉ trong vòng 6 tháng (9/2020 - 2/2021) đã có khoảng 10,3 triệu người phải bỏ quê hương do các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, chủ yếu xảy ra ở các nước châu Á.

Sự biến động của môi trường kéo theo các ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế. Các trận thiên tai, lũ lụt kéo dài có thể gây ra tình trạng đói nghèo, lạc hậu của cả một khu vực. Đồng thời, các vấn đề như xói mòn đất đai, ô nhiễm nguồn nước, nước biển dâng có thể buộc nhiều người phải “bỏ nhà” vĩnh viễn.

httpsvietceteracomuploadsimages03jul2022image1170x530cropped1656869478546jpeg
Người Rohingya tị nạn ở Cox’s Bazar, Bangladesh, trải qua trận lũ cuối năm 2017 | Nguồn: UNICEF/Brown

Theo Helen Brunt - điều phối viên Di cư của IFRC, "Mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các yếu tố hiện có như đói nghèo, xung đột và bất ổn chính trị. Tác động tổng hợp này khiến cho việc phục hồi lâu hơn và khó khăn hơn: mọi người hầu như không có thời gian để phục hồi và họ lại phải hứng chịu một thảm họa khác.”

Khi đứng trước những tác động nặng nề từ thảm họa tự nhiên, kéo theo chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng, các phong trào di cư, rời bỏ quê hương để tìm kiếm các vùng đất khác là điều không thể tránh khỏi.

Kết luận

Các phong trào di cư vốn đã diễn ra trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của con người. Đây là kết quả của sự tương tác giữa vô vàn các yếu tố, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội đan cài phức tạp. Giải pháp cho các vấn đề xoay quanh vẫn là một dấu hỏi lớn.

Tất cả những vấn đề như bất bình đẳng, điều kiện sống thấp, xung đột và chiến tranh đang tạo ra một vòng lặp nguyên nhân-kết quả với các cuộc khủng hoảng di cư trên toàn thế giới.

Chúng ta sẽ cần một cái nhìn đa chiều hơn cho những người di cư. Nhiều người trong số họ chỉ là nạn nhân của tình trạng bất bình đẳng, các cuộc chiến tranh hay thảm họa tự nhiên. Rất có thể, đằng sau một quyết định có phần liều lĩnh và nhiều khổ đau, là hệ quả của một cuộc sống không lối thoát.