Chiến tranh: Kẻ yếu ra mặt trận vì lợi ích của kẻ mạnh | Vietcetera
Billboard banner

Chiến tranh: Kẻ yếu ra mặt trận vì lợi ích của kẻ mạnh

Chúng ta hãy đừng ngây thơ nghĩ “thiện” và “ác” có thể được phân định rõ ràng trong chiến tranh. Chỉ có kẻ yếu chết vì lợi ích và quyền lực của kẻ mạnh.
Chiến tranh: Kẻ yếu ra mặt trận vì lợi ích của kẻ mạnh

Xung đột Nga-Ukraine không phải cuộc chiến đầu tiên của thế kỷ 21. | Nguồn: Getty Images.

Trong chiến tranh không có thiên thần và ác quỷ

Xung đột Nga - Ukraine không phải cuộc chiến đầu tiên của thế kỷ 21. Nga xâm lược Ukraine không khiến Mỹ và các nước đồng minh phương Tây trở thành thiên thần.

Tương tự, Mỹ xâm lược Iraq không khiến Nga, Trung Quốc, Iran và các thế lực đối lập trở thành anh hùng.

Và không phải chỉ có cường quốc mới gây tội ác lên các quốc gia yếu hơn mình. Khi tên lửa Nga bay trên đầu người dân Ukraine, thì quân đội Israel cũng bắn tên lửa xuống Syria và máy bay Mỹ không kích Somalia. Những sự kiện trên xảy ra trong cùng một khoảng 24 giờ.

Và chúng ta cũng không nên nhìn chiến trận như sự đối đầu giữa các quốc gia và lý tưởng. Những con người bằng xương bằng thịt đã bị giết chết ngoài mặt trận vì lòng tham của những kẻ thèm khát dầu mỏ, đất hiếm và quyền lực đang ngồi trong phòng ốc hoặc boong-ke chống đạn.

Những người dân yêu chuộng hoà bình ở Mỹ, Nga và nhiều nơi trên thế giới vẫn liên tục căm phẫn quyết định quân sự của lãnh đạo nước họ. Và khác với hình ảnh truyền thông phương Tây hay dựng lên về khủng bố và đói nghèo, ở Trung Đông và các quốc gia Châu Phi, người dân cũng ghét chiến tranh.

Với đầu óc tỉnh táo, tầng lớp bình dân trên toàn bộ thế giới này nói không với chiến tranh. Không ai tự hào khi ra siêu thị mua mớ rau và chết vì bị đạn lạc, và cũng chẳng ai hả hê trước cái chết của những người bất đắc dĩ bị đẩy ra chiến trường mà truyền thông “phe ta” liên tục gọi là “giặc”.

Nòng súng chỉ đứng về cái thiện khi nó tự vệ, chứ không xâm lược.

alt
Một phụ nữ bị thương sau khi một cuộc không kích làm hư hại một khu chung cư ở thành phố Chuhuiv, Kharkiv Oblast, Ukraine vào sáng 24/02. | Nguồn: Wolfgang Schwan cho Getty Images.

Chiến tranh tàn khốc hơn khi công chúng không biết về sự tàn khốc của nó

Tiếp tay cho sự tàn khốc của cuộc nồi da nấu thịt là sự dửng dưng của người ngoài cuộc. Nhưng điều đó không phải do công chúng thờ ơ trước sinh mạng của đồng loại. Đôi lúc truyền thông cố tình đánh lạc hướng, để chúng ta cảm thấy cuộc chiến ở xa mình hơn.

Đặc biệt, đối với những bên tham chiến, họ thường vẽ mình như thần thánh, và vẽ phe đối lập như ác quỷ. Còn công chúng như ta cuốn vào trận mây mưa thật-giả này. Nhưng logic của chiến tranh không rạch ròi phe cánh như vậy.

Television war

Với sự phát triển của công nghệ vô tuyến, cuộc chiến khốc liệt ở một nơi được phát trên màn hình của tầng lớp trung lưu phía bên kia địa cầu.

Khán giả Mỹ từng bị lôi kéo vào cuộc chiến qua những thông điệp yêu nước. Người trẻ đăng ký vào quân ngũ và được gửi thẳng đến cái chết.

Để rồi chính chiếc TV cũng đưa đến công chúng hình ảnh man rợ của chiến tranh, để công chúng Mỹ nhận ra chính quyền của họ không hề đứng về phe thiện.

Các phong trào phản chiến nổ ra trên đường phố cũng nhờ hiệu quả của đài báo. Công nghệ vô tuyến góp phần khơi mào cuộc chiến và cũng góp phần kết thúc cuộc chiến qua những thước ảnh như “cô gái Napalm” của Nick Út.

Cuộc chiến mạng (cyberwar)

Tới cuối thế kỷ 20, với sự phát triển của công nghệ mạng lưới và điều khiển từ xa, cuộc chiến tranh của người Mỹ ở vùng vịnh không còn đổ máu đối với công chúng.

Trong tác phẩm The Gulf War Did Not Take Place, triết gia Jean Baudrillard chỉ ra rằng thay vì nhìn thấy xác người, truyền thông chỉ cho công chúng thấy những con số.

“Quân ta” được ký hiệu bằng điểm xanh còn “quân địch” được ký hiệu bằng điểm đỏ. Mỗi người ngã xuống thì một chấm ký hiệu biến mất. Thiệt hại của chiến tranh được biểu thị bằng trạng thái lên xuống của thị trường chứng khoán…

Cỗ máy chiến tranh hùng mạnh nhất thế giới dường như đã nhận ra rằng truyền thông có thể khiến họ bị phản pháo. Nên họ đã “xoá” cái chết và sự tàn nhẫn của chiến tranh khỏi con mắt khán giả. Cái chết đã “chết” và người ta không còn sợ chiến tranh nữa.

Cuộc chiến meme (meme war)

Ngày nay, trong sự trói buộc của mạng xã hội, sự tàn khốc của chiến tranh bị thay thế bằng meme - những tấm ảnh hài hước.

Người trẻ chia phe trên mạng, chơi game nhập vai xem quân lực Nga hay Ukraine mạnh hơn, xem nên cuồng Putin hay Biden. Có người còn độc mồm độc miệng mong vũ khí hạt nhân được sử dụng.

Viễn cảnh đổ máu đã bị làm mờ đến nỗi sự tước đoạt sinh mạng hàng loạt biến thành trò đùa. Nhưng rất tiếc là người ta vẫn chết bên ngoài kia. Và nếu không thấu hiểu rằng chiến tranh, suy cho cùng, chẳng tốt cho ai cả, thì rồi nó cũng tìm đến bạn.

alt
Viễn cảnh đổ máu đã bị làm mờ đến nỗi sự tước đoạt sinh mạng hàng loạt biến thành trò đùa. | Nguồn: AFP.

Chúng ta đang sống ở thời hậu chiến của mọi cuộc chiến trước đó

Có một phép ẩn dụ về sự hi vọng và tuyệt vọng. Đứa trẻ thường được gắn liền với niềm hi vọng vì nó chưa có quá khứ và tương lai để nó đi tiếp còn quá dài. Còn một người gần đất xa trời chìm trong tuyệt vọng vì họ không đủ thời gian để thực hiện những ước mơ còn dang dở ở phần đời họ đã đi qua.

Tương tự như vậy, thế hệ trẻ khi chưa nếm mùi chiến tranh thì sẽ tràn đầy hi vọng. Họ quên mất rằng mình vẫn sống ở thời hậu chiến của mọi trận đổ máu xảy ra trước khi mình sinh ra. Họ có thể quên mất sang chấn bạo lực ở khắp nơi xung quanh mình.

Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc chiến chống Mỹ dường như là hai sự kiện đủ lớn để được đưa tin liên tục bởi báo chí cho đến tận ngày nay. Hai cuộc chiến đó không thuộc về quá khứ xa đến thế khi nó vẫn còn ám ảnh thế hệ ông bà và bố mẹ tôi.

Tôi hiểu rõ nhất về bi kịch của cuộc chiến qua hình ảnh ông bác tôi, một cựu chiến binh từng phục vụ trong cuộc chiến chống Mỹ, chống Khmer Đỏ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông quá già để nhớ từng sự kiện khi còn tỉnh táo. Nhưng khi chìm vào giấc ngủ, ông lẩm nhẩm tên đồng đội và những mệnh lệnh quân ngũ.

Gen Z mới sống qua số năm tương đối ngắn. Từ thế hệ Z đầu tiên cho đến ngày hôm nay, không có năm nào không có chiến tranh và xung đột nổ ra. Tính từ năm 1996 đến nay, ước tính có khoảng 150 cuộc chiến lớn nhỏ xảy ra trên thế giới.

Thế hệ Z ở Việt Nam thật may mắn khi không có cuộc chiến tranh nào nổ ra trong cuộc đời họ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của mình. Điều đó khiến nhiều người nghĩ bom rơi đạn nổ sẽ chỉ nhẹ nhàng như trong các bộ phim bom tấn hoặc tựa game.

Cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, tôi thấy sợ hãi khi nhiều người trẻ lên mạng chọn phe và hô hào ném bom nguyên tử. Tôi thầm nghĩ, ở ngoài đời thật, các thế lực quân sự chưa bao giờ đánh nhau với người ngoài hành tinh hay King Kong để bảo vệ loài người. Nạn nhân và kẻ thủ ác trong chiến tranh đều là giống loài chúng ta cả.

alt
Khung cảnh tan hoang sau 1 đợt không kích của Nga. | Nguồn: Getty Images.

Kết

Trước chiến tranh, tôi nghĩ chúng ta nên có thái độ sợ hãi. Sợ hãi để khước từ sự tàn bạo nhưng hấp dẫn của nó.

Chủ đề chiến trận lấy đi sinh mạng của con người ngoài mặt trận, và cũng dung dưỡng cái tôi của người ngoài cuộc trên mạng xã hội. Bạn hâm mộ Putin hay cuồng tín tự do phương Tây?

Những điều đó thực sự không quan trọng, vì ý thức hệ bá quyền của những kẻ gây chiến không quan tâm đến bạn. Nó chỉ quan tâm đến quyền lực mà thôi.

Với hi vọng hòa bình, hãy nhớ rằng internet tiền thân từng là mạng lưới toàn cầu để người Mỹ theo dõi cảnh báo tấn công hạt nhân từ Moscow. Nhưng khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, internet đã mang đến bao điều tốt đẹp cho nhân loại.