Trong cuộc sống, có một vài giới hạn mà khi người khác cố tình vượt qua, chúng ta không nên phớt lờ để bảo vệ mình. Thực tế, một người có thể dùng rất nhiều cách để xâm phạm ranh giới của bạn. Những hành vi xâm phạm này thường thấy ở họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là nửa kia, bởi đây là những mối quan hệ có tác động sâu sắc đến bạn.
Vậy những hành vi đó là gì và làm thế nào để nhận ra?
1. Hạ thấp đối phương (Downplaying)
Là khi ai đó cố tình hạ thấp những thành quả của bạn chỉ vì họ không thể chịu đựng việc nhìn thấy bạn hạnh phúc, trong khi họ đang khổ sở. Họ ghen tị với thành công của bạn và cố tình chê bai những nỗ lực của bạn để cảm thấy tốt hơn về mình. Đây là một dấu hiệu của việc thiếu tự tin vào bản thân. Tất cả những gì họ muốn làm là kéo bạn xuống cùng với họ.
Những "câu thoại kinh điển" của hành vi này là:
“Cái đó cũng thường thôi mà, đâu có gì khó đâu.”
“Nó học giỏi do siêng thôi chứ cũng không phải thông minh gì lắm.”
“Chỉ được cái ăn may.”
2. Gaslighting
Thuật ngữ Gaslighting bắt nguồn từ vở kịch/phim cùng tên và được sử dụng rộng rãi vào thập niên 60 như một hành vi lạm dụng nhận thức của nạn nhân. Nạn nhân sẽ bị thuyết phục rằng những gì họ thấy, nghe, nói và cảm nhận chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Một khi rơi vào cái bẫy của kẻ thao túng, họ bắt đầu nghi ngờ thực tế của chính mình và chịu tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.
Gaslighting xảy ra thường xuyên trong những mối quan hệ yêu đương với ví dụ điển hình là việc ngoại tình. Khi nạn nhân cảm nhận được có gì đó không đúng trong mối quan hệ và nói chuyện thẳng thắn, kẻ thao túng không những không thừa nhận mà còn chối bỏ đến cùng, khiến nạn nhân tin rằng những lời tố cáo ấy chỉ là sự ảo tưởng.
Mục tiêu của kẻ thao túng chính là trốn tránh khỏi những hành vi sai lầm của mình. Người ngoại tình thao túng, nói dối một cách có hệ thống và giữ bí mật để không bị phát hiện. Thậm chí khi bị phát hiện, những kẻ này vẫn tiếp tục chồng chất thêm những lời nói dối để thuyết phục nạn nhân rằng họ mới chính là vấn đề.
3. Chỉ trích cá nhân (Personalizing criticism)
Nếu như ai đó liên tục làm bẽ mặt bạn bằng cách liệt kê ra tất cả những điểm yếu của bạn, thậm chí là những lỗi không đáng kể, đó chính là chỉ trích cá nhân. Họ cố tình làm bạn thấy tồi tệ và nhụt chí khi liên tục nhắc lại những sai lầm trong quá khứ của bạn, để rồi dễ dàng thao túng bạn làm bất cứ điều gì mà họ muốn.
Chỉ trích cá nhân rất thường thấy trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Những hành vi độc hại từ bố mẹ (như liên tục chỉ trích những lỗi nhỏ nhặt thay vì đưa ra những lời khuyên mang tính xây dựng) thường rất dễ gây tổn thương lâu dài cho tinh thần con cái.
4. Scapegoating (Con dê gánh tội)
Scapgoating là khi một người, hoặc một nhóm người bị đổ lỗi vô cớ cho hành vi mà họ không phạm phải.
Có thể bạn nghĩ rằng đổ lỗi cho một người vô tội là việc không tưởng, nhưng đối với một số người thì lại rất dễ dàng. Họ không quan tâm đến việc làm tổn thương người khác, miễn là họ thoát khỏi tình huống đó. Những kẻ như thế có thể thuyết phục bạn rằng lỗi của họ chính là của bạn mà không hề cảm thấy áy náy.
Ở chốn công sở, hiện tượng Scapegoating xảy ra khá thường xuyên. Ví dụ, một người làm việc lâu năm và hiểu công việc hơn giao lại dự án mà họ biết sẽ thất bại cho một người mới vào để đùn đẩy trách nhiệm. Sau khi mọi việc diễn ra, nhân viên mới nghiễm nhiên phải nhận lỗi cho những vấn đề mà mình không kiểm soát được.
5. Stonewalling (Bức tường đá)
Stonewalling thường xảy ra khi một cặp đôi đang cãi vã, nguyên nhân có thể đến từ những bất đồng, những lời tố cáo hay những kì vọng không được đáp ứng bởi đối phương. Lúc này, một trong hai người sẽ thu mình lại và từ chối việc giải thích hay làm rõ mong muốn của họ, và trở thành một “bức tường đá” với người kia.
Đối với nhiều người, mở lòng và bộc lộ cảm xúc là một việc khá khó khăn. Tuy nhiên, có những kẻ sẽ lạm dụng điều này để thao túng bạn. Bằng cách tạo dựng một bức tường đá, họ có thể điều khiển cách mà bạn đối xử và nhìn nhận họ. Họ dùng kĩ thuật này khi đang né tránh những câu hỏi của bạn, hoặc để không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Bạn có thể dễ dàng nhận diện những bức tường đá này bằng những lời nói như: “Mệt quá, sao cũng được”, “Anh tin hay không thì tùy”, “Em làm gì căng thẳng quá”,... Theo bác sĩ tâm lí Gottman, tạo dựng bức tường có thể dẫn đến việc chia tay của một cặp đôi, vì những vấn đề trong mối quan hệ không được giải quyết triệt để.
6. Đe dọa (Threatening)
Khi những người không đứng đắn nắm trong tay một quyền lực nhất định, họ thường dùng cách đe dọa để thao túng người khác. Họ điều khiển bạn bằng cách đưa ra tối hậu thư và điều kiện. Thậm chí họ còn cảnh báo bạn rằng nếu không làm theo những gì họ muốn, họ sẽ làm tổn thương bạn. Ví dụ:
A: Anh không được nói chuyện với C nữa.
B: Vì sao?
A: Vì em không thích, C quan trọng hơn em à?
B: Em quan trọng với anh, nhưng C cũng là bạn thân của anh.
A: Nếu vậy thì mình chia tay, anh chọn đi.
Trong trường hợp này, A đã đe dọa B rằng, nếu B còn nói chuyện với bạn của mình (là C) thì A sẽ chia tay B. Trong một mối quan hệ lành mạnh, nếu hai bên tin tưởng và tôn trọng nhau, họ sẽ cho nhau không gian, để người kia có thể gìn giữ những mối quan hệ thân thiết khác với gia đình và bạn bè.
Kết
Bạn không bao giờ nên thỏa hiệp với sự độc hại, dù nó đến từ ai. Trong trường hợp bạn nhận ra những hành vi độc hại này từ những người xung quanh, hãy tách khỏi những người đó để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.