6 Từ tiếng Anh để hiểu hơn về xung đột Nga - Ukraine | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

6 Từ tiếng Anh để hiểu hơn về xung đột Nga - Ukraine

Separatism là gì? Vì sao một cuộc trưng cầu dân ý lại liên quan đến xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine?
6 Từ tiếng Anh để hiểu hơn về xung đột Nga - Ukraine

Dân binh ở Kyiv, Ukraine. | Nguồn: Vnexpress

Ngày 24/2 vừa qua, Nga chính thức mở chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Ukraine sau khi công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk. Điều này vấp phải sự phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Sau 8 năm kể từ sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea (2014), căng thẳng một lần nữa leo thang giữa hai quốc gia này. Chưa biết bao giờ xung đột mới kết thúc, nhưng hậu quả chắc chắn mà người dân cả hai nước phải hứng chịu sẽ là một cuộc khủng hoảng kéo dài trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, tài chính, xã hội và nhân đạo.

Sau đây là 6 từ khóa giúp bạn có một cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến, cũng như những sự kiện xung quanh mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

1. Separatism

Separatism là chủ nghĩa ly khai, chỉ hành động một nhóm người đòi độc lập, tách ra khỏi chính quốc để thành lập một quốc gia riêng. Nhóm người này thường có một yếu tố khác biệt về chủng tộc, văn hóa hoặc tôn giáo so với phần đông dân số của đất nước đó. Chính vì vậy, chủ nghĩa ly khai thường xuất hiện ở những quốc gia có kết cấu dân số đa sắc tộc (không do nhập cư), hoặc trải qua nhiều chế độ chính trị khác nhau.

Có tới hơn 8.3 triệu người dân tộc Nga đang sinh sống ở Ukraine, chiếm 17.3% tổng dân số nước này. Họ tập trung phần lớn ở ba vùng Crimea, Donetsk và Luhansk - cũng là nơi chủ nghĩa ly khai diễn ra mạnh mẽ nhất.

Căng thẳng bắt đầu leo thang từ năm 2014, thời điểm Ukraine xảy ra đảo chính sau khi chính quyền nước này hoãn ký một thỏa thuận hợp tác với liên minh châu Âu (EU). Điều này khiến cựu tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich bị lật đổ, châm ngòi cho phong trào ly khai diễn ra hàng loạt ở các khu vực trên. Họ được Nga hậu thuẫn bằng nhiều hình thức như cung cấp hộ chiếu Nga, khí tài quân sự và hỗ trợ tài chính.

2. Sanction

Sanction là các chế tài, biện pháp trừng phạt được áp dụng lên một quốc gia hoặc cá nhân vì vi phạm pháp luật hoặc một thỏa thuận pháp lý đã ký. Trong ngữ cảnh quan hệ quốc tế, sanction thường được áp dụng trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, tài chính đến văn hóa.

Để phản đối việc Nga đưa quân vào Ukraine, nhiều quốc gia và tổ chức đã áp dụng các chế tài trừng phạt với quốc gia này. Nổi bật nhất là việc một số ngân hàng Nga bị loại bỏ khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Đây là hệ thống hỗ trợ các giao dịch tài chính quốc tế, vì vậy việc bị loại sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong giao thương với các đối tác nước ngoài.

title02mar2022headquarterjpg 02mar2022headquarterjpg
Trụ sở của SWIFT ở La Hulpe, Bỉ. | Nguồn: Glassdoor

Bên cạnh đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kêu gọi tạm thời truất quyền tham dự của các vận động viên Nga và Belarus trong các giải đấu thể thao sắp tới. Điều này diễn ra trong bối cảnh đội tuyển Ukraine không thể đến Bắc Kinh tham gia Thế vận hội khuyết tật (Paralympics) do tình hình chiến sự căng thẳng ở quê nhà.

3. Referendum

Referendum là trưng cầu dân ý. Đây là cuộc bỏ phiếu trực tiếp mà toàn bộ cử tri được yêu cầu chấp nhận hoặc phủ quyết một đề xuất đặc biệt. Trưng cầu dân ý thường diễn ra với các đề xuất quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, kết quả trưng cầu dân ý bị coi là bất hợp pháp. Đây chính là điều đã xảy ra ở khủng hoảng Crimea năm 2014 - một trong những sự kiện châm ngòi mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine. Sau loạt biến cố đảo chính ở Ukraine, chính quyền Nga đã đưa quân vào Crimea hỗ trợ các hoạt động biểu tình chống chính quyền lâm thời thân phương Tây ở Kyiv.

Chính quyền Crimea quyết định tiến hành trưng cầu dân ý, với hai lựa chọn sáp nhập bán đảo vào Liên bang Nga hoặc giữ nguyên nó là một phần của Ukraine. Về mặt hiến pháp, điều này vượt quá thẩm quyền mà chính quyền Kyiv cho phép họ. Nhiều tổ chức và quốc gia khác cũng tuyên bố không công nhận cuộc trưng cầu dân ý này.

4. Annexation

Annexation (sự sáp nhập) chỉ tình trạng lãnh thổ của một quốc gia sáp nhập vào một quốc gia khác, có thể do tình nguyện hoặc bị ép buộc. Theo luật quốc tế, đây được coi là hành vi xâm chiếm lãnh thổ bất hợp pháp, trừ khi được công nhận bởi các tổ chức quốc tế.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, hơn 97% số phiếu ủng hộ bán đảo này sáp nhập vào Nga. Vì vậy, chính quyền Crimea ký kết hiệp ước gia nhập Liên bang Nga bất chấp sự phản đối dữ dội từ Kyiv và cộng đồng quốc tế. Điều này cũng khiến Nga bị loại khỏi nhóm 8 cường quốc kinh tế thế giới (G8) và đối mặt với loạt cấm vận từ phương Tây.

title02mar2022ukrainecrimeareferendum5jpg 02mar2022ukrainecrimeareferendum5jpg
Người dân Crimea diễu hành ủng hộ việc sáp nhập vào Nga năm 2014. | Nguồn: Times.com

Cho đến nay chỉ có 8 quốc gia và 3 nước cộng hòa tự xưng công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea. Tuy vậy, với việc Nga công nhận độc lập cho Donetsk và Luhansk, không loại trừ khả năng một kịch bản Crimea thứ hai sẽ diễn ra ở hai tỉnh bang này.

5. Irredentism

Irredentism là chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ. Đây là các phong trào chính trị với mục tiêu đòi lại hoặc chiếm giữ một vùng đất mà các thành viên coi là lãnh thổ “bị mất” dựa trên lịch sử. Tương tự như chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ thường xảy ra ở những quốc gia hoặc khu vực trải qua nhiều thay đổi về chế độ chính trị.

Bán đảo Crimea từng là một phần của Đế chế Nga, sau đó là nước Nga Xô Viết (RSFSR), trước khi được chuyển giao cho nước Ukraine Xô Viết (URSR) năm 1954. Chính vì vậy, việc Crimea bị sáp nhập vào Nga sau trưng cầu dân ý cũng được coi là ví dụ điển hình của chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ.

Ngoài Crimea, chính quyền Nga bị cho rằng đang tìm cách “lấy lại” nhiều khu vực thuộc chủ quyền quốc gia khác như Donetsk, Luhansk và miền Bắc Kazakhstan. Những nơi này đều từng thuộc Liên Xô cũ và có đông người Nga sinh sống.

6. Casualty

Casualty (số nhiều casualties) thường được dịch ra tiếng Việt là thiệt hại hoặc thương vong. Từ này có hai cách hiểu khác nhau. Military casualties chỉ những người lính tử trận hoặc bị thương nặng, không thể tiếp tục tham chiến. Còn civilian casualties chỉ những người dân thường bị thiệt mạng trong chiến tranh.

Theo số liệu của Ukraine, đã có 352 người dân thiệt mạng (trong đó có 16 trẻ em) cùng hơn 1600 người bị thương kể từ khi xung đột bắt đầu ngày 24/2. Bên cạnh đó, hơn 1.6 triệu người Ukraine phải di tản sang các quốc gia láng giềng tị nạn.

title02mar2022olenakurilo28jpg 02mar2022olenakurilo28jpg
Một giáo viên ở Chuguiv, Ukraine bị thương nặng sau trận pháo kích của quân Nga. | Nguồn: People.com

Phía Nga cũng thừa nhận đã có thiệt hại về người, tuy nhiên không công bố con số cụ thể. Nếu tính từ năm 2014 đến nay, số người thiệt mạng của cả hai nước có thể lên đến hàng nghìn.