9 giờ tối, tôi trở về phòng - căn villa 5 phòng ngủ được thiết kế theo lối nhà ba gian, mở tầm nhìn ra Vườn quốc gia Núi Chúa.
Nhiều thứ rõ ràng đã thay đổi so với lúc tôi rời đi. Chiếc áo khoác hồi chiều vắt vẻo trên ghế được treo lên phẳng phiu. Cái TV quay ra giữa phòng giờ lại hướng vào giường ngủ. Dây sạc điện thoại, dây sạc laptop lủng củng của tôi được cuốn gọn như cái nơ trong những chiếc bao da có cúc bấm. Đó là chưa kể đến một hộp quà nhỏ hấp dẫn đang nằm chờ sẵn trên giường.
Tôi có một hình dung khá rõ ràng rằng trong lúc tôi rời đi, một ai đó đã đứng ở vị trí mà tôi đứng ngay lúc này. Họ nhìn quanh và mất chừng vài phút để nghĩ xem: Mình có thể làm gì để vị khách trong căn phòng này cảm thấy thoải mái hơn?
Một định nghĩa "gần" của sự xa xỉ
"Aman" trong tiếng Phạn có nghĩa là "bình yên". Tập đoàn Aman sở hữu 35 khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở 20 địa điểm khắp thế giới.
Như một thông lệ, họ đặt tên cho những chốn bình yên bằng cách ghép "Aman" với một mỹ từ trong tiếng địa phương. Như Amankora ở Bhutan có từ "kora" trong tiếng Dzongkha nghĩa là đi bộ vòng quanh một chốn thiêng liêng, hay Amantaka ở Lào với từ "taka" trong "tipitaka" - nghĩa là lời dạy của Đức Phật.
Thế còn Amanoi là gì, có lẽ bạn cũng đoán ra rồi đấy. Aman nơi, nơi bình yên. Một từ tiếng Việt bình dị mà đẹp quá nhỉ?
Một chuyên gia trong ngành hospitality từng bàn với tôi về hai cách định nghĩa từ "xa xỉ" trong ngành của anh. Kiểu xa xỉ thứ nhất là cung cách hoàng gia, tức là mọi dịch vụ đều bài bản, nguyên tắc, thực hiện lần thứ 100 vẫn giống hệt như lần đầu tiên. Kiểu xa xỉ thứ hai lại là những chăm sóc gần gũi đầy ý tứ, nồng ấm như người thân trong gia đình.
Amanoi thuộc kiểu thứ hai. Khu nghỉ dưỡng nằm trên vịnh Vĩnh Hy chỉ sở hữu 44 căn villa và residence nhưng có tới 350 nhân viên phụ trách. Tính ra mỗi vị khách ở đây được chăm sóc bởi 6 nhân viên, tỷ lệ nhân viên trên đầu khách cao nhất nhì Việt Nam.
Đáng ngạc nhiên là ở Amanoi không tồn tại nhiều văn bản quy trình hoạt động tiêu chuẩn, các nhân viên và nhà quản lý được khuyến khích quyết định (hoặc sáng tạo) ra cách làm tốt nhất với mỗi vị khách. Nguyên tắc lớn nhất họ tuân theo là: điều gì từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.
Chất gây nghiện
Một vị khách muốn đến nghỉ ở Amanoi sẽ phải hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh và di chuyển 75 phút đến vịnh Vĩnh Hy. Cung đường này không hề ngắn, song nó tồn tại là dụng ý gốc của nhà sáng lập Adrian Zecha. Ông luôn muốn xây nên những chốn nương náu cách xa thành phố, ẩn nấp giữa một quần thể thiên nhiên hoang sơ, như giữa sa mạc Utah hay bao quanh bởi dãy Himalaya hùng tráng.
Amanoi nằm trong vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển UNESCO Núi Chúa. Từ cổng vào hơn 1km là những lối đi không biển tên, không biển chỉ dẫn. Bạn tưởng như đang lạc vào một dinh thự lỗng lẫy, hoặc lạc trong tư dinh của chính mình.
Kiến trúc sư Jean-Michel Gathy đã xây những căn villa, residence khéo léo đến độ dù cùng một tầm nhìn, căn nhà bên này tuyệt nhiên không thể thấy gì từ căn nhà bên kia. Sẽ luôn có một tảng đá tự nhiên hay một nhành cây nghiêng ra che chắn cho gia chủ.
Lối kiến trúc bảo vệ sự riêng tư tuyệt đối dễ dàng tạo ra cảm giác an toàn. Đủ an toàn để ườn mình trong chiếc áo tắm và đọc một cuốn sách cả buổi chiều. Đủ an toàn để tắm vòi hoa sen với cánh cửa mở toang, khi bầu không khí của cánh rừng nguyên sinh ùa vào. Đủ an toàn để nằm đếm những ngôi sao sáng trong một vùng trời không bị ô nhiễm.
Tôi xin cảnh báo bạn, tất cả những trải nghiệm bên trên đều cực kỳ gây nghiện!
Chẳng thế mà có hẳn cái tên cho những vị khách trung thành “nghiện” trải nghiệm ở Aman, đó là Amanjunkies.
Những năm trước đây, khách đến Amanoi Ninh Thuận chủ yếu từ Mỹ và châu Âu, song những năm sau đại dịch, bảng xếp hạng này đổi ngôi đưa khách Việt Nam lên hàng đầu. Nhiều du khách Việt cũng đang nghiện những kết nối với người thân hay với chính bản thân mình trong khoảng lặng bình yên của một chuyến nghỉ dưỡng.
Quà lưu niệm
Tặng quà là tục lệ tồn tại từ những buổi đầu của nền văn minh nhân loại. Ai cũng thích nhận quà, nhưng tôi dám cá với bạn, chẳng ai sành sỏi việc tặng và gói ghém những món quà như các thương hiệu xa xỉ.
Lấy ví dụ một buổi sáng ở Amanoi, tôi được mời tham gia buổi leo núi ngay trong khuôn viên resort. Chuyến trekking kéo dài 15 phút là lần leo núi hiếm hoi của một người lười vận động.
Chúng tôi khởi hành lúc 5:30, đi qua một đoạn rừng, một bãi đá với cây chành rành và các loại cây lá dày đặc trưng của địa hình bán sa mạc. Tới đúng 5:45, cả đoàn đã nhận được món quà là một cảnh huy hoàng trên đỉnh Goga, khi mặt trời mọc phủ một màu đồng lên vịnh Vĩnh Hy xanh tươi.
Cảnh bình minh đó là món quà lưu niệm tôi có thể lấy ra bất kỳ lúc nào trong bộ nhớ của mình. Nó khiến tôi khâm phục “người tặng quà” đã kỳ công gói ghém một trải nghiệm trekking vừa đủ thoải mái, vừa đủ thỏa mãn như thế.
Lên rừng rồi xuống biển, bữa tối trên bờ biển Vĩnh Hy cũng là một ký ức đắt giá cạnh tranh với cảnh bình minh trên đỉnh Goga. Đầu bếp chiêu đãi chúng tôi một bữa tiệc fine dining lấy cảm hứng từ ẩm thực Chăm, hải sản và rau củ tươi được chế biến rất đậm đà. Tiếng sóng biển, tiếng lửa cháy tí tách lại là thứ gia vị khó tìm trong những bữa tiệc ẩm thực khác.
Tôi kết thúc bữa ăn đầy lưu luyến, nhặt một mảnh san hô như món quà lưu niệm mang về Sài Gòn. Giờ thì mảnh san hô nằm trong phòng tắm nhà tôi, nó thường xuyên nhắc nhớ về những buổi sáng thư thả nhìn xuống vịnh Vĩnh Hy hay tắm mình trong Vườn quốc gia Núi Chúa.
Nhiều món lưu niệm khác tôi cũng mang về từ Amanoi, hầu hết trong số chúng vô hình. Nhưng thật kỳ thú khi những món quà có thể lưu giữ ý niệm về cuộc sống, về sự bình yên, tĩnh tại vô hình mà lưu lại rất lâu trong ký ức.