Ăn cắp chất xám, từ chợ trời đến sàn NFT | Vietcetera
Billboard banner

Ăn cắp chất xám, từ chợ trời đến sàn NFT

Nếu sản phẩm sáng tạo là "chùm nho" thì ở đâu, thời kỳ nào cũng có những "con cáo" đang rình mò, nhòm ngó chiếm đoạt.
Ăn cắp chất xám, từ chợ trời đến sàn NFT

NFT có "béo" chắc gì "cỗ lòng" đã ngon?

Gần đây, tôi có cơ hội trò chuyện với họa sĩ minh họa (Illustrator) Nhanmanip cho series Nhìn Phát Yêu Luôn của Vietcetera. Anh chia sẻ, hội họa mang đến nhiều niềm vui, chỉ duy nhất một nỗi buồn, việc bị ăn cắp chất xám. "Nếu tranh của tôi bị in trái phép, in bán sỉ, làm ốp điện thoại, áo thun treo đầy ngoài chợ… khi đó, tôi sẽ hết vui."

Chưa đầy 1 tháng sau cuộc trò chuyện này, tôi gặp một họa sĩ trẻ khác nhưng lần này liên quan trực tiếp đến chuyện ăn cắp chất xám. Tèo Phạm, một họa sĩ trẻ làm việc tại TP.HCM bị một người lạ download tác phẩm từ facebook cá nhân, sau đó giao dịch trên sàn NFT (non-fungible token) với khoản tiền gần 1000 USD.

Từ lâu, người làm sáng tạo xem việc bị ăn cắp chất xám là... sống chung với lũ. Sản phẩm của họ bị người khác nhận vơ, đạo nhái; thậm chí, bị kinh doanh trái phép theo nhiều hình thức khác nhau. Ngày xưa là chợ trời, giờ đây là sàn NFT trên blockchain (chuỗi khối).

Ăn cắp chất xám trên sàn NFT như thế nào?

Sau khi phát hiện sự việc, Tèo Phạm muốn xóa (burn) NFT tác phẩm của mình đã bị người khác ăn cắp. "Nếu không xóa được mã NFT tác phẩm, tôi sẽ có một thỏa thuận khác về quyền lợi xung quanh với người đã giả danh bán NFT từ tác phẩm của mình", anh nói.

Chính Tèo Phạm cũng khá bất ngờ về giá trị bức tranh NFT của anh lại lớn đến như vậy. Tuy nhiên, họa sĩ trẻ chưa có ý định đưa tác phẩm lên sàn NFT. Anh cũng chia sẻ, từ nay anh sẽ chỉ đăng tải một phần tác phẩm hoặc chụp ảnh cùng tác phẩm trước khi đăng tải lên MXH, "để tránh bị ai đó ăn cắp bán trên sàn NFT."

Họa sĩ trẻ Tèo Phạm.

Tất nhiên, Tèo Phạm không phải là họa sĩ duy nhất (tại Việt Nam và trên thế giới) bị ăn cắp tác phẩm và bán dưới dạng NFT.

Vậy, làm sao để bán được NFT trên blockchain?

Để có thể thêm 1 NFT vào blockchain, NFT đó phải được người tải lên "ký kết" trong quá trình được gọi là "đúc tiền". Hiểu một cách đơn giản, nó tương tự như chữ ký của một họa sĩ trên bức tranh của họ. Tính năng này nhằm liên kết NFT với người tạo ra nó.

Tất nhiên, danh tính của những chủ sở hữu tác phẩm có thể bị làm giả. Và điều này không hề hiếm gặp trên nền tảng NFT.

Nhiều nghệ sĩ quốc tế đã lên tiếng về việc tác phẩm của họ bị đánh cắp và bán ở dạng NFT mà không được sự đồng ý. Điều này rõ ràng là vi phạm bản quyền trong thị trường nghệ thuật truyền thống.

Họa sĩ Xèo Chu từng bán tranh NFT "Hoa mai may mắn" với trị giá 22,899 USD (527 triệu đồng).

Trong thời đại bùng nổ NFT, một dòng tweet cũng có thể trở thành NFT siêu lợi nhuận, với nghệ sĩ bị đánh cắp tác phẩm để đi đêm trên blockchain là không hề khó hiểu.

Chính vì thế, story bạn vừa đăng trên Facebook, bức ảnh bạn vừa tải lên Instagram hay 1 video TikTok hay ho bạn vừa cho ra lò... đều có thể bị một ai đó lợi dụng và giao dịch dưới dạng NFT và kiếm tiền bất chính.

Bản quyền NFT là không bản quyền?

Đối với những người làm sáng tạo ngày nay, việc đưa các sản phẩm lên blockchain dưới định dạng NFT đang là xu hướng. Thậm chí có người cho rằng hoạt động này là an toàn, có thể kiểm chứng để bán tác phẩm nghệ thuật (trực tuyến hoặc trực tiếp.)

Tuy nhiên mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. So với vấn đề ăn cắp chất xám (như trường hợp của họa sĩ Tèo Phạm kể trên) thì chuyện bản quyền NFT lại rối rắm và phức tạp hơn nhiều.

Trên thực tế, NFT chỉ là các mã thông báo đại diện cho một tài sản, hoàn toàn tách biệt với chính tài sản đó. Vì tính duy nhất của nó, nhiều người hiểu nhầm hoặc cố tình đánh đồng hình thức sở hữu độc quyền này là quyền sử hữu bản thân tài sản, ở đây là tác phẩm nghệ thuật.

"Everydays: The First 5000 days" - tác phẩm NFT đắt nhất mọi thời đại với giá 69,3 triệu USD của nghệ sĩ Beeple.

Trang Techcrunch nhận định, "NFTs không hề có bản quyền", khi nói về câu chuyện bản quyền NFT.

Thông thường, khi tác phẩm nghệ thuật được tạo và bán đấu giá trên thị trường NFT, bản quyền sẽ thuộc về nghệ sĩ sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên, hầu hết NFT tồn tại không bị ràng buộc bởi các hệ thống quy định pháp lý hiện tại.

Việc trao đổi bản quyền NFT gần như không thể thực hiện được trên các nền tảng hiện tại. Vì không có các thông số pháp lý, việc gian lận xảy ra là không thể tránh khỏi.

Cho đến nay, chưa có nền tảng NFT nào thực sự tuân thủ về bản quyền tác phẩm nghệ thuật. Blockchain và crypto (liên quan mật thiết đến NFT) vẫn chưa được các quốc gia công nhận. Tính đến tháng 6/2021, El Salvador là nước đầu tiên coi đồng tiền số bitcoin (1 loại tiền ảo) là đồng tiền hợp pháp.

Nguồn: John M Lund Photography Inc/Getty Images

Tại Việt Nam, một nền tảng giao dịch tranh NFT đã thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo quyền lợi cho người mua. Nền tảng này bắt buộc người bán phải mang tác phẩm thực tế đến để lưu trữ sau khi tạo phiên bản NFT. Trên thực tế, Việt Nam chưa có khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Viễn cảnh tốt đẹp hơn cho người sáng tạo

Nhân câu chuyện của Tèo Phạm, tôi đã đi tìm thêm câu trả lời từ những người bạn, vốn là những họa sĩ minh họa và họa sĩ truyện tranh digital về nguy cơ bị ăn cắp tác phẩm và bản quyền trên NFT.

Huỳnh Thái Ngọc, cha đẻ của Thỏ Bảy Màu chia sẻ, đã thử đưa tác phẩm của mình lên sàn NFT. Anh đưa tất cả 3 tác phẩm bao gồm Đi chơi, Tiên cá thỏ và Work from home lên nền tảng này. Cho đến lúc tôi hỏi, Ngọc vẫn không hề để ý đến giá bán hay tình trạng NFT tác phẩm của mình như thế nào.

Tranh NFT Thỏ Bảy Mảu trên một sàn NFT.

Hiện tại các tác phẩm của anh có giá quy đổi ra từ 6.009 đồng và 9,9 triệu đồng. Ngọc nói với tôi, cậu không tìm hiểu nhiều về NFT. Việc cậu ấy đưa tranh lên sàn NFT thông qua một lời mời của anh bạn. "Em trưng chơi cho vui thôi. Ai dư tiền thì mua", Ngọc nói với tôi.

Trái ngược với chia sẻ của Huỳnh Thái Ngọc, họa sĩ Thăng Fly (Bùi Đình Thăng) lại có cái nhìn tích cực và rộng mở hơn về tương lai của NFT đối với nghệ sĩ, đặc biệt là họa sĩ minh họa online.

Theo Thăng Fly, ở thị trường tranh truyền thống (hội họa giá vẽ), nghệ sĩ bán tranh kèm theo giấy chứng nhận tác phẩm (nếu có). Chuỗi mã NFT cũng giống như tờ giấy chứng nhận đó vậy. Từ khi có digital artwork, việc mua bán này diễn ra dựa trên file, với niềm tin và được pháp luật bảo vệ một phần nào đó. Vì thế, với tác phẩm là digital artwork sẽ rất phù hợp với NFT.

Nếu bán cả tranh vật lý kèm NFT thì sẽ tốt cho nghệ sĩ. Dù tranh NFT qua tay bao nhiêu người sở hữu, họa sĩ vẫn nhận được % lợi nhuận. Chuỗi NFT là token không thể thay thế, nên việc chứng nhận tranh thật khi họa sĩ qua đời hay quy ẩn sẽ dễ dàng hơn.

Những người mua sản phẩm NFT hiện tại đều là những nhà sưu tầm (collector) mới so với thị trường truyền thống nên các kỹ năng giám định, xem xét thật giả chưa thực sự công phu và bài bản.

Họa sĩ Thăng Fly. | Nguồn: Bùi Đình Thăng.

Vì thế, rủi ro là họ bị họa sĩ thật của bức tranh phát hiện và báo cáo vi phạm lên sàn NFT bán tranh. Nếu như người ăn cắp tranh bán NFT biến mất, người mua sẽ gặp phiền toái hay thậm chí mất tài sản.

NFT vẫn còn gây tranh cãi là nghệ thuật hay mánh lới đầu cơ, kinh doanh kiếm tiền. Bất kỳ ai cũng có thể mua NFT và giá cả của tác phẩm được công khai, khác với những phòng trưng bày truyền thống vốn giữ kín giá. Và vấn đề ở thời điểm hiện tại là, nhiều người tạo NFT hơn là mua chúng.

Tuy nhiên, dưới góc độ của một họa sĩ và đang bán tác phẩm NFT của mình, Thăng Fly nhận định: “Nếu NFT thực sự là tương lai như người ta nói thì chẳng phải các nghệ sĩ cũng sẽ có lợi rất lớn.”

Hiểu được những vấn đề (cả về pháp lý) của NFT là bước đầu tiên để khai phá tiềm năng của nó.