Họa sĩ Việt bán tranh NFT được nửa tỷ đồng! | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Họa sĩ Việt bán tranh NFT được nửa tỷ đồng!

Không chỉ dừng lại ở phòng tranh hay triển lãm, các tác phẩm nghệ thuật giờ đây còn có thể được bán trên... sàn giao dịch tiền ảo.

Họa sĩ Việt bán tranh NFT được nửa tỷ đồng!

Xèo Chu - họa sĩ 14 tuổi người Việt Nam vừa bán đấu giá thành công tác phẩm trị giá 22,899 USD (527 triệu đồng). | Nguồn: NVCC.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 06/08 vừa qua, Xèo Chu - họa sĩ 14 tuổi người Việt Nam đã bán đấu giá thành công tác phẩm trị giá 22,899 USD (527 triệu đồng). Bức họa mang tên Hoa mai may mắn của anh được bán dưới dạng NFT.

Theo đại diện sàn giao dịch tiền điện tử Binance, đây là bức tranh có giá cao nhất đến từ Việt Nam trên sàn NFT này.

2. Xèo Chu là ai?

Họa sĩ Xèo Chu tên thật là Phó Vạn An, sinh năm 2007 tại TP Hồ Chí Minh. Bắt đầu vẽ tranh từ năm 4 tuổi, hiện tại Xèo Chu đã sở hữu hơn 300 tác phẩm, đồng thời tổ chức triển lãm ở New York, Singapore và Việt Nam.

Các tác phẩm của Xèo Chu theo đuổi trường phái trừu tượng. Giới chuyên môn đánh giá cao tranh của Xèo Chu và so sánh anh với Jackson Pollock - một tên tuổi lớn trong trường phái này vào vào những năm 40 của thế kỷ trước.

3. Tranh được bán dưới dạng NFT, nghĩa là sao?

Bức tranh được bán là một phiên bản được mã hóa của bức tranh gốc. Chúng ta có thể hiểu nôm na là bức Hoa mai may mắn được chuyển đổi thành dạng kỹ thuật số rồi đem bán, trong khi bức tranh gốc thì Xèo Chu vẫn đang cầm.

Trào lưu này đến từ sự phát triển của NFT. Đây là một loại mã hóa trên blockchain, vốn là công nghệ tạo ra nền tảng cho cơn sốt đồng tiền ảo bitcoin. NFT có thể là tài sản được tạo ra trên thị trường ảo, hoặc phiên bản được mã hóa của một tài sản nào đó trong thế giới thực. 

4. Tranh NFT của Xèo Chu được bán như thế nào?

Để đưa tác phẩm của mình lên sàn đấu giá Binance, Xèo Chu phải trải qua quá trình thẩm định bởi đội ngũ quản lý của sàn. Họ sẽ thẩm định từ danh tính tác giả, quyền sở hữu đến nguồn gốc minh bạch của tác phẩm. Bức tranh sau đó mới được chuyển sang định dạng kỹ thuật số và đưa lên sàn đấu giá.

Ngoài ra, bức tranh còn phải có chữ ký số của người sở hữu. Điều này giúp những người mua tiếp theo có thể truy nguyên tác giả sở hữu mà không cần đơn vị trung gian nào đứng ra xác minh.

5. Họa sĩ Việt nào từng bán tranh NFT trong quá khứ?

Trước Xèo Chu, Việt Nam từng có 2 nghệ sĩ tham gia triển lãm tranh NFT là Tú Na và Phong Lương. Trong các triển lãm của mình cũng trên sàn Binance, Tú Na và Phong Lương lần lượt thu về hơn 31 ngàn USD và gần 7 ngàn USD.

Theo thống kê của Binance hiện nay thì Xèo Chu, Tú Na và Phong Lương cũng đều nằm trong Top 50 nghệ sĩ có doanh thu cao nhất trên sàn NFT.

6. Những người làm sáng tạo hưởng lợi gì từ trào lưu mới này?

Nếu chấp nhận chuyển đổi tác phẩm sang định dạng kỹ thuật số, những người làm sáng tạo có thể hưởng lợi. Vì NFT có thể được mã hóa để thiết lập nguồn doanh thu định kì, nó cho phép các nghệ sĩ thu được từ 2.5% cho đến 10% phí hoa hồng trên giá bán mỗi khi NFT của họ được giao dịch. 

Điều này áp dụng cho tất cả những giao dịch về sau, nên nếu NFT nào càng được bán lại nhiều lần thì nghệ sĩ sẽ càng được thêm nhiều tiền.

7. NFT nói gì về tương lai của Internet?

Sự phát triển của NFT mở đường cho metaverse - xu hướng mới của Internet. Metaverse là một siêu vũ trụ thực tế ảo, cho phép những người tham gia “sống" với nhân dạng ảo của họ - avatar.

Nền kinh tế trong metaverse vận hành quanh sự phát triển của tiền ảo nói chung, và NFT nói riêng. Một minh chứng rõ nét là sự bùng nổ của Axie Infinity - trò chơi cho phép kiếm tiền bằng việc tham gia vào những hoạt động trong game. Tại đây, người chơi có thể chiến đấu, thu thập, nhân giống và bán các thú cưng Axies dưới dạng NFT.

Thế giới đang chứng kiến một xu hướng mới, qua sự nở rộ của NFT. Cùng với metaverse, con người giờ đây có thể tương tác, lao động và kiếm tiền theo cách chưa từng được nghĩ đến.