Những ngày này, bé Pamela Hải Đường (tên thường gọi Pam Yêu Ơi) trở thành “đỉnh lưu nhí” gây bão mạng xã hội. Với khuôn mặt vuông đặc trưng, đôi má phính và loạt biểu cảm hài hước, hầu như video nào của bé cũng thu hút hàng trăm nghìn tương tác.
Nổi bật phải kể đến bức hình Pam hóa trang thành linh vật World Cup La’eeb đăng tải năm 2022. Bức ảnh này khiến Pam trở thành em bé đầu tiên tại Việt Nam đạt 1 triệu like trên Instagram, với vô số bình luận thể hiện mong muốn sinh con sau khi ngắm hình em. Lý giải cho “hiện tượng” Pam Yêu Ơi chính là baby fever - cảm giác “thèm con” khi nhìn thấy em bé.
Baby fever là gì?
Đây là cảm giác “tan chảy” và muốn có con khi nhìn thấy những em bé đáng yêu, phổ biến ở phụ nữ tuổi 20-30. Đây là thời điểm “đồng hồ sinh học” cho việc sinh con hoạt động mạnh nhất, và cũng là lúc phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực xã hội xoay quanh việc này. Baby fever thường giảm dần khi phụ nữ bước qua độ tuổi này.
Bên cạnh phụ nữ, baby fever còn xuất hiện ở nam giới, đặc biệt khi họ già đi. Tuy nhiên ở nam giới, cảm giác này ít khi dẫn tới mong muốn sinh con. Nguyên nhân vì nó thường xuất hiện khi người đàn ông đã có con (hoặc đang chờ con ra đời).
Chính xác thì baby fever liệu có thật?
Theo hai nhà tâm lý học thuộc Đại học Kansas State (Mỹ), hiện tượng này xuất phát từ các sản phẩm truyền thông. Chẳng hạn trong một bộ phim dài tập, các nhân vật bỗng muốn có con ở một khoảnh khắc nào đó trong đời.
Để kiểm chứng lý thuyết về baby fever, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học British Columbia (Canada) đã làm thí nghiệm trên gần 1100 người trẻ từ 18 đến 35 tuổi và chưa có con. Theo đó họ được chia làm hai nhóm, một được xem các quảng cáo với hình ảnh bố mẹ/trẻ em tích cực, một chỉ xem quảng cáo mà không có trẻ em.
Kết quả cho thấy, nhóm đầu tiên có mong muốn sinh con mạnh hơn nhóm còn lại đến 22%. Đây cũng là nhóm được ghi nhận có nhiều cảm xúc mang tính thấu cảm hơn (như dịu dàng, trắc ẩn, quan tâm hay tình cảm) sau khi xem quảng cáo có trẻ em.
Vậy baby fever bắt nguồn từ đâu?
Bản năng tiến hóa vốn có
Khi nhìn từ góc độ tiến hóa, việc sinh con vốn là điều cần thiết để duy trì giống nòi. Do đó, baby fever xuất phát từ bản năng sinh sản tổ tiên đã truyền lại cho chúng ta.
Một trong số đó là khả năng cảm nhận sự dễ thương, còn gọi là cute aggression. Đây là cơ chế được não bộ tạo ra để "nhắc nhở" chúng ta rằng em bé vô hại, bất lực và cần bảo vệ.
Theo đó, em bé vốn sở hữu những đặc điểm "dễ thương" như mắt to, đầu to, mũi miệng nhỏ và chân tay tròn trịa. Chúng kích hoạt bản năng chăm sóc của người lớn, dẫn tới baby fever.
“Hormone yêu thương” tràn trề
Oxytocin còn được biết đến là “hormone tình yêu", là hormone sản sinh thông qua sự gần gũi giữa người với người. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho sinh nở, cũng như đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta kết nối và gắn bó.
Đây cũng chính là hormone được khơi dậy khi bạn nhìn thấy những đứa trẻ, đem lại cảm giác ấm áp và dễ chịu. Chính cảm giác thoải mái này đã đem đến baby fever, khiến bạn đột nhiên muốn có con.
Hormone thay đổi trong ngày “đèn đỏ”
Khi tới ngày “đèn đỏ,” các hormone trong chu kỳ kinh nguyệt có thể tác động đến cảm xúc của bạn. Trong đó, estrogen là một loại hormone được sản sinh ở mức cao nhất trong khoảng thời gian rụng trứng.
Khi đó, nhu cầu tình dục cũng như mong muốn có con cao hơn thông thường. Lúc nhìn thấy những khoảnh khắc đáng yêu của trẻ con trong thời gian này, bạn cũng vô tình mong muốn điều tương tự, dẫn đến hiện tượng baby fever. Đây có thể coi là “tiếng gọi của tự nhiên” khuyến khích bạn thụ thai và sinh con khi trứng đang rụng nhiều.
Thường xuyên tiếp xúc với trẻ em
Bên cạnh các yếu tố sinh học, baby fever có thể xuất phát từ những trải nghiệm tích cực với trẻ em. Một nghiên cứu của Gary & Sandra Brase chỉ ra rằng, người có ký ức tốt đẹp khi tương tác với trẻ em (chẳng hạn thường xuyên chơi với cháu, hoặc trẻ con nhà hàng xóm) thường cảm thấy baby fever nhiều hơn.
Baby fever mang lại điều gì ngoài mong muốn có con?
Vốn xuất phát từ “hormone hạnh phúc” oxytocin nên baby fever thường mang lại những cảm xúc tích cực. Bạn có thể tận dụng khía cạnh này để cải thiện cảm xúc khi buồn bã hoặc chán nản, chẳng hạn ngắm hình em bé hay chơi đùa với trẻ con. “Đỉnh lưu nhí” Pam Yêu Ơi được yêu thích cũng chính nhờ năng lượng tích cực mà cô bé mang lại.
Dù vậy baby fever chỉ là một cảm xúc, nó không đồng nghĩa bạn đã đến lúc cần phải sinh con. Đây là một quyết định không đơn giản, cần cân nhắc kỹ càng nhiều khía cạnh. Chỉ nên có con khi bạn thực sự sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn trong cuộc sống, cũng như các trách nhiệm đi kèm khi chăm sóc đứa trẻ.
Nếu bạn chưa từng có baby fever?
Thì cũng không sao cả. Không ít người trong độ tuổi sinh nở chưa từng trải qua cảm giác muốn có con, bởi hoàn cảnh sống, mục tiêu và ưu tiên của từng người khác nhau. Bạn không hề bất thường nếu bạn bè xung quanh phát sốt với một em bé cute, trong khi bạn lại không có cảm xúc gì đặc biệt.