Bạn có thực sự khác người? | Vietcetera
Billboard banner

Bạn có thực sự khác người?

Khi nào “không ai giống mình” nghĩa là bạn khác biệt? Khi nào bạn là đặc biệt?
Bạn có thực sự khác người?

Amélie Poulain vì bị xem là "khác người" từ bé mà cuộc sống của cô có nhiều trải nghiệm khác lạ. | Nguồn: Phim Le Fabuleux Destin d'Amélie Poulain (2001)

Trong rất nhiều tin nhắn và thư gửi về cho The Present Writer, mình nhận ra có hai kiểu suy nghĩ khá phổ biến thế này khi nói về sự khác biệt.

Thứ nhất, nhóm những người cảm thấy lạc lõng, thiếu tự tin vì “không ai giống mình”, không ai quan tâm đến những thứ như mình. Thứ hai, nhóm những người cảm thấy tự hào vì mình không chạy theo số đông, mình có cái tôi độc đáo, là người đặc biệt.

Nhưng chúng ta có thực sự “khác người” như mình nghĩ? Và đâu là cái nhìn trung dung, cân bằng giữa hai thái cực đối lập này?

Đây là một đề tài phức tạp mà bản thân mình cũng đã từng phải tự hỏi bản thân rất nhiều. Trong bài viết này mình chia sẻ lại những suy nghĩ của bản thân về cả mặt tích cực và tiêu cực của việc khác biệt.

Bạn khác biệt và người khác cũng thế

“Mọi người xung quanh quá khác. Em cảm giác như không ai có thể hiểu mình.” Mình không hiểu chính xác 100% bạn đang nghĩ gì, nhưng mình hiểu cảm giác không tìm được người có cùng chung tiếng nói và thấy thật tệ vì điều đó.

Áp lực chạy theo và làm hài lòng số đông thậm chí đã từng khiến mình phải nói dối thời còn tuổi teen. Mình cố tạo ra hình ảnh một người con gái nhí nhảnh, hồn nhiên, không suy nghĩ nhiều về cuộc đời.

Nhưng thực chất ngay từ khi còn bé, mình đã có nhiều suy nghĩ khá phức tạp. Mình đã tự hỏi tại sao dường như cả thế giới đang đi con đường khác mình. Mình có đang đi theo hướng ngược lại và chẳng ai ủng hộ mình?

Mình hiểu khi bạn nói mình khác biệt và cảm thấy không tự tin, sẽ có rất nhiều người thắc mắc mà nói với bạn rằng “Tại sao? Cứ sống là chính mình thôi.” Nhưng nói thì dễ, làm mới khó, nhất là khi mình còn trẻ, chưa biết bản thân cần gì và đang sống trong môi trường không khuyến khích phát biểu ý kiến cá nhân.

Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc thì qua bài viết này, mình mong bạn biết rằng ít nhất có một người trên đời này nghĩ giống bạn.

Thực tế qua quá trình trưởng thành, mình nhận thấy rằng mình không quá khác biệt với nhiều người khi nói đến những bất an về bản ngã. Ai cũng đang đi trên con đường riêng của họ để tìm hiểu họ là ai — Ai cũng ở trên hành trình “tôi đi tìm tôi" mà thôi.

Vấn đề là mình có đủ dấn thân và kiên nhẫn để đi tìm cộng đồng có cùng hệ giá trị với mình, những người có thể tạo ra môi trường an toàn để cùng nhau nói rằng “mình cũng thế”. Hay vấn đề là chính mình có dám lên tiếng để người cùng hoàn cảnh có thể biết mình đang ở đâu.

Từ ngày mở blog và làm podcast, mình đã nhận được hàng ngàn tin nhắn, email của mọi người nói rằng họ tìm thấy chính họ đâu đó trong câu chuyện mình chia sẻ. Tất nhiên chi tiết của câu chuyện và hoàn cảnh không thể giống nhau hoàn toàn nhưng cảm xúc mà mình và độc giả trải qua có nhiều nét tương đồng.

Đó cũng là điều mình nhận thấy rõ hơn bao giờ hết qua một giai đoạn trầm cảm, rối loạn lo âu và cần phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý. Bác sĩ đã giới thiệu cho mình tới một nhóm hỗ trợ, nơi những người có cùng vấn đề giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Nhóm hỗ trợ này càng làm cho mình hiểu hơn rằng: chúng ta giống nhau nhiều hơn mình nghĩ!

Tất nhiên trong cuộc sống sẽ có những người có sự khác biệt dễ nhận thấy hơn. Ví dụ như những ai có khiếm khuyết về ngoại hình. Trừ khi có can thiệp vật lý nào đó thì sự “khác biệt” này sẽ mãi ở đó với họ. Thế nhưng, nếu ai cũng tự ti và có nhu cầu phải thay đổi thì chẳng phải mọi người sẽ trở nên giống nhau sao?

Khi mình còn ở Việt Nam, mọi người thường rất hay nhận xét về làn da của mình, rằng nó nâu quá. Nhưng khi sang nước ngoài, làn da của mình lại sáng hơn rất nhiều người. Và nhiều người thậm chí còn thích nước da nâu hơn nước da sáng.

Mặt khác, mình cũng từng gặp những người dù hình thể được nhiều người khen là xinh đẹp, nhưng bên trong họ vẫn cảm thấy tự ti về một đặc điểm nào đó mà họ cho rằng thu hút sự phán xét của người khác.

Dường như ai cũng có một nỗi tự ti về sự khác biệt nào đó. Sự khác biệt đồng thời cũng là một thứ rất cá nhân. Cùng là một thứ nhưng có thể người này thấy bình thường, người khác lại bảo không.

Vigrave hiếu động magrave Ameacutelie bị bố một baacutec sĩ chuẩn đoaacuten lagrave bị bệnh tim vigrave ocircng luocircn đo nhịp tim của cocirc sau khi cocirc đi chơi về Từ một đaacutenh giaacute thiếu bối cảnh magrave cocirc từ một người quotbigravenh thườngquot trở necircn quotbất thườngquot trong mắt bố mẹ Nguồn Phim Ameacutelie 2001
Vì ít được bố quan tâm mà Amélie hay hồi hộp, tim đập nhanh mỗi khi gặp bố, một bác sĩ. Cũng vì vậy mà cô bị bố chuẩn đoán là mắc bệnh tim. Từ một đánh giá thiếu bối cảnh mà cô từ một người "bình thường" trở nên "bất thường" trong mắt bố mẹ. | Nguồn: Phim Le Fabuleux Destin d'Amélie Poulain (2001)

Tóm lại, hành động, thái độ và góc nhìn của bạn mới là thứ có thể tạo cho bạn sự khác biệt. Còn xét về những thứ như ngoại hình, phẩm chất, hay thậm chí hoàn cảnh, xuất thân, bạn có thể khác biệt, nhưng còn rất nhiều người khác cũng thế.

Khác người là một sự lựa chọn

Mình rất ít khi kể chuyện tình cảm, nhưng hôm nay sẽ phá lệ kể một câu chuyện nho nhỏ thế này với các bạn.

Lúc còn đi học, mình từng có cảm tình với một bạn nam có phong cách hơi “khác người” một chút. Thú thật mình chỉ bắt đầu để ý đến bạn khi bạn có vẻ như tách biệt với mọi người. Hầu như đi đâu bạn cũng đi một mình. Bạn có chính kiến và thường bận rộn với việc riêng của mình.

Có vài dịp đi hát karaoke chung, mình nhận thấy rằng dù hát hay nhưng bạn ấy không hay hát cùng cả nhóm. Nếu có chung vui, bạn cũng chỉ hát nhạc tiếng Anh hoặc chọn những bài mà không mấy người biết. Thậm chí nếu là một bài hát phổ biến thì bạn cũng chọn hát theo cách khác hẳn đi với bản gốc.

Vài lần đi chơi chung khác, mình cũng bất ngờ vì những hành động cử chỉ khác biệt của bạn. “Thú vị” là những gì mình nghĩ về bạn ấy lúc đầu. Thế nhưng, quan điểm của mình thay đổi ít nhiều sau một lần cả hai làm việc nhóm.

Theo chỉ dẫn của một hoạt động nhóm, tụi mình phải hoàn thành dự án hướng A để cho ra kết quả. Chuyện sẽ không có gì nếu bạn đó không khăng khăng phải làm theo hướng B, khác hẳn với hướng dẫn.

Khi mình nói với bạn rằng, hẳn là định hướng của đề bài có lý do của nó, bạn vẫn kiên quyết “không” vì “A thì ai cũng làm theo rồi”. Lúc này mình dần hiểu rằng bên trong bạn ấy luôn có một thôi thúc phải khác người đến “ám ảnh”.

Nhưng vì khi đó mình là đứa luôn muốn chiều lòng người khác nên mình vẫn đồng ý với bạn ấy. Và kết quả… tệ hại.

Chẳng ai hiểu tại sao nhóm của mình lại làm theo một hướng khác hẳn mà không vì một lý do nào rõ ràng. Nhóm mình lần đó đứng “đội sổ” nhưng bạn ấy thì vẫn mang vẻ “tự hào” (hay “tự cao”?) kỳ lạ.

Cảm tình của mình dành cho bạn ấy biến thành nỗi sợ. Khi ở bên bạn, mình dần cảm thấy có áp lực cũng phải khác người. Bạn thường xuyên cản mình lại khi hòa đồng với đám đông. Bạn nói tiếng Anh với mình trong một nhóm bạn chỉ có người Việt.

Bạn luôn chủ đích nói ngược lại một ý kiến được số đông hưởng ứng, dù ý tưởng phản biện của mình có thiếu thuyết phục tới đâu. Dưới góc nhìn của bạn, chạy theo đám đông nghĩa là “tầm thường”.

Sau một thời gian đi chơi chung, mình biết mối quan hệ này sẽ không thể đi đến đâu cả. Và mình cũng nhận được một bài học: Khác người là một sự lựa chọn.

Khaacutec người lagrave một sự lựa chọn
Khác người là một sự lựa chọn. | Nguồn: Phim Le Fabuleux Destin d'Amélie Poulain (2001)

Mình không có lý do gì để chỉ trích bạn, nếu bạn cảm thấy thoải mái với việc nghe theo số đông. Mình cũng không thể phàn nàn buộc bạn thay đổi nếu bạn muốn có lối đi riêng.

Nhưng nếu bạn không thể thuyết phục người khác lối đi của mình có giá trị thì bạn cũng không thể ép người khác nghĩ về mình như một “người đặc biệt”.

Mặt khác, như phân tích ở phần đầu, thực tế chúng ta sẽ luôn thuộc về một “đám đông” nào đó. Thứ phục vụ được cho một đám đông lớn với giá trị rõ ràng, không mu muội, mù quáng cũng xứng đáng có vị thế của nó.

Mình nhớ ngày xưa khi còn đi học, trong khi có rất nhiều hội bạn nữ mê như điếu đổ các anh điển trai, tóc vàng, mắt xanh thuộc các ban nhạc ở châu Âu, châu Mỹ, thì cũng có những người dè bỉu “Sao lại mê nổi mấy người này?”. Nhiều người ban đầu cũng thích một nghệ sĩ nào đó, nhưng khi thấy họ nổi tiếng thì lại “ôi thôi, không thích nữa”.

Bây giờ có lẽ các nhóm nhạc Hàn Quốc đã phổ biến hơn các ban nhạc US-UK nhưng xu hướng “phân loại” người nổi tiếng dường như vẫn còn nguyên. Đâu đó vẫn có những lời kỳ thị như mê K-Pop là mê trai, mê các giá trị công nghiệp, phù phiếm.

Nhưng thẳng thắn mà nói, không phải ai cũng có thể nổi tiếng. Nếu họ làm được điều đó thì ít nhất họ cũng đã cung cấp được cho số đông công chúng một giá trị nào đó tại một thời điểm nhất định mà người khác không thể cung cấp.

Như vậy, bạn có thể khác biệt. Bạn có thể suy nghĩ ngược với đám đông nếu điều đó tích cực cho bạn và tích cực cho cộng đồng. Bạn có thể là người “bình thường”, quan tâm đến một người, sự vật hay sự việc nào đó mà hàng triệu, hay hàng tỷ người khác đang quan tâm nếu đó là giá trị mà ở thời điểm hiện tại bạn đang hướng tới.

Kết

Mình mong qua bài viết này các bạn có cái nhìn dung hoà hơn về cụm từ “khác người”.

Trạng thái “mình không giống ai” và “cũng có ai đó giống mình” sẽ liên tục xuất hiện theo tuần hoàn vào từng giai đoạn nhất định của cuộc đời.

Chẳng hạn, hôm nay bạn thấy mình là người đặc biệt nhất lớp. Hôm sau bạn lại thấy mình chẳng là ai trong thành phố này. Nhưng đó cũng là lý do chúng ta có cụm từ “cộng đồng” – cộng đồng những người hướng nội, cộng đồng bình đẳng giới,... để mỗi người có một nơi "thuộc về".

Nếu bạn tự tin vào sự khác biệt của mình thì hãy sử dụng sự tự tin đấy để mang lại hiệu quả tích cực cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời cũng đừng nghĩ rằng cứ phải ngược dòng xã hội thì đó mới là điều mình nên làm.

Bạn hãy cứ làm những gì “khiến trái tim mình ca hát” – giống hay khác người, đó là câu chuyện ngoài trái tim mình.