Có bao giờ trong những cuộc chuyện trò, bạn cảm giác mình như đứa trẻ lạc giữa đám bạn đang liên tục “nổ” ra một tràng tên phim, tên diễn viên hay tên các ca sĩ, bài hát “nổi lắm, hay lắm, xem đi”?
Hay bạn đã biết đến Love and Leashes, Cruella, Montero, Kendal Jenner, Timothée Chalamet, Dua Lipa,... nhưng vẫn không sao thấm nổi? Đôi khi không hẳn là bạn ghét, nhưng bản thân lại luôn có cảm giác miễn cưỡng khi tiếp cận với những thứ “top trending”.
Tâm lý đó vì đâu mà có vậy?
Ghét vì có cảm giác “bị ép”
Bật tivi cũng thấy, ra uống cafe cũng nghe, đi siêu thị cũng réo rắt,... Chắc hẳn là ai cũng từng một lần trải qua cảm giác không biết tên bài hát là gì nhưng vẫn có thể nhẩm lại giai điệu, hay biết tên diễn viên nào đó mà chẳng biết mặt mũi họ thế nào.
Dù chẳng có ai đích thân đứng ra bảo bạn rằng “phải tìm hiểu thêm về người đó đi, nghe thêm nhạc của họ đi”, nhưng độ phủ sóng quá mức của một thứ gì đó thường khiến người ta có cảm giác mình bị ép phải làm vậy. Mà theo bản năng của con người, chẳng mấy ai thích người khác bảo mình phải làm gì.
Ngoài tâm lý xem việc bị ép như một mối đe dọa và sinh ra sự phản kháng tự nhiên, não bộ của chúng ta còn sinh ra trạng thái “dư thừa động lực”, dẫn đến cảm xúc khó chịu.
Trước hết, cần hiểu rằng về cơ bản hành vi của chúng ta bị tác động bởi 2 nguồn động lực: nội sinh và ngoại sinh. Động lực nội sinh là khi bạn muốn thỏa mãn mong muốn hoặc sở thích cá nhân. Động lực ngoại sinh là khi bạn muốn tìm kiếm một phần thưởng hay né tránh một hình phạt nào đó từ xã hội.
Chẳng hạn, phần thưởng ở đây là trở thành một người thời thượng trong mắt mọi người, trò chuyện với bạn bè mà không làm gián đoạn cuộc hội thoại bằng câu hỏi vặn lại “Ai đấy? Cái gì thế?”.
Tuy nhiên, hầu hết ai cũng đã có sẵn cho mình một nguồn động lực nội sinh nhất định. Thế nên khi có một động lực ngoại sinh mạnh mẽ khác chen vào, nó sẽ bị giảm bớt hoặc bị thay thế luôn. Đây là điều phản lại khao khát tự do của con người. Hiệu ứng dư thừa (overjustification effect) này đã được kiểm chứng bởi hai nhà tâm lý học Mark R. Lepper và David Greene. (Nguồn: Very Well Mind)
Điều này cũng có thể giải thích tại sao khi nhiều trào lưu đã hạ nhiệt, chúng ta lại bắt đầu cảm thấy có nguồn động lực bắt đầu tìm hiểu về chúng.
Ghét vì đã “quá tuổi” để mở lòng với những thứ đang hot
Đối tượng tạo nên các trào lưu thường là giới trẻ. Nhưng có một sự thật là: ngay cả khi chính bạn là người trẻ, đôi khi bạn cũng phải thốt lên câu “Không hiểu nổi giới trẻ bây giờ!”.
Một trong các nguyên nhân có thể kể đến là mức độ phát triển văn hoá của thế kỷ 21 khiến nhiều người có xu hướng sớm hình thành sở thích cá nhân. Sở thích cá nhân đó lại dễ bị đóng khung vì các công cụ đề xuất tự động của các công ty công nghệ. Khi họ biết ta thích một thứ, họ tiếp tục đề xuất những thứ tương tự, khiến ta khó thoát khỏi chiếc bong bóng của mình nếu không chủ động tự khám phá.
Đó là chưa kể đến sự tiện lợi tối đa của xã hội hiện đại khiến chúng ta có thể “binge” gần như mọi thứ. Nó tạo điều kiện để hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere exposure effect) phát huy tác dụng. Nghĩa là khi ta càng tiếp xúc nhiều với thứ gì đó thì ta càng có khả năng thích và gắn bó với nó hơn những thứ khác.
Như vậy, giống như một tâm hồn đã già cỗi, đôi khi bạn sẽ chỉ tìm đến những gì quen thuộc mà dễ bỏ qua những thứ đang hot, mà nhiều trong số chúng có thể đang mang một giá trị văn hoá có tính thay đổi thời đại nào đó. (Nguồn: Oupeltglobalblog.com)
Ngoài ra, nhất là với gu âm nhạc, não của chúng ta còn có thời hạn để quyết định xem mình sẽ nghe chủ yếu thể loại nào suốt nửa quãng đời còn lại.
Cụ thể, theo kết quả phân tích dữ liệu từ Spotify đăng trên tờ New York Times vào năm 2018, gu âm nhạc thường hình thành mạnh mẽ nhất khi ta bước vào độ tuổi 13, 14. Đến năm 20 tuổi thì nó bắt đầu được “khoá” dần lại. Khi bước sang khoảng tuổi 33 thì hầu hết chúng ta không còn nghe nhạc mới nhiều nữa.
Theo một nghiên cứu của trường Đại học Manchester, điều này còn có thể được giải thích ở góc độ sinh học, rằng khả năng phân biệt các hợp âm, nhịp điệu và giai điệu khác nhau của não trở nên kém đi theo độ tuổi. Vì vậy, khi càng lớn, các bài hát mới hơn, ít quen thuộc hơn có thể “nghe giông giống nhau, và kém hấp dẫn hơn”.
Ghét vì “sợ”
Không thể phủ nhận rằng có những cá nhân đi ngược với đám đông vì thuần muốn chứng tỏ bản thân. Họ chống lại tất cả những thứ đang “hot” để mình trở nên “cool”. Tuy nhiên, hành động tách mình ra khỏi đám đông này không phải luôn có chủ đích tiêu cực.
Theo nhận định của nhà tâm lý học Dana Harron trên tờ Psychology Today, cảm giác ghét một thứ gì đó của chúng ta về cốt lõi là các nỗi sợ rất bản năng. Ta sợ những thứ mình không hiểu. Ví dụ như không hiểu tại sao múa quạt lại nổi thành trào lưu. Ta sợ những điều khác mình. Ví dụ như các YouTuber mới chỉ 19, 20 tuổi đã sở hữu kênh triệu view.
Mà việc ta không tìm thấy hình bóng của mình trong các trào lưu mới không phải là quá khó xảy ra. Thế giới có ít nhất 3800 nền văn hoá và gần 8 tỷ người. Tất cả không thể cùng đồng cảm với một thứ duy nhất. Mỗi người đều có một “bầy đàn” riêng của mình. Họ sẽ có xu hướng thiên vị những gì quen thuộc với mình hơn.
Tác giả Dean Burnett cũng giải thích hiện tượng này trên tờ The Guardian qua khái niệm “phân cực theo nhóm” (group polarisation). Tức là khi một người đã thuộc về một cộng đồng nhất định, họ có xu hướng thể hiện quan điểm phản đối mạnh mẽ hơn với những thứ khác biệt (so với khi chỉ là một cá nhân tách biệt). Nhất là khi cộng đồng của họ còn nhỏ và có ít tiếng nói.
Chẳng hạn, nếu bạn đã tìm sự đồng cảm mạnh mẽ với những bộ phim indie nghệ thuật thì có thể sẽ cảm giác rằng mình không quá mặn mà với những thứ quá thương mại khác.
Hay ngay cả khi bạn là fan của một thần tượng tỷ fan nào đó, nhưng không tài nào hiểu nổi tại sao mọi người lại thích một bài hát tỷ view khác đang lọt “top bảng xếp hạng”. Mặc kệ cho sự thật rằng cả hai đều là có mức độ phổ biến ngang nhau. Nguyên nhân là bạn đang có cảm giác thuộc về một cộng đồng rất mạnh mẽ, mà cụ thể ở đây là các fandom.
Tóm lại, khi không tìm thấy ở các trào lưu mới, hay nhân vật nổi tiếng một giá trị nào đó mà ta đồng cảm được, ta sẽ sinh ra một nỗi sợ vô hình trước tiên. Nỗi sợ đó cuối cùng có vỏ bọc là cảm giác khó chịu, hay ghét bỏ,...
Ngược lại, nếu bạn không định nghĩa mình thuộc về một cộng đồng nhất định nào đó, thì cảm xúc với những thứ khác biệt sẽ không bị đẩy đến mức phản kháng.
Ghét nhưng đừng quá để tâm, làm tiêu tốn năng lượng tích cực
Tâm lý “ghét bỏ những thứ phổ biến” thật ra không quá mới mẻ với con người. Nó chỉ hiện diện rõ hơn với tốc độ phát triển của thế kỷ 21.
Những thứ phổ biến mà chúng ta miễn cưỡng chấp nhận hay ghét bỏ thường là sản phẩm thuộc nhóm nghệ thuật, có tính đại diện cá nhân như phim ảnh, âm nhạc, thời trang,... Tâm lý chạy theo đám đông vẫn chi phối trong việc lựa chọn nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác như đồ ăn, máy tính, điện thoại.
Về bản chất, việc chúng ta ghét những cuốn sách best-seller, những bộ phim “top trending” cũng tương tự như cách chúng ta không thích những sản phẩm ở hạng bình bình khác. Đó đơn giản là sở thích cá nhân của mỗi người - thứ mà phần lớn bị ảnh hưởng bởi môi trường đa tầng lớp ta tiếp xúc trong quá trình hình thành nhân cách.
Vì vậy hãy tự mình tận hưởng mọi thứ, ngay cả những thứ phổ biến. Cuộc sống dễ dàng và đơn giản hơn nhiều khi bạn không dành năng lượng của mình để tiêu cực hóa và ghét quá nhiều thứ.