Bạn đã bao giờ cho đi nhiều nhưng chẳng nhận lại bao nhiêu trong tình yêu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bạn đã bao giờ cho đi nhiều nhưng chẳng nhận lại bao nhiêu trong tình yêu?

Trong tình yêu, hiệu ứng Matthew được tóm tắt bằng một câu: Người càng yêu càng nhiều càng không được trân trọng, người càng ích kỷ sức hấp dẫn càng cao.
Bạn đã bao giờ cho đi nhiều nhưng chẳng nhận lại bao nhiêu trong tình yêu?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Nếu bạn chưa từng vỡ mộng vì bạn yêu và cho đi hết lòng nhưng chỉ nhận lại sự thờ ơ từ đối phương thì xin chúc mừng, bạn quả là may mắn.

Bản thân tôi cũng từng ít nhiều thất bại trong chuyện tình cảm. Đã có những ngày tôi mệt mỏi chạy theo cảm xúc của người khác. Người ấy buồn, tôi vội vàng lao đến. Người ấy ốm, tôi cũng tất tả nấu cháo. Người ấy nhớ nhung người yêu cũ, tôi cũng kề bên an ủi. Tôi đã quên mất mình cũng mệt, cũng buồn và tổn thương vì trong mối quan hệ ấy, tôi không nhận lại được gì.

Ai cũng biết một mối quan hệ lành mạnh, dù là yêu đương hay bạn bè đều cần xuất phát từ hai phía. Tôi không nói việc toàn tâm toàn ý trong tình yêu là sai vì nếu cả hai bên đều toàn tâm toàn ý thì mối quan hệ đó rất đáng trân trọng. Nhưng đôi khi, có những người toàn tâm toàn ý cho đi nhưng không nhận lại được sự quan tâm của đối phương.

Ngược lại, có những người thích chơi đùa với tình cảm của nửa kia mà không màng cho đi. Hiện tượng đó được khoa học giải thích bằng hiệu ứng Matthew (Matthew effects).

Hiệu ứng Matthew là gì?

Hiệu ứng Matthew bắt nguồn từ một câu trong Kinh thánh: “Phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (câu gốc: “For unto every one that hath shall be given, and he shall have abundance: but from him that hath not shall be taken away even that which he hath”).

Hiểu đơn giản, những ai xuất phát từ vạch đích sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn, ngược lại, những người không có gì trong tay sẽ dễ bị thành công bỏ quên. Khi áp dụng vào lĩnh vực giáo dục, nhà tâm lý học Keith Stanovich đã đặt cho hiện tượng này cái tên hiện tượng Matthew.

Không chỉ giáo dục, hiệu ứng Matthew còn được áp dụng rộng rãi trong khoa học, kinh tế, xã hội, tâm lý học. Hiệu ứng này thường được tóm tắt bằng câu: Người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo. Còn trong tình yêu, hiệu ứng Matthew được tóm tắt bằng một câu: Người càng yêu càng nhiều càng không được trân trọng, người càng ích kỷ sức hấp dẫn càng cao.

“Mình từng nghĩ nếu yêu hết mình, đối phương sẽ cảm nhận được và đáp lại mình. Vậy nên mình đâm đầu dành hết tình cảm cho một người mặc kệ những “red flags" và lời mọi người ngăn cản. Mình cũng gật đầu tha lỗi cho mọi lần sai trái của người kia - phản bội, ngược đãi cả thể chất và tâm lý mình. Mình biết mình nên rời đi nhưng cứ còn bao nhiêu tình cảm là lại vun vén. Phải sau 2 năm, đến khi mình không còn chút tình cảm nào nữa mình mới tự rời đi” - Nhi, TP. HCM

Với một số cặp đôi gặp phải hiệu ứng Matthew, khi một bên cho đi quá nhiều, đối phương dần coi đó là hiển nhiên, ngày càng ít đề cao sự cố gắng của bạn và dần mất đi hứng thú với mối quan hệ. Vì vậy, dù bạn đang ở trong giai đoạn nào của tình yêu, bạn cũng cần hiểu rằng, để tránh hiệu ứng Matthew, bạn cần cảm nhận được sự cho đi của đối phương bên cạnh sự trao đi của bạn.

Khi nào bạn biết mình đã gặp phải hiệu ứng Matthew?

Một vài người, và trong đó có bản thân tôi, cho rằng một khi đã yêu là sẽ yêu hết mình, luôn sẵn sàng cho đi tất cả nhưng đôi lúc, từ phía người nhận, có thể ban đầu họ có rung động nhưng theo thời gian, họ có thể không còn trân trọng tình yêu đó nữa. Người nhận quen sẽ mặc định bản thân luôn được nhận.

alt
Người nhận quen sẽ mặc định bản thân luôn được nhận.

“Mình quan điểm yêu lần nào cũng là lần đầu, mối tình dù dài hay ngắn mình cũng hết mình. Và cho đi thì mình cũng kỳ vọng nhận lại tương đương hoặc nhiều hơn. Nhưng sau mình hiểu rằng không phải cứ cho đi là sẽ nhận lại." - Trang, Hà Nội

Hiệu ứng Matthew thường xảy ra khi một bên cho đi quá nhiều cùng sự kỳ vọng đối phương, đến một lúc nào đó, sẽ cho mình tương đương, kỳ vọng đối phương thấy và hiểu được sự cố gắng của mình. Dẫu cho đi là một trong những điều không thể thiếu trong tình yêu, chỉ cần bạn đang yêu, bạn sẽ luôn muốn làm điều gì đó cho đối phương, khi nào bạn nên biết bạn đang cho đi quá nhiều?

Bạn kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần

Giống như khi bạn “burn out" trong công việc, bạn không còn động lực để cố gắng vì đối phương nữa. Bạn cũng dần bỏ quên những giá trị khác trong cuộc sống như gia đình, bạn bè và liên tục cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi.

Một mình dọn dẹp nhà cửa 1 - 2 lần thì được nhưng nếu bạn liên tục phải như vậy trong khi đối phương không giúp đỡ bạn, bạn hẳn sẽ kiệt sức. Hay như khi bạn luôn là người phải “gánh" việc hộ người yêu nếu cả hai làm chung một nhóm, chắc chắn sẽ đến lúc bạn quá tải.

Bạn luôn đặt đối phương lên trên bản thân mình

Bạn có luôn cảm thấy cần phải chăm sóc đối phương ngay cả khi họ không xứng đáng hoặc không yêu cầu điều đó? Bạn sợ rằng họ sẽ bị tổn thương hay lo lắng rằng họ sẽ bỏ đi nếu bạn nói “không?”

Dù bạn đang bận đến đâu, đối phương chỉ nhắn một câu, bạn cũng sẵn sàng bỏ hết công việc để lao đến. Dù bạn đang mệt, chỉ cần người yêu buồn bực, bạn cũng không muốn làm người yêu phiền lòng. Nếu bạn quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của người yêu hơn bản thân thì bạn đã gặp phải hiệu ứng Matthew.

Bạn cảm thấy duy trì mối quan hệ là trách nhiệm của bạn

Bạn tin rằng bạn là người duy nhất nên giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ. Bạn thậm chí sẽ xin lỗi vì những điều bạn không thể làm hoặc khi có điều gì đó không ổn. Và khi bạn cố gắng yêu cầu đối phương làm điều gì đó, họ sẽ miễn cưỡng khiến bạn cảm thấy tội lỗi.

Nếu bạn luôn làm mọi thứ để khiến họ hài lòng nhưng những nỗ lực của bạn không được đáp lại thì có lẽ, bạn đang cho đi quá nhiều.

Cho đi, sao mới đúng?

Tôi không nói rằng chúng ta nên ngừng cho đi vì trong tình yêu, cho đi cũng là một nét đẹp. Tuy vậy, khi cho đi một tình yêu đích thực, bạn cũng xứng đáng nhận lại tình yêu đẹp như thế.

Xem xét “dự án" trước khi “đầu tư"

“Ban đầu mình và người yêu đều khá dè dặt vì đã từng bị tổn thương bởi những mối quan hệ cũ. Bọn mình tin tưởng vừa đủ, thể hiện vừa đủ như một cách xem đối phương có xứng đáng để đầu tư không. Còn lúc đầu tư rồi mà “thị trường” biến động thì lại là một biến số khác" - Trang, Hà Nội.

Để không rơi vào trường hợp mù quáng cho đi mà không nhận lại, điều đầu tiên bạn cần làm là phải cho đúng người. Tất nhiên “dự án" nào cũng có rủi ro nhưng việc “testing" trước sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

Đừng từ bỏ nguyên tắc của bản thân vì đối phương

Nếu bạn là người ngủ sớm, bạn không cần ngày nào cũng phải thức đến 1 - 2h sáng để chờ đối phương. Nếu bạn không thể xem phim kinh dị, bạn không cần vì chiều người yêu mà phải cắn răng chịu đựng trong rạp phim.

Để có một mối quan hệ lành mạnh, bạn cần phải chấp nhận, tôn trọng bản thân mình và thể hiện điều đó với đối phương. Nếu người đó không tôn trọng những nguyên tắc của bạn, họ cũng không xứng đáng.

alt
Trong tình yêu, cho đi cũng là một nét đẹp nhưng phải học cách cho đi hợp lý.

Cho đối phương, cũng đừng quên cho cả bản thân

Có thể bạn đã nghe câu “bạn không thể yêu người khác nếu chưa biết cách yêu bản thân mình" quá nhiều. Tôi nghĩ rằng, bạn vẫn có thể yêu người khác khi bạn bỏ quên bản thân nhưng bạn chỉ có thể ở trong một mối quan hệ lành mạnh nếu bạn vừa yêu đối phương, vừa yêu bản thân.

Hãy dành thời gian cho bản thân và lắng nghe cảm xúc để biết mình cần gì. Mỗi lần không may trải qua một mối quan hệ độc hại, hãy rút ra bài học chứ đừng đổ lỗi cho bản thân.

“Mình nghĩ khi mình trao đi là mình đang nhận được bài học về sự mở lòng, bao dung và cả bài học về quản lý kỳ vọng" - Linh, Hà Nội.

Nhưng đôi khi, vấn đề không nằm ở việc cho đi mãi không nhận lại mà nằm ở…

… sự khác biệt ngôn ngữ yêu.

Dù ngôn ngữ yêu nào - lời yêu, thời gian bên nhau, quà tặng, cử chỉ chu đáo, những cái chạm - cũng là sự cho đi nhưng trong nhiều trường hợp, khi bạn thể hiện tình yêu bằng ngôn ngữ yêu của mình chứ không phải của đối phương, đối phương vẫn sẽ cảm thấy như bản thân không thực sự được nhận.

Chẳng hạn như một người có ngôn ngữ yêu là lời yêu khi đối phương ốm sẽ có xu hướng dỗ dành động viên trong khi ngôn ngữ yêu của đối phương là cử chỉ chu đáo - họ mong muốn người yêu mua thuốc, mua thức ăn đến tận nhà. Vì vậy, đối phương sẽ cảm thấy mình không được yêu thương đủ nhiều.

“Kể cả khi cả hai hiểu được ngôn ngữ yêu của nhau, nếu cho đi không đúng ngôn ngữ yêu của đối phương thì vẫn rất khó để đối phương cảm nhận được tình yêu. Mình nghĩ cách yêu đúng là học yêu theo ngôn ngữ yêu của đối phương” - Vân Anh, Hà Nội.

Một mối quan hệ không thành đôi khi không phải một vấn đề quá to tát. Điều quan trọng là bạn có thể học được gì về cách cân bằng từ những mối quan hệ không thành đó. Tôi sẽ không khuyên bạn yêu ít đi, cho ít lại vì nếu bạn quá dè dặt, tính toán, đó đâu còn là tình yêu nữa?

"Mình nghĩ khi mình thật sự cho đi mà không tính toán so đo gì thì cái mình nhận lại sẽ là thứ vô giá. Còn nếu mình "định giá" điều mình làm cho đối phương thì người ta cũng sẽ như vậy. Tất nhiên vì mình biết đối phương chân thành, chiều chuộng mình đủ thứ nên mình cũng thật lòng thương anh hơn" - Lan Chi, Hà Nội.