Bạn đang ở giai đoạn nào của tình yêu? | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 07, 2023
Cuộc SốngThương

Bạn đang ở giai đoạn nào của tình yêu?

Mỗi người đều trải nghiệm tình yêu theo cách riêng của mình, nhưng hầu như chúng ta đều đi qua 5 giai đoạn này.
Bạn đang ở giai đoạn nào của tình yêu?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea___ cho Vietcetera

Mỗi chúng ta đều trải nghiệm tình yêu theo một cách khác nhau. Có những người chỉ dừng lại ở giai đoạn “crush” đối tượng, một số tiến triển thành tình yêu và số khác thì may mắn chạm tới mức cam kết bên nhau trọn đời. Cũng có những người đi qua hành trình tình yêu chông gai hơn, phải trải qua nhiều lần yêu và đổ vỡ mới tìm được “nửa kia” của mình.

Dù vậy, theo nhà tâm lý xã hội lâm sàng George Levinger, có 5 giai đoạn mà hầu hết các mối quan hệ lãng mạn đều trải qua. Ông dùng chính 5 ký tự đầu tiên của bảng chữ cái tiếng Anh (ABCDE) để đặt tên cho chúng: Attraction - Buildup - Continuation - Deterioration - Ending.

Giai đoạn 1: Hấp dẫn (attraction)

Mọi mối quan hệ đều bắt đầu bằng tiếp xúc giữa hai cá nhân. Sau một (hoặc vài lần) tiếp xúc, nếu đạt mức độ tương thích cao, hai người sẽ “thu hút” lẫn nhau.

Sự tương thích này có thể đến từ ngoại hình, nếu một trong hai (hoặc cả hai) nhận thấy đối phương sở hữu những đặc điểm thể chất hấp dẫn, “hợp gu” họ. Trong một số trường hợp, tình dục có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn này.

Hai người cũng có thể tìm thấy sự tương thích trong tâm lý, nếu có sự tương đồng trong tính cách hoặc trải nghiệm sống. Chẳng hạn nếu cả hai cùng trải qua nỗi đau mất người thân, họ sẽ dễ đồng cảm và thu hút nhau dù mới gặp lần đầu.

01jul2023abcdeintext1jpg
Hai người sẽ “hút” nhau nếu có độ tương thích lớn về thể chất hoặc tâm lý.

Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến “chemistry” của hai người trong giai đoạn này. Một trong số đó là kinh nghiệm trong các mối quan hệ yêu đương trước đây. Điều này giúp củng cố ấn tượng đầu tiên của bạn ở đối phương, hoặc giúp bạn nhanh chóng nhận ra những “green flag” (hoặc red flag) ở họ ngay khi mới tiếp xúc.

Giai đoạn 2: Xây dựng (buildup)

Từ khóa và điều kiện cần của giai đoạn này là “tin tưởng”. Để xây dựng tình cảm, hai người trở nên tin tưởng, thân thiết nhau hơn và bắt đầu phụ thuộc vào nhau ở mức độ nhất định. Chẳng hạn hai người biết thêm nhiều thông tin của nhau, và mỗi bên đều thoải mái chia sẻ về những mối quan hệ khác (gia đình, bạn bè) cho bên còn lại.

Để mối quan hệ chuyển giao từ giai đoạn hấp dẫn đến xây dựng, sự tương thích cần vượt lên trên cấp độ ngoại hình và tâm lý. Cụ thể, hai người cần chia sẻ những điểm chung về sở thích, giá trị cá nhân và mục tiêu sống.

01jul2023abcdeintext2jpg
“Tin tưởng” là từ khóa giúp hai người xây dựng mối quan hệ.

Đây cũng là thời điểm hai người thoải mái hơn trong chia sẻ và thể hiện cảm xúc, từ đó bắt đầu xuất hiện những bất đồng nhất định. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường, quan trọng là cả hai bên học cách cởi mở, tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau.

Giai đoạn 3: Tiếp diễn (continuation)

Giai đoạn này có thể đúc kết bằng câu “khi hai ta về một nhà”. Vượt qua những bất đồng ở giai đoạn 2, cặp đôi sẽ bắt đầu một cam kết lâu dài trong mối quan hệ. Đó có thể là việc làm đám cưới, chuyển vào chung sống hoặc sinh con - những điều cho thấy cả hai người đã sẵn sàng gắn kết trong thời gian dài.

01jul2023abcdeintext3jpg
“Khi hai ta về một nhà” đánh dấu giai đoạn tiếp diễn của tình yêu.

Ở giai đoạn tiếp diễn, tình cảm của hai người có thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Tuy nhiên sẽ có những khoảng thời gian dài mối quan hệ ở trạng thái ổn định, không có thay đổi gì. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến sự trì trệ, khiến cặp đôi chán nhau vì không tìm thấy sự mới mẻ trong mối quan hệ.

Giai đoạn 4: Thoái trào (deterioration)

Theo thời gian, tình yêu dễ thoái trào khi thân mật giữa hai người suy giảm. Điều này có thể xảy ra khi mối quan hệ trở nên mất cân bằng, chẳng hạn một người lo toàn bộ việc nhà, trong khi người còn lại không chia sẻ trách nhiệm. Trong trường hợp này, một người chỉ cho đi và một người chỉ nhận lại.

Sự thoái trào cũng xảy ra khi hai người gặp những vấn đề chỉ xuất hiện khi họ bắt đầu chia sẻ cuộc sống cùng nhau. Tiền mua nhà, chi phí chăm con và các vấn đề trong quan hệ với gia đình thông gia là những ví dụ điển hình. Nhiều cặp đôi đến giai đoạn này vẫn ở bên nhau vì cam kết, hoặc vì không nỡ rời bỏ mối quan hệ mà họ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết.

01jul2023abcdeintext4jpg
Sự thoái trào xảy ra khi mối quan hệ trở nên mất cân bằng, hoặc xuất hiện vấn đề khó xử.

Ngay cả với những mối quan hệ thành công mà cặp đôi đi cùng nhau đến cuối đời, họ vẫn sẽ trải qua một số giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên những vấn đề họ gặp phải không quá nghiêm trọng, hoặc họ tìm được cách vượt qua chúng để tiếp tục mối quan hệ.

Giai đoạn 5: Chấm dứt (ending)

Đây là điều xảy ra khi hai người không thể vượt qua những vấn đề ở giai đoạn 3 và 4. Cần lưu ý, không phải cứ biến cố tiêu cực nào xảy ra mới khiến một cặp đôi chia tay. Họ có thể “đường ai nấy đi” khi không còn duy trì được ngọn lửa thân mật và đam mê, cũng như cởi được sợi dây cam kết đã trói họ với nhau.

Trong một số trường hợp, cặp đôi chia tay vì những lý do nằm ngoài tầm kiểm soát như khác biệt tôn giáo và luật hôn nhân (nếu hai người đến từ hai quốc gia/tôn giáo khác nhau), hoặc do mang gen bệnh không thể sinh con.

01jul2023abcdeintext5jpg
Mọi mối quan hệ đều đi tới điểm kết.

Một lưu ý khác là mọi mối quan hệ đều đi tới điểm kết. Với những mối quan hệ thành công, sự chấm dứt xảy ra khi một trong hai người qua đời.

Làm sao để hạn chế sự bất mãn trong tình yêu?

Theo nhà nhân chủng học Helen Fisher, đam mê chỉ “chết” khi mối quan hệ cạn dần sự mới mẻ. Do đó, việc thường xuyên chia sẻ các trải nghiệm mới sẽ giúp cặp đôi hạn chế bất mãn, “chán” nhau. Chẳng hạn đi du lịch đến vùng đất mới, hoặc bắt đầu một sở thích mới sẽ là những hoàn cảnh thích hợp để cả hai nhìn thấy những tính cách, sở trường mới ở đối phương.

Bên cạnh đó, các mối quan hệ đến giai đoạn thoái trào vẫn có thể “cứu vớt” nếu cả hai bên cùng nhận thức được điều đang xảy ra. Trong trường hợp này, việc cởi mở với đối phương về nhu cầu, kỳ vọng của mình sẽ mở đường đưa mối quan hệ về những giai đoạn trước đó. Nói cách khác, việc nhận thức được sự thoái trào sẽ giúp cặp đôi “yêu lại từ đầu” (hoặc từ bước 2).

Tình yêu vốn không phải một đường thẳng, mà phụ thuộc vào những diễn biến xảy ra. Chẳng hạn nếu một trong hai người bị bệnh, người còn lại sẽ sắp xếp công việc để dành nhiều thời gian chăm sóc đối phương. Sự thay đổi này có thể khiến mối quan hệ đang từ giai đoạn tiếp diễn hoặc thoái trào quay trở lại xây dựng, bởi cả hai đều hiểu thêm về nhau nhiều hơn.