Hồi nhỏ ở Gia Lai em được cho đi học võ nên chạy nhảy tung tăng như một thằng con trai. Tới giữa năm lớp 6, đầu gối em sưng to sau 1 cú ngã và từ đó em cứ bị đau chân miết thôi. Ba mẹ cho dùng thuốc nam để chữa trị nhưng không hết nên cho chuyển xuống bệnh viện quân đội dưới trung tâm tỉnh, ở đây chẩn đoán em bị u xương và họ không có khả năng điều trị nên khuyên gia đình chuyển ngay xuống Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn. Giữa hai lần hoá trị đầu em còn ráng, nhưng qua lần thứ 3 thì em vừa đau vừa nhớ nhà nên đòi ba mẹ cho đi về quê. Vừa lò cò từ xe đò tới nhà thì chiều đó em sốt cao luôn và tối lại nhảy lên xe quay lại Sài Gòn.
Thực ra em vẫn còn là một đứa con nít nên chưa hiểu được chữ “sợ” là gì. Anh có nhớ thường ngày xưa mình ví dụ bị té đi, thì mình là người khóc còn ba mẹ sẽ dỗ đúng không? Khi em đòi về sau lần quay lại Sài Gòn thì đó cũng là lúc bác sỹ thông báo em phải tháo chân nếu không khối u sẽ di căn lên phía trên.
Lúc đó em mới thấy ba mẹ em khóc.
Em cũng không đòi về Gia Lai nữa.
Nghe phải tháo chân em cũng lo lắm, nhưng vì ở trong bệnh viện suốt 4 đợt hoá trị cuối cùng nên rồi cũng quen. Khi đời mình bị lược bỏ hết những lựa chọn và mấy cái linh tinh khác, chỉ chừa lại đúng câu hỏi ‘mất chân hay mất mạng’ nên quyết định tháo chân đến rất dễ dàng với em. Ít ra là ở độ tuổi 12 đó.
…
Trong sáu năm từ lần cuối cùng em rời bệnh viện Ung Bướu, em đã hoàn thành cấp ba, đậu vào trường Kinh Tế không chút khó khăn gì thì cuộc chiến khác lại nổ ra. Ba mẹ nào mà chẳng thương con, mà tự nhiên con mình lại trở nên không lành lặn như người thường nên lại càng xót con nhiều hơn. Lúc em nhận được giấy trúng tuyển, chưa kịp vui hết ngay thì nhân vật phản diện mang tên Cô Hàng Xóm xuất hiện. Ba mẹ em nghe bả nói ra nói vào nào là học kế toán rồi biết làm cái gì mà ăn, rồi xuống Sài Gòn khó kiếm việc lắm người ta có tiền mà còn chưa xin được việc kia kìa… Ba mẹ em nghe nói thấy có lý nên nhất quyết không cho em đi.
Em tuy hiểu rằng, họ dành cả cuộc đời cho nương cho rẫy nên suy nghĩ của họ cũng không chạy ra xa quá mấy cây cà phê, nhưng em không biết cái thôi thúc trong em với Sài Gòn ở đâu ra mà em khóc quá chừng khóc, cả một tuần đẫm nước mắt, mở mắt ra khóc trước khi đi ngủ cũng khóc. Được cái vừa khóc vừa bấm điện thoại, em tìm được một công việc ở một xưởng may gia đình ở Hóc Môn. Lúc đó em bất lực rồi, không cho đi học thì bà đây đi làm! Nhất định là phải xuống Sài Gòn!
Em giả bộ nói với ba mẹ con xuống Sài Gòn để đi tái khám, vừa nhảy lên xe đến Sài Gòn là đi thẳng đến cái xưởng may đó làm ròng rã một tháng trời thì… người ta viện cớ tật nguyền không trả cho em một đồng nào luôn.
Lúc đó em mới thấm, dù muốn dù không, người ta vẫn định nghĩa em thông qua những cái em đã mất đi chứ không phải dựa trên những thứ mình đang có…
“Tan Chảy” là series thuật lại những câu chuyện tuyệt đẹp về cuộc sống, được thực hiện và đăng tải lần đầu tại It’s Happened to be Vietnam.