Biểu tình, chất thải sinh học và giường chống QHTD: Vì sao Olympic Paris “bất ổn” đến thế? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Biểu tình, chất thải sinh học và giường chống QHTD: Vì sao Olympic Paris “bất ổn” đến thế?

Lời đe dọa đi... đại tiện xuống sông Seine không phải mối lo ngại duy nhất của Pháp trước Olympic 2024.
Biểu tình, chất thải sinh học và giường chống QHTD: Vì sao Olympic Paris “bất ổn” đến thế?

Nguồn ảnh: Getty Images

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày Quốc khánh Pháp 14/7, chiếc đuốc Olympic đã được đưa tới thủ đô Paris, và chỉ trong chưa đầy 2 tuần nữa, Thế vận hội Mùa hè 2024 sẽ chính thức được khai mạc. Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, hàng loạt các vấn đề vẫn đang bao trùm lên quốc gia đăng cai Olympic năm nay.

Sông Seine, biểu tượng của Paris và một trong những địa điểm được lựa chọn để thi đấu nhiều bộ môn dưới nước, vẫn đang bị ô nhiễm bởi chất thải sinh học và các loại vi khuẩn như E. Coli.

Thủ đô Paris, trong khi đó, cũng đang là nơi xảy ra nhiều cuộc biểu tình sau một cuộc bầu cử lập pháp bất ngờ đẩy đất nước vào trạng thái chính trị bất ổn không có tiền lệ. Ngoài ra, các quyết định về việc không lắp điều hòa tại nơi ở của vận động viên hay sử dụng giường làm bằng bìa carton (với một số tin đồn cho rằng nhằm hạn chế vận động viên quan hệ tình dục) cũng gây nên nhiều sự bàn tán.

2. Olympic Paris 2024 có quy mô lớn như thế nào?

Diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8/2024, Thế vận hội Mùa hè Paris dự kiến sẽ tiếp đón hơn 10.600 vận động viên tới từ 206 quốc gia, với kinh phí tổ chức lên đến gần 10 tỷ USD.

Olympic Paris 2024 sẽ bao gồm 32 bộ môn thể thao, với 329 nội dung thi đấu. Con số này đồng nghĩa rằng Olympic Paris 2024 sẽ trở thành Thế vận hội có số lượng nội dung thi đấu nhiều thứ hai trong lịch sử, sau Thế vận hội Mùa hè năm 2020 tại Tokyo.

3. Vì sao Olympic Paris 2024 có những vấn đề này?

Sông Seine chứa đầy... chất thải sinh học

Trên phương diện quảng bá hình ảnh, không khó hiểu vì sao nước Pháp muốn chọn sông Seine làm địa điểm thi đấu một số bộ môn dưới nước như bơi marathon hay chèo thuyền. Nhưng trong nhiều thập kỷ, sông Seine vốn vẫn luôn bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải công nghiệp và sinh học, đặc biệt là sau những trận mưa lớn khiến nước thải từ cống và các khu dân sinh đổ ra dòng sông.

alt
Nguồn: AP

Điều này đồng nghĩa rằng sông Seine không chỉ chứa chất thải của người, mà cả những vi khuẩn nguy hiểm như E.Coli (gây nhiễm trùng đường ruột và tiêu chảy). Đó là lý do việc bơi ở sông Seine, trừ một số ngoại lệ, đã bị cấm kể từ năm 1923. Bất chấp những nỗ lực làm sạch từ thập niên 90, và một dự án lọc nước mới của chính phủ Pháp, nhiều mối lo ngại vẫn tồn đọng về rủi ro sức khỏe đối với các vận động viên Olympic nếu phải bơi ở dòng sông này.

Bất ổn chính trị

Nước Pháp cũng đang ở trong một trạng thái bất ổn chính trị chưa có tiền lệ sau quyết định giải tán Quốc hội vào ngày 9/6 của tổng thống Emmanuel Macron dẫn tới một cuộc bầu cử lập pháp sớm. Sau hai vòng bầu cử (kết thúc vào ngày 7/7), không một phe nào trong số ba lực lượng chính trị chủ chốt của Pháp ở thời điểm này có đủ phiếu bầu để trở thành đảng đa số trong Quốc hội.

alt
Người Pháp biểu tình sau thất bại của đảng cựu hữu Front National | Nguồn: Getty Images

Kết quả bất ngờ này, kết hợp với đơn từ chúc của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã đẩy quốc gia vào một tình thế được gọi là “Quốc hội treo”. Nước Pháp hiện đại chưa từng phải đối diện với tình huống này, dẫn tới sự lo ngại về một chính phủ bị tê liệt, bất ổn chính trị, bất đồng giữa người ủng hộ các đảng khác nhau và các cuộc biểu tình quyết liệt.

Biểu tình bằng cách... đi đại tiện xuống sông

Một trong những ví dụ “hài hước” hơn của sự biểu tình là phản ứng của người dân Pháp trước thông tin rằng tổng thống Macron và thị trưởng Paris Anne Hidalgo sẽ bơi tại sông Seine vào ngày 23/6 để chứng minh kết quả của hệ thống lọc nước mới.

Hàng loạt các đoạn tweet và dòng hashtag về việc biểu tình bằng cách… đi đại tiện xuống sông Seine xuất hiện trên các trang mạng xã hội, với nhiều người thậm chí còn tính toán tỉ mỉ địa điểm, thời gian và tốc độ chảy của dòng nước để “hành động biểu tình” có thể đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên vì tình hình chính trị, ông Macron và bà Hidalgo đã hoãn lại sự kiện này.

Giường carton và phòng ốc không điều hòa

Tính bền vững là một trong những mục tiêu chính của Olympic kể từ năm 2020, và tại Thế vận hội Mùa hè năm nay, Pháp đã cam kết tổ chức một Thế vận hội “xanh”, với những phát kiến đột phá như xây dựng làng Olympic thân thiện với môi trường bằng những vật liệu như gỗ hay chai nhựa tái chế. Tuy nhiên một số quyết định khác như không lắp đặt hệ thống điều hòa lại dẫn tới sự bất đồng từ các nước tham gia Olympic.

alt
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach tới thăm phòng ở dành cho VĐV Olympic | Nguồn: Reuters

Ngoài ra, quyết định sử dụng giường làm từ bìa carton, với mục đích chính thức là để tái chế, lại khiến nhiều cựu vận động viên và trang tin tức cho rằng đây là một hình thức nhằm hạn chế quan hệ tình dục (vì giường được thiết kế để không chịu sức nặng của hai người).

Những giai thoại về tình dục và bán dâm trong các kỳ Thế vận hội vẫn luôn được bàn tán, nhưng việc Pháp đã tuyên bố sẽ phân phát khoảng 300 nghìn bao cao su tại làng Olympic dường như cho thấy họ không hạn chế các vận động viên thực hiện các hoạt động “ngoài thể thao”.

4. Các Olympic trước đây đã từng gặp phải những vấn đề này chưa?

Rất nhiều “biểu hiện” báo hiệu một kỳ Olympic “bất ổn”, nhưng thực chất Paris 2024 không phải kỳ Thế vận hội duy nhất gặp phải những trở ngại trong khâu chuẩn bị.

Vào năm 2022, một số quốc gia và các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh sau những cáo buộc về cách chính phủ Trung Quốc đối xử với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ hay những người biểu tình tại Hồng Kông.

Paris 2024 không phải lần đầu tiên những chiếc giường carton được sử dụng. Đây từng là giải pháp của Nhật Bản tại Olympic 2020 để hạn chế “giao tiếp gần gũi” nhằm phòng chống COVID-19. Một số vận động viên cũng bị xét nghiệm dương tính với COVID-19 và buộc phải bỏ lỡ kỳ Thế vận hội.

alt
Cơ sở hạ tầng được xây dựng cho Olympic Rio 2016 xuống cấp trầm trọng chỉ một năm sau Thế vận hội | Nguồn: Reuters

Olympic Rio 2016 cũng từng phải đối diện hàng loạt các vấn đề trong quá trình chuẩn bị, từ các lo ngại liên quan đến chất lượng cơ sở hạ tầng do thời gian xây dựng quá ngắn, vấn đề về tỷ lệ tội phạm cao, đợt bùng phát virus Zika gây sốt xuất huyết và bất ổn chính trị từ việc luận tội cựu Tổng thống Dilma Rousseff.

5. Pháp (và các nước khác) đang làm gì để giải quyết các vấn đề này?

Vì lo ngại các vận động viên bị sốc nhiệt, nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Anh Quốc, Australia, Italy, Canada, Hy Lạp và Đan Mạch đã quyết định sẽ mang điều hòa theo.

Để chuẩn bị cho Olympic, chính phủ Pháp đã đầu tư một dự án cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 1.5 tỷ USD để làm sạch sông Seine. Ủy ban Olympic Quốc tế cũng cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ chất lượng nước của dòng sông, và chỉ cho phép các nội dung thi đấu được diễn ra tại đây nếu nước sông đủ an toàn.

alt
Bộ trưởng Thể thao Pháp cùng VĐV Alexis Hanquinquant trước khi bơi ở sông Seine | Nguồn: AP

Và dù chưa có thông tin từ tổng thống Pháp và thị trưởng Paris, vào ngày 13/7, Bộ trưởng Thể thao Pháp Amelie Oudea Castera đã bơi tại sông Seine để chứng minh hệ thống lọc nước đang đạt kết quả tích cực.

Ngày 18/7 sẽ đóng vai trò tối quan trọng đối với tương lai chính trị của nước Pháp, khi Quốc hội mới sẽ có cuộc họp lần đầu tiên để lựa chọn lãnh đạo Hạ nghị viện (tuy điều này sẽ gặp nhiều khó khăn khi các đảng chủ chốt đều giữ quyền lực ngang bằng nhau).

alt
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) | Nguồn: AFP

Tổng thống Macron tạm thời đang chưa chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal, thay vào đó yêu cầu ông giữ chức cho đến khi chính quyền mới được thành lập. Ông Attal cũng tuyên bố sẽ giữ chức qua kỳ Olympic, qua đó phần nào giảm thiểu lo ngại về bất ổn chính trị trong Thế vận hội.