Bình đẳng giữa giáo viên và học sinh: Không phải chuyện viễn tưởng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bình đẳng giữa giáo viên và học sinh: Không phải chuyện viễn tưởng

Lý thuyết Sư phạm cho những người bị áp chế của Paulo Freire dạy cho ta những gì về quyền lực trong lớp học?
Bình đẳng giữa giáo viên và học sinh: Không phải chuyện viễn tưởng

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Phần trước: Giao tiếp phi bạo lực: Khi tiếng nói của học trò được lắng nghe.

Ở bài viết Giao tiếp phi bạo lực: Khi tiếng nói học trò được lắng nghe, chúng ta đã được biết giao tiếp là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh mất cân bằng.

Nhưng ngoài giao tiếp, còn điều gì khác khiến xung đột giữa người dạy và người học luôn tăng cao? Liệu bình đẳng giữa giáo viên và học sinh có vẫn mãi là chuyện viễn tưởng?

Thoát khỏi niềm tin mang tên “tôi đúng”

Adam Galinsky, một nhà tâm lý học tại Đại học Northwestern, đã từng thử thực hành một thí nghiệm về quyền lực.

Cụ thể, ông chia học sinh thành hai nhóm, trong đó một nhóm bao gồm những người quyền lực hơn. Khi được hỏi ý kiến về việc khai báo sai chi phí trong công tác, nhóm những người có quyền lực cho rằng đó là hành vi phạm tội vô cùng tồi tệ. Nhưng sau đó, khi được cho chơi xúc xắc để quyết định phần thưởng, chính nhóm này cũng đã nói dối để nhận được phần thưởng lớn.

Sau thí nghiệm, Galinsky nhận xét rằng chính ý thức về quyền lực khiến họ sẵn sàng hợp lý hóa sự sai sót về mặt đạo đức.

Nguồn Unsplash
Nguồn: Unsplash

Các nhà tâm lý học cho rằng, một trong những vấn đề chính của quyền lực là nó khiến ta trở nên ít sự cảm thông hơn. Khi có quyền, họ dễ đánh giá dựa trên khuôn mẫu và khái quát hóa mọi chuyện, họ khó đặt mình vào vị trí của người khác.

Vì là người nắm quyền lực nên khó sai. Vì là giáo viên nên luôn đúng. Chính cách nhìn này đã ảnh hưởng lớn lên việc một số thầy cô bày tỏ suy nghĩ của mình về bất kỳ vụ việc nào. Họ ít có sự cảm thông hoặc đặt ngược vấn đề, mà tin vào sự hiểu biết đến từ tuổi tác và kinh nghiệm của bản thân.

Trong sự việc của Ngô Hoàng Anh, cũng có một cô giáo đã khuyên nạn nhân K.N. nên im lặng để bảo toàn danh dự cho nhà trường. Khi làn sóng chỉ trích lên cao, cô vẫn không chính thức xin lỗi nạn nhân. Hoặc thậm chí trong bài viết của cô giáo M.H., cô cũng xóa hầu hết những bình luận phản biện, chỉ để lại những nhận xét đồng tình.

Chênh lệch quyền lực không chỉ đến từ việc người có quyền thấp hơn tức các em học sinh - khó khăn trong việc bày tỏ ý kiến, mà còn đến từ một niềm tin cố hữu mang tên “Tôi luôn đúng”.

Từ "giáo dục nhà băng" đến "giáo dục nêu vấn đề"

Trong quyển sách Sư phạm của những người bị áp chế, nhà triết học giáo dục Paulo Freire cho rằng thực hành học phổ biến của học sinh đang được coi như sự nhồi nhét kiến thức một chiều từ giáo viên.

Với Freire, nền giáo dục hiện tại là "giáo dục nhà băng (banking education)". Nếu kiến thức là tiền, thì giáo viên giống như nhân viên nhà băng, là đơn vị duy nhất được phân phối kiến thức, còn não bộ của học sinh giống như két giữ tiền, có thể nhồi nhét mãi mãi. Trong phép ẩn dụ này, tri thức có giá trị không thay đổi giống tiền, vì thế chúng không thể bị phản biện hay làm mới.

Khách hàng chỉ có thể sử dụng số kiến thức được truyền dạy mà không được phép đặt câu hỏi về những giá trị chúng mang lại. Lúc này, người học sinh phải xem kiến thức được dạy là đúng tuyệt đối, và lời giảng của thầy cô là chân lý. Và điều này cũng cho người thầy quyền lực gần như tuyệt đối về kiến thức lẫn tư tưởng.

Nguồn Thanh niecircn
Nguồn: Thanh Niên

Vì nhận ra những bất cập của việc này, Freire đã đề ra một phương pháp giáo dục khác, mang tên "giáo dục nêu vấn đề (problem-posing education)."

Freire không ủng hộ việc cãi nhau để tìm câu trả lời đúng hay sai, mà với ông, sự học quan trọng việc tìm hiểu những lý do về hoàn cảnh xã hội khiến một tri thức nào đó được coi là đúng. Phương pháp này, vì thế, đề cao việc đối thoại giữa giáo viên và học sinh.

Suy cho cùng, tinh hoa của giáo dục nên nằm ở việc giáo viên và học sinh đồng sáng tạo, từ đó trả lời được những câu hỏi mới và tìm ra những tri thức mới.

Nhưng để làm được điều đó, việc học như cách chúng ta thường hiểu về nó là không đủ. Quan trọng hơn nữa, chúng ta còn phải đủ dũng cảm để đập đi những kiến thức cũ (unlearn).

“Learn to unlearn”

“Các em tới đây không phải để học, các em tới đây là để đập đi (unlearn) những kiến thức mình từng được học” - Ngày đầu tiên đi học tại Hamilton College, ngôi trường theo mô hình giáo dục khai phóng nổi tiếng tại Mỹ, thầy tôi đã nghe hiệu trưởng nói câu này. Câu nói ám ảnh đến mức thầy tôi quyết tâm thành giáo viên, chỉ để dạy học trò biết unlearn.

Nguồn Unsplash
Nguồn: Unsplash

Học một kiến thức thì dễ, nhưng sẵn sàng đập đi xây lại niềm tin cố hữu trong mình thì khó. Lòng tự tôn khiến chúng ta rất khó khăn để chấp nhận rằng mình sai. Vậy nên để unlearn cần một sự can đảm rất lớn.

Sự học không phải là chỉ công nhận chân lý, mà phải là xem xét đến tận cùng chân lý ấy. Nên có lẽ đã đến lúc những giáo viên, như cô M.H., nên đồng hành cùng học trò đặt ra những câu hỏi, thay vì cung cấp một thiên kiến có sẵn. Sự unlearn nên đến từ hai phía.

Dù sao thì, những thay đổi lớn trong lịch sử luôn đến từ việc con người dám unlearn. "Trái Đất xoay quanh Mặt Trời" của Galileo Galilei là một trong vô vàn minh chứng cho điều ấy.