Bổ Não: Cảm giác ai đó đang nhìn, là thật hay hoang tưởng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
01 Thg 10, 2020
Tâm Lý HọcBổ Não

Bổ Não: Cảm giác ai đó đang nhìn, là thật hay hoang tưởng?

Cảm giác ai đó đang nhìn mình đến từ đâu, liệu có phải giác quan thứ sáu?
Bổ Não: Cảm giác ai đó đang nhìn, là thật hay hoang tưởng?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Bạn bước vào thang máy đã có người. Một cảm giác mất tự nhiên đánh úp. Trực giác mách bảo bạn rằng họ đang lén nhìn từ góc độ bạn có thể lẫn không thể thấy được.

Một vài lần thử nhìn lại, biết ngay mà! Đúng là có người đang nhìn, và bạn càng thêm tự tin với giác quan thứ sáu của mình.

Thật ra đây không phải khả năng siêu nhiên của riêng ai, mà là một hệ thống báo động của não bộ. Rất tiếc phải nói rằng tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hệ thống này ai ai cũng có. Và nó bao gồm:

Cơ chế “phát hiện ánh nhìn" (gaze detection)

Là cơ chế cảnh báo của tế bào não ‘nhạy cảm với ánh nhìn' mỗi khi có người đang nhìn ‘thân chủ' của nó. Nhưng chỉ cần ánh nhìn đó chệch đi một vài độ sang trái hoặc phải của bạn, các tế bào này sẽ im lìm ngay.

Một số tế bagraveo trong natildeo khaacute nhạy cảm với aacutenh nhigraven
Một số tế bào trong não khá nhạy cảm với ánh nhìn.

Kết hợp “sự nhạy cảm với hướng đầu” (sensitivity to head orientation)

Đầu của người đối diện quay về các hướng khác nhau sẽ kích hoạt các tế bào ‘nhạy cảm với hướng đầu’ tương ứng trong não của bạn. Chúng nó hợp tác với các tế bào ‘nhạy cảm với ánh nhìn’ để nhắc nhở bạn: Coi chừng!

Và khi bạn nhìn vào họ, thì đây, đôi mắt mới chính là ‘kẻ chỉ điểm'.

Với cấu tạo đặc biệt của đôi mắt

Không như các loài động vật khác, mắt người có 2 phần trắng đen rất rõ ràng. Vì thế ta có thể nhận rõ khi tròng đen dịch chuyển và thay đổi hướng nhìn. Còn ở các loài động vật, tròng đen gần như chiếm trọn cả mắt nên rất khó xác định chúng đang nhìn đi đâu.

Sở dĩ có sự khác biệt này là do vấn đề sinh tồn. Các loài động vật, đặc biệt là động vật săn mồi, đương nhiên không muốn con mồi nhận ra nó đang bị theo dõi. Vì thế, tròng đen lớn như một công cụ ngụy trang, giúp vô hiệu hoá khả năng cảm nhận ánh nhìn của con mồi.

Còn với con người, kỹ năng giao tiếp mới là điều sống còn. Con người phát triển diện tích tròng trắng nhằm nâng cao khả năng truyền đạt, thực hiện những điều mà ngôn ngữ đôi khi không thể để hỗ trợ việc tương tác xã hội. Do đó đôi mắt chúng ta được tối ưu hoá để người đối diện có thể dễ dàng nắm bắt thông tin.

Vì sao não nhất quyết nhắc nhở chúng ta về ánh nhìn của người khác?

Cảnh báo mối nguy

Từ xưa, bản năng của con người là phải chú ý đến các mối đe dọa để tồn tại.

Khi không thể xác định được mắt của người khác đang hướng đi đâu, như vào ban đêm hoặc do họ đeo kính, não quyết định “cẩn tắc vô áy náy". Lúc này hệ thống lo lắng ‘bắt tay' với các trải nghiệm có liên quan trước đây và cảnh báo cho bạn.

Hỗ trợ việc tương tác xã hội

Con người cần và nhạy cảm với sự chú ý, còn đôi mắt chính là thứ mấu chốt. Chúng ta nhìn nhau để tìm sự chú ý, và cũng nhờ ánh nhìn của người khác để biết mình đang được chú ý. Từ đó, ta xác định được vị thế của mình trước người khác.

Giao tiếp qua aacutenh mắt lagrave một phần khocircng thể thiếu khi tương taacutec xatilde hội
Giao tiếp qua ánh mắt là một phần không thể thiếu khi tương tác xã hội.

Cảm giác luôn bị ai đó nhìn theo còn có một lợi ích sâu xa tới mức ít ai nghĩ đến, đó là lợi ích về đạo đức. Khi cho rằng mình đang bị giám sát, ta sẽ có xu hướng cư xử đúng mực hơn. Các cảnh báo “Ở đây có camera giám sát" tồn tại cũng xuất phát từ tâm lý này.

Hoặc có thể chỉ là một sự nhầm lẫn

Khi cảm thấy có ai đang nhìn mình, bạn sẽ quay lại tìm kiếm. Đúng lúc đó, một ai đó xung quanh cũng cảm thấy có người đang nhìn họ và quay sang kiểm chứng. Mắt cả hai chạm nhau và lầm tưởng rằng đối phương đã nhìn mình từ nãy. Nếu lúc đó không còn ai khác xung quanh tình cờ nhìn sang, bạn sẽ càng sập bẫy của ‘thiên kiến ký ức’ (memory bias).

Cảm giác có ai đó đang nhìn mình được nhắc đến lần đầu trong bài báo khoa học “The Feeling of Being Stared At” của nhà tâm lý học Edward Titchener vào năm 1898.

Về sau, dù đã qua rất nhiều nghiên cứu nhưng chưa có phương pháp nào loại bỏ hết những yếu tố thiên kiến tương tự như trên để đưa ra kết quả khách quan nhất. Do đó, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh ‘giác quan thứ sáu' này. Tuy nhiên, đây vẫn là bước nền cho một số thuyết tâm lý khác, ví dụ như hiệu ứng tâm điểm.

Kết

Tương tác xã hội là yếu tố sống còn với con người. Đó cũng là lý do mà chỉ một ánh nhìn thôi nhưng lại cần cả một cơ chế phức tạp với biết bao nhiêu tế bào não trông chừng. Đôi khi bạn cũng bị sự cẩn thận của chúng nó ‘chơi khăm'.

Đừng trách nhé, thật ra não chỉ không muốn bạn bỏ lỡ bất cứ tương tác xã hội nào mà thôi. Phần còn lại đành nhờ vào khả năng phán đoán và kinh nghiệm sống của bạn vậy.