Cringe là gì mà gây nhiều khó chịu? | Vietcetera
Billboard banner

Cringe là gì mà gây nhiều khó chịu?

Bạn đã bao giờ cảm thấy "rùng mình" khi coi một hình ảnh hoặc một video TikTok? Cảm giác đó chính là cringe!
Cringe là gì mà gây nhiều khó chịu?

Nguồn: Hậu trường phim Twilight | Buzzfeed

1. Cringe là gì?

Cringe là cảm giác rùng mình khi thấy một thứ gây khó chịu hay ghê tởm trước một sự vật, sự việc (Từ điển Merriam Webster). Từ này còn mang một nghĩa khác là co rúm người lại - đây cũng là phản ứng thường thấy của cơ thể khi thấy điều gì phản cảm.

2. Nguồn gốc của cringe?

Cringe đã được sử dụng từ năm 1570 với nghĩa “co rúm người lại vì sợ hãi”. Lớp nghĩa bóng của từ này được cho là xuất phát từ bộ truyện tranh The Bash Street Kids (1972) với một nhân vật có họ là “Cringeworthy".

3. Tại sao cringe trở nên phổ biến?

Cringe bắt đầu trở nên phổ biến nhờ cộng đồng Reddit. Vào năm 2009, một trang riêng tên r/Cringe đã được lập ra. Mọi người bắt đầu chia sẻ những video và hình ảnh khiến họ mang cảm giác cringe.

Lượng search của từ này tăng vọt vào khoảng năm 2013. Trùng hợp là trước đó 1 năm, emoji grimace cũng được ra đời. Emoji này được cho là gây ra những hiểu lầm cũng như những cuộc hội thoại mang tính khó xử (awkward).

Đều là nhe răng cười nhưng emoji grimace (ngoài cùng bên phải) tạo cảm giác "cringe" | Nguồn: Emojipedia

Cringe bùng nổ mạnh trong kỷ nguyên của mạng xã hội. Đi kèm với từ cringe là một ‘hệ sinh thái' những từ có cùng chủ đề khác bao gồm: cringy/cringey, cringeworthy (đáng xấu hổ), cringe culture (văn hóa cringe), cringe comedy…

TikTok là một trong những nền tảng ưa thích của Gen Z và cũng là ngôi nhà sản sinh ra “nội dung” gây rùng hết cả mình! Từ việc khoe tài sản hay dance challenge cũng được nằm trong danh sách này. Rất nhiều video tổng hợp những khoảnh khắc này cũng xuất hiện trên YouTube.

Nhận thấy rõ sức hút của cringe, rất nhiều TikToker và YouTuber đã tập trung vào sản xuất nội dung với một mục đích: làm người xem khó chịu. Phản ứng của người xem trước những video này tương tự với cái cách mà thể loại phim “so bad it's good" ra đời.

Tại Việt Nam, thể loại content này cũng xuất hiện nhiều. Những video nổi bật có thể kể tới Trần Đức Bo, Gái Nhật á,.. trở nên viral vì tính gây hài tới mức khó chịu. Mặc cho khái niệm cringe không tồn tại trong tiếng Việt tuy nhiên có thể thấy vẫn có những điểm tương đồng trong xu hướng của giới trẻ, từ Tây sang ta.

4. Cách dùng cringe?

Tiếng Anh

A: You must watch this TikTok video. It is so cringy that it makes me cry-laughing.

B: Ye, I saw that and regret it. What has been seen, cannot be unseen...

Tiếng Việt

A: Ê ông coi cái video Tiktok này. Nó làm tui khó chịu tới mức vừa khóc vừa cười.

B: Tui đã coi và hối hận. Mà cái gì đã lỡ thấy thì không có giả vờ như chưa thấy được...