Bữa ăn gia đình liệu còn cần thiết trong cuộc sống hiện đại? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
22 Thg 07, 2020
Gia Đình

Bữa ăn gia đình liệu còn cần thiết trong cuộc sống hiện đại?

Liệu những bữa cơm có còn phù hợp trong thời đại hiện nay? Những đứa trẻ lớn lên bên mâm cơm gia đình sẽ có gì khác biệt?

Bữa ăn gia đình liệu còn cần thiết trong cuộc sống hiện đại?

Bữa ăn gia đình liệu còn cần thiết trong cuộc sống hiện đại?

Đã từ rất lâu, những bữa cơm quây quần được xem là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Nhưng không biết từ bao giờ, cuộc sống bận rộn khiến cho thói quen này dần được thay thế bằng những khoảng không gian riêng của mỗi thành viên.

Liệu những bữa cơm có còn phù hợp trong thời đại hiện nay? Những đứa trẻ lớn lên bên mâm cơm gia đình sẽ có gì khác biệt?

Chia sẻ trách nhiệm cho con trẻ

Phân chia việc nhà cùng con là một cách tốt để giúp trẻ hiểu về nghĩa vụ và trách nhiệm trong gia đình. Nấu ăn, dọn dẹp, sắp xếp còn là những kỹ năng cần thiết trong quá trình trưởng thành. 

Khi mẹ nấu nướng, hãy để việc dọn bàn ăn, rửa bát cho bố và con. Chính việc chia sẻ niềm vui lao động sẽ là động lực cho trẻ có thói quen cùng làm, thay vì ỷ lại vào người khác.

Hỗ trợ trẻ xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin

Bữa ăn gia đình liệu còn cần thiết trong cuộc sống hiện đại0

Thông qua bữa ăn chung, trẻ sẽ cảm thấy mình là một phần quan trọng của gia đình | Nguồn hình: Unsplash

Bạn cảm nhận như thế nào khi được sếp giao cho mình một công việc quan trọng? Đó cũng là cảm giác của trẻ khi được phân công chuẩn bị bữa ăn chung. Con sẽ cảm nhận sâu sắc rằng mình là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh gia đình.

Sau khi con hoàn thành nhiệm vụ, bạn cũng đừng tiếc lời cảm ơn con: “Cảm ơn con đã phụ ba/mẹ chuẩn bị bữa ăn” hay “Con đã giúp đỡ mẹ nhiều lắm đó, cảm ơn con”. Có thể đó chỉ là những lời ngợi khen nhỏ với bố mẹ, nhưng lại là niềm vui lớn đối với trẻ.

Khi thấy đóng góp của mình được ghi nhận, trẻ sẽ có thêm động lực để cố gắng. Quá trình hoàn thành nhiệm vụ và nhận được lời công nhận là nền tảng xây dựng lòng tự tin nơi trẻ. Đồng thời, nó giúp trẻ biết cách hợp tác khi tham gia vào các công việc chung trong cộng đồng sau này.

Giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội

Thời gian trò chuyện trong bữa ăn gia đình cũng chính là lúc mọi người trải lòng với nhau. Hãy khuyến khích trẻ chia sẻ những trải nghiệm trong ngày của mình. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu con hơn, mà còn thúc đẩy trẻ rèn luyện kỹ năng lắng nghe và trình bày với mọi người.

Không dừng lại ở đó, bạn có thể hướng dẫn con nhận biết các nguyên liệu chế biến, sử dụng dụng cụ nhà bếp và phép tắc ăn uống nơi đông người. Điều này giúp trẻ rèn luyện kỹ năng nấu nướng, sự khéo léo, tính kiên nhẫn và cách cư xử.

Trẻ sẽ học được những kỹ năng cuộc sống khi phụ giúp bố mẹ chuẩn bị bữa ăn Nguồn hình freepik
Trẻ sẽ học được những kỹ năng cuộc sống khi phụ giúp bố mẹ chuẩn bị bữa ăn | Nguồn hình: freepik

Phát hiện sớm những bất ổn của trẻ

Trong độ tuổi đi học, trẻ sẽ dành phần lớn thời gian cùng với thầy cô, bạn bè. Môi trường ngoài gia đình tiềm ẩn những góc khuất mà bố mẹ khó lòng kiểm soát được hết.

Giúp bố mẹ phát hiện kịp thời và xử lí nếu trẻ có dấu hiệu bất ổn Nguồn hình Unsplash
Giúp bố mẹ phát hiện kịp thời và xử lí nếu trẻ có dấu hiệu bất ổn | Nguồn hình: Unsplash

Không ít bố mẹ luôn phải lo lắng liệu trẻ có đang buồn rầu, lo âu trước áp lực học tập, hoặc tệ hơn là bị bắt nạt ở trường hay trên mạng xã hội. Bữa cơm chung sẽ giúp bố mẹ kịp thời phát hiện, hỗ trợ trẻ và can thiệp nếu cần thiết, tránh để trẻ phải chịu đựng tổn thương trong thời gian dài. 

Cân bằng dinh dưỡng cho trẻ

Khi trẻ đi học, sẽ khó ngăn cản trẻ ăn quà vặt tại căn tin trường hoặc những cửa hàng xung quanh. Bữa cơm gia đình sẽ là cơ hội để bố mẹ bổ sung và cân bằng dinh dưỡng cho con.

Hãy tận dụng lúc này để giúp con bổ sung đủ chất (đạm, xơ, đường bột, béo, vitamin và khoáng chất). Bạn có thể làm những món ăn ưa thích của con, nhằm tạo và duy trì thói quen ăn tại nhà cho trẻ. 

Gắn kết các thành viên trong gia đình

Bữa ăn gia đình liệu còn cần thiết trong cuộc sống hiện đại3

Giúp các thành viên gia đình cảm thấy gần gũi hơn | Nguồn hình: Unsplash

Nghiên cứu cho thấy, bữa ăn gia đình giúp các thành viên gần gũi với nhau hơn. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là hiện nay số lượng gia đình còn cùng nhau dùng bữa mỗi ngày đang giảm dần.

Một số khác lại biến những bữa cơm trở thành thời gian để trẻ báo cáo “thành tích”. Việc này vô tình khiến bữa cơm gia đình mất đi cảm giác ấm cúng. Thay vào đó, trẻ phải đối diện áp lực “trả bài” cho bố mẹ và dần né tránh bữa ăn sum họp gia đình.

Hãy để những bữa cơm gia đình trở thành thời gian ấm áp, sẻ chia và là nơi để trẻ có thể cởi mở nói về những vấn đề của mình. Cuộc sống càng hiện đại, càng cần gìn giữ và duy trì bữa cơm chung để có thể kết nối với con, trở thành một người bạn lớn, đồng hành cùng con qua từng giai đoạn phát triển.

Kết

Sở dĩ quây quần bên nhau trong bữa cơm nhà trở thành một nét văn hóa đẹp của gia đình Việt là vì nó mang đến nhiều lợi ích cho tình cảm gia đình, đặc biệt là cơ hội phát triển tốt nhất cho những đứa trẻ. Hãy để bữa cơm gia đình trở thành nơi để bạn kết nối với con, là hồi ức đẹp cho con khi trưởng thành.