Vì sao con cái thường không muốn giải quyết vấn đề theo lời bố mẹ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
29 Thg 04, 2020
Gia Đình

Vì sao con cái thường không muốn giải quyết vấn đề theo lời bố mẹ?

Không phải vì con cái bướng bỉnh hay vì bố mẹ đưa lời khuyên sai lầm, mà vì con cái chưa tìm được điều mình cần. Khi tâm sự với bố mẹ, con cái cần điều gì?

Vì sao con cái thường không muốn giải quyết vấn đề theo lời bố mẹ?

Bước vào tuổi thiếu niên, những buổi trò chuyện tâm sự giữa bố mẹ và con cái tưởng chừng rất đơn giản nhưng luôn kết thúc trong bế tắc.

Con cái mang theo rắc rối tìm đến bố mẹ, bố mẹ đưa giải pháp, rồi buổi trò chuyện kết thúc trong bất đồng. Con cái cảm thấy bố mẹ không hiểu mình, bố mẹ thì cho rằng con mình đang trong thời kỳ “phản nghịch”. Nếu không giải quyết sớm, những bất đồng này sẽ dần trở thành bức tường chắn khiến con cái ngày càng khó mở lòng với bố mẹ.

Vì sao con cái thường không chịu nghe theo lời khuyên của bố mẹ? Không phải vì con cái bướng bỉnh, hay vì bố mẹ đưa ra lời khuyên sai lầm, mà vì con cái chưa tìm được đúng điều mình cần.

Vậy thì khi tìm đến bố mẹ để tâm sự về vấn đề của mình, thật ra con cái đang tìm kiếm điều gì? Cùng lắng nghe lời giải đáp được truyền cảm hứng từ tác giả Lisa Damour trên New York Times.

Con cái đang tìm nơi để giải tỏa

Dù là trẻ con hay người lớn, ai cũng có nhu cầu được lắng nghe. Đôi khi giãi bày mọi lo lắng và suy nghĩ bên trong mới là cách giải tỏa đơn giản và hiệu quả nhất.

Có lẽ trong đầu con cái đã có những suy nghĩ và giải pháp riêng, chỉ là chúng còn quá rời rạc và lộn xộn. Giãi bày là cách trải vấn đề ra, giúp con cái sắp xếp lại suy nghĩ hỗn loạn trong đầu, từ đó tự mình ổn định lại cảm xúc và chắt lọc giải pháp phù hợp.

Khi tâm sự, không phải con cái đang muốn tìm lời khuyên, hoặc ít nhất chưa phải bây giờ. Điều bố mẹ cần làm lúc này là tạo không gian cho con chia sẻ bằng cách kiên nhẫn lắng nghe và không định kiến. Như vậy sẽ giúp con dễ mở lòng hơn và cũng giúp bố mẹ hiểu những gì con mình đang trải qua. 

Khi tìm đến tâm sự cùng bố mẹ điều đầu tiên mà con cái tìm kiếm là một không gian thoải mái để giãi bày mà không bị phán xét
Khi tìm đến tâm sự cùng bố mẹ, điều đầu tiên mà con cái tìm kiếm là một không gian thoải mái để giãi bày mà không bị phán xét.

Con cái đang tìm sự đồng cảm

Hầu hết các vấn đề của con cái, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì, đều không có lời giải hoặc khó mà can thiệp. Bố mẹ không thể xóa bỏ cảm giác thích một ai đó, ngăn cản những rắc rối trong quan hệ với thầy cô và bạn bè, hay thay đổi ba tiết kiểm tra một ngày. Tuy nhiên, bố mẹ có thể giúp con không cảm thấy cô đơn khi phải tự đối mặt với những vấn đề đó.

Đôi khi có những vấn đề không thể chia sẻ cùng bạn bè, con cái sẽ tìm đến bố mẹ, nhưng không vì muốn tìm giải pháp mà chỉ muốn trải lòng. Lúc này con cái rất cần sự cảm thông.

Cách bày tỏ sự đồng cảm của mỗi bố mẹ dĩ nhiên không giống nhau. Có người không ngại bày tỏ qua lời nói hay câu thăm hỏi. Có người lại thể hiện qua một cái ôm, một cái vỗ vai động viên, một ly trà sữa bất ngờ, hoặc đơn giản là dành nhiều thời gian hơn với con mình. Cách thức tuy khác biệt nhưng cùng chung mục đích, tùy thuộc vào văn hóa giao tiếp của từng gia đình. 

Con cái đang cần củng cố lòng tự tin

Bố mẹ, đặc biệt là bố mẹ Châu Á, thường hay có xu hướng “o bế” con mình quá đà. Rớt một bài kiểm tra? Để bố mẹ nói chuyện với giáo viên. Con đi học trễ? “Do bố mẹ không gọi nó dậy đúng giờ, cô đừng la nó!” Can thiệp quá mức vào vấn đề của con cái sẽ vô tình tạo thói quen dựa dẫm, khiến con tin rằng chỉ có bố mẹ mới giải quyết được vấn đề và dần mất tự tin vào bản thân.

Tin tưởng và khuyến khích con cái tự giải quyết vấn đề từ nhỏ bé đến lớn lao sẽ rèn luyện tính độc lập, tự tin xử lí khó khăn trong tương lai. Bố mẹ cần đủ kiên nhẫn cho con không gian và thời gian để tự rút ra bài học của riêng mình.

Tin tưởng và khuyến khích con cái tự giải quyết vấn đề từ nhỏ bé đến lớn lao hơn sẽ rèn luyện không chỉ sự độc lập mà còn khiến con tự tin xử lí những khó khăn trong tương lai
Tin tưởng và khuyến khích con cái tự giải quyết vấn đề từ nhỏ bé đến lớn lao hơn sẽ rèn luyện không chỉ sự độc lập, mà còn khiến con tự tin xử lí những khó khăn trong tương lai.

Thậm chí, khi sự việc đã qua đi, có thể con cái sẽ kể cho bố mẹ mình đã gặp vấn đề gì và giải quyết ra sao, chỉ để được nhận lời khẳng định. Những lúc này, nên tránh những câu phán xét, dạy bảo như “bố mẹ đã nói mà không nghe”. 

Con cái thường có cảm giác thiếu an toàn khi phải mở lòng với người lớn. Mặc dù nếu nghe theo bố mẹ thì đã hoàn hảo hơn, và bố mẹ chỉ muốn con ghi nhớ bài học này, nhưng tại thời điểm đó sẽ giống như một “đòn tấn công”, khiến con cái vô thức dựng lên bức tường chắn. Bố mẹ có thể chờ một thời điểm khác để nhắc lại và nhẹ nhàng chỉ cho con thấy nên rút kinh nghiệm như thế nào.

Con cái cần một ý tưởng, chứ không muốn bị ‘đóng khung’

Sau khi đã lắng nghe, đồng cảm và khuyến khích con tự lập, nhưng con vẫn chưa biết nên làm sao và bày tỏ cần giúp đỡ, (cuối cùng thì) đây là lúc con đủ tin tưởng và chịu lắng nghe lời khuyên của bố mẹ.

Trước hết, hãy xác nhận xem con có cần mình trợ giúp không. Nếu có, bố mẹ cần bóc tách vấn đề thành hai dạng: điều nào thay đổi được và điều nào thì không. Với loại đầu, cần đặt trọng tâm là mong muốn của con để cùng nghĩ cách giải quyết. Với loại thứ hai, nên giải thích cho con hiểu và chấp nhận rằng có một số chuyện chúng ta không thể kiểm soát được.

Nhiều bố mẹ có xu hướng áp đặt con mình vào một khuôn mẫu nhất định. Mặc dù xuất phát từ lợi ích của con nên bố mẹ mới thay con đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm của mình, nhưng lại không thật sự lắng nghe hay thấu hiểu.

Ở từng độ tuổi, từng giai đoạn và thời đại, con người có quan điểm, tư tưởng và khả năng chịu đựng thử thách khác nhau. Dù bố mẹ có chăm chút kỹ lưỡng tới đâu thì cũng sẽ đến lúc con cái phải đối mặt với vấn đề chỉ chính mình mới tự định đoạt được. Khi ấy, thói quen bị áp đặt và “đóng khung” sẽ trở thành rào cản lớn nhất.

Dù có bố mẹ có chăm chút kỹ lưỡng tới đâu thì cũng sẽ đến lúc con cái phải đối mặt với vấn đề chỉ chính mình mới tự định đoạt được
Dù có bố mẹ có chăm chút kỹ lưỡng tới đâu thì cũng sẽ đến lúc con cái phải đối mặt với vấn đề chỉ chính mình mới tự định đoạt được.

Kết

Vấn đề cốt lõi đó là: Làm thế nào để giải quyết vấn đề cùng con, chứ không phải là giải quyết thay con? Làm thế nào để con cái có thể tự tìm cách giải quyết vấn đề của mình, dựa trên sự ủng hộ đầy tình thương của bố mẹ?

Dù bố mẹ có cảm thấy lời khuyên của mình hữu hiệu đến đâu thì vẫn nên tạm giữ lại, đến khi đã thật sự lắng nghe hết suy nghĩ của con mình. Khi người lớn đưa ra giải pháp quá nhanh, con cái sẽ có cảm giác như mình không được lắng nghe và thấu hiểu — điều mà chúng thật sự cần nhất.