Bùng phát bệnh đậu mùa khỉ: Vì sao số liệu chỉ rơi vào người đồng tính nam? | Vietcetera
Billboard banner

Bùng phát bệnh đậu mùa khỉ: Vì sao số liệu chỉ rơi vào người đồng tính nam?

Thống kê dường như đang nói rằng chỉ người đồng tính mới mắc bệnh. Nhưng nếu chỉ bắt bệnh bằng số, ta dễ đi tới những lầm tưởng.
Bùng phát bệnh đậu mùa khỉ: Vì sao số liệu chỉ rơi vào người đồng tính nam?

Virus đậu mùa khỉ dưới lăng kính hiển vi. | Nguồn: CBC

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 23/07, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với căn bệnh đậu mùa khỉ. Kể từ tháng 5 tới nay, đã có hơn 16.000 ca bệnh tại hơn 60 nước, trong đó Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, và Anh mỗi nước ghi nhận từ 2000 tới 3000 bệnh nhân.

WHO xác định mức độ nghiêm trọng của căn bệnh sau nhiều lần cân nhắc và nhiều nghiên cứu mới ở phạm vi toàn cầu. Bệnh chưa phải đại dịch mà mới chỉ ở tình trạng khẩn cấp, tức có khả năng trở thành đại dịch.

25jul2022872755580jpg
Chuột là một trong những loài có khả năng mang bệnh. | Nguồn: Getty Images

Căn bệnh mang tên “đậu mùa khỉ” bởi người ta lần đầu tìm thấy virus này trên cơ thể của hai chú khỉ vào năm 1958. Tuy nhiên, bệnh có thể trú ngụ trên cơ thể của không chỉ khỉ mà nhiều loài động vật, đặc biệt là các loài gặm nhấm như sóc hay chuột.

2. Việt Nam ở đâu trên bản đồ chống dịch toàn cầu?

Một ngày sau tuyên bố của WHO, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với CDC Mỹ, WHO, và một số đơn vị dịch tễ khác để xác định phương án ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và cách xử lý nếu phát hiện ca bệnh trong nước.

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày. Trong bối cảnh nước ta tái khởi động ngành du lịch và gỡ bỏ các quy trình kiểm soát y tế với người nhập cảnh, khả năng bệnh xâm nhập vào Việt Nam là cao.

25jul2022img2022072418080260781658661337jpg
Bộ Y tế họp khẩn để tìm phương án ứng phó với dịch bệnh. | Nguồn: VnExpress

WHO đề xuất một kế hoạch hành động nhấn mạnh vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường cung cấp thông tin cho người dân, và lập hệ thống giám sát đậu mùa khỉ cấp quốc gia.

3. Chúng ta cần biết gì về đậu mùa khỉ?

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng chúng ta chưa hiểu rõ về phương thức lây lan mới của bệnh. Virus đậu mùa khỉ có khả năng đột biến cao, tức có thể phát triển đặc tính lây nhiễm mới theo thời gian.

Căn bệnh vốn có nguồn gốc ở châu Phi, và trong nhiều năm chỉ được ghi nhận tại lục địa này. Đây cũng là bí ẩn lớn của đợt bùng phát mới nhất: người ta không xác định được nguồn lây của các ca bệnh tại những châu lục khác. Các bệnh nhân hầu hết không có lịch sử di chuyển từ hoặc tới châu Phi.

Mặc dù tỉ lệ lây nhiễm từ người sang người là không cao, nhiều nhà nghiên cứu coi đây là hướng nghiên cứu chính để xác định nguồn lây và khả năng lây lan của virus.

25jul2022870760856jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu sinh phẩm từ bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ tại châu Phi. | Nguồn: Getty Images

Trong khi hầu hết các ca bệnh mới đều lây qua đường tình dục, giới y tế nhấn mạnh đậu mùa khỉ không phải bệnh tình dục. Ta cũng có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với da hay đồ dùng của người bệnh, hoặc qua đường hô hấp như tiếp xúc với các giọt bắn mang virus.

4. Tại sao phần lớn bệnh nhân là người đồng tính hoặc song tính nam?

Thống kê cho thấy 98% ca bệnh chính thức là người đồng tính hoặc song tính nam. Giới chức tại châu Âu và Mỹ cũng xác định đậu mùa khỉ có thể đã lan rộng tại các môi trường thân thiện với người đồng tính như phòng xông hơi, các bữa tiệc của cộng đồng LGBT trong tháng Tự hào,...

Nếu chỉ nhìn số liệu, ta dễ nhảy tới kết luận rằng đậu mùa khỉ là bệnh đồng tính. Nhận định này chẳng những không chính xác, mà còn nguy hiểm cho cả cộng đồng đồng tính lẫn những người dị tính.

Hiểu đơn giản, có hai lý do dẫn tới số liệu như trên: rằng người đồng tính đi khám nhiều hơn nên ghi nhận nhiều ca hơn, và rằng nhiều người nhiễm bệnh nhưng tự khỏi nên đã không đi khám và không được ghi nhận lịch sử dịch tễ.

25jul2022b98cedd0f89111ecb7fba4c360cba7d0jpg
Một người đàn ông tại Canada tiêm vaccine chống đậu mùa khỉ. | Nguồn: Reuters

Một số triệu chứng đậu mùa khỉ giống với các bệnh tình dục như herpes hay giang mai. Cộng đồng LGBT vốn nhạy cảm và chủ động trong các vấn đề sức khỏe tình dục, thế nên khi ghi nhận triệu chứng đậu mùa khỉ, họ nhanh chóng tìm sự trợ giúp y tế.

Bên cạnh đó, chủng bệnh chủ đạo là chủng Tây Phi có triệu chứng nhẹ và tập trung vào khả năng lây nhiễm hơn là khả năng tiêu diệt. Do đó, nhiều bệnh nhân ủ bệnh trong khoảng hai tuần nhưng chỉ phát triệu chứng trong vài ngày rồi hết.

Tỉ lệ xét nghiệm thấp cũng là một lý do khiến các con số chỉ tập trung vào người đồng tính. Giới chức các nước không có kế hoạch xét nghiệm chủ động để xác định bệnh nhân, trong khi nhiều người mang bệnh lại không đi khám dẫn tới sự thiên lệch số liệu.

5. Bệnh dịch làm tăng định kiến với người đồng tính như thế nào?

Đây không phải lần đầu tiên một căn bệnh được coi là bệnh đồng tính. Trong quá khứ, những định kiến với người đồng tính đi kèm với sự thiếu hiểu biết về bệnh dịch đã biến cộng đồng này thành nguồn lây của nhiều loại bệnh.

25jul2022heroimagefillsize1200x900v1611613496jpg
Dòng người biểu tình phản đối kỳ thị đồng tính bằng bệnh lý tại New York, năm 1985. | Nguồn: APAP

HIV/AIDS từng được coi là bệnh đồng tính trong một thời gian dài. Nguyên nhân của sự việc này cũng khá tương tự nguyên nhân coi đậu mùa khỉ là bệnh đồng tính: sự tập trung quá mức vào một nhóm bệnh nhân, và sự định kiến.

Bên cạnh đó, người ta cũng từng gán đồng tính với các bệnh rối loạn tâm lý và các bệnh tình dục. Hành động này giống với việc “bệnh lý hóa” đồng tính và là một mối nguy lớn với cả cộng đồng LGBT lẫn người dị tính.

Nó không chỉ làm tăng định kiến về người đồng tính, mà còn khiến những “xì-trây” cảm thấy thờ ơ với dịch bệnh vì “chỉ đồng tính mới mắc.”