Đồng tính có chữa được không? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 06, 2022
LGBT+

Đồng tính có chữa được không?

Đồng tính không phải là bệnh - sự thật không phải ai cũng biết.
Đồng tính có chữa được không?

Nguồn: Pexels

Trong không khí Pride Month, nhiều hoạt động và sự kiện ủng hộ và nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT đang diễn ra. Một mục tiêu của những sự kiện này là chỉ ra những cách hiểu sai về LGBT, trong đó có một sự thật mà nhiều người vẫn vô tình hay cố ý làm ngơ: đồng tính không phải là bệnh.

Đây là một niềm tin sai lệch còn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Niềm tin này đã và đang gây ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần tới nhiều người LGBT. Vậy cơ sở tồn tại của niềm tin này là gì, và niềm tin ấy đã bị phủ định bởi những cơ sở khoa học nào?

Lịch sử bệnh lý hóa đồng tính trên thế giới

Trước hết, để coi một cái gì đó là bệnh thì nó cần có trong sổ chẩn bệnh. Hiện nay tiêu chuẩn vàng của ngành y trong lĩnh vực này là Sổ chẩn bệnh Quốc tế (ICD) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đối với các rối loạn tâm lý, giới chuyên môn dùng thêm Cẩm nang Chẩn đoán Rối loạn Tâm lý (DSM) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì (APA).

Vào năm 1952, đồng tính bị xem là bệnh tâm thần trong DSM phiên bản đầu tiên. Điều này tương thích với thái độ và hiểu biết của xã hội lúc bấy giờ.

Các nghiên cứu trước đó chủ yếu tiến hành trên những bệnh nhân của các bác sĩ tâm thần hoặc trên các tù nhân đồng tính, những người nhiều khả năng đã có sẵn các vấn đề tâm thần. Trong sổ chẩn bệnh tâm thần DSM-2 (1968), đồng tính có trong danh sách các lệch lạc tình dục.

Dự án thần tiên của Evelyn Hooker

Vào năm 1953, Tiến sĩ Evelyn Hooker tiến hành nghiên cứu về “những người đồng tính bình thường” và bị các đồng nghiệp mỉa mai là một "dự án thần tiên" vì sự vô lý của nó. Vào thời điểm đó, các phương pháp “chữa trị” đồng tính được tiến hành tràn lan: phẫu thuật thùy não, sốc điện, triệt sản bằng hóa chất, điều trị hoóc-môn...

Hooker tìm 30 người đồng tính nam và 30 người dị tính nam, phân thành các cặp có cùng tuổi, chỉ số IQ và học thức. Mỗi người tham gia ba bài kiểm tra xạ ảnh. Sau khi loại bỏ các thông tin định danh, các chuyên gia hàng đầu phải xác định đâu là người đồng tính.

Kết quả là không ai có thể tìm thấy bất cứ mối liên quan nào giữa việc là người đồng tính và trục trặc về tâm lý. Một trong ba chuyên gia vẫn khẳng định ông ta có thể tìm ra được điều bất thường ở người đồng tính và đã yêu cầu xem lại các mẫu, tuy nhiên ông vẫn không thành công.

Hooker kể rằng, một trong những ngày tuyệt vời nhất cuộc đời bà là khi trình bày kết quả nghiên cứu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) vào năm 1956 ở Chicago. Các nghiên cứu bổ sung, so sánh và khẳng định được tiến hành nhiều năm sau đó, mở rộng ra đồng tính nữ cũng như sử dụng các phương pháp khác.

Nghiên cứu của Hooker đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định không có sự liên kết giữa đồng tính và các bệnh tâm lý hay tâm thần. Công trình của bà không những có công lớn trong việc chống lại kỳ thị đồng tính, mà còn góp phần đưa đồng tính ra khỏi danh sách bệnh lý của APA vào năm 1973.

Tại sao nhiều người vẫn cố gắng "chữa" đồng tính?

Đã không phải là bệnh thì tất nhiên không cần, không nên và không được "chữa trị." Liên tục trong nhiều năm, các hiệp hội về y khoa và tâm lý đều lên tiếng cảnh báo về những tác hại không thể đảo ngược của các biện pháp "chữa trị" phi khoa học lên sức khỏe tinh thần, thể chất của người LGBT.

Tuy nhiên nhận thức xã hội đôi khi đi rất chậm sau nhận thức khoa học. Trên thế giới, nhiều nơi vẫn áp dụng các liệu pháp tâm lý (điều chỉnh hành vi), tâm thần (uống thuốc chống trầm cảm), hoóc-môn, hoặc viện tới niềm tin tôn giáo ("Pray away the gay")

Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy cứ 5 người LGBT thì có 1 người từng bị ép đi bác sĩ để được đề nghị thay đổi xu hướng tính dục, bản dạng giới. Bên cạnh các liệu pháp tâm lý, tâm thần, một số người Việt còn dùng tới các thực hành như cúng bái, trục vong, thay đổi chế độ ăn âm dương, thậm chí các xâm hại tới cơ thể như đánh, nhốt, cưỡng ép quan hệ tình dục.

Các biện pháp này được gọi chung là "liệu pháp chuyển trị" (conversion therapy). Giới khoa học đã đưa ra cảnh báo không chỉ về sự vô hiệu của các liệu pháp chuyển trị, mà còn về hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe của người bị "chữa" đồng tính, chuyển giới.

Cộng đồng và các cơ quan y tế tại Việt Nam nói gì?

Tháng 3/2022, 76.084 người đã ký tên ủng hộ kiến nghị gửi tới WHO Việt Nam. Họ mong muốn WHO khẳng định lại quan điểm đồng tính, chuyển giới không phải là bệnh hay rối loạn tâm lý, và đưa ra khuyến cáo dừng các biện pháp "chữa trị" LGBT.

Điều thú vị là tổ chức đứng ra thu thập chữ ký đã phải loại đi rất nhiều chữ ký của những người gửi tới chỉ để nói rằng "LGBT là bệnh hoạn."

Trong thư phản hồi, WHO khẳng định sẽ luôn đứng trên quan điểm y học về việc không xem đồng tính, chuyển giới là bệnh hay rối loạn tâm lý. WHO cũng nhấn mạnh việc cố gắng thay đổi xu hướng tính dục của một người là thiếu cơ sở khoa học, không thể chấp nhận về y đức, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và quyền của người bị tác động.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan y tế có thẩm quyền tại Việt Nam như WHO lên tiếng khẳng định lại điều đã được nói từ hơn 30 năm trước. Tuyên bố này không mới, nhưng nó giúp người đồng tính tại Việt Nam có thể dõng dạc hồi đáp lại những ác ý rằng LGBT là "bệnh hoạn" hay "bất thường."

Đây giống như một sự "giải oan" với cộng đồng LGBT và những người từng phải "chuyển trị." Đây cũng là tiền đề để tiến tới cấm những thực hành "chữa trị" đồng tính, chuyển giới trong bối cảnh luật khám, chữa bệnh đang được thảo luận và sẽ thông qua trong cuối năm nay.

Tạm kết: Là mình, không phải là bệnh

Trong quá khứ, thuận tay trái từng bị xem là khuyết tật, là dấu hiệu của quỷ dữ. Tay trái còn bị gắn với các hành động vệ sinh cơ thể, vì thế nó được coi là dơ bẩn. Người thuận tay trái bị ép phải dùng tay phải, trong nhiều trường hợp điều này gây ra đau đớn, ức chế, hạn chế tiềm năng phát triển tối đa của trẻ thuận tay trái.

Số đông không có nghĩa là bình thường, và số ít không có nghĩa là bất thường. Người LGBT chiếm 3-5% dân số, nhưng sự ít hiện diện trước nay của cộng đồng khiến nhiều người nghĩ rằng LGBT là một điều kì dị, thậm chí gắn nó với các bệnh lý.

Đã đến lúc chúng ta cần khẳng định rõ ràng là mình, là đồng tính, là chuyển giới không phải là bệnh, mà là một phần tự nhiên, bình thường của con người. Điều này đặc biệt quan trọng với những người LGBT trẻ đang còn sống với gia đình.

Hiện nay Việt Nam sử dụng Sổ chẩn bệnh Quốc tế (ICD) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phiên bản 10, được thông qua vào năm 1990. Với các rối loạn tâm lý thì các chuyên gia ở Việt Nam sử dụng cả DSM-5 của APA. Trong cả hai tài liệu này, xu hướng tính dục đồng tính đều không phải là bệnh hay rối loạn tâm lý.

Tuy nhiên, một thực tế là dù không hề có hướng dẫn về việc "chữa trị" đồng tính, chuyển giới, các cơ quan y tế ở Việt Nam bao gồm Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO Việt Nam) cũng không khẳng định họ nghiêm cấm hay lên án các liệu pháp chuyển trị.

Dù nhận thức khoa học đã thay đổi, vẫn còn những định kiến xã hội đang cố gắng can thiệp vào sự sống và sự phát triển của những người đồng tính. Việc tiến hành loại bỏ và cấm các liệu pháp chuyển trị sẽ góp phần bảo vệ sự an toàn của cộng đồng LGBT, đồng thời là tuyên ngôn khẳng định đồng tính không phải là bệnh, và người đồng tính không phải là người bệnh.