Cải lương, từ ven sông vào “salon", rực rỡ rồi thoái trào | Vietcetera
Billboard banner

Cải lương, từ ven sông vào “salon", rực rỡ rồi thoái trào

Nghệ sĩ, đạo diễn sân khấu Hồng Dung chia sẻ về nghệ thuật sân khấu cải lương thông qua những những hồi ức và từ những vở diễn độc đáo.
Cải lương, từ ven sông vào “salon", rực rỡ rồi thoái trào

Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu

“Chính ra mình đừng dùng từ bình dân, mà cũng đừng nói chữ tri thức, cải lương có thể hoà nhập với rất nhiều người trong xã hội.” - Nghệ sĩ, đạo diễn sân khấu Hồng Dung mở ra cuộc đối thoại về cải lương ngay từ những phút đầu tiên của tập 2, series podcast Trăm Năm Sân Khấu như vậy.

Ngay sau đó, những câu chuyện thú vị và quý giá về cải lương được đạo diễn sân khấu Hồng Dung lần lượt kể lại. Qua những hồi tưởng về các nghệ sĩ tiền phong và trưởng bối - đặc biệt về cha của bà, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Châu, cô mang đến những góc tiếp cận rộng mở về loại hình nghệ thuật này.

Khởi đầu, từ ven sông vào “salon"

Những nghệ sĩ tiền phong sáng tạo ra nghệ thuật cải lương, hầu hết là tri thức. Theo đạo diễn sân khấu Hồng Dung, nếu không phải là những bậc trưởng giả, thì họ cũng là những người Nho học trọng văn chương chữ nghĩa.

“Cải lương sinh ra từ đầu óc của những con người đó; cộng thêm hơi thở của thời đại, sự du nhập của nền văn hoá phương Tây vào Việt Nam. Đó là những điều mà bậc tiền phong đã bị ảnh hưởng và cho ra đời cải lương, nghệ thuật khác với hát bội.”

Nghệ thuật hát bội thường sử dụng những “pho truyện mà khán giả đã biết.” Khi nghệ sĩ bước lên sân khấu, người xem có thể hình dung chứ khó có thể hiểu hay cảm nhận thật sự nội dung vở diễn.

Cải lương thì khác, khán giả nghe được và hiểu được cốt truyện, cảm nhận được nhân vật. Thông qua âm nhạc (của cải lương,) khán giả thấy gần gũi, chân thật và dễ chịu hơn.

Nghệ sĩ Hồng Dung chia sẻ: “Chính ra mình đừng dùng từ bình dân, mà cũng đừng nói chữ tri thức. Cải lương có thể hoà nhập được với rất nhiều người trong xã hội; có thể thu hút những bậc trí thức nhưng đồng thời cũng thu hút tầng lớp bình dân.” Có lẽ, những nghệ sĩ tiền phong là những trí thức, có trình độ văn hoá nhất định nên những tác phẩm ban đầu được tạo ra bởi/cho tầng lớp này.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Tuy nhiên, nếu không có khán giả nghe mình, ai sẽ là người phổ biến cải lương? Nghệ sĩ Hồng Dung đặt ngược vấn đề. Lúc đó, đờn ca tài tử vẫn được trình diễn ven sông, đồng ruộng, ở trong những ngôi nhà, nơi các nghệ sĩ ngẫu hứng chơi nhạc với nhau.

Khi cải lương bước vào thính phòng (salon) của những người giàu có, họ mới có điều kiện để lắng nghe và cảm nhận… Cũng từ đây mà những bậc văn nhân, thi sĩ đã viết những bài ca cho loại hình nghệ thuật này.

Những cải cách đáng kinh ngạc

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Châu (Năm Châu, cha của đạo diễn sân khấu Hồng Dung) được tôn trọng và ghi ơn ở các lĩnh vực diễn viên, kép hát, thầy tuồng, biên kịch, dàn dựng sân khấu và đạo diễn phim. Tên tuổi của ông gắn liền với bước đường phát triển cải lương, tạo ra những cải cách cho loại hình sân khấu này.

Đạo diễn sân khấu Hồng Dung nhớ lại, bố cô từng muốn biến cải lương thành operetta (Pháp.) Ở đây, có thể hiểu operetta là một dạng “opera nhẹ” với những đoạn thoại nói, những ca khúc và những vũ điệu.

Nhắc đến nghệ thuật sân khấu cải lương không thể không kể đến vở Tây Thi Gái Nước Việt, được biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1955 trên sân khấu Đoàn Việt kịch Năm Châu. Vở này đặc biệt ở chỗ lần đầu tiên tại Việt Nam, cải lương được kết hợp với các loại hình thi-ca-vũ-nhạc-kịch.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Vở diễn cũng tập hợp những nghệ sĩ nổi tiếng khác như tác giả Hoàng Mai sáng tác thơ, nhạc sĩ Lê Thương viết nhạc... Ngay từ lúc chuyển thể, NSND Năm Châu không muốn dừng lại ở cải lương đơn thuần mà còn phải có thêm hình thức khác để thu hút khán giả.

Nghệ sĩ Năm Châu còn thể nghiệm rất nhiều trong vở này, từ việc sử dụng nhạc cụ độc đáo (cây đèn đen) cho đến thiết kế sân khấu ba tầng. Ông cũng đưa cả tân nhạc vào một vở cải lương.

Ngoài ra, giai đoạn NSND Năm Châu thành lập Việt Kịch Năm Châu đã manh nha tạo ra một lứa diễn viên bước ra sân khấu với dáng dấp của người văn minh, có học. Ngay trong gánh hát, ông mở các lớp học xoá mù chữ. Các diễn viên có thể đọc được kịch bản, trao đổi và tranh luận chứ không chỉ "nói sao làm vậy như trước."

Thoái trào và vang bóng

Đạo diễn sân khấu Hồng Dung nhớ lại, “Ngay lúc đương thời và đỉnh cao, NSND Năm Châu đã nhìn thấy nghệ thuật sân khấu sẽ đi vào giai đoạn thoái trào. Nhìn vào thời đại và xã hội, ông đã chuyển hướng sang điện ảnh."

Khi các nghệ sĩ Thanh Minh - Thanh Nga muốn phát triển lại nghệ thuật cải lương chân chính, NSND Năm Châu mới trở lại (và cũng là lần cuối cùng) với kịch bản cho vở cải lương Sân khấu về khuya. Vở diễn này được xem như là thực trạng của nghệ thuật sân khấu lúc "về chiều", tức đã gần thoái trào.

Sân khấu về khuya là một trong chùm ba kịch bản được NSND Năm Châu sáng tác, làm thành tuyên ngôn về chân lý thật và đẹp trong nghệ thuật sân khấu. Trước Sân khấu về khuya là các vở Phũ Phàng (sau này được đổi tên lại thành Men rượu hương tình) và Nợ dâu. Đặc biệt, Sân khấu về khuya thực ra được biên soạn từ kịch bản kịch nói mà ông đã viết trước đó có tên Trong bóng hậu trường.

“Điều này cho chúng ta thấy, ông đã bắt đầu chuyển hướng nghệ thuật cải lương sang một giai đoạn khác. Thậm chí ông muốn chấm dứt cuộc đời sân khấu cải lương với Trong bóng hậu trường. Nhưng chắc Tổ nghiệp sân khấu còn cố níu giữ chân ông lại. Ông tự buộc mình phải cải lương hoá, để Trong bóng hậu trường trở thành Sân khấu về khuya." - Cô Hồng Dung nhớ lại.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Toàn bộ tinh hoa đã tập hợp lại với nhau và làm cho Sân khấu về khuya là một dấu ấn của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và đồng thời là dấu ấn của cải lương.

Khi viết kịch bản này, NSND Năm Châu thấy đồng tiền có khả năng xoay chuyển sân khấu. Đây cũng là điều ông e ngại và lo sợ nhất. Để cảnh báo, ông đã viết kịch bản Trong bóng hậu trường trước đó. "Nhưng rõ ràng chúng ta không thể tránh được việc đồng tiền hoá nghệ thuật. Một người vì nghệ thuật, một người vì đời sống khó đi với nhau và sẽ có lúc 'chọi' với nhau."

Vở Sân khấu về khuya cũng là tiếng nói thật nhất và tiếng nói sau cùng của một người nghệ sĩ, chăm chăm đi tìm một chân lý và bảo vệ nó. Cả một cuộc đời lăn lộn với nghệ thuật sân khấu để cuối cùng NSND Năm Châu đưa ra nhận định, nếu không vượt được qua bức tường này sẽ không bao giờ trở thành nghệ sĩ.