Mục đích sống của bạn là gì?”
Hầu hết mọi người sẽ nghĩ tới những câu trả lời từ phổ thông cho đến cao cả: tôi sống để kiếm tiền, sống vì gia đình, đam mê, sống để đấu tranh cho hòa bình.
Nhiều tỉ năm về trước, có lẽ với ý thức chưa được xác định rõ ràng, mục đích sống của tổ tiên chúng ta rất khác.
Khi sự sống đầu tiên xuất hiện trên trái đất, có người cho là giọt coacervate nhưng cũng có người nói cho là các nucleic/protein, sự tồn tại của mọi thực thể chỉ có một mục đích duy nhất: duy trì bộ gen.
Bản năng sinh tồn tồn tại thực thể dưới một đoạn mã mà di truyền qua tỉ tỉ thế hệ, xuyên suốt bề dày lịch sử trái đất. Sự duy trì đoạn mã này đã kích thích sinh vật nhân đôi, ghép cặp, chọn lọc, tiến hóa. Cũng từ đó, các giống, loài xuất hiện.
Bầy đàn quây tụ. Xã hội hình thành. Trí thông minh phát triển, kèm theo những khái niệm như tình yêu, quyền lực, và kỳ vọng.
Vậy cụ thể mà nói, những khái niệm phức tạp trong xã hội loài người đã được hình thành trên cơ sở tự nhiên nào? Tình yêu, quyền lực, và kỳ vọng là “sản phẩm độc quyền” của con người hay có sự tham gia của tạo hóa?
Cơ sở sinh học của tình yêu
Chúng ta có những cảm giác rung động, khao khát, ngọt ngào được đặt dưới một danh từ: tình yêu. Khoa học tìm ra rằng những cảm giác ấy được điều khiển bởi oxytocine, một loại hormon trong cơ thể. Bởi vậy, oxytoxin còn được gọi là ‘hormon’ tình yêu.
Khi yêu, những cảm xúc lâng lâng bạn cảm nhận chẳng qua chỉ là sự sắp đặt của tạo hóa.
Xét về nguyên thủy, bằng cách tăng khả năng sinh tồn, tạo hóa sai khiến các cá thể ghép cặp và hình thành bầy đàn. Chọn lọc bộ gen tốt nhất, chúng ta hấp dẫn giới tính để rồi cùng xây dựng và chăm sóc thế hệ tiếp theo của mình.
Cơ sở sinh học của cái tôi
Xác suất sống của mỗi cá thể càng cao thì khả năng duy trì bộ gen lại càng cao. Các cá thể không ngừng tìm mọi cách sinh tồn dưới sự đánh lừa của đoạn mã kỳ diệu. Với các phản ứng hóa học, nỗ lực cạnh tranh đó tạo ra thứ gọi là “cái tôi”.
“Cái tôi” chính là cách để bảo vệ cá thể khỏi mọi điều có thể đe dọa đến bản thân. Cái tôi chủ quan đó điều khiển tư duy và các hành động nhằm tìm mọi cách kéo dài khả năng sinh tồn.
David McRaney, tác giả cuốn How Minds Change, từng nói, “Kỳ vọng của ta xuất phát từ cái tôi. Nhưng cái tôi mà ta vẫn tưởng [to tát lắm] thật ra chỉ là các phản ứng hóa học tại các synap, giữa các ion và nguyên tố mà thôi. Cái tạo nên bạn chỉ là một cách sắp xếp nhất định của các nguyên tố.”
Cơ sở sinh học của kỳ vọng
Dần dà, cái tôi tạo ra cái gọi là kỳ vọng: kỳ vọng có tiền (cuộc sống dễ dàng hơn), kỳ vọng học hỏi (tích lũy kinh nghiệm nhằm tránh các rủi ro), kỳ vọng đời sau tốt hơn (nhằm để bộ gen được duy trì).
Theo đó, kỳ vọng giải thích cho động lực sau mọi cố gắng của chúng ta. Kỳ vọng được điểm cao nên nỗ lực học tập. Kỳ vọng có quyền lực nên bằng mọi cách để thăng tiến. Kỳ vọng thúc đẩy chúng ta thành thủ khoa, đứng lên đánh giặc, kinh doanh, đấu tranh vì xã hội, vì môi trường.
Và bên cạnh đó, kỳ vọng cũng thúc đẩy chúng ta tắm kỹ hơn, chăm chỉ xịt nách mỗi ngày, truyền tai nhau bí kíp cua gái. Kỳ vọng đẩy chúng ta vào phòng gym: những cô nàng với vòng eo mà nam giới chú ý thường có tỉ lệ eo/mông từ 0,6 – 0,8. Tỉ lệ thẩm mỹ này cũng là tỉ lệ thuận lợi nhất cho việc sinh sản.
Tại sao con người cứ phải khổ
Trớ trêu thay, không có ham muốn quyền lực thì đã không có chiến tranh. Không có ham muốn yêu thương thì đã không có cảm giác thất tình. Không có ham muốn được công nhận thì đã không có cảm giác thất bại khi điểm kém.
Những trải nghiệm tiêu cực ấy giúp con người học hỏi để tiến lên phía trước. Khổ đau, thất vọng giúp con người ghi nhớ bài học để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Nói tóm lại, nếu tin buồn là bạn mới thất bại và mắc kẹt trong cái bẫy kỳ vọng của tạo hóa, thì tin vui là những cảm xúc tiêu cực của bạn chẳng qua chỉ là tác dụng phụ của đoạn mã sinh tồn.
Cuộc sống loài người đã trôi đi như thế mấy trăm nghìn năm nay, không có gì nghiêm trọng cả!
Bài viết được thực hiện bởi Tâm Tâm.