Cha mẹ độc hại: Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 03, 2020
Gia Đình

Cha mẹ độc hại: Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương

Nếu bạn không may mắn sinh trưởng trong một gia đình độc hại, hy vọng bài viết này sẽ đem lại một chút an ủi và giúp bạn xoa dịu nỗi đau của mình.

Cha mẹ độc hại: Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương

Cha mẹ độc hại - Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương

Mọi người thường cho rằng cha mẹ là bến đỗ an toàn nhất của con trẻ, mọi chuyện cha mẹ làm đều là vì yêu thương con. Tuy nhiên có một số bậc cha mẹ có những hành vi tiêu cực và gây tổn thương cho con cái họ. Đó là những bậc cha mẹ độc hại: toxic parents.

Không ai có quyền chọn cha mẹ, nếu bạn không may mắn sinh trưởng trong một gia đình độc hại, bài viết này hy vọng đem đến cho bạn một chút an ủi và tìm thấy chìa khóa cho những nỗi đau của mình.

1. Nỗi đau của những đứa trẻ có cha mẹ độc hại

Những hành vi độc hại của cha mẹ thường được ngụy trang bằng những lý lẽ: cha mẹ đã nói là đúng, thương cho roi cho vọt, tất cả những gì cha mẹ làm là vì thương con,…

Cha mẹ độc hại 1

Có thể kể đến một số hành vi độc hại tiêu biểu như:

  • Đề cao ý nguyện của bản thân và không quan tâm đến cảm xúc hay quan điểm của con trẻ.
  • Thường có cảm xúc quá khích, giận dữ, phản ứng thái quá, thất thường.
  • Hà khắc với con cái, đánh đập, chỉ trích, bắt lỗi, ít hoặc không khen ngợi con.
  • Thao túng tinh thần, đổ lỗi, không chịu thừa nhận lỗi lầm của mình và dùng những lý lẽ tốt đẹp để ngụy biện cho những lỗi lầm đó.
  • Không tôn trọng sự riêng tư của con, xâm phạm đời sống cá nhân của con cái, đưa ra những lời khuyên hoặc sự giúp đỡ, mặc cho con cái có cần hay không.
  • Dựa dẫm vào con cái quá mức, thường xuyên áp đặt lên con cái những vai trò vốn dĩ là của cha mẹ.

Cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình nuôi dạy con cái là bình thường, nhưng vẫn có sự khác nhau giữa gia đình lành mạnh và gia đình độc hại. Trong những gia đình độc hại, hành vi tiêu cực xảy ra trong thời gian dài và tần suất dày, và những vết thương của con trẻ không được bù đắp đúng cách.

Với những đứa trẻ có cha mẹ độc hại

Một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ bị trừng phạt thể xác từ năm 3 tuổi sẽ có xu hướng giận dữ và kích động hơn khi lên 5. Trong một nghiên cứu khác, trẻ em thường xuyên bị đánh đập sẽ có chỉ số IQ sụt giảm hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Những đứa trẻ bị bạo hành thể xác thuở nhỏ khi trở thành cha mẹ cũng sẽ áp dụng phương pháp tương tự đối với con của họ.

Cha mẹ độc hại 2

Những đứa con được nuôi dạy trong môi trường lơ là, thiếu quan tâm, kỷ luật dễ trở thành những thiếu niên thừa cân. Những thiếu niên này cũng dễ phát triển tính cách thiếu kỷ luật, dễ nổi nóng, vô trách nhiệm, tiêu thụ nhiều rượu bia hơn những người cùng trang lứa.

Những người con bị bậc cha mẹ bảo bọc quá mức sẽ dễ có vấn đề về sức khỏe khi lớn lên. Những sinh viên có cha mẹ kiểu này có tỉ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn hẳn nhóm khảo sát khác, đồng thời tăng tỉ lệ lệ thuộc vào chất gây nghiện và thuốc giảm đau.

Có nghiên cứu cho hay, sự lạnh nhạt, bất hòa giữa cha mẹ và con cái tạo ảnh hưởng không kém gì một vụ ly hôn.

2. Nỗi đau cần được chữa lành

Văn hóa Việt Nam đề cao đạo hiếu đối với cha mẹ, nhưng trong vài trường hợp, lạm dụng đạo hiếu lại dung dưỡng cho những hành vi độc hại của bậc phụ huynh. Con cái bị xem là vật sở hữu của cha mẹ, bị áp đặt phải nghe theo ý nguyện của cha mẹ. Việc phản ứng lại những hành vi vô lý của cha mẹ hay chọn rời xa những người thân độc hại để có cuộc sống riêng cho mình có thể bị xem là bất hiếu.

Mô hình gia đình độc hại là một mô hình có hệ thống và có tính di truyền. Hệ thống gia đình thiết lập nên toàn bộ thế giới quan của đứa trẻ. Vết thương thể xác sẽ lành nhưng vết thương tâm lý sẽ luôn âm ỉ và dai dẳng. Hậu quả của những hành vi tiêu cực từ thuở ấu thơ của họ sẽ nối tiếp sang những đời sau.

Cha mẹ độc hại 3

Phá vỡ hệ thống gia đình độc hại và tự chữa lành như thế nào?

Bước đầu tiên, bạn cần nhận ra hệ thống đó đã gây ảnh hưởng to lớn như thế nào đến giá trị quan, nhân sinh quan và thế giới quan của bản thân. Sau đó, bạn có thể tự chữa lành bằng cách:

  • Hiểu rằng bạn không bắt buộc phải tha thứ

Tha thứ không giúp bạn giải tỏa những cảm xúc dồn nén của mình. Bạn chỉ nên tha thứ khi đã giải quyết xong những cảm xúc của bản thân.

  • Đừng cố thay đổi cha mẹ

Hãy chỉ tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát: phản ứng của bạn đối với những hành vi của họ.

  • Thiết lập những ranh giới rõ ràng

Thiết lập ranh giới đối với những người độc hại rất khó vì họ sẽ không tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, ranh giới là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh.

  • Tránh xa họ nếu cần

Nếu việc dành thời gian ở bên họ khiến bạn mệt mỏi, khổ sở, hãy cứ tránh xa họ. Không cần phải cắt hết mọi liên lạc, bạn vẫn có thể quan tâm họ từ xa nếu muốn.

  • Tự chăm sóc cho bản thân

Bắt đầu từ những thói quen rất nhỏ. Hiểu rằng bạn không hề tệ hại, và bạn xứng đáng được yêu thương.

Cha mẹ độc hại 4

Kết

Việc lớn lên với những ông bố bà mẹ độc hại là vô cùng nặng nề, mệt mỏi và đau đớn. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để nhận ra và thay đồi. Kể cả khi bạn đã có một tuổi thơ không hạnh phúc, nhưng bạn vẫn có khả năng phục hồi và tạo ra hạnh phúc cho cuộc đời của mình.

Bài viết này được thực hiện bởi Anastasia.

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.