Tương tác - Tương cho tan tác | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tương tác - Tương cho tan tác

Tương tác, tác động vật lý, và còn gì nữa?
Tương tác - Tương cho tan tác

Nguồn: Know Your Meme

1. Tương tác là gì?

Theo Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, động từ tương tác có nghĩa là “tác động qua lại lẫn nhau.” Từ điển đưa ra hai ví dụ về cách dùng từ này: “sự tương tác giữa các vật” và “các nhân tố tương tác lẫn nhau.”

Gần đây, trên mạng xã hội, từ này còn ám chỉ những hành động bạo lực vật lý giữa người này với người khác. Nói cách khác, ở không gian mạng và trong những văn cảnh cụ thể, “tương tác” đồng nghĩa với “đánh.”

2. Tại sao từ này phổ biến?

Vụ việc bạo lực gia đình của hai người nổi tiếng là Lâm Minh và Decao thu hút sự chú ý của cộng đồng trong thời gian gần đây, nhất là khi Decao đăng bài trên trang cá nhân và sử dụng cách diễn đạt “tương tác” để mô tả hành động bạo lực đã diễn ra.

Cộng đồng mạng tỏ ra bất bình trước cách Decao né tránh vấn đề bằng cách “lái” vụ việc sang những triệu chứng tâm lý của Lâm Minh, cũng như việc dùng từ “tương tác” để bỏ đi khía cạnh bạo lực trong câu chuyện.

Sau bài đăng của Decao, “tương tác” không chỉ là từ khóa nóng hổi, mà còn trở thành một cách diễn đạt trên truyền thông, cũng như trong những trao đổi về bạo lực gia đình.

3. Cách diễn đạt này từ đâu mà ra?

Cộng đồng mạng coi “tương tác” trong lời xin lỗi của Decao là một cách lấp liếm, thay đổi bản chất của vụ việc. Giống như Decao, nhiều kênh truyền thông đã và đang có những cách dùng từ hay diễn đạt né tránh như vậy. Nhưng trong bối cảnh mạng xã hội, việc này thực ra là một chiến lược tiếp cận để đối phó với thuật toán, chứ không phải là một chiến lược nội dung.

Việc dùng “tương tác” thay cho “đánh” hay những lối nói theo kiểu diễn giải như “có hành vi không chuẩn mực” là cách những kênh truyền thông mạng xã hội đã thực hiện từ sau dịch Covid-19. Nguyên nhân là do những cập nhật trong tiêu chuẩn cộng đồng của các nền tảng mạng xã hội, cụ thể là sự kiểm soát với những nội dung có tính tiêu cực hay bạo lực.

Thuật toán xác định các nội dung này bằng cách quét một danh sách từ và gắn thẻ những bài đăng chúng xuất hiện, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận. Từ đó, mạng xã hội bắt đầu dùng những cách diễn đạt như “tác động vật lý” nhằm tránh gắn thẻ.

Với những từ ngữ khó thay thế hay những sự việc nghiêm trọng, nhiều kênh truyền thông trên mạng xã hội chọn cách “viết lại” từ gốc, ví dụ như “t//u t//u” hay là “gi.et”.

Điều thú vị ở đây là cách mạng xã hội gắn những nét nghĩa mới cho những cụm từ nhất định, hay là tạo ra những từ mới, như là động từ “google” hay cách hiểu “tương tác” - trước khi mang nghĩa mới - là giao lưu trên mạng xã hội.

4. "Tương tác" thế nào?

A: Sao Decao lại viết là tương tác nhỉ?

B: Ý là tương cho tan tác đó.