Sự xuất hiện của Jennie Kim tại Paris Fashion Week hôm 7/3 vừa qua có đôi chút khác biệt. Nữ nghệ sĩ 27 tuổi bước xuống xe với gương mặt được dán băng trên mắt. Đây được cho là vết tích của việc chấn thương trong quá trình luyện tập của cô. Miếng băng đó không những chẳng làm Jennie giảm độ “hot” mà nhanh chóng trở thành xu hướng làm đẹp của giới trẻ. Từ TikTok đến Facebook Reels tràn ngập video với tạo hình miếng băng trên mắt.
Quyền năng của khí chất
Câu hỏi là: Jennie Kim đã làm gì để một miếng băng bình thường trở thành “phụ kiện” được săn đón đến vậy. Và câu trả lời nằm ở quyền năng của một thứ không phải ai cũng có: khí chất. Theo từ điển Cambridge, khí chất (charisma) có nghĩa “một sức mạnh đặc biệt mà một số người có một cách tự nhiên khiến họ có thể ảnh hưởng đến người khác và thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của họ”.
Đơn cử như màn trình diễn của Rihanna tại Half Time Show vừa qua cũng cho thấy rất rõ khí chất, hào quang mà Rihanna mang đến. Cô mặc không khoảng hở nhưng được nhận xét là “slay”, “sáng như một viên kim cương” tựa như lời bài Diamonds. Hay khoảnh khắc Slowmotion catwalk của Miss Universe 2018 Catriona Gray, hình ảnh Bella Hadid mặc cardigan với mình trần dạo phố… Người sở hữu khí chất có khả năng hệt như bàn tay của vua Midas. Những thứ bình thường nhất họ làm cũng hóa thành “vàng’ và gây nên một cảm giác ASMR cho người xem.
Tuy nhiên, khí chất khi đặt trong bối cảnh hiện đại nên được hiểu là một người có tố chất sẵn và trải qua quá trình rèn luyện để đẩy khí chất lên một tầm mới. Và khí chất không chỉ dành cho người nổi tiếng. Trong giới làm đẹp, ai cũng tôn sùng các cô gái Pháp với vẻ đẹp “effortless beauty”. Thế nhưng ít ai biết họ sinh ra vốn chẳng phải tự nhiên mà “đẹp không gắng gượng”.
Thay vào đó, đây là một quá trình học hỏi và giáo dục về nghệ thuật như thưởng tranh, âm nhạc, thẩm mỹ ngay từ nhỏ. Cốt yếu của việc này là giúp một người lớn lên mà không gồng gánh hay cố tỏ ra mình đẹp. Khí chất chính là một phẩm chất được hấp thụ, rèn luyện và cần thời gian.
Khi ai đó có khí chất làm một điều gì đó, khả năng cao thứ đó sẽ thành xu hướng (trend). Tuy nhiên, xu hướng lại là thứ có đời sống trái ngược. Và bạn cũng có thể nhầm lẫn giữa việc sống theo xu hướng với việc có khí chất. Thậm chí, “đu” trend có thể khiến tính độc nhất của chúng ta lung lay.
Chạy theo xu hướng liên quan gì đến khí chất?
Khi nói về khí chất và xu hướng thời trang, chúng ta cần làm rõ tính chất của nó. Trong quyển The Luxury Strategy, tác giả Jean-Noël Kapferer có đề cập đến sự khác nhau của xa xỉ (luxury) và thời trang (fashion). Khác biệt lớn nhất là thời trang là dành cho sự thỏa mãn của số đông, theo mùa, nhanh đến nhanh đi. Nhưng xa xỉ chính là giá trị lâu dài, tính độc bản và nuôi dưỡng sự thỏa mãn của riêng một cá nhân.
Nói đến đây, chúng ta thấy khí chất cũng tựa như một thứ gì đó “xa xỉ” bởi nó đang bản về nội hàm và dấu ấn cá nhân của một người. Nhiều người cho rằng xa xỉ là phô trương, nhưng bản chất thật sự nằm ở tinh thần nhà nghề (craftsmanship), sự yên tĩnh để tạo tác tinh xảo, trau chuốt đến hàng chục năm cho kĩ năng của một công đoạn. Hệt như cách một người rèn luyện khí chất trong thầm lặng.
Với những người đã có sẵn khí chất, việc họ theo xu hướng hay tạo xu hướng cũng không làm giảm đi hào quang của họ. Tuy nhiên, với những ai đang bồi đắp chất lượng bản thân, chạy mãi theo xu hướng có thể khiến ta bị phân tâm và xao nhãng việc nuôi dưỡng những gì thuộc về bên trong.
Thế giới này có thể tạm chia làm hai chiến tuyến. Một bên là những người chạy theo xu hướng từng phút từng giây. Bên còn lại dành tình yêu cho tính “authentic” của cá nhân, sống với tốc độ vừa phải, thậm chí là “slow-living”. Tuy nhiên, hai điều này không hẳn là trái ngược nhau mà có thể sống hòa hợp. Chỉ cần chúng ta rèn luyện và xây dựng khí chất một cách nghiêm túc thì dù cho trải nghiệm xu hướng nào đi nữa thì vẫn sẽ toát lên những nét đặc trưng của cá nhân.
Nhìn nhận khí chất một cách khách quan
Như bao sự việc khác, khí chất cũng có những mặt cần được xem xét thận trọng.
Từ khía cạnh khán giả hay thành viên của một cộng đồng, chúng ta dễ bị thu hút bởi hào quang của một người. Tờ Fast Company khi nói về khí chất của ứng viên trong việc bầu chọn đã cho rằng “Đã đến lúc ngừng nói về sức hút của các chính trị gia”. Sức thu hút khiến mọi người tập trung vào ngoại hình của ứng viên hoặc các khía cạnh không liên quan trong tính cách của họ hơn là yếu tố về đạo đức, trình độ hoặc các đề xuất chính sách. Đồng tình với quan điểm này, tờ Harvard Business Review cũng cho rằng khí chất hay thần thái của một người làm người khác mất đi khả năng phán đoán.
Minh họa cho việc này là khi chúng ta khám phá ra góc khuất của những ngôi sao như trường hợp của Ngô Diệc Phàm (người từng được gọi là Tứ đại lưu lượng - ý chỉ bốn ngôi sao nam hàng đầu) của Trung Quốc. Một dẫn chứng khác chính là trường hợp của Anna Sorokin – nhân vật chính của phim tài liệu Inventing Anna. Đây là ví dụ điển hình cho việc học hỏi và trau dồi khí chất, len lỏi và giới thượng lưu và thao túng để lừa đảo.
Khía cạnh bản thân, việc trau dồi khí chất là cần thiết nhưng cũng cần phải biết cách. Bởi chúng ta rất dễ bị che lấp và cuốn đi bởi những điều lấp lánh khác. Theo Healthline, khi bạn trau dồi khí chất, điều quan trọng là bạn phải là chính mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn sẽ không nên đến các sự kiện đông đúc và chọn tham gia các cuộc tụ họp nhỏ hơn, thân mật hơn. Khí chất sẽ không thể phát triển nếu không có tính xác thực.
Đến cuối cùng, học về khí chất không phải là hướng chúng ta đến cuộc sống lộng lẫy được tán tụng. Mà đó là quá trình nâng cấp bản thân bởi tri thức, mở rộng tư duy, góc nhìn. Sự trau dồi này không cần thiết phải ồn ào. Bởi người có khí chất sẽ luôn “sáng” dù ở trong hoàn cảnh nào.