Anna Bắc Giang nói gì về "cờ đỏ" của siêu lừa đảo? | Vietcetera
Billboard banner

Anna Bắc Giang nói gì về "cờ đỏ" của siêu lừa đảo?

Red flag đầu tiên của siêu lừa tình trên mạng không phải là tiền đâu.
Anna Bắc Giang nói gì về "cờ đỏ" của siêu lừa đảo?

Nguồn: Vietnamnet.

1. Điều gì vừa xảy ra?

Ninh Thị Vân Anh, 27 tuổi (được biết đến với tên Anna Bắc Giang hay Tina Dương) vừa bị cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt tạm giam với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."

Theo Vietnamnet, Anna Bắc Giang bị khởi tố vì đã thuê một chiếc xe ô tô của công ty Gia Đình Việt rồi mang đi bán sau đó. Cô cũng thừa nhận vụ chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng của ông Nguyễn Huy Nhựt (38 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM.)

Được biết, Anna Bắc Giang đã nộp 148 triệu đồng khắc phục hậu quả. Số tiền này có được là do cô buôn bán online, livestream trên mạng xã hội thời gian gần đây.

2. Còn vụ lừa đảo nào dính dáng đến Anna Bắc Giang?

Từ giữa tháng 09/2022, Anna Bắc Giang bị một người phụ nữ tên N.L tố lừa đảo 17 tỷ đồng. Theo đó, cô gái trẻ này đã tiếp cận gia đình chị N.L với vẻ ngoài giàu sang, hào nhoáng để hẹn hò với em chồng và chiếm đoạt tài sản.

Cũng từ vụ việc này, cô được cộng đồng mạng gọi là "Anna Bắc Giang," phỏng theo nữ nhân vật lừa đảo trong phim Inventing Anna của Netflix. Vụ việc này của Anna Bắc Giang được cộng đồng mạng gọi là "cú lừa thế kỷ", "siêu lừa đảo 17 tỷ..."

3. Đâu là red flag của kẻ lừa tình qua mạng?

Khi vụ việc Anna Bắc Giang nổi lên cũng là lúc cộng đồng mạng đang rôm rả bàn tán về những siêu lừa đảo qua mạng như Shimon Hayut (phim The Tinder Swindler) hay Anna Sorokin (phim Inventing Anna.) Phải nói rõ rằng, đây là hai bộ phim tài liệu dựa trên những câu chuyện có thật.

Những nạn nhân trong các vụ lừa đảo qua mạng thường được thuyết phục khéo léo, đặt vào tình huống khiến họ phải tự nguyện đưa tiền cho kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, những siêu lừa đảo như Shimon Hayut, Anna Sorokin hay Anna Bắc Giang cũng đều có "cờ đỏ" (red flag.)

alt
Hai siêu lừa đảo Shimon Hayut và Anna Sorokin được đưa lên phim | Nguồn: Getty/The Independent.

Các siêu lừa đảo thường tiếp cận, khiến nạn nhân cảm thấy đặc biệt như nhận một đặc ân khi được quen biết họ. Đa phần những kẻ này lấy lòng tin của người khác bằng cách ngụy tạo ra sự giàu sang và hào nhoáng.

Các siêu lừa đảo thường tiếp cận những người dễ tổn thương (đứng tuổi, đổ vỡ hôn nhân,) những người tin vào tình yêu lãng mạn kiểu cổ tích, ham thích giàu sang... Đa số nạn nhân thường ở thế bị động, không lường trước được các “siêu lừa.”

Các siêu lừa đảo thường nói lời yêu, hứa hẹn kết hôn, có con chung... chỉ sau vài tuần, vài tháng quen biết. Có nhiều trường hợp có thể kéo dài thời gian hơn nhưng kẻ lừa đảo sẽ liên tục thúc đẩy những lời hứa này, khiến nạn nhân càng dễ sập bẫy.

Các siêu lừa đảo qua mạng thường có xu hướng ái kỷ (narcissism.) Họ thường gây chú ý thay vì lắng nghe và quan tâm đến nạn nhân. Họ cũng có thể dùng phương pháp đe dọa hay thao túng tâm lý để gây áp lực; sử dụng guilt trip (mặc cảm tội lỗi) như một công cụ thao túng tâm lý lên nạn nhân.

Các khoản tiền bạc vay mượn không có giấy tờ bảo đảm, thường thông báo qua miệng, điện thoại… Các siêu lừa đảo cũng chuẩn bị lý do vô cùng hợp lý để thuyết phục nạn nhân tin theo mà không hề cảnh giác.

Theo FBI, những "cờ đỏ" khác chúng ta nên quan tâm, đặc biệt là qua app hẹn hò:

  • Người yêu mới muốn trò chuyện thân mật qua email, tin nhắn thay vì trên app hẹn hò.
  • Họ luôn muốn có được các bức ảnh hay video cá nhân của bạn.
  • Những anh chàng có nhiều bức ảnh hào nhoáng hay "in tư" của một cô nàng quá hoàn hảo.
  • Họ thường thường hỏi vay tiền hoặc nhờ bạn chuyển tiền.

4. Làm gì khi nhận thấy red flag của siêu lừa đảo?

Theo một thống kê của FBI, những nạn nhân của các vụ lừa tình mất khoảng 1 tỷ USD trong năm 2021. Còn theo nghiên cứu của UK Finance và Take Five to Stop Fraud, có đến 38% những người đã hẹn hò trực tuyến được yêu cầu đưa tiền cho đối tác, dù cả hai chưa từng gặp mặt (2021.)

Đụng đến trap boy/trap girl khổ một, nhưng đụng phải những siêu lừa tình trên mạng khổ gấp 10 lần. Vì thế, khi nhận thấy những "cờ đỏ" của một người mới quen, bạn có thể:

  • Tìm kiếm và nghiên cứu về người mới qua các công cụ trực tuyến như hình ảnh, họ tên, tiểu sử...
  • Đặt câu hỏi với bất cứ mối quan hệ nào trên mạng, đặc biệt là những người tâm giao nhưng lại chẳng thể gặp mặt trực tiếp.
  • Đừng di chuyển xa để gặp ai đó, đặc biệt là những chuyến đi đến một đất nước khác. Theo FBI, chuyến đi của bạn có thể kết thúc trong đau buồn.
  • Hãy quan tâm và cẩn trọng với những thông tin bạn chia sẻ trên mạng. Những kẻ lừa đạo có thể sử dụng một yếu tố nhỏ nhặt để tán tính và thao túng tâm lý lên nạn nhân.

5. Lừa tình khiến sức khỏe tâm lý cũng “toang?”

Trên thực tế, các nạn nhân của các vụ lừa tình qua mạng không chỉ tiền mất mà còn tật mang. Theo tiến sĩ Elisabeth Carter (Đại học Kingston, London, Anh), những kiểu lừa tình trên mạng có yếu tố của bạo lực gia đình.

Các nạn nhân thường nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi rồi mắc kẹt trong các mối quan hệ lạm dụng. Những tổn thương tâm lý của người trong cuộc, về cả lòng tin, tình yêu và sự trung thực cũng cần được quan tâm đúng mức.

Tiến sĩ Elisabeth Carter cho rằng, các nạn nhân của lừa đảo tình ái thường phải chịu nhiều lời chỉ trích hơn các loại hình lừa đảo khác. Nạn nhân là phụ nữ thường có xu hướng bị chế giễu nhiều hơn so với nạn nhân là nam. Bên cạnh việc đổ lỗi cho nạn nhân, dường như họ cũng có một mức độ đồng lõa nhất định với kẻ lừa đảo.

Cũng theo tiến sĩ Carter, các nạn nhân đưa ra các quyết định trong một thực tế đã bị bóp méo. Vì thế chúng ta không thể và không nên đổ lỗi cho họ.

Các nạn nhân đã bị kiểm soát, gần như bị cưỡng chế để rồi đưa ra lựa chọn sai lầm. Ngoài bị lừa tiền, nhiều nạn nhân cũng đặc biệt tổn thương khi mất đi một mối quan hệ mà họ tưởng là có thật.