Chống buồn mùa chống dịch | Vietcetera
Billboard banner

Chống buồn mùa chống dịch

Sang năm COVID thứ 2, các hoạt động "giải trí" của người dân trên thế giới có gì mới?
Chống buồn mùa chống dịch

Nguồn: Bích Hồ cho Vietcetera

#TràVẫnCònNóng là series cập nhật những sự kiện vẫn khiến bạn thổi phù phù cho nguội bớt.

1. Bộ trưởng Bộ Cô đơn

COVID vừa thiết lập một trạng thái bình thường mới cho nội các Nhật Bản, với sự bổ nhiệm vị Bộ trưởng Bộ Cô đơn đầu tiên (Minister of Loneliness)!

Sự ra đời của Bộ Cô đơn là vô cùng cấp bách, nhằm giải quyết tình trạng sống tách biệt và sức khỏe tinh thần của người dân đang ngày càng nghiêm trọng giữa cơn đại dịch. Đây là đầu mối kiểm soát một dây chuyền các vấn đề khác của quốc gia này như tự tử, nguồn lực lao động, phát triển kinh tế…

Bộ trưởng Tetsushi Sakamoto Nguồn AFP
Bộ trưởng Tetsushi Sakamoto. Nguồn: AFP

Sau một thập kỷ giảm liên tục, tỷ lệ tự tử tại Nhật Bản lại tăng vọt vào cuối năm 2020, gần 21000 ca (tăng 3,7% so với năm 2019). Trong đó, tỷ lệ tự tử ở nữ giới tăng đến 14,5%, lên 6976 ca. COVID “nhây” lâu đã tạo thêm một loại áp lực xã hội đặc biệt. Nhiều bệnh nhân dương tính với COVID, sau khoảng thời gian cách ly, đã tự lấy đi sinh mệnh của mình, và để lại lời nhắn “Xin lỗi vì đã gây rắc rối”.

Nguồn Unsplash
Ga tàu điện tại Nhật Bản. Nguồn: Unsplash

Ngay cả khi đại dịch đã kết thúc, Bộ Cô đơn vẫn mang ý nghĩa cấp thiết đối với Nhật Bản, tương tự như Anh quốc, vì tình trạng già hoá dân số và xu hướng độc thân, trầm cảm do văn hoá làm việc. Việt Nam không chung team “cô đơn” với Anh hay Nhật Bản, nhưng nếu cần có thể về đội Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, với Bộ Hạnh phúc, chăm lo sức khỏe tinh thần của người dân nói chung!

2. “Yêu” mùa cách ly

“Yêu” là bất chấp (đại dịch) vì nhau - Đây đang là phương châm của nhiều người dân sống tại Anh sau một năm “khô hạn” trải nghiệm tình dục. Trong một cuộc khảo sát gần đây, có đến 76% người tham gia thừa nhận đã phá luật giãn cách xã hội, tìm bạn tình không sống chung nhà.

Nguyên nhân chủ yếu (29%) là dùng sự thân mật để giải toả cảm giác cô đơn, buồn chán, trầm cảm. Các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là điều khó tránh khỏi khi mọi người đã thèm khát “phiêu lưu thế giới” quá lâu mà không thực hiện được. Lời khuyên là chăm tập thể dục tại nhà, để không cần gần gũi mà vẫn sản sinh được hormone hạnh phúc!

Nhiều người khác thì tìm đến các ứng dụng âm thanh, chuyên kể “dirty talks” để đi vào giấc ngủ yên bình hơn.

Giới chức nước này đang cố gắng ngăn chặn các hình thức “sinh hoạt” tiêu cực, nhưng có một viễn cảnh mọi người đang chuẩn bị tinh thần trước: sự bùng nổ dân số sau khi đại dịch kết thúc.

3. Clubhouse - Chốn vui chơi mới của thế giới

Mạng xã hội dựa trên nền tảng âm thanh này dù chưa tròn một tuổi, vẫn còn ở phiên bản thử nghiệm, nhưng đang thách thức cả đương kim giải trí TikTok và nhiều lão làng trong giới công nghệ như Twitter, Facebook. Chỉ trong vòng vài tuần, số lượt tải xuống của ứng dụng đã vượt con số 2 triệu. Chuyên gia làm đảo lộn tường Twitter, Elon Musk, cũng mời cả tổng thống Nga Putin cùng “chơi”!

Nguồn Getty Images
Nguồn: Getty Images

Sức hút của Clubhouse đến từ khái niệm mới mẻ về cách tương tác giữa con người với nhau. Không bài posts, không video, không sống ảo, không anh hùng bàn phím. Nền tảng cho phép người dùng tạo phòng chat với mọi chủ đề.

Nói chuyện trực tiếp với các thần tượng, người nổi tiếng, làm quen với các giáo sư, nhà làm phim, kỹ sư và nhiều ngành nghề khác trên toàn thế giới trở thành điều trong tầm với.

Khả năng tương tác nhanh chóng, chân thật của Clubhouse, dự đoán sẽ tạo nên mạng lưới “siêu kết nối”, một thế hệ influencers mới và một nền tảng kiếm tiền mới. Giới trẻ đang hướng tới tương lai thôi bị quy chụp “chỉ biết cắm đầu chat chit”. Nhưng đồng thời phải đối diện với thách thức giải quyết nhiều xung đột hơn, khi các phòng chat không bị thu âm lại này có thể là nơi đụng độ của các ý tưởng cực đoan, đa cấp biến tướng, hay cả các vấn đề chính trị.

4. Rạp chiếu phim đang sống sao?

Chỉ trong một tuần lễ Tết Nguyên đán, doanh thu phòng vé tại Trung Quốc đã vượt mốc 1 tỷ USD. Kỷ lục này đưa Trung Quốc, trở thành thị trường phim hàng đầu thế giới, soán ngôi Hoa Kỳ.

Đây là điều không tưởng khi hầu hết các rạp chiếu trên thế giới đang đều phải chịu cảnh đìu hiu. Để tồn tại, nhiều rạp CGV tại Hàn Quốc cho các game thủ thuê không gian để trải nghiệm đồ họa, âm thanh ở đẳng cấp mới.

Nguồn BBC
Nguồn: BBC

Trước 18 giờ, tối đa 4 người được dùng chung một phòng có 100-200 chỗ, với giá 90 USD, tương đương 2 triệu đồng. Sau đó, giá sẽ tăng lên 135 USD. Tính từ đầu năm nay, khi dịch vụ mới được cung cấp, đã có khoảng 130 lượt đặt trên toàn quốc.

Tuy nhiên, mức doanh thu sẽ vẫn không thể đem lại lợi nhuận như cách khai thác truyền thống. Mà thay vào đó chỉ là hình thức cầm chừng, duy trì, và đổi mới môi trường giải trí cho người dân.

5. Giày “không cần tay”

Nhiều người đang không thể ra được khỏi nhà nhưng điều này lại đang trở nên nhanh hơn bao giờ hết với dòng sản phẩm mới của Nike. Chiếc Go Flyease giúp người dùng đeo giày sneaker hẳn hoi, mà không cần phải buộc dây, hay điều chỉnh gót giày lại bằng tay.

Lấy cảm hứng từ văn hóa cởi giày khi bước vào nhà của châu Á, Go Flyease mang lại sự thoải mái trong việc cởi tháo giày.

Với kiểu dáng thể thao và màu sắc tươi sáng đậm chất thời trang, sản phẩm đang thu hút nhiều đối tượng người dùng, từ vận động viên chuyên nghiệp, giới fashionista, đến cả những người yêu thích sự đơn giản, và đơn giản là đôi chút… lười.

Thiết kế còn phù hợp cho nhóm người khuyết tật hoặc khiếm thị, gặp khó khăn trong việc đeo giày. Fast Company gọi đây là “đôi giày tuyệt đỉnh của mùa COVID”.

Với giá 120 USD, đây là trải nghiệm thời trang đặc biệt “làm mới” cảm xúc của bạn, khuyến khích hoạt động thể thao, trong khi có thể bạn đang chẳng được đi đâu quá xa khỏi căn nhà của mình!?

Sản phẩm hiện đã có mặt tại Nhật Bản và dự kiến ra mắt tại Bắc Mỹ vào ngày 19 tháng 3.

#TràVẫnCònNóng là series cập nhật những sự kiện vẫn khiến bạn thổi phù phù cho nguội bớt.