Chroming - Hít một hơi, coi chừng “tạch” như chơi | Vietcetera
Billboard banner

Chroming - Hít một hơi, coi chừng “tạch” như chơi

Lại thêm một trào lưu phổ biến trên thế giới ảo, song đem lại hậu quả thực sự nghiêm trọng.
Chroming - Hít một hơi, coi chừng “tạch” như chơi

Nguồn: Stuff.co.nz

1. Chroming là gì?

Đây là thuật ngữ chỉ hành vi hít các hóa chất độc hại trong một số đồ gia dụng để nhanh chóng “thăng hoa”. Bình xịt, sơn, dung môi, lọ khử mùi hay hồ dán đều là những đồ vật được sử dụng phổ biến để chroming. Theo Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne, mùi hương từ các vật dụng trên có thể khiến người hít đạt trạng thái hưng phấn ngắn hạn.

Chroming có thể tiến hành theo 4 cách: huffing (tẩm hóa chất lên miếng vải rồi hít vào mũi/miệng), bagging (cho hóa chất vào túi nylon, rồi hít qua miệng túi), sniffing (hít trực tiếp từ bình chứa) hoặc spraying (xịt trực tiếp vào mũi hoặc miệng).

Thuật ngữ này thu hút sự chú ý gần đây sau cái chết thương tâm của nữ sinh Esra Haynes đến từ Melbourne (Úc). Cô gái 13 tuổi bị hôn mê và co giật khi cùng bạn hít hóa chất từ lọ thuốc khử mùi cơ thể. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, Esra bị chết não và qua đời sau 8 ngày điều trị tích cực.

Bên cạnh đó, chroming khá phổ biến trên TikTok với những video mang hashtag “whiptok” đạt tới trên 400 triệu lượt xem. “Whip” vốn có nghĩa là hít khí cười (NO), nhưng hiện nay được áp dụng với bất cứ hóa chất nào có thể hít được từ bình xịt.

2. Nguồn gốc của chroming

Chroming vốn bắt nguồn từ việc hít sơn màu để “high” (chrome trong tiếng Anh có nghĩa là “màu sắc”). Từ này xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1995, được chú ý sau khi Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) tiến hành nghiên cứu về hội chứng nghiện hít mùi hóa chất (sniffing & huffing) ở trẻ em đường phố nước này.

Trẻ em đường phố vốn đã là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, có tỷ lệ bị trầm cảm và rối loạn lo âu cao. Do không thể tiếp cận chất cấm, nhóm trẻ này tìm đến sơn, màu nước và bút dạ như một giải pháp thay thế. Dần dần, chroming được áp dụng rộng rãi với nhiều đồ vật khác chứa hóa chất gây nghiện.

25may2023ce5ec4fc2f944693b93834adc254cae0jpg
Hít mùi bút dạ Sharpie là một kiểu chroming phổ biến ở học sinh. | Nguồn: TikTok

3. Vì sao chroming phổ biến?

Theo Trung tâm Cai nghiện Quốc gia Hoa Kỳ (AAC), chroming khá phổ biến ở nhóm tuổi 16-24, cũng như các nhóm đối tượng ít có khả năng tiếp cận chất cấm.

Một báo cáo khác của Drug Free World cũng cho biết, gần 600,000 thiếu niên Mỹ từ 12 đến 17 tuổi đã từng "chroming" ít nhất một lần. Hành vi này có xu hướng tăng vọt sau đại dịch.

Theo Ủy ban Y tế Australia, việc hít hóa chất khi chroming sẽ gây ức chế thần kinh, mang lại cảm giác hưng phấn và thư giãn, đồng thời làm chậm phản ứng não bộ. Dù khiến bạn “thăng hoa” trong tích tắc, chroming lại là một trào lưu nguy hiểm.

Theo chuyên gia thần kinh Jeremy Hayllar, các hóa chất trên sẽ bay hơi khi tiếp xúc không khí, từ đó dễ dàng ngấm vào mô mỡ trong não. Điều này khiến người dùng chóng mặt, buồn nôn và mê sảng, về lâu dài sẽ bị mất trí nhớ, giảm khả năng tập trung và nhận thức.

Trong trường hợp nghiêm trọng như của Esra Haynes, chroming có thể dẫn tới tổn thương não và tử vong. Trước Esra, ít nhất 3 thiếu niên khác ở Úc cũng đã thiệt mạng vì trào lưu này. Nhiều siêu thị thậm chí phải khóa gian hàng bình xịt khử mùi sau các vụ trộm cắp, và chỉ bán chúng cho người trên 18 tuổi.

25may2023screenshot20230525145209jpg
Siêu thị phải khóa gian hàng bình xịt để chống nạn chroming. | Nguồn: Abc.net.au

Ở Việt Nam, chroming xuất hiện ở học sinh dưới "định dạng" hít mùi bút xóa, bút dạ và keo dán. Đây đều là các đồ dùng văn phòng phẩm phổ biến với mùi hương hấp dẫn, song có chứa lượng lớn benzene - hóa chất có thể gây ung thư khi lạm dụng lâu dài. Vì vậy nếu có thể, bạn nên hạn chế sử dụng những đồ vật này, hoặc chọn loại có thành phần an toàn hơn.

4. Cách dùng từchroming

Tiếng Anh

A: Hey have you heard about the "chroming" trend? A girl in Australia just died from that.

B: I've heard about that, so scary. I never knew we could die just by inhaling deodorants.

Tiếng Việt

A: Này ông có nghe đến cái trend "chroming" chưa? Có bạn nữ ở Úc vừa mất mạng vì nó đấy.

B: Tôi có nghe, sợ nhỉ. Giờ mới biết là hít lọ khử mùi cũng nguy hiểm tính mạng đó.