1. Rage baiting là gì?
Rage baiting, hay rage farming là chiến thuật khơi dậy các cảm xúc phẫn nộ, ghê tởm ở người xem video. Nó được sử dụng phổ biến trong truyền thông và sáng tạo nội dung, với mục đích cuối cùng là tăng lượng truy cập và tương tác cho kênh của mình.
Bạn có thể thấy chiến thuật này ở các công thức nấu ăn "thảm họa" gần đây như trà sữa pha mắm tôm, sữa đậu nành với một đống hành lá. Thậm chí về lâu dài, rage baiting còn giúp không ít nhà sáng tạo nội dung kéo về lượng lớn tương tác và người theo dõi, tăng thu nhập cho kênh của mình.
2. Nguồn gốc của rage baiting?
Theo từ điển Urban Dictionary, các cụm từ rage bait hay rage baiting đều xuất hiện ít nhất từ năm 2009. Nhiều khả năng nó bắt nguồn từ clickbait - kiểu nội dung giật gân nhằm thu hút người dùng bấm vào tăng tương tác trang web. Tuy nhiên rage baiting bị cho là phiên bản tiêu cực hơn của clickbait, bởi nó mang tính chất thao túng, khiến người đọc/người xem phản ứng tiêu cực với các nội dung mang tính kích động hoặc xúc phạm.
Theo chuyên gia nghiên cứu mạng John Scott-Railton đến từ Citizen Lab, chúng ta sẽ “cắn câu” rage baiting khi bình luận và đăng lại (retweet) một dòng tweet xúc phạm với ngôn từ giận dữ. Đó là chưa kể thuật toán của các mạng xã hội cũng rất “thích” kiểu nội dung rage baiting - bạn càng ấn vào xem, chúng càng gợi ý cho bạn những nội dung tương tự như vậy.
3. Vì sao rage baiting phổ biến?
TikToker Winta Zesu được xem là người khởi xướng trào lưu rage baiting, khi cô đăng clip lần đầu đi thảm đỏ dự sự kiện năm 2022. Trong video có hai cô gái khác thì thầm sau lưng Winta khiến người xem cho rằng họ đang nói xấu cô, nhờ đó mà nó viral theo cách không ngờ đến.
“Tôi nhận ra chỉ cần có điều gì gây tranh cãi trong clip là nó sẽ viral”, Zesu chia sẻ với tạp chí Rolling Stone. Và cô cũng bắt đầu làm clip theo kiểu rage baiting từ đó, thường là các tiểu phẩm với nội dung “cãi tay đôi” với những người có thái độ tồi tệ ở nhà hàng hay sự kiện. Hiện kênh TikTok của cô đã đạt tới hơn 515.000 người theo dõi, với doanh thu trung bình 10.000 - 15.000 dollar mỗi tháng.
Đến đầu năm 2024, chiến thuật này trở nên phổ biến trên TikTok dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc pha ly cà phê sữa khổng lồ gây tốn kém nguyên liệu (rồi đổ đi), chế ra các công thức nấu nướng “thảm họa” đến phỏng vấn người qua đường với những câu hỏi hết sức vô duyên. Những TikToker này dường như đã tìm ra cách “lợi dụng” cảm xúc tức giận của người xem để tăng tương tác và thu nhập cho kênh của mình.
Bên cạnh đó, rage baiting cũng được nhiều tổ chức chính trị cực đoan và nhóm thù ghét (hate group) áp dụng để lan truyền những thông điệp tiêu cực của mình. Sở dĩ chúng ta dễ bị “cắn câu” với kiểu nội dung này là do thiên kiến tiêu cực (negativity bias), khi não bộ ưu tiên sự chú ý tới những nội dung tiêu cực để bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm.
Tại Việt Nam, câu chuyện TikToker Nờ Ô Nô bị phạt hình sự do đăng tải clip miệt thị người khác vẫn là bài học muôn thuở với những người làm sáng tạo nội dung. Nội dung gây tranh cãi có thể tăng tương tác cho kênh trong tích tắc, nhưng ấn tượng trong mắt người khác mới là điều giúp kênh của bạn tồn tại và phát triển lâu dài.
4. Cách sử dụng rage baiting?
Tiếng Anh
A: I’ve just seen a video of someone making milk tea with shrimp paste. Who came up with that idea? Totally disgusting.
B: I think it’s rage baiting. They did that on purpose to make you click and react, no matter how negative it is.
Tiếng Việt
A: Tôi vừa xem video pha trà sữa với mắm tôm. Ai mà lại nghĩ ra trò này nhỉ, kinh quá.
B: Tôi đoán là họ “thả mồi” chọc tức đấy bà. Người ta cố tình làm thế để bà ấn vào và phản ứng, bất kể nó tiêu cực đến đâu.