Cô Gái Từ Quá Khứ - Tâm bệnh không nên là một công cụ tạo twist phim | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 10, 2022
Điện Ảnh

Cô Gái Từ Quá Khứ - Tâm bệnh không nên là một công cụ tạo twist phim

Cô Gái Từ Quá Khứ cho thấy một sự cải thiện trong việc đưa những căn bệnh tâm lý vào phim, tuy nhiên bấy nhiêu thôi là chưa đủ.
Cô Gái Từ Quá Khứ - Tâm bệnh không nên là một công cụ tạo twist phim

Nguồn: Mar6

*Bài viết có tiết lộ chi tiết phim quan trọng

Vào ngày 7/10 vừa qua, Cô Gái Từ Quá Khứ, bộ phim tiếp nối vũ trụ điện ảnh Gái Già Lắm Chiêu của hai đạo diễn/biên kịch Bảo Nhân và Namcito đã chính thức ra mắt. Qua hơn hai tuần công chiếu, bộ phim đã thu về hơn 43 tỷ đồng, một con số khá ấn tượng khi bộ phim phải cạnh tranh với nhiều tác phẩm lớn đến từ nước ngoài như Bỗng Dưng Trúng Số, Smile,...

Được xếp vào thể loại tâm lý giật gân (psychological thriller), Cô Gái Từ Quá Khứ là một nỗ lực bước ra khỏi vùng an toàn của bộ đôi Namcito và Bảo Nhân. Sử dụng chứng bệnh tâm thân phân liệt như một giải pháp cho những bí ẩn của bộ phim, liệu bộ phim này có đang làm tốt những gì mà một bộ phim khai thác chứng bệnh này nên làm tốt?

Sử dụng tâm thần phân liệt như một lời giải thích

Cô Gái Từ Quá Khứ theo chân Hoàng Quyên hay Ms. Q, một nữ MC thành công và cực kì giàu có. Vài tuần trước “đám cưới triệu đô” của cô và chồng, Ms. Q nhận được những bức thư và cuộc điện thoại nặc danh đe dọa sẽ bóc trần tội ác trong quá khứ của cô.

Đi theo lối kể chuyện không tuyến tính, Cô Gái Từ Quá Khứ dần hé lộ từng mảnh quá khứ của Ms. Q. Tha hương cầu thực khắp nơi, Ms. Q được nhận vào làm người giúp việc tại một ngôi biệt thự tại Đà Lạt. Sau khi bảo vệ ông chủ khỏi sự tấn công của cậu con trai Bách, Quyên dần nhận được sự tin tưởng của ông chủ hơn cả bà Kim, quản gia trong nhà.

Vào thời điểm này, Quyên gặp gỡ Quỳnh Yên, một cô gái đáng thương trốn thoát khỏi người cha dượng đã cưỡng hiếp mình. Quyên cho Yên sống chung với cô tại căn phòng và hai người dần trở nên thân thiết. Sau một biến cố lớn, ngôi biệt thự cháy lớn và trong cơn hoảng loạn, Yên đã giết chết bà quản gia và cả hai người đã chạy trốn.

alt
Tạo hình ấn tượng của Ninh Dương Lan Ngọc trong vai Hoàng Quyên | Nguồn: VnExpress

Cú twist lớn nhất của phim nằm ở nhân vật Quỳnh Yên. Về cuối phim, khán giả nhận ra rằng Yên không phải là một nhân vật không có thật, thay vào đó cô là một sản phẩm của căn bệnh tâm thần phân liệt mà Ms. Q mắc phải, được tạo ra để đối chọi với nỗi đau đến từ việc bị cha dượng hãm hiếp. Những lời đe dọa và những sự kiện xảy ra trong thời điểm trước đám cưới cũng khơi nguồn từ việc Ms. Q ngưng điều trị chứng bệnh này khi có em bé.

Cách lật cốt truyện theo hướng nhân vật bị hoang tưởng và ảo giác này là một hình mẫu thường thấy trong các bộ phim giật gân và kinh dị. Tại Việt Nam, hình mẫu này lại đặc biệt phổ biến tại dòng phim kinh dị khi luật Điện Ảnh không cho phép một bộ phim “cổ súy mê tín dị đoan.” Vì thế, các hiện tượng kì lạ xảy ra trong các bộ phim kinh dị đều phải được giải thích bằng một thứ gì đó có thật, thường là một nhân vật bí ẩn nào đó hoặc một căn bệnh tâm lý.

Điện ảnh Việt Nam và những căn bệnh tâm lý

Việc những căn bệnh tâm lý được sử dụng như một công cụ để tăng kịch tính, thậm chí giải quyết nút thắt trong cốt truyện đã trở thành một hiện tượng đã được thấy quá thường xuyên ở nền điện ảnh thế giới.

Chỉ khoảng 5 năm về trước, mối quan tâm về sức khỏe tâm lý của công chúng còn nhiều hạn chế. Khi mà những tâm bệnh này chưa được hiểu rõ, bản chất mơ hồ và khó định nghĩa của chúng trở thành một chất liệu giải quyết vấn đề hoàn hảo khi bất kì nhà biên kịch nào cũng có thể đưa chúng vào phim mà không cần phải lo lắng về tính thực tế của chúng.

Khi mà tất cả những căn bệnh tâm lý đều được gộp chung bằng từ “điên,” chúng cho phép những bộ phim được quyền sử dụng điều này để khiến nhân vật thực hiện những hành động mà bản thân họ không thể kiểm soát hay nhận thức được. Từ đó trong điện ảnh, những hành động dã man, vô nhân tính từ đó được gán cho bệnh “điên,” và tiếp tục củng cố thêm niềm tin về sự nguy hiểm của người bệnh cho công chúng.

Có thể thấy qua những năm gần đây, mối quan tâm lẫn sự hiểu biết về sức khỏe tinh thần và các chứng bệnh tâm lý đã lan rộng và cả thiện rất nhiều. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện vẫn còn khá ít bộ phim thật sự làm được việc “khiến khán giả kết nối và hiểu được những khó khăn của những người mắc bệnh tâm thần.”

Cô Gái Từ Quá Khứ không phải là một bộ phim nằm trong số ít đó. Việc sử dụng đúng thuật ngữ “tâm thần phân liệt” thay vì chứng bệnh “đa nhân cách” như bao bộ phim cùng chủ đề khác có thể được xem là một bước tiến. Tuy nhiên, đây cũng chỉ có thể được xem là một điều tối thiểu mà bất kì nhà làm phim nào cũng nên thực hiện.

stylewidth 567988px
Dàn diễn viên của Cô Gái Từ Quá Khứ | Nguồn: Mar6

Vậy, giữa một bối cảnh xã hội vẫn còn quá nhiều định kiến về người mắc những chứng bệnh tâm thần, Cô Gái Từ Quá Khứ đã đưa căn bệnh tâm thần phân liệt vào bộ phim như thế nào?

Không có khoảng trống để khán giả hiểu được tâm bệnh

Khi đưa bất kì một căn bệnh tâm lý trở thành yếu tố trọng yếu của câu chuyện, một bộ phim cần đảm bảo không tạo nên thêm những hiểu lầm, hay định kiến về những người mắc phải những hội chứng này.

Trong Cô Gái Từ Quá Khứ, căn bệnh tâm thần phân liệt được giải thích từ một bác sĩ là một cơ chế phòng vệ được tạo ra từ nỗi cô đơn lẫn những sang chấn tâm lý nặng nề của Hoàng Quyên sau khi cô bị lạm dụng tình dục bởi cha dượng.

Việc Cô Gái Từ Quá Khứ để cho khán giả chứng kiến tận mắt việc Quyên bị cha dượng hiếp dâm mang đến người xem một cú shock tâm lý hiệu quả qua diễn xuất tuyệt vời của Ninh Dương Lan Ngọc và Kaity Nguyễn. Tuy thế, chỉ riêng một phân cảnh ấy là chưa đủ trong việc cho khán giả hiểu sâu hơn về những cá nhân mắc căn bệnh này.

Chính vì sử dụng căn bệnh tâm thần phân liệt như một công cụ để lật lại cốt truyện vào cuối phim, Cô Gái Từ Quá Khứ chỉ có đủ không gian để cho khán giả thấy những ảnh hưởng của căn bệnh này lên Ms. Q và thiếu mất đi quá trình vật lộn và chiến đấu của cô với căn bệnh này.

Những phân cảnh trên cần thiết vì bộ phim đã lựa chọn đẩy nhân vật đến một ngõ cụt không có lối thoát: Trong cơn hoang tưởng, Ms. Q đã giết chồng của mình. Hành động này, một lần nữa, củng cố những định kiến có sẵn của khán giả dành cho những người mắc chứng bệnh này, rằng họ là những người nguy hiểm và nên tránh xa.

Việc cho khán giả thấy được quá trình vật lộn, chiến đấu và điều trị của Ms. Q đồng nghĩa với việc cho họ thấy những khó khăn mà người mắc căn bệnh này phải trải qua, xác nhận rằng họ có khả năng chiến đấu và là một cá thể cần nhận được sự giúp đỡ thay vì một con người nguy hiểm có thể ngay lập tức đâm chết một người nào đó khi họ “lên cơn.”

Tất nhiên, đây chỉ là một trong vô số những cách để truyền tải đến khán giả một hình ảnh đúng và đầy đủ hơn của người mắc phải căn bệnh tâm thần phân liệt. Thế nhưng có lẽ, câu chuyện của Cô Gái Từ Quá Khứ ngay từ đầu đã không thể tồn tại đủ khoảng trống để làm chính những gì mà những dòng chữ kêu gọi tìm hiểu về căn bệnh này ở cuối phim hướng tới.