Smile - Một nụ cười là mười thang thuốc trợ tim | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
19 Thg 10, 2022
Điện Ảnh

Smile - Một nụ cười là mười thang thuốc trợ tim

Nụ cười của Smile đã khiến cho bộ phim kinh dị này trở thành một thành công phòng vé toàn cầu như thế nào?
Smile - Một nụ cười là mười thang thuốc trợ tim

Nguồn: Paramount Pictures

Cán mốc doanh thu 92 triệu đô sau hai tuần ra mắt và trở thành bộ phim có doanh thu tuần thứ hai cao nhất thế giới kể từ Crazy Rich Asians, Smile đã thật sự chứng minh được sức hút khó cưỡng lại của mình đối với khán giả.

Nhận được số điếm đánh giá có thể được xem là khá cao dành cho dòng phim kinh dị (78% trên Rotten Tomatoes, 6.9 trên IMDb,...), Smile đã biến nụ cười thành một yếu tố gây sợ hãi cực kì hiệu quả.

Cốt truyện đơn giản nhưng hiệu quả

Sau khi chứng kiến bệnh nhân của mình tự tử tại bệnh viện , bác sĩ tâm thần Ross Cotter (diễn viên Sosie Bacon) bắt đầu chứng kiến những hiện tượng lạ xảy ra. Bị bám đuổi bởi thứ mà cô diễn tả là “một thực thể giả dạng con người và cười với cô,” Cotter phải tìm cách trốn thoát trước khi cô gặp phải số phận như người bệnh nhân kia.

Thoạt nhìn, cốt truyện của Smile thật sự không có gì quá đặc biệt nếu như không muốn nói là có thể dễ dàng được tìm thấy ở hầu như mọi bộ phim kinh dị khác.

Tuy nhiên, sự đơn giản tưởng chừng như nhàm chán trong motif của cốt truyện chính này lại trở thành một “bệ đỡ” vững chắc cho khán giả khi họ không cần phải quá tập trung để có thể hiểu được cốt truyện. Thay vào đó, sự tập trung này được chuyển hướng sang yếu tố quan trọng nhất của một bộ phim kinh dị, sự đáng sợ. Đặc biệt khi yếu tố gây sợ hãi của Smile là một yếu tố lạ, ít được thấy tại dòng phim kinh dị.

alt
Sosie Bacon trong vai bác sĩ Ross Cotter | Nguồn: The Reveal

Thông điệp của Smile về chấn thương tâm lí hậu sang chấn (PTSD), từ đó, cũng đến từ chính yếu tố kinh dị thay vì đến từ cốt truyện chính. Đây là một ý tưởng thông minh, khi thay vì truyền tải thông điệp bằng lời nói, Smile đã khiến cho khán giả phần nào hiểu được cảm giác của một người mắc phải hội chứng này qua những trải nghiệm với nỗi sợ trong phim.

Một nụ cười là 10 thang thuốc trợ tim

Smile là một bộ phim kinh dị gây sợ chủ yếu bằng những màn hù dọa bất ngờ (jumpscare), một motif kinh dị được đánh giá là nhàm chán và cũ kĩ. Thậm chí, nhiều người xem jumpscare là những mảng miếng gây sợ “rẻ tiền” khi yêu cầu tối thiểu của chúng chỉ là một tiếng động lớn đi kèm với một hình ảnh ghê rợn.

Tất nhiên, không phải bất kì bộ phim kinh dị sử dụng jumpscare nào cũng là những bộ phim kinh dị tồi. Jumpscare có thể trở thành một công cụ gây sợ cực kì hiệu quả nếu chúng có thể thoát khỏi được sự cũ kỹ và dễ doán trước. Smile là một bộ phim đã làm được những điều này.

Khác với những bộ phim kinh dị trước đó, công cụ gây sợ hãi của Smile không phải những nhân vật với vẻ ngoài kinh dị. Như cách mà bác sĩ Cotter miêu tả, “nó là một thực thể có thể đeo lên những lớp mặt nạ của những người khác nhau,” mối nguy hiểm của Smile là một mối nguy hiểm không thể được nhanh chóng nhận diện.

alt
Nguồn: Polygon

Yếu tố đặc biệt này khiến cho bộ phim luôn luôn phủ lên một bầu không khí ngột ngạt khi khán giả không thể biết được khi nào nhân vật đang trong vùng an toàn. Dù cho trời có sáng, dù cho căn phòng đang có sự hiện diện của nhiều người, khán giả luôn phải luôn căng mắt tìm kiếm thực thể đang ám ảnh bác sĩ Cotter.

Để ý những khung hình của Smile, ta có thể nhận thấy nhiều phân cảnh nơi khuôn mặt của một nhân vật tại hậu cảnh được làm mờ, nhằm che đi đặc điểm nhận diện duy nhất của mối nguy hiểm đang bám theo bác sĩ Cotter, nụ cười trên khuôn mặt ấy.

Cũng dựa vào đặc điểm khó nhận diện của nụ cười trên khuôn mặt một nhân vật, Smile đã làm tốt trong việc tạo ra những vùng an toàn giả nhằm đánh lừa khán giả. Thông thường trong những bộ phim kinh dị , cảnh nói chuyện giữa hai nhân vật được xem là một vùng an toàn, nơi khán giả có thể nghỉ ngơi giữa những phân cảnh đáng sợ.

alt
Khuôn mặt của nhân vật bị làm mờ ở hậu cảnh | Nguồn: Youtube

Smile từ chối cho khán giả khoảng nghỉ này. Ngay từ đầu phim, đạo diễn Parker Finn đã nhanh chóng loại bỏ đi vùng an toàn này bằng những hình ảnh đáng sợ bất ngờ xuất hiện trên màn hình. Một lần nữa khẳng định với khán giả rằng tại bộ phim này, tại không gian câu chuyện này, họ không có quyền được mất cảnh giác.

Một bộ phim kinh dị hay với một thông điệp trung bình

Thông điệp về tổn thương quá khứ của Smile có hiện diện, nhưng không đủ sâu và từ đó thất bại trong việc mở ra một cuộc hội thoại lớn hơn và chủ đề rất thời đại này.

Giữa một làn sóng phim kinh dị chứa đầy những thông điệp bình luận xã hội như Get Out, Hereditary hay Midsommar, Smile đưa thể loại này về với mục đích nguyên thủy nhất của chúng, một bộ phim có thể khiến khán giả sợ hãi và ám ảnh.

Nhìn chung, Smile có được thành công phòng vé và đạt được một thành tích vượt trội dù không có một dàn sao hạng A hay một đạo diễn nổi tiếng chính vì bộ phim này đã làm rất tốt trong việc thực hiện mục đích được đặt ra ban đầu của đạo diễn. Qua Smile, Parker Finn đã cho khán giả sợ hãi với những nụ cười.