Giấc mơ gỏi cuốn và hành trình đến Cannes | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 05, 2022
Sáng TạoĐiện Ảnh

Giấc mơ gỏi cuốn và hành trình đến Cannes

Bộ phim hoạt hình ngắn Spring Roll Dream (tạm dịch: Giấc mơ gỏi cuốn) của đạo diễn trẻ Mai Vũ đã được chọn tham dự và tranh giải tại LHP Cannes năm nay.
Giấc mơ gỏi cuốn và hành trình đến Cannes

Nguồn: Spring Roll Dream

Spring Roll Dream của đạo diễn trẻ Mai Vũ là 1 trong 16 phim ngắn (do người đóng và phim hoạt hình) được tuyển chọn từ 1528 bộ phim dự thi để lọt vào chương trình La Cinéf. Hạng mục này của Cannes giúp phát hiện các tài năng mới đến từ các trường điện ảnh trên thế giới.

Bộ phim hoạt hình dài 9 phút của Mai Vũ trở thành đại diện duy nhất của trường National Film & Television School (NFTS) của Vương quốc Anh tranh giải chính thức. Ba bộ phim ngắn hay nhất sẽ được trao giải vào cuối LHP.

Mai Vũ đã chia sẻ về hành trình đầy đam mê để biến ý tưởng thực hiện một bộ phim hoạt hình stop-motion về đề tài ẩm thực và khoảng cách thế hệ trong văn hóa Việt Nam lên phim. Và tất nhiên, là cả giấc mơ đưa phim hoạt hình Việt Nam ra rạp chiếu cũng như đến các LHP trên thế giới.

alt
Nữ đạo diễn Mai Vũ.

Chào Mai Vũ và chúc mừng bộ phim hoạt hình ngắn của em Spring Roll Dream đã đến LHP Cannes năm nay! Bộ phim này đã được bắt đầu như thế nào?

Phim được bắt đầu lên ý tưởng từ cuối năm 2020. Ý tưởng của phim được hình thành một cách rất tự nhiên, đến từ những cuộc trò chuyện của em và các đồng sự trong trường phim NFTS... Nó nói về gia đình, về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khoảng cách thế hệ và cách thể hiện tình yêu thương. Quả thực, đây vốn là để tài mà em tâm huyết.

alt
Bộ phim hoạt hình Giấc mơ gỏi cuốn

Câu chuyện trong phim được lấy cảm hứng từ gia đình em, nên việc xây dựng nhân vật rất được chú trọng. Kịch bản phim được viết không chỉ là câu chuyện được thấy trên phim, mà tụi em còn phải viết cả lịch sử của gia đình nhân vật người ông cùng mối quan hệ với người con gái để hiểu câu chuyện của họ, khiến cho những nhân vật trong phim dường như là những con người thật mà em quen biết.

Việc làm phim bằng kĩ thuật hoạt hình stop-motion giúp cho em diễn đạt được những biểu cảm và diễn xuất nhẹ nhàng tinh tế. Nhưng để đạt được điều này thì đội ngũ “model making” (tạo hình nhân vật) phải mất hơn 3 tháng để xây dựng một nhân vật “puppet” (con rối) với kích thước 27cm, với những chi tiết rất tỉ mỉ, cho phép puppet thực hiện được những chuyển động thật nhất.

Việc làm phim trong thời gian dài vậy cũng là một thử thách, vì rất dễ đi vào chi tiết và quên mất cái tổng thể, rất khó để biết khán giả xem sẽ hiểu và cảm nhận phim như thế nào. Vì vậy, trong khoa thường xuyên tổ chức những buổi chiếu thử để em nhận được phản hồi và góp í từ thầy cô và bạn bè cùng khoá, giúp khắc phục những điểm yếu của câu chuyện mà nhiều khi rơi vào điểm mù của mình.Việc ghi hình kéo dài 8 tháng và trung hình mỗi một phút phim phải mất một tháng để hoàn thành. Làm hoạt hình là một công việc có phần cô đơn hơn vì thời gian làm việc độc lập kéo dài, cùng với môi trường làm việc trong phòng tối cũng phần nào làm ảnh hưởng tới tinh thần và thể chất. Thế nên em cũng phải thường xuyên nhắc mình đi ra ngoài sưởi nắng, đi bộ và gặp bạn bè ít nhất một tuần một lần.

Có lẽ điều em học được nhiều nhất khi làm bộ phim này là phim không chỉ là cái tôi cá nhân của người làm phim. Bộ phim có sức sống và tinh thần của riêng nó mà với tư cách đạo diễn, em phải biết lắng nghe, biết lùi lại một bước, biết nhìn nhận bộ phim một cách khách quan để đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho bộ phim và truyền tải được thông điệp của bộ phim đến người xem.

Tại sao em chọn gỏi cuốn làm đề tài (và nhan đề) cho bộ phim hoạt hình stop-motion của mình?

Văn hoá ẩm thực của người Việt mình vô cùng đặc sắc mà chỉ khi ra nước ngoài em mới nhận thức được. Nghe các bạn bè nước ngoài yêu thích đồ ăn Việt, em nhận ra mình được thừa hưởng một gia tài lớn từ văn hoá dân tộc mình.

alt
Gỏi cuốn là món ăn mà cả nhà có thể quây quần vừa cuốn vừa ăn, vừa gợi đến hình ảnh ôm ấp của người mẹ với con mình.

Dưới góc độ một gia đình, món ăn dường như là cách trực tiếp mà cha mẹ thể hiện tình cảm với con mình. Món gỏi cuốn là món ăn đơn giản ở miền Nam mà khi ăn cả nhà có thể quây quần vừa cuốn vừa ăn, lại đến từ những nguyên liệu nửa Á nửa Âu như rau xà lách, dưa leo, rau quế, bún, tôm… Đây là những nguyên liệu dồi dào về mặt hình ảnh và màu sắc, rất thích hợp để làm sống dậy bằng nghệ thuật hoạt hình.

Chất liệu giấy được dùng để thể hiện món ăn vừa gây thú vị về mặt thị giác vừa phù hợp với một câu chuyện dịu dàng. Nhưng có lẽ điểm mấu chốt để chọn gỏi cuốn là vì hình ảnh cuốn gỏi nó gợi đến hình ảnh ôm ấp của người mẹ với con mình.

Bộ phim được thực hiện trong bao lâu và những thử thách nào lớn nhất mà em và ê kíp phải vượt qua?

Ở NFTS, hầu như mỗi khâu làm phim đều có một khoa riêng, và các bạn đều là những người rất tài năng. Nhờ vậy mà em có điều kiện được làm việc với một ekip rất chuyên nghiệp, đến từ khắp nơi trên thế giới.

Kịch bản được hình thành giữa em và biên kịch Chloe White, là một người Úc gốc Hoa, nên việc hình thành nên câu chuyện rất dễ dàng. Dường như câu chuyện trong phim như là câu chuyện của gia đình em và cũng là câu chuyện của gia đình chị ấy. Tụi em có một sự đồng cảm về tình yêu với gia đình trên nền tảng văn hoá Á đông. Nhiệm vụ tiếp theo là lan toả cái tình cảm đấy đến toàn bộ ekip. Em cứ nghĩ đây sẽ là một thử thách, nhưng thực tế thì lại không quá khó khăn để ekip có thể hiểu nhau và hiểu bộ phim vì dù có cách biệt văn hoá nhưng mọi người đều giống nhau về tình yêu với gia đình.

Việc dùng văn hoá Việt lại trở thành một cuộc chơi khá thú vị với ekip của em. Em có dịp tìm hiểu về lối kiến trúc và màu sắc Á Đông với bạn thiết kế người Ý là Nathalie Carraro, tìm hiểu thêm cách kết hợp âm nhạc châu Á qua tiếng đàn bầu của nhạc sĩ Phạm Đức Thành, với nhạc cổ điển châu Âu cùng với bạn soạn nhạc Sam Rapley, người Anh.

alt
Khác với phim người đóng, phim hoạt hình được dựng từ những hình ảnh storyboard rất thô.

Việc ghép dựng phim có lẽ cũng là một thử thách lớn vì không như phim người đóng, phim hoạt hình phải được dựng từ những hình ảnh storyboard rất thô. Trong giai đoạn tiền kì, để tiết kiệm thời gian ghi hình, ekip phải tự tưởng tượng ra nhịp phim và cảm xúc trong phim. Do đó việc ghép dựng phim là một khâu kéo dài liên tục trong suốt quá trình làm phim. Việc ghép dựng phim cũng quyết định cảnh phim sẽ được ghi hình như thế nào. Vì vậy bộ phim được biến đổi và thành hình liên tục trong suốt quá trình làm phim. Em có may mắn được làm cùng với một bạn dựng phim người Đan Mạch gốc Việt là Mira Thu, nên tụi em rất làm việc rất ăn ý và công việc cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Nếu có thử thách nhất, thì có lẽ vì phim bắt đầu tiền kì trong giai đoạn ở Anh vẫn đang phong toả vì dịch bệnh, nên hầu hết các bước trên đều phải làm online. Do đó, việc đối thoại giữa các bên cũng khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Tụi em đã phải vận dụng nhiều ứng dụng khác nhau để giữ cho quy trình được chạy trơn tru mà không ảnh hưởng đến chất lượng phim.

NSND Bùi Bài Bình có lẽ là tên tuổi lớn duy nhất tham gia vào bộ phim. Cảm hứng nào để em mời ông lồng tiếng cho nhân vật người bố trong phim?

Nhân vật ông bố được xây dựng trên hình tượng của bố em, một ông bố người miền Bắc có phần thô ráp, không biểu lộ cảm xúc nhưng tràn đầy tình yêu thương. Khi xây dựng nhân vật này thì em đã biết là mình muốn chú Bùi Bài Bình lồng tiếng. Có lẽ vì chất giọng của chú với hình tượng ông bố mà chú hay thể hiện trên phim VTV đã ăn sâu trong đầu em từ nhỏ.

Việc casting cho phim cũng gặp một ít khó khăn vì tụi em không thể cast được diễn viên ở cùng một nơi: Cả ekip đều ở Anh, chú Bình thì ở Việt Nam, chị Elyse Dinh lồng tiếng vai người con gái thì ở Los Angeles.

alt
NSND Bùi Bài Bình tham gia lồng tiếng cho nhân vật người bố.

Đưa ekip đi lại giữa các nơi trên là không khả thi, nên tụi em chỉ có thể làm online. Rất may là đại dịch lại giúp các nền tảng trực tuyến phát triển rất mạnh. Điều này tạo điều kiện để tụi em thiết kế một buổi thu giữa các diễn viên cùng một lúc trên 3 múi giờ khác nhau, mà âm thanh chất lượng vẫn hoàn chỉnh. Đây thực sự là một kỉ niệm đáng nhớ khi ekip của em phải thức dậy lúc 3 giờ sáng ở bên Anh, Chú Bình đến phòng thu ở Việt Nam lúc 10h sáng, và chị Elyse làm phòng thu tại nhà vào lúc 9h tối ở LA.

Hành trình đưa Spring Roll Dream đến Cannes như thế nào?

Thật lòng thì em cũng không tưởng tượng được là phim mình có thể được chọn cho Liên hoan phim Cannes. Nhưng trường em thì có cái nhìn khác và việc đưa phim đến Cannes là do sự tin tưởng, thúc đẩy và hỗ trợ của trường. Nhờ vậy em có tự tin đưa phim đến những Liên hoan phim lớn. Hiện thì phim đang được định hướng để đi tiếp các liên hoan trên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngoài Cannes, Spring Roll Dream còn có những cơ hội nào khác trong thời gian tới?

Sau khi phim được công chiếu ở Cannes thì hi vọng phim có nhiều cơ hội hơn ở những Liên hoan phim lớn khác trên khắp thế giới. Em vẫn sẽ cố gắng đưa phim đi tiếp các liên hoan khác để phim được trình chiếu ở nhiều nơi hơn. Bên cạnh đó em cũng mong có thể tổ chức một buổi chiếu nhỏ ở Việt Nam.

Lý do gì em lại lựa chọn lĩnh vực phim hoạt hình để phát triển sự nghiệp điện ảnh của mình?

Chắc là nghề chọn người vì trước đó em cũng không bao giờ nghĩ đến việc đi làm hoạt hình cả. Sau khi dốc hết sức lực thi đậu vào Đại học Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh để chứng minh cho gia đình là em làm được, em rơi vào khủng khoảng vì không biết mình muốn gì.

Trong khoảng thời gian chán nản, em xem rất nhiều phim hoạt hình thuộc nhiều thể loại khác nhau trên thế giới và bắt đầu học làm theo. Có thể do hoạt hình không bị giới hạn về trí tưởng tượng, nên khi làm phim hoạt hình em cảm thấy như được vượt qua những giới hạn trong cuộc sống. Rồi từ khi bắt đầu đến nay em không biết làm gì khác nên cứ làm hoạt hình thôi ạ.

Trong bối cảnh phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa thịnh hành, em nghĩ thế hệ đạo diễn trẻ như em có tương lai ở Việt Nam không?

Mặc dù phim hoạt hình ở Việt Nam cũng có lịch sử kéo dài từ những năm thời kì đầu của điện ảnh của Việt Nam, nhưng lứa tụi em sinh ra vào thập niên 90 thì không có ấn tượng gì nhiều. Em lớn lên chủ yếu là từ Tom và Jerry, Doremon,... nên chịu ảnh hưởng từ phim hoạt hình nước ngoài nhiều hơn.

Có một sự may mắn thú vị là khi em bắt đầu học làm hoạt hình thì bắt đầu xuất hiện nhiều nhóm làm phim hoạt hình ngắn gây tiếng vang như Colory, Xin Chào Bút Chì,… Thế nên em cảm thấy như đây là thời của hoạt hình Việt Nam vậy. Đến thời điểm hiện tại thì hoạt hình ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh và thu hút nhiều nguồn lực hơn, chủ yếu ở mảng quảng cáo và VFX.

alt
Đội ngũ tạo hình đã mất hơn 3 tháng để xây dựng những nhân vật con rối với những chỉ tiết tỉ mỉ và chuyển động chân thật.

Các studio cũng chuyên nghiệp hơn và bắt kịp được công nghệ và chất lượng so với phim nước ngoài. Cụ thể ở miền Nam có studio Colory mạnh về hoạt hình 3D, Red Cat Motion mạnh về hoạt hình 2D và motion graphic, Bad Clay về VFX. Ở ngoài Bắc thì có Dee Dee Animation làm hoạt hình 2D rất duyên dáng.

Về mảng stop-motion thì trước có Hi Pencil studio, bây giờ thì có nhiều nhóm làm phim có mày mò về mặt hình ảnh và chất lượng như bên StoptoMove. Hầu hết các studio làm quảng cáo hoặc out-source cho nước ngoài. Nhưng họ đều ấp ủ dự án riêng, lấy ngắn nuôi dài. Vậy nên em rất lạc quan về tương lai hoạt hình ở Việt Nam.

Vậy cơ hội nào để phim hoạt hình Việt Nam được trình chiếu thương mại tại các rạp chiếu hay tham dự các LHP quốc tế ?

Đây cũng là câu hỏi không chỉ riêng em mà rất nhiều người làm phim hoạt hình đều trăn trở. Điện ảnh Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây đã có nhiều bước chuyển mình, phát triển cả ở trong nước lẫn các liên hoan phim quốc tế. Biết đâu sắp tới sẽ tới lượt phim hoạt hình?

Dù hiện tại cũng đã có nhiều dự án được ấp ủ bởi các studio nhưng trở ngại có lẽ vẫn là nguồn đầu tư cho phim hoạt hình. Em không có ý nói là không ai đầu tư cho phim hoạt hình. Nhưng phim hoạt hình Việt Nam với những nội dung gốc, được sản xuất bởi người Việt, vẫn chưa có thị trường thực sự và chỗ đứng. Vậy nên ít ai dám phất cờ mạnh tay đầu tư vào một phim hoạt hình chiếu rạp. Đây là một bài toán lớn mà một người làm phim hoạt hình như em chỉ có câu trả lời bằng cách tiếp tục làm phim, dù ngắn hay dài.

Một trở ngại lớn nữa là về mặt công nghệ và đội ngũ làm phim hoạt hình vẫn cần được hoàn thiện hơn. Vì dù các studio hoạt hình đã có những bước tiến về chất lượng thì hầu hết vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, nên sẽ gặp nhiều khó khăn để chạy được một bộ phim chiếu rạp với thời gian sản xuất kéo dài từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên em dự đoán là trong khoảng 3 đến 5 năm nữa, mình sẽ có phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp đầu tiên.

Bên cạnh phim chiếu rạp thì có lẽ phim series sẽ dễ dàng để phát triển trước và tạo thị trường cho phim hoạt hình Việt Nam. Cái cần là các dự án phim được sản xuất nhiều hơn.

Sau dự án này em sẽ làm gì để tiếp tục với… giấc mơ phim hoạt hình của mình?

Em cũng có một vài dự án ấp ủ và mong là có thể phát triển cũng như thực hiện trong thời gian sắp tới. Trước mắt em nghĩ mình cần chuẩn bị một đội ngũ làm hoạt hình đủ tay nghề và lực lượng để làm phim chiếu rạp. Thế nên em cũng suy nghĩ về việc tổ chức những chương trình đào tạo hoạt hình cho các bạn trẻ.

Em bắt đầu làm phim mà không nhận được định hướng và chỉ dạy, nên em hiểu về khao khát được học của các bạn trẻ. Em biết có nhiều anh chị làm phim trong nghề cũng tâm huyết với việc hướng dẫn và đào tạo các bạn trẻ nên em mong mình cũng có thể góp sức một phần. Đây là mong muốn về lâu dài của em khi về Việt Nam.