Có phải lúc nào chơi "mèo đuổi chuột" với người ấy cũng tốt? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
25 Thg 08, 2024
Thương

Có phải lúc nào chơi "mèo đuổi chuột" với người ấy cũng tốt?

Hồi nhỏ khi bị người khác trêu chọc, ta vẫn thường nghe người lớn bảo “người ta quý thì mới trêu”. Dù vậy, lối tư duy này lại trở thành thảm họa trong mối quan hệ tình cảm.
Có phải lúc nào chơi "mèo đuổi chuột" với người ấy cũng tốt?

Nguồn: Cottonbro @ Pexels

Tiếp nối bài viết “Tán tỉnh đối phương thế nào để không “đi vào lòng đất”?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “The Right and Wrong Ways to Flirt”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Thể hiện tình cảm theo kiểu "mèo vờn chuột"

Dường như trêu chọc, chơi đùa với cảm xúc đối phương là cách thể hiện tình cảm và sự chú ý được chấp nhận rộng rãi trong xã hội. Bạn bè gắn kết bằng cách “chọc quê” lẫn nhau, con trai tán con gái bằng những câu đùa cợt thiếu đứng đắn.

Nhưng khi chúng ta đồng tình rằng việc xúc phạm người khác trở thành cách gián tiếp để thể hiện tình cảm, nó sẽ trở thành chuẩn mực mới trong xã hội. Con gái thách thức và tỏ vẻ ngổ ngáo khi thực sự thích chàng trai nào đó, con trai thì trêu chọc khiến con gái thấy bất an.

Những biểu hiện này vừa trốn tránh cảm xúc, vừa không thể hiện ý nghĩ thực tế của bạn về đối phương. Và một khi kiểu tán tỉnh hạ thấp và coi thường cảm xúc người khác này được chấp nhận rộng rãi, thì xã hội chúng ta đã thực sự “hết thuốc chữa”.

Có hai vấn đề lớn ở đây. Đầu tiên, nó khiến bạn không bao giờ nắm rõ đối phương nghĩ gì về mình, dẫn đến sự mập mờ và lựa chọn sai lầm trong chuyện yêu đương. Thứ hai, dù về ý thức bạn biết rõ đối phương đang đùa, nhưng trong vô thức bạn vẫn coi câu đùa đó là thật. Chẳng hạn nếu bị ai trêu là “lùn” khi còn nhỏ, dù biết là họ quý thì mới trêu, bạn vẫn sẽ bất an về chiều cao của mình khi trưởng thành.

Kiểu tán tỉnh này còn củng cố cảm giác tự nhục vốn có sẵn trong mỗi người. Chẳng hạn nếu bị một cô gái từ chối lên giường cùng, bạn dễ thấy nhục nhã vì bị từ chối. Chưa kể nếu cô ấy coi thường bạn vì làm công việc nhàm chán và không đi xe xịn, thì tình huống sẽ còn tệ hơn. Và nó đang dần trở thành chuẩn mực mới trong xã hội.

Nhưng tệ hơn là hai cuốn self-help hẹn hò trong top phổ biến nhất là The RulesThe Game đều khuyến khích lối tán tỉnh này. Trong The Rules, phụ nữ được khuyên là thích chàng trai nào thì phải giả vờ “kiêu” với họ trước, không đáp lại dù họ có gọi bao nhiêu lần, như vậy họ mới thấy mình “có giá”.

Còn trong The Game, đàn ông được khuyên là dù thích một cô gái bao nhiêu thì bước đầu vẫn phải làm cho cổ nghĩ rằng mình không đủ đẹp trong mắt họ. Đây thực sự là những gì ta vẫn học được trong các tài liệu trên: thích ai thì hãy đối xử với người đó như rơm như rác.

Xu hướng muốn “xõa” khi bị cấm đoán quá nhiều

Thái độ kỳ thị của xã hội với việc bị từ chối, khả năng thể hiện cảm xúc kém hay lối tán tỉnh xúc phạm - những điều này biến tình dục thành điều gì đó hết sức nặng nề, cấm kỵ trong nhiều nền văn hóa. Ví dụ có những nơi coi tình dục là điều hiển nhiên, là khía cạnh thú vị của một mối quan hệ lãng mạn. Còn ở nhiều nơi khác, tình dục là thứ bạn phải đấu tranh mới có được.

Và ở những nơi tình dục bị coi là đề tài cấm kỵ, người ta có xu hướng muốn “xõa” để bù lại cảm giác ức chế họ vốn phải chịu đựng lâu nay. Đó là những nơi có tỷ lệ nghiện rượu, làm tình một đêm và tình dục không an toàn cao. Thậm chí nhiều khi việc uống say mèm rồi tìm ai đó để “mây mưa” được coi là một phần quan trọng của văn hóa tiệc tùng ngày nay.

04jan2024erkerysdauletovhqapek8ns4unsplashjpg
Càng bị cấm, ta lại càng muốn “xõa”, đặc biệt về vấn đề tình dục. | Nguồn: Unsplash

Điều này được phản ánh khá rõ trong văn hóa đại chúng - người ta làm riêng những show truyền hình về tình dục và nỗi ám ảnh về nó. Đúng là tình dục lúc nào cũng là đề tài hot, nhưng theo quan sát của tôi, dường như chỉ ở các nước nói tiếng Anh nó mới được tôn vinh hoặc bị kỳ thị quá mức.

Trong văn hóa Latin, tình dục là một phần quan trọng khi nói về tính nam. Nhưng họ không bị sỉ nhục khi tỏ tình bị từ chối, và không có sự mập mờ về cảm xúc. Với phụ nữ Đông Âu, sự gợi cảm (sexiness) là đặc tính được tôn vinh, nhưng ở phương Tây (gồm Anh và khu vực Bắc Mỹ) thì nó là thứ người ta dùng để trêu ghẹo phụ nữ.

Không ít cặp trước mặt người khác thì chọc nhau bằng đủ tính từ xấu xí, nhưng sau lưng vẫn lén lút trốn vào góc nào đó vừa hôn nhau say đắm, vừa lo sợ bị ai phát hiện. Cứ như thế, họ không dám thẳng thắn thể hiện tình cảm với nhau vì sợ bị đánh giá.

Tóm lại là

Bạn có thể cho rằng tôi quá cực đoan hay nhạy cảm, hoặc rằng tôi đang đánh đồng mọi thứ. Nhưng tôi xin làm rõ sự khác biệt giữa đùa vui và đùa cợt như sau:

Hai người thân thiết và tin tưởng lẫn nhau trêu nhau là chuyện bình thường. Cái đó là đùa vui, chẳng có gì sai trái cả. Nhưng khi việc trêu chọc trở thành cơ sở để thể hiện tình cảm và sự trân trọng lẫn nhau, thì nó trở thành đùa cợt chứ không còn vui nữa.

23jul2024samsonkatt5225319jpg
Đùa vui, nhưng đừng “vui quá” trong chuyện thể hiện tình cảm. | Nguồn: Pexels

Trong lịch sử, nền văn hóa nào cũng cần tìm ra cách để gắn kết con người, bởi như vậy mới tạo ra trật tự và thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ. Như Freud đã chỉ ra từ nhiều thập kỷ trước, để một nền văn minh thịnh vượng, nó phải chọn lọc và sắp xếp nhu cầu tình dục của con người thành một hệ thống gọn gàng.

Có hai cách để thực hiện điều đó: qua thể chế và luật pháp chính thức, hoặc qua các chuẩn mực văn hóa và niềm tin xã hội. Vì vậy, mỗi nền văn hóa đã phát triển những chuẩn mực khác nhau để tạo ra trật tự xã hội.

Chẳng hạn văn hóa Latin tập trung nhiều vào sự lãng mạn, ghen tuông hay tính sở hữu. Văn hóa Hồi giáo củng cố nó bằng nỗi sợ trước một đấng tối cao (thánh Allah) và hình phạt với sự bất tuân. Văn hóa Ấn Độ giáo thì tiến hành bằng các cuộc hôn nhân sắp đặt. Văn hóa Nhật Bản tập trung vào các chuẩn mực xã hội về danh dự và liêm chính. Còn văn hóa Anh-Mỹ và một số nước khác lại tập trung vào sự nhục nhã (shame) của con người.

Không có cách tiếp cận nào tối ưu trong số trên - mỗi chuẩn mực đều có những hạn chế của riêng nó. Riêng với việc đánh vào sự nhục nhã, chúng ta vô tình cản trở khả năng giao tiếp cởi mở lẫn nhau. Điều này dẫn đến sự mập mờ và “vỡ mộng” - căn nguyên cho tỷ lệ ly hôn cao ở một số quốc gia hiện nay.