Có phải tình yêu chỉ dành cho người dám liều lĩnh? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 06, 2023
ThươngYêu Lành

Có phải tình yêu chỉ dành cho người dám liều lĩnh?

Bạn thích một tình yêu êm đềm hay giật gân?  Và mức độ chịu đựng rủi ro của bạn mỗi khi rơi vào yêu là bao nhiêu? 
Có phải tình yêu chỉ dành cho người dám liều lĩnh?

Nguồn: Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera

Khi đầu tư cho chuyện tình cảm, có người chọn tiêu chí yêu đương là cảm giác an toàn, nhẹ nhàng. Bên lại bảo để có được tình yêu cần sự dũng cảm, chịu rủi ro và mạo hiểm thì mới "cưa đổ" được người đặc biệt. Tuy vậy, êm đềm hay sóng gió đều quy về việc mức độ rủi ro mà chúng ta có thể chịu khi chọn yêu một ai đó.

Thực tế, rơi vào yêu luôn chứa nhiều rủi ro dù cho ngay ban đầu bạn có cảm thấy tình cảm bình yên, êm ả thế nào. Nhắc đến chuyện rủi ro, ta lại thấy tình yêu cũng giống như việc đầu tư kinh doanh. Thậm chí nhìn chuyện yêu dưới góc nhìn tài chính còn giúp ta dễ dàng phán đoán và nhìn nhận rõ hơn những nguy cơ mình phải đối mặt khi yêu ai đó. Trước tiên, hãy xác định xem bạn có thể chịu rủi ro đến mức nào.

Xác định khẩu vị rủi ro

Khẩu vị rủi ro (risk tolerance/risk appetite) trong đầu tư được định nghĩa là quan điểm, mức chấp nhận sự xuất hiện của rủi ro trong đầu tư của mỗi người. Khi đã xác định vào cuộc chơi thì hai từ khóa rủi ro và lợi nhuận sẽ cùng nhau đi xuyên suốt. Điều này có thể được hiểu là những việc mang lại lợi nhuận cao sẽ đi cùng với tính chất rủi ro lớn và ngược lại việc an toàn, bền vững thì lợi nhuận đạt được sẽ thấp hơn.

Tương tự, trong tình yêu cũng có những cấp độ rủi ro từ thấp đến cao. Điều quan trọng là chúng ta cần xác định mức độ chịu đựng của ta đến đâu vì với mỗi rủi ro, lợi ích, sự tổn thương, thậm chí là “lỗ” sẽ khác nhau. Biết mức độ chịu đựng rủi ro sẽ giúp xác định loại hình đầu tư/yêu mà mình muốn. Ví dụ: nếu khẩu vị rủi ro cao, bạn sẵn sàng đâm đầu vào những cuộc tình/cơ hội đầu tư “liều lĩnh” và chóng vánh hơn chỉ để đạt được những lợi ích trước mắt về mặt thể xác và cảm xúc.

Trước khi “game on”, hãy chọn cấp độ để không phải ngã ngựa quá sớm.

Cấp độ 1 - Rủi ro “nhẹ nhàng” hoặc không muốn rủi ro

Đây là mức độ chịu rủi ro thấp nhất và phù hợp với người thích đầu tư an toàn với danh mục đầu tư ít hoặc hầu như không có biến động. Một ví dụ điển hình cho cấp độ này là gửi sổ tiết kiệm. Đây là cách đầu tư “old-school” tương đối an toàn, sinh lời cố định. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ đối diện với vài thực tế khắc nghiệt là việc sinh lời đôi khi chậm hơn cả việc lạm phát, đồng tiền mất giá ngoài kia.

Trong tình yêu, đôi khi chúng ta có thể thấy chịu rủi ro ở cấp độ 1 chính là… yêu đơn phương. Cứ ngỡ là yêu nhưng đồng thời cũng cũng chẳng tiến chẳng lùi mà yên ổn với niềm vui riêng. Một vài người khác vẫn sẽ rơi vào yêu ở cấp độ 1 nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để suy xét. Vì không muốn bị tổn thương nên thường lưỡng lự, tìm kiếm một cảm giác an toàn mơ hồ. Nếu cần một ví dụ thì đó chính là nhân vật Ngạn trong truyện dài Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong tập Yêu Lành số 3, khách mời Thái Vân Linh nói rằng khi tìm hiểu thì có thể gặp nhiều người để biết cái mình thích hoặc không thích. Nhưng khi đã có quyết định thì cần phải nhảy vào yêu ngay. Nếu chúng ta phân tích mãi mà không làm gì thêm thì đúng là không có rủi ro nhưng cũng chẳng có kết quả.

alt
An toàn và rủi ro là khái niệm tương đối trong tình yêu. Điều quan trọng là bạn cần có sự uyển chuyển và chủ động với tình yêu của mình.

Tương tự như lạm phát, một tình yêu ít rủi ro không có nghĩa sẽ mãi an toàn. Con người luôn biến đổi, thậm chí còn khó lường và đột ngột hơn cả những biến động tài chính. Có nhiều tác động bên ngoài sẽ khiến chuyện tình yêu rơi vào những giai đoạn sóng gió.

Cấp độ 2 - Rủi ro “chấp nhận được” để đầu tư dài hạn

Điều đầu tiên, chúng nên hiểu đầu tư dài hạn (long-term investment) là gì thông qua vài yếu tố. Đầu tiên là danh mục đầu tư mà bạn chọn sẽ tạo ra lợi tức ổn định và tăng giá trị trong một khoảng thời gian dài. Điều thứ hai là bạn, một nhà đầu tư sẵn lòng chịu đựng những biến động ngắn hạn của thị trường và kiên nhẫn trong cách tiếp cận, tin tưởng vào tiềm năng của các khoản đầu tư của mình.

Một vài hình thức “mưa dầm thấm lâu” này có thể kể đến như đầu tư chứng khoán vào những mã/công ty mà bạn tin tưởng sẽ phát triển bền vững trong thời gian tới, đầu tư vào quỹ… Xê dịch qua tình yêu, dài hạn mang ý nghĩa về sự cam kết. Khi đó hai bên đều tận tụy với nhau, chăm sóc mối quan hệ của họ theo thời gian và cùng nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Chị Thái Vân Linh từng nói yêu lâu dài là hành trình đi theo đường vòng xoắn ốc, nó chậm rãi nhưng luôn đi lên để chạm đến mục tiêu.

alt
Khi chọn đầu tư dài hạn, các cặp đôi sẽ quan tâm đến kết quả cuối cùng hơn là những thử thách sẽ xuất hiện trên đường đến mục tiêu.

Một người bạn kể lại chuyện “đầu tư dài hạn” của ông bà cậu ấy. Lý do bà muốn gắn bó với ông là quan sát thấy sự ân cần, chịu khó dù khi đó bà là một tiểu thư ở Sài Gòn, còn ông chỉ là thanh niên gia đình bình thường ở tỉnh. Ông cũng sợ bà không đảm đương nổi việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên, kết quả của mối tình ấy là 7 người con dù trong hôn nhân vẫn xuất hiện mâu thuẫn, giận dỗi. Ông bà cứ vun vén tình cảm, dù “nhiều lúc bà ấy giận không thèm nấu ăn” nhưng chuyện cũng đâu vào đó, tiến mãi cũng được gần 50 năm.

Trong một bài phỏng vấn 4 cặp đôi yêu nhau trên 50 năm của tờ ABC News, bí quyết chung để có thể đồng hành lâu đến thế thường là hai người thích làm những điều giống nhau hoặc mong muốn làm điều gì đó cùng nhau. Đây có thể được xem là một yếu tố để bạn quyết định mình có thể "đầu tư" lâu dài hay không.

Cấp độ 3 – “Liều ăn nhiều”

Có một dạng đầu tư với tên gọi nghe thôi đã thử thách - đầu tư mạo hiểm. Đó là khi nhà đầu tư bị thu hút bởi những cơ hội đầu tư mới hoặc rủi ro cao nhưng lại có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao (high risk high return). Một số hình thức phổ biến của đầu tư liều lĩnh này là đầu cơ/lướt sóng (speculative investment): cổ phiếu “rác" (penny stocks), bất động sản, tiền ảo… Nếu thắng, cảm giác mang lại sẽ hứng thú và ấn tượng hơn nhiều so với những thành quả đầu tư ăn chắc mặc bền khác. Tuy nhiên, đã có chơi thì cũng phải có chịu nếu chẳng may sự không thành.

Còn trong tình yêu, vẫn có những lúc chúng ta chọn “đầu tư” liều lĩnh vì những khao khát chinh phục. Đơn cử như người chúng ta thích là một nhân vật nổi bật được nhiều người theo đuổi. Dân gian vẫn thường có câu “đẹp trai không bằng chai mặt” hay “nhất cự ly, nhì tốc độ” đều phần nào lột tả việc liều lĩnh, dám tấn công đến cùng khi yêu. Tuy nhiên, trong liều lĩnh vẫn cần có sự lượng sức mình.

Bởi việc rủi ro cao khác với việc mơ mộng hão huyền và ảo tưởng bản thân. Mục tiêu khó xơi luôn đòi hỏi chúng ta một nền tảng sức mạnh sẵn có. Trong tập Yêu Lành mới nhất, khách mời Thái Vân Linh khuyên rằng không nên nhảy vào những thứ có rủi ro cao khi bạn mới đầu tư. Vừa chập chững, bạn có thể chọn cái rủi ro thấp nhất, có kinh nghiệm rồi mở rộng ra thêm. Chị cũng thẳng thắn chia sẻ rằng trong tình yêu hay cả kinh doanh đều cần sự bình tĩnh. Dù đôi khi việc “rơi” vào yêu (fall in love) rất nhanh nhưng chúng ta cần tỉnh táo để đưa ra lựa chọn đúng.

alt
Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Nếu vẫn phân vân không biết đối diện với những rủi ro khi rơi vào yêu thế nào, bạn có thể lắng nghe những kinh nghiệm thương trường và cả tình trường từ chị Thái Vân Linh trong Podcast Yêu Lành đang phát sóng trên kênh Youtube Vietcetera, Spotify và Apple Podcast.

Yêu Lành là sự kết hợp giữa “yêu” và “yên lành”. Trong yêu có yên, trong yên có lành. Yêu sao để chữa lành cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Podcast Yêu Lành sẽ cùng bạn đi qua những giai đoạn của tình yêu với đủ các cung bậc cảm xúc.

Bạn có thể xem lại tập 3 podcast Yêu Lành mùa 2 chủ đề Rơi vào yêu tại đây, và đón chờ các tập tiếp theo vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần trên kênh YouTube của Vietcetera, Spotify và Apple Podcast.