Hết yêu rồi, đâu là thời điểm đẹp để rút lui? | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 05, 2023
Cuộc SốngThương

Hết yêu rồi, đâu là thời điểm đẹp để rút lui?

Một chiến lược "thoát yêu" đúng lúc sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa rủi ro.
Hết yêu rồi, đâu là thời điểm đẹp để rút lui?

Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera

Tình yêu và tài chính có liên quan gì đến nhau?

Chúng ta vẫn thường tránh dùng cái nhìn về tiền bạc để áp lên tình yêu bởi nó có phần quá thực tế và kém lãng mạn như cách mà tình yêu vốn là. Tuy nhiên, trừ khi bạn yêu một nhân vật giả tưởng thì tình yêu chính là thực tế (từ “vi mô” như yêu ai, hẹn hò ở đâu đến “vĩ mô” như kết hôn và con cái).

Cũng giống như tiền bạc, người ta cũng thường tránh nhắc về câu chuyện hết yêu khi đang yêu. Nhưng trừ khi bạn nằm trong số ít những người “một phát ăn ngay” - tức chỉ yêu một người, cưới họ, sống đến đầu bạc răng long - bạn sẽ phải chia tay không chỉ một mà có khi còn nhiều lần. Câu hỏi đặt ra là: Khi nào?

Bài viết này sẽ mượn một vài khái niệm tài chính để trả lời câu hỏi trên.

Exit strategy - Chiến lược thoát yêu

Trước khi trở thành tiếng lóng cửa miệng của các cặp đôi, red flag là một cụm từ phổ biến trong giới tài chính với cùng một sắc thái: Hãy coi chừng! Red flag trong tình yêu thì có vô vàn. Nó có thể bắt nguồn từ những bất đồng trong quan điểm, ưu tiên, sở thích hoặc giá trị cốt lõi. Một khi red flag xuất hiện, bạn sẽ bắt đầu phải thẩm định lại mức độ tương thích, trạng thái kết nối và triển vọng tương lai của mối quan hệ. Hay nói cách khác, bạn sẽ cân nhắc liệu mình có nên “exit” mối quan hệ này hay không.

Trong kinh doanh và tài chính có một khái niệm gọi là “exit strategy”, hay dịch sang tiếng Việt là “chiến lược rút lui”. Hiểu nôm na, đây là một kế hoạch mà các nhà đầu tư thực hiện để “chia tay” một doanh nghiệp, một phi vụ đầu tư hoặc một quỹ đầu tư nào đó.

Ở một điều kiện lý tưởng, các nhà đầu tư sẽ rời đi khi đã đạt được mục tiêu lợi nhuận nhất định. Còn nếu không lý tưởng lắm (tức là họ lỗ), việc exit sớm cũng giúp họ hạn chế tối đa mất mát có thể xảy đến. Một chiến lược chia tay đúng thời điểm sẽ giúp nhà đầu tư có thêm lợi nhuận (hoặc nếu lỗ thì vẫn còn tiền) để tiếp tục tái đầu tư vào dự án khác.

alt
Nếu chiến lược exit đúng thời điểm giúp nhà đầu tư có thêm lợi nhuận để tái đầu tư vào dự án khác thì chiến lược thoát yêu đúng lúc cũng giúp bạn tiết kiệm được thời gian, năng lượng và tình cảm vào sai người.

Đối với việc kinh doanh, chia tay không phải lúc nào cũng là một tin xấu (chẳng hạn như một nhà đầu tư khác muốn mua lại doanh nghiệp của bạn với một mức giá tốt). Nhưng trong tình yêu, phần lớn mọi người chỉ nghĩ đến chiến lược rút lui khi thấy có red flag.

Nhưng dù là nhà đầu tư hay là người đang yêu thì cũng đều đồng ý rằng, red flag lớn nhất vẫn là khi bạn luôn thấy mình “lỗ”.

Exit timing - Lỗ đến bao giờ thì nên thoát?

Chúng ta hay nói về chia tay như một cột mốc, chẳng hạn như “tôi mới chia tay người yêu được 3 tháng”. Nhưng thực chất nó sẽ luôn là một giai đoạn cho đến khi “tài khoản yêu” của bạn chạm đáy.

Nếu doanh nghiệp luôn có báo cáo tài chính để biết khi nào mình lỗ, thì con người chỉ có thể dựa vào cảm giác. Đó là cảm giác bất mãn (resentment) khi bạn cảm thấy bản thân cho đi nhiều nhưng không nhận lại được bao nhiêu hay hiểu theo khái niệm tài chính, đây là khi bạn “lỗ”.

Và đúng như tên gọi, sự bất mãn, khi tích tụ đủ lâu, có thể khiến cặp đôi mất đi sự thỏa mãn và tình yêu trong mối quan hệ. Cũng như một tài khoản dần cạn đáy, bạn cũng thấy bản thân cạn dần năng lượng, cảm xúc và niềm tin rằng mối quan hệ này có một tương lai.

alt
Người ta chưa hẳn đã dừng đầu tư vì lỗ, nhưng nếu đã lỗ rồi thì exit càng sớm bạn càng ít lỗ.

Người ta có thể không dừng đầu tư vì lỗ, nhưng nếu đã lỗ thì cỡ nào cũng nên dừng lại và thường thì càng sớm càng tốt. Bởi không như thị trường có nhiều biến động ngoại cảnh, tình yêu thường là chuyện của hai người. Nếu bạn đã luôn cảm thấy mình lỗ thì cũng chẳng có gì đảm bảo rằng tương lai sẽ khác đi.

Risks - Thoát yêu rồi sao nữa?

Trăn trở lớn nhất của việc chia tay không chỉ nằm ở bản thân của nó mà còn là ở những gì xảy ra sau đó.

Đối với người đã kết hôn, quy trình này sẽ tương đối vất vả với hàng dài danh sách những điều mà bạn cần phải giải quyết, chẳng hạn như con cái, tài sản chung lẫn riêng, gia đình hai bên v.v… Vì vậy, prenup hay còn gọi là “hợp đồng tiền hôn nhân” ngày càng trở nên phổ biến không chỉ riêng ở các nước phát triển bởi ít nhất nó giúp bạn bớt đi một đầu việc (giải quyết chuyện tiền nong) khi mà cả hai đường ai nấy đi.

Tuy nhiên, dù đã kết hôn hay chưa thì có lẽ ai cũng đều trăn trở: Mình sẽ bước tiếp ra sao khi không có người kia? Nhiều người do sợ phải trả lời câu hỏi này nên mãi kẹt lại ở một mối quan hệ mà bản thân họ biết rằng không có tương lai.

Nhưng các nhà đầu tư đều sẽ đồng ý rằng so với ra đi, rủi ro ở lại trong một dự án lỗ còn lớn hơn nhiều.

Như nhà đầu tư Thái Vân Linh chia sẻ trong podcast Yêu Lành “Bạn không nhất thiết phải có bạn đời để có được hạnh phúc”. Nếu sự ra đi của họ để lại một khoảng trống, hãy lấp đầy khoảng trống đó bằng tất cả những điều còn lại mà bạn có. Đó có thể là sở thích cá nhân, bạn bè, công việc. Miễn là điều đó đem lại cảm giác bạn đang đóng góp vào cuộc sống của người khác. Lúc đó bạn sẽ thấy khoảng trống đó thực chất cũng… không trống đến vậy.

Biết đâu trong quá trình này bạn lại thấy bản thân sẵn sàng để “đầu tư” vào một dự án khác lúc nào không hay.

Hoặc nếu không biết làm gì khi hết yêu, bạn cũng có thể nghe podcast Yêu Lành của Vietcetera.

Yêu Lành là sự kết hợp giữa “yêu” và “yên lành”. Trong yêu có yên, trong yên có lành. Yêu sao để chữa lành cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Podcast Yêu Lành sẽ cùng bạn đi qua những giai đoạn của tình yêu với đủ các cung bậc cảm xúc.

Bạn có thể xem lại tập 1 podcast Yêu Lành mùa 2 tại đây, và đón chờ các tập tiếp theo vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần trên kênh YouTube của Vietcetera, Spotify và Apple Podcast