Có tồn tại một thế giới mạng “an toàn” tuyệt đối? | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 02, 2023
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Có tồn tại một thế giới mạng “an toàn” tuyệt đối?

Theo Mark Manson, con người bị hấp dẫn bởi những thứ tiêu cực, chứ không chống lại chúng. Do đó, cảnh báo khó chịu không thực sự hiệu quả.
Có tồn tại một thế giới mạng “an toàn” tuyệt đối?

Nguồn: Thought Catalog

Được chuyển ngữ từ bài viết “Trigger Warning: Reality Hurts”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Nhiều năm về trước, một số độc giả (phần nhiều là các sinh viên trẻ) đã than phiền vì tôi không đưa trigger warning (tạm dịch: cảnh báo khó chịu) trong các bài viết của tôi. Những lời nhắc này xuất hiện phổ biến ở các trường đại học và nền tảng truyền thông, có tác dụng cảnh báo người xem rằng bài viết hoặc video có thể chứa nội dung gây khó chịu với họ.

Tôi từ chối làm việc đó, thế nên một thời gian dài tôi phát khổ mỗi khi sàng lọc email của mình. Một độc giả từng viết “Tôi đã nghĩ rằng anh quan tâm đến sức khỏe tinh thần của độc giả…”. Đúng, chính vì vậy tôi mới không để trigger warning trong bài.

Hồi tôi mới đôi mươi và không xu dính túi, một người bạn của bố tôi đã mua cho con gái bác (kém tôi vài tuổi) một căn nhà riêng. Tôi tận dụng điều này để “vòi” bố điều tương tự. Ông lập tức trả lời “Không đâu Mark, chính vì thương con nên bố sẽ không bao giờ mua nhà cho con”.

Quan điểm của tôi về chuyện để cảnh báo cũng như vậy. Chính vì quan tâm đến độc giả, mà tôi không để một lời cảnh báo nào, rằng bài viết này có thể khiến họ thấy khó chịu.

Đây cũng là thông điệp cốt lõi của tôi về phát triển bản thân: nỗi đau là một phần lành mạnh và không thể thiếu của trưởng thành. Sự khó chịu và những điều không như ý sẽ giúp bạn cải thiện bản thân. Khi đối mặt với chúng, bạn không chỉ vượt qua trở ngại, mà còn vượt qua chính mình.

Bên cạnh đó thì tôi cho rằng, những lời cảnh báo kiểu này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ai học về quảng cáo, marketing hay tâm lý học đều biết rằng, não có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực (chứ không phải ngược lại). Đây là phản xạ tự nhiên giúp chúng ta sinh tồn. Nên mặc kệ cho ai chỉ trích tôi thế nào đi nữa, tôi sẽ giữ nguyên quan điểm của mình.

Trigger warning có thực sự hiệu quả?

Các chuyên gia đã nghiên cứu về trigger warning từ nhiều năm nay, và đã tiến hành phân tích tổng hợp (meta-analysis) quy mô lớn đầu tiên để đánh giá tính hiệu quả của chúng. Phân tích tổng hợp có vai trò quan trọng, bởi nó tập hợp toàn bộ các nghiên cứu chính của đề tài này để cho ra một kết quả đáng tin cậy.

Và kết quả nghiên cứu này không ngoài dự đoán của tôi: trigger warning không hề giảm bớt nỗi sợ, đau đớn hay lo lắng về nội dung gây khó chịu. Thậm chí trong nhiều trường hợp, nó còn khiến tình hình tồi tệ hơn.

Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng bạn bị mất việc - riêng điều đó đã đủ khó chịu rồi. Nhưng bạn lại mất việc trong hoàn cảnh một ngày đẹp trời, bạn đang làm việc chăm chỉ thì một đồng nghiệp đi qua và nói “Này, cảnh báo trước cho ông là mai ông sẽ mất việc đấy. Nên có khi mai ông đừng đến nữa thì hơn”.

Liệu “cảnh báo” này có giúp bạn bớt khó chịu hơn không? Hay nó chỉ khiến bạn bực dọc thêm, và dành hết cả ngày để nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra, cùng với các viễn cảnh tồi tệ nhất? Đây chính là ví dụ quy mô nhỏ về những gì trigger warning dẫn đến: nó khiến người ta khó chịu với một sự thật rằng, điều gì đó không như ý sắp xảy ra với họ.

12jan2023franciscogonzalezm8uejd58gceunsplashjpg
Liệu bạn có dễ chịu hơn nếu được “cảnh báo” trước hay không? | Nguồn: Unsplash

Bạn có thể cho rằng lập luận này vô lý, vì bản chất trigger warning có tác dụng giúp người ta quyết định có ấn vào đọc bài viết/xem video đó hay không. Nhưng một lần nữa tôi phải nói với bạn rằng, kết quả nghiên cứu không chứng minh điều này.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, trigger warning không ảnh hưởng đến lựa chọn tiêu thụ nội dung của khán giả/độc giả. Một số nghiên cứu còn phát hiện ra, người bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) dễ bị trigger warning thu hút truy cập vào nội dung hơn.

Điều này càng khẳng định rằng, con người ta không né tránh thông tin bất lợi cho họ, mà trái lại còn bị chúng thu hút. Chính vì lý do này mà báo chí và truyền thông luôn ưu tiên những câu chuyện có nội dung tiêu cực, bởi họ biết chúng luôn có lượng người đọc cao

Cái chết của “chủ nghĩa an toàn”

Trong cuốn sách The Coddling of the American Mind, Jonathan Haidt và Greg Lukianoff đã viết về “chủ nghĩa an toàn” (safety-ism). Xuất hiện vào đầu thập niên 2010, văn hóa này ám ảnh với việc tối ưu hóa mọi thứ để người trẻ thấy an toàn và thoải mái.

Chẳng hạn, bố mẹ không được để con cái tự chơi một mình bên ngoài. Những nội dung gây tranh cãi hoặc khó chịu bị gỡ khỏi truyền hình và internet. Và chắc chắn các trigger warning được áp dụng rộng rãi.

Chủ nghĩa an toàn ra đời với mục đích hết sức cao cả. Trước tình trạng người trẻ trải qua căng thẳng, lo âu và trầm cảm nhiều hơn các thế hệ trước, chủ nghĩa này ra đời giống như tấm khiên che chắn họ khỏi những gì xấu xa tồi tệ nhất trên đời.

Nhưng tâm lý con người không vận hành theo cách này - nó không mong manh dễ vỡ đến mức cần phải che chắn tuyệt đối. Trái lại, sự khó chịu và nghịch cảnh phần nào có lợi cho tâm trí chúng ta. Để mạnh mẽ và trưởng thành hơn, bạn phải thường xuyên đối mặt với khó khăn và xáo trộn, từ đó tìm thấy sự ổn định và thanh thản trong tâm hồn.

27oct2022pexelsandreapiacquadio3764164jpg
Các chướng ngại vật và nghịch cảnh trong đời giúp bạn mạnh mẽ và trưởng thành hơn. | Nguồn: Pexels

Thực tế tôi khá lạc quan rằng, chủ nghĩa an toàn đã đến giai đoạn thoái trào. Tôi không còn nhận được email nào phàn nàn về việc không để trigger warning trong bài nữa. Có thể tôi đã lọc bỏ hết những độc giả như vậy, hoặc tự họ đã nhận ra rằng, không có cách nào bảo vệ cho độc giả “an toàn” tuyệt đối cả.

Dù là viễn cảnh nào xảy ra thì kết quả một khảo sát cũng cho thấy, 83% số người tham gia không tin trigger warning phát huy tác dụng. Chỉ một thiểu số rất nhỏ (17%) là có.

Nhưng hãy nghĩ về nó theo cách này: Bạn điều hành một công ty truyền thông trong một thị trường siêu cạnh tranh, và bạn biết việc cho trigger warning vào bài sẽ giúp 17% số độc giả đó yêu thích nội dung của bạn hơn. Vậy là bạn cho chúng vào, vì 17% đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn về lãi suất mà không mất tí công sức nào.

Nhưng sau đó các công ty đối thủ của bạn cũng làm theo ngay lập tức, bởi họ cũng muốn “ăn” được 17% độc giả kia. Vậy là trigger warning xuất hiện khắp mọi nơi, và ai cũng nghĩ chúng có hiệu lực. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu vẫn chứng minh điều ngược lại.

Khi ý kiến của nhóm thiểu số ồn ào được phóng đại và đè bẹp số đông im lặng, nó sẽ tạo ra “ảo ảnh” rằng ý kiến đó đại diện cho toàn bộ. Nếu mất cảnh giác, nó sẽ khiến bạn không còn nhìn thấy thực tế. Chúng ta đều phải nhớ rằng, sự thật thì mất lòng. Và “sự thật” ở đây là quan điểm đã được chứng minh, chứ không phải quan điểm của một cơ số người trên mạng xã hội.