1. Chuyện gì đang diễn ra?
Theo Forbes và Tổ chức quốc tế Oxfam, tổng tài sản của các tỉ phú trên thế giới tăng từ 8,6 nghìn tỉ USD lên đến 13,8 nghìn tỷ USD trong vòng 8 tháng trong năm 2021. Bất ngờ là ở chỗ, mức tăng này lớn hơn mức tăng của 14 năm trước đó gộp lại.
Còn theo tờ The Nation, các tỷ phú gia tăng thêm 1,7 nghìn tỷ USD giữa thời Covid. Dường như, đại dịch là khoảng thời gian màu mỡ để giới siêu giàu trở nên giàu hơn bao giờ hết.
Chỉ trong vòng 2 năm, khối tài sản của ông chủ Tesla Elon Musk đã tăng 851% và sở hữu 234 tỷ USD. Những cái tên lớn khác trong giới tỷ phú công nghệ như Jeff Bezos (Amazon), Mark Zuckerberg (Facebook), Bill Gates (Microsoft)... cũng giàu hơn bao giờ hết giữa thời dịch bệnh.
Theo dự báo, sự gia tăng của các tỷ phú và bất bình đẳng kinh tế sẽ tiếp tục. Hai năm tiếp theo có thể chứng kiến sự phân phối lại của cải thậm chí còn lớn hơn.
2. Tại sao giới siêu giàu càng giàu hơn giữa đại dịch?
Đối với giới siêu giàu thế giới, phần lớn tài sản ròng của họ đến từ chứng khoán và lợi nhuận có được đa phần nhờ sự bùng nổ của thị trường.
Theo Credit Suisse, các nhóm siêu giàu không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự đình trệ của hoạt động kinh tế từ đại dịch. Đặc biệt, nhóm này còn được ảnh hưởng lớn từ việc lãi suất giảm so với giá cổ phiếu và giá bất động sản.
Còn tờ Guardian cho rằng, nếu thời gian đầu đại dịch, giá cổ phiếu giảm mạnh thì sau đó đã được phục hồi. Cùng với đó, sự gia tăng trong nguồn cung tiền thông qua trái phiếu cũng được chỉ ra là một trong những lý do khiến giới siêu giàu chẳng hề hấn gì trước Covid.
Bên cạnh đó, việc làm việc ở nhà đã thúc đẩy việc mua sắm và truy cập online khiến các công ty công nghệ như Amazon, Google, Apple, Facebook thắng lớn trong thời kỳ đại dịch.
Đánh thuế cao vào giới siêu giàu khắp thế giới cũng không thực sự hiệu quả. Theo Oxfam, ngay cả khi đánh thuế 99%, 10 tỷ phú hàng đầu sẽ có lợi hơn 8 tỷ USD so với trước khi đại dịch xảy ra.
3. Điều này có đúng với người giàu Việt Nam?
Mới đây, Forbes (Mỹ) đã công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022. Trong đó, Việt Nam lần đầu có 7 tỷ phú lọt vào danh sách này. Tỷ phú mới là ông Bùi Thành Nhơn, lãnh đạo Nova Group hiện sở hữu 2,9 tỷ USD. Theo danh sách của Forbes, ông Bùi Thành Nhơn xếp hạng thứ 1.053.
Bên cạnh những người duy trì được khối tài sản ròng giữa lúc đại dịch bủa vây lại có người vươn top tỷ phú thành công. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup sở hữu khối tài sản 6,2 tỷ USD, tiếp tục đứng đầu trong danh sách tỷ phú tại Việt Nam.
Những tỷ phú còn lại gồm CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
4. Người nghèo trên thế giới phải đối diện điều gì giữa và sau đại dịch?
Ngân hàng thế giới ước tính khoảng 97 triệu người trên toàn cầu đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020. Họ đã sống với chỉ chưa đầy 2 USD mỗi ngày. Còn Oxfam dự đoán, 3,3 tỷ người sẽ sống dưới mức 5,5 USD mỗi ngày vào năm 2030.
6 tỷ USD không giải quyết được nạn đói nhưng nó phô bày chênh lệch giàu nghèo một cách rõ ràng. Trong khi người nghèo đang phải đối diện với những vấn đề tồn sinh thì người giàu vượt qua đại dịch trong sự xa hoa bậc nhất.
Sa thải hay cắt giảm việc làm là những điều chúng ta đã trải qua trong thời gian đại dịch bùng nổ. Kéo theo đó, không chỉ là tình trạng giảm thu nhập mà còn là việc tiếp cận các quyền bình đẳng, chăm sóc y tế... cũng rất hạn chế.
Ngoài ra, các vấn đề về phân biệt chủng tộc, bạo lực giới... cũng là hệ quả nghiêm trọng mà dịch bệnh để lại.
Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng bình quân 6% từ ngày 01/07.
Lương tối thiểu vùng hiện gồm 4 vùng được tính dựa trên vùng và tháng, giờ cụ thể. Mức lương này được điều chỉnh dựa vào mức sống tối thiệu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế…
5. Bạn có còn muốn nghỉ việc sau đại dịch?
Từ cuối tháng 08/2021, trào lưu xin nghỉ việc đã diễn ra tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Mạng xã hội tràn ngập hashtag #quitmyjob, chia sẻ niềm hạnh phúc khoe về trải nghiệm bỏ nghề.
Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng “đại từ chức” nhưng một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch Covid và thói quen làm việc từ xa.
Cuối 2021 Việt Nam có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp, tăng 0,54% so với năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị vượt mức 4%, trái với xu hướng thị trường lao động những năm qua.
Hòa vào làn sóng đại từ chức, xu hướng chuyển dịch từ làm việc toàn thời gian cố định sang làm việc tự do dang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhiều người chấp nhận giảm trung bình 6,69% thu nhập để được làm việc tự do.
Cách chúng ta nghĩ về công việc sau đại dịch đã thay đổi. Làn sóng nghỉ việc, hay sự phản đối quay lại văn phòng toàn thời gian, có thể là tín hiệu của những người đang đứng lên đòi lại thời gian của mình.
Nhưng với những dự báo về tình hình công việc vẫn nhiều bấp bênh, những dự báo xấu về người nghèo phải đối mặt, nghỉ việc có thể không phải là lựa chọn tốt nhất trong thời gian này.