1. Chuyện gì đã xảy ra?
Chưa bao giờ nước Mỹ phải đối mặt với làn sóng nhân viên nghỉ việc nhiều như năm nay. Theo ước tính của Bộ Lao động Mỹ, 4,3 triệu người đã bỏ việc chỉ trong tháng 10. Đây là một con số cao kỷ lục.
Trái ngược với sự ảm đạm của những biểu đồ, mạng xã hội tràn ngập hashtag #quitmyjob - nơi những người đã nghỉ việc hạnh phúc khoe về trải nghiệm bỏ nghề. Người nổi tiếng cũng không nằm ngoài trào lưu này khi mà Jack Dosey, CEO của Twitter cũng đã khoe đơn xin nghỉ việc của mình trên mạng
2. Bỏ việc có phải một hiện tượng toàn cầu?
Trào lưu này không chỉ xuất hiện ở Mỹ mà còn xuất hiện ở Trung Quốc, Nhật và cả Đức. Tại Trung Quốc, meme “lying flat” - nằm thẳng cẳng trở nên phổ biến chỉ việc giới trẻ chỉ nằm chơi thay vì làm lụng.
Nhật Bản từ những năm 1990 đã xuất hiện khái niệm freeter để chỉ trích những người thất nghiệp. Tuy nhiên cho tới hiện tại, nhiều người trẻ lại họ coi đây là cách thoát khỏi hệ thống và khung giờ làm việc cứng nhắc. Thay vào đó họ được trải nghiệm công việc mà họ cho là ý nghĩa với mình nhưng kỳ lạ với xã hội.
Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài xu hướng này khi vừa qua sau những đợt đóng cửa, rất nhiều người lao động đã bỏ về quê.
3. Làn sóng Đại từ chức là gì?
Đại từ chức hay The Great Resignation là một cuộc vận động khi mà hàng loạt người lao động từ bỏ công việc hiện tại. Sự thay đổi này tới từ việc họ không đồng tình với điều kiện đi làm sau đại dịch, cũng như sự thay đổi về quan điểm trong công việc.
Nhà tâm lý học Anthony Klotz đã tạo ra thuật ngữ này sau khi chứng kiến số lượng người nghỉ việc đạt mức kỷ lục tại Mỹ. Ông cho rằng khoảng thời gian đại dịch đã cho người lao động cơ hội đánh giá lại những gì họ đang làm cũng như giá trị của công việc đó.
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, không phải họ ngừng làm việc mà chỉ tìm công việc tốt hơn, đem lại lợi ích kinh tế và giá trị cho bản thân.
4. Có lý do chung nào cho làn sóng nghỉ việc này?
Mỗi người có một lý do riêng để nghỉ việc, và lý do này cũng sẽ khác tùy theo công ty mà họ làm. Tuy nhiên có một điểm chung trong câu chuyện này chính là đại dịch.
Nhà kinh tế học Ulrike Malmendier của UC Berkeley cho rằng làn sóng từ chức này có thể là kết quả của đại dịch và thói quen làm việc từ xa. Cụ thể hơn, cô giải thích rằng các hành vi kinh tế là kết quả của trải nghiệm cá nhân trong quá khứ.
Cô trích dẫn khoa học thần kinh để giải thích cho hiện tượng này: “Não bộ rất dẻo dai và những kinh nghiệm quá khứ hay quá trình học tập sẽ điều chỉnh cấu trúc não sao cho phù hợp với những trải nghiệm đó.” Cách thức hoạt động này khá tương đồng với hình tượng sang chấn tâm lý tại trẻ em, có thể ảnh hưởng tới người đó khi họ trưởng thành.
Hiệu ứng này đã ảnh hưởng tới cách ta đưa ra những quyết định. Vậy nên dưới tác động của đại dịch, trải nghiệm về công việc và học tập của họ đã thay đổi. Theo sau đó là quyết định nghỉ hoặc chuyển việc.
Theo khảo sát của công ty Qualtrics, một số lượng lớn người bỏ việc ở Hoa Kỳ và Châu Âu cho thấy dấu hiệu của sự chuyển dịch về tâm lý. Họ cho rằng nhiều người đang được thúc đẩy để “làm việc gì đó có ý nghĩa với mục đích cao hơn"
5. Ý nghĩa của việc đăng video nghỉ việc là gì?
Nhiều người nghĩ thế hệ sau này luôn chia sẻ quá đà trên mạng xã hội và xu hướng “tôi đã bỏ việc" cũng chỉ là một phần trong đó. Tuy nhiên chữ “bỏ" lại có sức nặng hơn bạn nghĩ khi mà những video nghỉ việc đã luôn xuất hiện từ những ngày đầu của Internet.
Hành động bỏ của hàng loạt của nhân viên nhằm nhấn mạnh rằng họ cần có một sự thay đổi, và họ muốn tạo ra sự thay đổi. Ta nhìn thấy thái độ tương tự trong những câu chuyện gần đây khi Naomi Osaka bỏ Olympics để dấy lên vấn nạn về sức khỏe tinh thần; Frances Haugen bỏ Facebook vì những vấn đề nhân quyền.
Chữ bỏ của thế hệ người lao động hiện tại không chỉ đơn giản thể hiện thái độ bất mãn về công việc, nó phản ánh một sự chuyển dịch trong hệ tư tưởng của người lao động, yêu cầu nhiều quyền lợi hơn về phía mình.
6. Bạn có thấy công việc của mình có ý nghĩa?
Nếu chẳng may thấy công việc của mình thật vô nghĩa, đồng thời cảm thấy rằng những gì mình làm không đem lại giá trị, thì nhiều khi đó không thật sự là lỗi của bạn. Bullsh*t job - công việc nhảm nhí - là một lý thuyết được tạo ra bởi nhà nhân chủng học David Graeber.
Công việc nhảm nhí là những việc mà người làm công phải tự biện minh rằng nghề nghiệp của mình có ý nghĩa. David Graeber cho rằng công việc càng ý nghĩa, bạn càng được trả lương ít hơn. Trong khi những việc nhảm nhí và có thể dễ dàng bị thay thế bởi máy móc, hay đơn giản là không cần thiết lại được trả lương cao. Ông cũng nêu rõ các loại công việc này đang gia tăng và chia ra thành 5 loại.
Những việc nhảm nhí ông đề cập tới bao gồm công việc dịch vụ nơi sự tồn tại của họ làm những người giàu cảm thấy tốt hơn về bản thân. Hay công việc quản lý trung cấp hoặc chuyên gia lãnh đạo thật ra chỉ khiến nhân viên làm nhiều việc hơn cần thiết.
Ông cho rằng đây chính là lý do nhiều người cảm thấy khốn khổ khi làm nghề vì họ nhận ra mình không đóng góp được gì cho thế giới.
7. Chúng ta có thật sự cần nhiều loại nghề nghiệp hơn?
Năm 1950, liên bang Soviet liên tục tạo ra các loại hình công việc khác nhau để đảm bảo ai cũng có việc và để chẳng may trong tương lai biết đâu cần tới. Vậy nên những công việc vô dụng như đếm hạt và đinh vít ra đời.
Và hiện tại trong thời hiện đại ta có những công việc như nhân viên truyền thông nội bộ, người viết ra những tờ báo phát hành trong công ty chỉ vì nó khiến hình ảnh của công ty trở nên chuyên nghiệp hơn.
Đại dịch đã hoàn toàn tạo ra một làn ranh lớn cho sự phân chia công việc nhảm nhí và quan trọng với “nghề nghiệp thiết yếu". Đồng thời dịch bệnh cũng phản ánh tầm quan trọng của những lao động bị trả lương thấp như nhân viên y tế. Trong khi đó những công việc nhảm nhí nhanh chóng bộc lộ yếu điểm khi có hay không cũng vậy.
Có thể thấy rằng giá trị công việc cũng đóng một vai trò quan trọng trong làn sóng nghỉ việc. Công ty cắt giảm nhân sự hàng loạt những vị trí mà họ thấy không còn cần thiết như tiếp tân. Những người lao động đạt được sự linh hoạt và tự do khi làm ở nhà. Họ không bị trực tiếp quản lý hay xét nét bởi cấp trên như ở văn phòng.
David nói rằng ông mong muốn những công việc nhảm nhí ít bớt đi và mọi người có thể cống hiến cho điều họ muốn. Và định nghĩa công việc của họ không nhất thiết phải giống với định nghĩa của thế giới hiện tại.