Cuộc sống thấm mệt, sao ta còn tìm đến phim 'lành ít rách nhiều'? | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 05, 2024
Sáng TạoĐiện Ảnh

Cuộc sống thấm mệt, sao ta còn tìm đến phim 'lành ít rách nhiều'?

Phim chữa lành thì hay đấy, nhưng…
Cuộc sống thấm mệt, sao ta còn tìm đến phim 'lành ít rách nhiều'?

Nam diễn viên Jeremy Allen White trong phim The Bear | Nguồn: Hulu/Disney+

Khi cuộc sống trở nên căng thẳng vì một điều gì đó (như công việc hay chuyện tình cảm, gia đình trục trặc), một vài người bạn của tôi thường tìm đến những bộ phim chữa lành. Họ xem, rồi xem lại My Liberation Notes, Đi đến nơi có gió, Hometown Cha-Cha-Cha, hay Friends... tìm kiếm trong đó sự dịu dàng dễ thương và chút hài hước để chống lại những lo âu mỗi ngày.

Nhưng tôi nhận ra, thể loại phim chữa lành không phải là "thuốc đặc trị" cho toàn bộ khán giả đang gặp áp lực "cột sống". Thậm chí, những bộ phim như thế còn "chống chỉ định" với một số khán giả giống như tôi.

Thay vì tìm đến điện ảnh để thư giãn và giải trí, đôi khi tôi cần những bộ phim căng thẳng (stressful movie) để được đồng cảm, để khuấy động bộ máy cảm xúc tưởng đã trì trệ bên trong.

Stressful movie là gì?

Stressful movie hay tense movie/anxiety-inducing movie là tên gọi để chỉ những bộ phim xây dựng nên một bầu không khí căng thẳng đến ngạt thở từ đầu đến cuối.

Sự căng thẳng đó có thể đến từ bất cứ đâu: câu chuyện của nhân vật, một trạng huống trớ trêu, trong tính cách và hành động hay lối xây dựng tình tiết. Khán giả có thể cảm thấy áp lực, thậm chí lo âu, sợ hãi trong khi thưởng thức bộ phim.

Có thể hiểu đơn giản rằng, stressful movie là những bộ phim "lành ít rách nhiều" - Những tác phẩm cho người xem thấy rõ một cái gì đó có thể chữa lành, nhưng các nhân vật và diễn biến bộ phim lại "rách" một cách tả tơi. Dường như người xem có thể hoà vào nhân vật và cùng họ chiến đấu với những căng thẳng, áp lực đang diễn ra.

alt
Ali Wong và Steven Yeun trong BEEF | Nguồn: Netflix

Tất nhiên, stressful movie không phải là hiện tượng gì mới mẻ. Chúng ta vẫn tìm thấy những yếu tố căng thẳng, lo âu trong các bộ phim noir, hài đen, tội phạm, giật gân trinh thám hay kinh dị… Thậm chí, nhiều người còn xem phim và nghe podcast về true crime như một hình thức giải khuây lâu nay.

Những năm gần đây, thể loại stressful movie được khán giả đón nhận khá nồng nhiệt với những tác phẩm như Whiplash, A Quiet Place, Uncut Gems, hay các series được yêu thích như BEEF, The Handmaid's Tale, The Bear

Tại sao ta tìm đến phim "lành ít rách nhiều"?

Một nghiên cứu tại Anh cho biết, 55% người tham gia khảo sát cảm thấy công việc ngày càng căng thẳng theo thời gian. 61% công nhân cho biết họ cảm thấy kiệt sức vào cuối mỗi ngày làm việc.

Nhiều người tại Anh và xứ Wales cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lãi suất từ các khoản vay. Điều này còn diễn ra khắp mọi nơi, sau đại dịch Covid-19 và những diễn biến xấu về tình hình việc làm, lạm phát…

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà những bộ phim "lành ít rách nhiều" dần trở nên phổ biến và được yêu thích không kém cạnh gì với những tác phẩm điện ảnh "chữa lành" trong những năm gần đây. Hiện tượng này có liên quan mật thiết đến đời sống và sức khỏe tâm thần của người dân.

alt
Jamie Lee Curtis vào vai người mẹ “điên rồ" trong The Bear | Nguồn: Hulu/Disney+

Những tác phẩm điện ảnh và truyền hình êm đềm hoặc hài hước nhiều khi bị phản tác dụng trong khi trào lưu chữa lành đang diễn ra khá sôi nổi. Những bộ phim thuộc thể loại này có thể khiến khán giả "thoát ly thực tại" một lúc. Nhưng cảm giác thoải mái thường không thể kéo dài, nhất là khi áp lực cuộc sống vẫn còn đó, thậm chí ngày càng tăng lên.

Một số nhà nghiên cứu, giáo sư các trường Đại học tại Mỹ cho rằng, việc lấy căng thẳng (trong phim) để chống lại sự căng thẳng (đời thực) nghe thì có vẻ vô lý nhưng lại rất hiệu quả. Đó cũng là một cách đánh lạc hướng tốt hơn để phá vỡ tâm trạng tiêu cực của khán giả.

Những người xem BEEF hay The Bear đều ít nhiều thấy mình trong đó, từ những cuộc cãi vã nhỏ đến những mâu thuẫn lớn tạo ra sự đấu tranh và giành "chiến thắng" sau đó. Chúng ta đều có những thời điểm khủng hoảng muốn được giải thoát như các nhân vật trong BEEF; đồng thời ta cũng hiểu được sự "khốn khổ" của anh chàng Carmy và các nhân vật khác trong The Bear.

Một mặt, các nhân vật trong phim phải đấu tranh với những chấn thương tâm lý, mặt khác vẫn phải tiếp tục cuộc sống, dù nó áp lực đến mức nào. Và hơn ai hết, người xem hiểu rõ được các tình cảnh trái ngang như thể chính họ là một nhân vật trong bộ phim đó.

Người xem chẳng thể làm gì ngoài cảm nhận được sự mệt mỏi, rã rời, nghi ngờ, nỗ lực.. diễn ra trong The Bear. Và khán giả cũng dễ dàng cảm nhận được cơn bốc hoả và muốn cãi vã, chơi khăm người khác như trong BEEF.

Rõ ràng những series như BEEF hay The Bear là những "hư cấu" điện ảnh nhưng lại mang đến sự chân thực một cách đáng kinh ngạc. Nếu có điều gì đó mà 2 bộ phim này nói với khán giả, thì đó là trạng thái cảm xúc bất ổn và những phản ứng trước áp lực cuộc sống.

Nhưng khán giả vẫn cảm nhận được một vài thứ khác, rằng sau tất cả, họ sẽ vượt qua những khó khăn mệt nhọc như các nhân vật trong phim.

alt
Bạn còn nhớ mình đã nín thở không phát ra tiếng động khi xem The Quiet Place | Nguồn: Paramount Pictures

Khi chúng ta ngập ngụa trong thế giới hình ảnh hay ngập lụt trong tiếng ồn, sự căng thẳng trong các bộ phim như Bird Box hay The Quiet Place hoá ra lại khiến ta cảm thấy được đồng cảm và dễ chịu. Sự căng thẳng leo thang trong phim, khi nhân vật phải giả mù hoặc giữ im lặng hoá ra lại là cách nâng đỡ cho những tổn thương mà ta gặp phải trong hiện thực.

Những bộ phim "lành ít rách nhiều" không chỉ mang đến sự đồng cảm mà còn là thấu cảm. Trải nghiệm này giúp người xem cảm thấy như mình được an ủi từ tận sâu bên trong.

Tạm kết

Các bộ phim "lành ít rách nhiều" thành công, bao gồm cả BEEF, The Bear, The Handmaid's Tale… đều là những tác phẩm xuất sắc và hấp dẫn. Cách xây dựng câu chuyện, chủ đề, sự phát triển của các nhân vật, các cao trào và tháo gỡ nút thắt đều được giải quyết một cách tuyệt vời.

Mỗi tác phẩm điện ảnh thực sự là một bữa tiệc của cảm xúc, mang đến sự chân thực như thể một cơn trào ngược dạ dày khi bạn đang căng thẳng vì phải chạy deadline. Và nếu bạn không bước vào một căn bếp bức bối, căng thẳng, thì làm sao bạn có thể trải nghiệm hết vị ngon khi món ăn được dọn bàn?

Cuộc đời là những bữa tối tự nấu, đôi khi bừa bộn và chứa không ít thất bại, chứ không phải lúc nào cũng ở nhà hàng 5 sao hay tại một cửa hàng tiện lợi tự phục vụ. Những bộ phim này sẽ giúp chúng ta nhận ra điều đó, để chiến thắng cơn mệt mỏi sau một ngày dài.