Beef – nhan đề miniseries này là cách chơi chữ, nghĩa là "sự thù hận" được khởi nguồn từ sự giận dữ mất kiểm soát sau một vụ đụng độ trên đường phố và ngày càng leo thang, giữa hai người Mỹ gốc Á đang vật lộn với cuộc sống thiếu hạnh phúc của họ.
Loạt phim bi hài vừa lắm tiếng cười giễu nhại, vừa nhuốm màu đen tối về hiện thực này đã phơi bày cuộc sống thực tại của thế hệ nhập cư gốc Á thứ 2. Ở đó, "kẻ bị tổn thương lại muốn lan tỏa sự tổn thương sang người khác."
"Chim không hót, chúng rít lên trong đau đớn"
Beef – nếu hiểu theo nghĩa đen là một món ăn, thì hẳn đó là món "beefsteak" được đầu bếp chế biến quá giỏi, khiến tôi thưởng thức nó trong suốt 6 tiếng đồng hồ gần như không dừng.
Đề tài nói về nhưng đụng độ cùng sự giận dữ mất kiểm soát giữa hai kẻ xa lạ ,dẫn đến những hậu quả thảm khốc từng được một số phim khai thác. Trong đó xuất sắc nhất phải kể đến Wild Tales (2014), bộ phim của Argentina từng được đề cử Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
Bộ phim hài đen (Black Comedy) gồm 6 câu chuyện độc lập kể về thù hận, bạo lực và trả thù vừa vô minh vừa hoang dã của con người hiện đại. Phần đặc sắc nhất của bộ phim kể về hai gã đàn ông từ, vụ đụng độ xe dẫn đến một cuộc hỗn chiến bất phân thắng bại trên đường, kết thúc là hai cái xác bị chết cháy trong xe.
Beef được biên kịch kiêm sáng tạo gốc Hàn Lee Sung Jin phát triển từ chính trải nghiệm của anh trong một lần lên cơn thịnh nộ mất kiểm soát trên đường phố, sau một vụ va chạm với người lái xe đằng sau anh.
Tất nhiên, ý tưởng đó được phát triển thành loạt phim với những tình huống và chi tiết hầu hết người xem không đoán được. Cũng giống như chính Lee Sung Jin từng nói: "Bạn sẽ không bao giờ biết được người khác đang trải qua điều gì, hay bản chất thực sự của trạng thái bên trong họ là gì."
Bối cảnh của loạt phim diễn ra ở Los Angeles, thành phố mà kẹt xe trở thành cơn ác mộng của cư dân. Nó khiến họ phải chịu đựng trong câm lặng chỉ chờ bùng phát, đôi khi những va chạm ở bãi đậu xe giống như một quả bom chờ phát nổ.
Beef bắt đầu bằng một vụ đụng độ như thế ở bãi đậu xe của một siêu thị lớn, giữa Danny (Steven Yeun) - nhà thầu xây dựng kiểu "thợ đụng" gặp nhiều phiền muộn bế tắc trong cuộc sống và Amy (Ali Wong) - nữ doanh nhân khởi nghiệp đang ở tình thế mắc kẹt trong mê cung do chính mình tạo ra, muốn bán công ty riêng để dành thời gian cho gia đình.
Tiếng còi xe kéo dài chát chúa với ngón tay thối của Amy sau vụ va chạm nhỏ ở bãi đậu xe khiến Danny – kẻ đang ở trong trạng thái phẫn nộ không biết trút vào đâu lên cơn giận dữ mất kiểm soát. Từ đó, anh đuổi theo chiếc xe SUV hiệu Mercedes màu trắng sang trọng của Amy để dằn mặt cho hả dạ.
Nhưng đối thủ của anh cũng đâu phải tay mơ. Cuộc hỗn chiến trên đường bất phân thắng bại và bắt đầu kích hoạt cho một cuộc trả thù vượt khỏi tầm kiểm soát của cả hai. Càng dấn sâu vào cuộc báo thù kiểu "ăn miếng trả miếng," "hòn bấc ném đi hòn chì ném lại" giữa hai kẻ xa lạ đó, ta thấy họ có quá nhiều điểm giống nhau, dù tưởng như họ xuất phát từ hai giai cấp khác nhau hoàn toàn.
Tập pilot (mở đầu) của loạt phim mở đầu thật ấn tượng, cho thấy chúng không dễ dàng để xếp loại. Đó vừa là series hài đen mà tiếng cười hầu như đều vang lên ở mỗi tập. Đồng thời cũng là series chính kịch, ở đó ta thấy đồng cảm với những nỗi thống khổ về sinh tồn khó nói thành lời của hai nhân vật chính.
Nó kể về cuộc khủng hoảng hiện sinh của thế hệ nhập cư gốc Á thứ 2 – những người ngoài 30 đang tạo dựng cuộc sống riêng của họ sau những dư chấn và ám ảnh tuổi thơ do cha mẹ - thế hệ nhập cư đầu tiên để lại.
Nó cũng phơi bày vô số sự xấu xí của con người hiện đại xuất phát từ áp lực của cuộc sống, sự tổn thương không được chữa lành dẫn đến những hội chứng tâm lý kỳ lạ. Ví dụ như chứng thích thủ dâm với súng của Amy hay thói nghiện burger của Danny.
Nhan đề của tập pilot có tên là “Chim không hót, chúng rít lên trong đau đớn” (The Bird Don’t Sing, They Screech in Pain). Tên phim được lấy cảm hứng từ câu thoại nổi tiếng trong bộ phim tài liệu Burden of Dreams (1982) của đạo diễn lập dị người Đức Werner Herzog.
Phần nào, cái tên cũng đã ẩn dụ cho cuộc sống nhiều bế tắc và tổn thương của hai nhân vật chính, dù bề ngoài bọn họ cũng như bao kẻ bình thường khác trong những đô thị lớn mà chúng ta gặp mỗi ngày.
Những khoảng trống tồn tại không thể lấp đầy
Nói như nhà sáng tạo Lee Sung Jin - "Về cốt lõi, dù họ có biết hay không, thì cả hai đều đang phải vật lộn với một thứ, đó là khoảng trống tồn tại không thể lấp đầy."
Vốn là cộng sự thân thiết với cả Steven Yeun và Ali Wong - những tên tuổi đang lên trong cộng đồng nghệ sĩ gốc Á tại Mỹ, Lee đã phát triển ý tưởng cho loạt phim để khám phá các ẩn ức tâm lý của những cơn thịnh nộ trên đường phố. Phần nào đó cũng được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thật của họ.
Đó là lý do càng dấn sâu vào cuộc báo thù vô minh của cả hai, ta càng nhận ra họ đáng thương hơn đáng ghét. Ở Danny là nỗi thất vọng đắng cay của một gã đàn ông nhập cư gốc Hàn đang phải vật lộn với cuộc sống đầy bất ổn và công việc bấp bênh, cùng một quá khứ nhiều tổn thương.
Anh sống với cậu em trai Paul (Young Mazino) trong một căn hộ tồi tàn suốt ngày cắm mặt vào trò chơi điện tử và mong đổi đời nhờ tiền ảo crypto. Anh còn có một mối lo canh cánh là kiếm đủ tiền để đưa bố mẹ mình – những người buộc phải trở về Hàn Quốc làm thuê cho ông chú sau khi khu nhà trọ của họ ở Mỹ phải đóng cửa do vi phạm pháp luật – quay trở lại Mỹ.
Steven Yeun phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Tôi cũng có thể là Danny và tôi cũng từng là Danny. Tôi cũng đã từng rơi vào những hoàn cảnh thảm hại, từng có những hành vi thô thiển hoặc xấu xí."
Ở phía ngược lại, "kẻ thù không đội trời chung" của Danny là Amy - người có cuộc sống tưởng như hoàn hảo. Cô kết hôn với George (Joseph Lee) anh chồng điển trai sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ người Nhật giàu có và có một cô con gái nhỏ đáng yêu.
Cả gia đình sống trong một căn nhà hiện đại được thiết kế có gu ở khu nhà giàu. Cô có một công ty khởi nghiệp về phong cách sống và sắp bán nó cho một tập đoàn lớn để phát triển thành chuỗi thương hiệu.
Thế nhưng, bên trong của Amy là một sự hỗn độn của âu lo và giận dữ không thể nói thành lời. Áp lực cuộc sống hoàn hảo khiến cô không còn là mình. Gã chồng yêu thể thao, sống lành mạnh, thích lan tỏa năng lượng tích cực, thích viết "nhật ký biết ơn," mỗi tội yếu sinh lý và không làm cô thỏa mãn trên giường. Có lẽ từ đó mà Amy có một cái thú hơi bệnh hoạn là thủ dâm với súng.
Nếu khoảng trống bên trong Danny là sự bất ổn của cuộc sống mưu sinh thì khoảng trống bên trong của Amy có vẻ phức tạp hơn. Cô phải phân thân giữa một mẫu hình phụ nữ thành công có cuộc sống gia đình hoàn hảo và một bên là những tổn thương kìm nén mưng mủ lâu ngày, vì dường như không ai hiểu cô cả.
Amy được Jordan (Maria Bello), CEO của tập đoàn sắp mua lại thương hiệu phong cách sống của cô khen rằng: "Cô có khí chất thanh lịch như thiền Phật giáo vậy."Nhưng mỉa mai thay, người phụ nữ có khí chất thanh lịch ấy giơ ngón tay thối chỉ vì một va chạm nhỏ và sẵn sàng "ăn thua đủ" với kẻ thù không đội trời chung của mình.
Đó là hai kẻ đang mắc kẹt trong mê cung cuộc sống do chính họ tạo ra. Khi có một mồi lửa được châm ngòi, cơn giận dữ được dịp bùng phát.
Oan gia hỗn chiến, nghiệp quả cân bằng
Những tổn thương lâu ngày và khoảng trống sinh tồn khiến hai kẻ oan gia ấy rơi vào hỗn chiến sau một vụ đụng độ nhỏ trên đường. Và nghiệp quả cân bằng cho cả hai.
Ở Beef, tiếng cười trào lộng ở mỗi tập phim chứa đựng nhiều suy ngẫm về con người hiện đại hơn là tiếng cười sinh học. Nó vừa khơi gợi các chủ đề hiện sinh của thế kỷ 21, vừa là một cái nhìn sâu hơn về bản sắc văn hóa của những người Mỹ gốc Á thế hệ thứ 2 mà Lee Sung Jin, Steven Yeun, Ali Wong là những đại diện tiêu biểu.
Khi cuộc chiến giữa hai nhân vật chính càng ngày càng leo thang, ta càng thấy họ có nhiều điểm tương đồng, từ xuất phát điểm cho đến tính cách.
Trong tập 8 có tên là Drama Is A Original Choice (Rắc rối đến từ lựa chọn ban đầu), bà mẹ của Amy (Hồng Đào đóng) - một người phụ nữ nhập cư gốc Việt nói với con gái bà rằng, "nói ra cảm xúc của mình cũng giống như sự than phiền vậy" và khuyên cô "dù chuyện gì xảy ra, cũng nên để chúng lại đằng sau."
Nói cách khác, những biến chứng tâm lý của Amy phần nào xuất phát từ sự chịu đựng, kìm nén cảm xúc dẫn đến những tổn thương không thể chữa lành từ thời niên thiếu. Giống như cô nói với mẹ: "Bên trong mẹ là nhiều thế hệ của những quyết định sai lầm."
Sự tương đồng về xuất phát điểm và phần nào đó là tính cách khiến màn nhập vai của Steven Yeun và Ali Wong trở nên đáng tin cậy. Mọi cảnh phim có họ xuất hiện đều hấp dẫn không cưỡng lại.
Thưởng thức những màn báo thù vừa nhỏ nhen vừa loạn trí, vừa xấu xí vừa đáng thương của họ, đôi khi ta cũng thấy chính mình - khi cơn sân hận nổi lên trong một giây phút giận dữ mất kiểm soát nào đó.
Cho dù cả hai diễn xuất chung không nhiều phân cảnh, do biên kịch và đạo diễn phát triển hai đường dây nhân vật khá độc lập, nhưng mỗi lần Yeun và Wong có dịp diễn chung – phản ứng hóa học của cả hai được dịp phát huy cao độ.
Đặc biệt trong hai tập cuối (9 và 10), cũng là hai tập "nâng tầm" cho loạt phim này và hoàn toàn mở ra hy vọng cho những mùa tiếp theo.
Beef tiếp tục là một minh chứng cho làn sóng châu Á đang vươn lên mạnh mẽ tại Hollywood và là một siêu phẩm nữa của nhà A24, khiến lượng fan của hãng phim này ngày càng tăng lên vì chất riêng khó lẫn.