Escapism - Thoát ly thực tại bỏ chạy khỏi công sở | Vietcetera
Billboard banner

Escapism - Thoát ly thực tại bỏ chạy khỏi công sở

Bạn có bao giờ đắm chìm trong phim, truyện như một cách tránh né thực tại?
Escapism - Thoát ly thực tại bỏ chạy khỏi công sở

Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Gần đây, ta bắt gặp không ít bộ phim khắc họa cuộc sống “trầy trật”, gò bó của dân văn phòng (như My Liberation Notes). Thực tế, một nửa người lao động tại Anh đang ngày ngày đi làm với tâm trạng bất mãn.

Điều này phản ánh phần nào khía cạnh con người trong xã hội hiện đại. Đó là những con người lấy cô đơn, áp lực, công việc làm bạn.

Đôi khi, giải pháp duy nhất của họ là rời khỏi thực tại u ám và phức tạp, bước vào một nơi yên bình và tự do hơn. Tên gọi cho xu hướng này là escapism - khi con người đi tìm một thế giới thoát thân.

Escapism là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), escapism (chủ nghĩa thoát ly) là xu hướng muốn trốn khỏi thế giới thực để sống trong cảm giác an toàn, thoải mái của thế giới tưởng tượng hư vô.

Escapism là khi deadline đang bủa vây, nhưng bạn vẫn chọn đọc truyện tranh hoặc cày game tới 3h sáng, sau đó, thức dậy vật vờ để trả việc vào hôm sau. Xu hướng này nhắc nhiều đến nơi ẩn náu trong một vũ trụ giả tưởng và song song, nơi bạn được là một phiên bản mạnh mẽ, thành công hoặc hạnh phúc hơn.

Đây có thể xem như coping mechanism (cơ chế đối phó). Vốn dĩ, con người đã được cài sẵn bản năng ứng phó hiểm nguy. Một khi cơ thể phóng thích các hormon nhóm catecholami (adrenaline và noradrenaline), ta sẽ đứng giữa hai chế độ: ở lại đương đầu hoặc “cao chạy xa bay” (fight-or-flight response). Escapism trong trường hợp này là lối thoát khỏi căng thẳng và được khuây khỏa tức thời.

Escapism cũng có nét tương đồng với hội chứng Houdini - một dạng rối loạn tâm thần. Hội chứng chỉ những người càng bị ràng buộc với công việc hoặc mối quan hệ thì càng khao khát thoát ly.

Trong thời đại của “chủ nghĩa cá nhân” (individualism), hội chứng Houdini được thể hiện ở những cuộc tình ngắn ngủi và công việc chóng vánh vì nỗi sợ cam kết.

Escapism tấn công đời sống như thế nào?

Escapism hiện hữu khắp nơi, từ du lịch, thiền đến trò chơi điện tử, sách, mạng xã hội, thực tế ảo và cả phim ảnh. Ta có quá nhiều lựa chọn để thoát khỏi một thế giới không như ý.

Điển hình nhất là sự gia tăng của các tác phẩm isekai trong văn hóa đại chúng. Isekai hay Dị thế giới (異 世 界) là một tiểu thể loại manga, anime, lấy escapism làm chủ đề trọng tâm. Trong đó, nhân vật chính thường là nhân viên văn phòng, mắc kẹt ở nhịp sống đơn điệu, tẻ nhạt với câu hỏi thường trực: “Liệu điều này có bao giờ kết thúc?”

alt
Thể loại "isekai" chiếm sóng trên mọi mặt trận

Nhưng chỉ trong nháy mắt, họ thoát khỏi “khu rừng bê tông” và bước vào một thế giới mới, một khởi đầu mới. Isekai như tấm gương phản chiếu nỗi lòng của xã hội, đưa khán giả vào đôi giày của nhân vật, có khi, bị lạc trong đó.

Tương tự, trong điện ảnh là các phim thể loại xuyên không. Con người có quyền năng “đi lại” giữa những thực tại như một cách thoát khỏi vòng lặp của cuộc sống thường ngày.

Escapism có thể trở nên độc hại

Ban đầu, escapism xuất hiện như niềm an ủi cho những tâm hồn kiệt quệ và trống rỗng. Tuy nhiên, nó sẽ phản tác dụng nếu ta dấn thân lâu dài. Escapism có thể gây nghiện khi thứ bạn dính vào là rượu hay chất kích thích.

Một vấn đề khác chính là maladaptive daydreaming (chứng rối loạn mơ mộng). Hiện tượng này thường xảy ra ở những người có chấn thương tâm lý. Họ chọn mơ mộng, phiêu du trong những tình huống giả định để thoát khỏi thực tại đau lòng.

alt
Cơ thể ở lại thực tại còn đầu óc lại mơ màng trên mây

Tuy nhiên, chìm đắm vào thế giới tưởng tượng sẽ tách bạn khỏi những tương tác lành mạnh và trách nhiệm trong thế giới thực.‌ Tệ hơn, bạn lúc nào cũng ở trạng thái “lơ lửng,” không thể phân biệt thật-giả.

Theo Psychology Today, escapism có thể dẫn tới trì hoãn (procrastination) nhưng tùy trường hợp. Cụ thể, giáo sư Sarah Kohler đã thực hiện khảo sát với những sinh viên về hành vi thoát ly bằng việc xem TV. Kết quả nhận thấy có dấu hiệu của sự trì hoãn nhưng còn nhiều sai số tâm lý khác như thói quen, tâm trạng. Và bản thân ranh giới giữa thoát ly thực tại và trì hoãn cũng chưa rõ ràng.

Nhưng tại sao escapism vẫn cần thiết?

Lợi ích escapism có thể dành cho một người lý trí không thể chống chọi với tuyệt vọng, cô đơn và thậm chí là tự làm hại bản thân. Nhà phân tâm học Sigmund Freud cho rằng, escapism là cần thiết vì chúng ta không thể tồn tại với chỉ một chút sự thỏa mãn từ cuộc sống thật.

Thực tế, những bất ổn, hỗn loạn ngày càng gia tăng và cuộc sống đang trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Nhu cầu vượt lên giới hạn của cơ thể, không gian vật lý, gia đình, xã hội, văn hóa, sinh thái tự nhiên, đối với một số người, có thể chỉ được đáp ứng bằng escapism.

Đó là lý do tại sao xu hướng du lịch nở rộ và được ví như một cuộc tẩu thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Như lời triết gia Alain de Botton, du lịch không phải để rời khỏi nơi chúng ta sống, mà là để rời khỏi phiên bản của mình ở đó. Chung quy, ta đi du lịch cốt để tìm chính mình.

alt
Du lịch không phải để rời khỏi nơi chúng ta sống, mà là để rời khỏi phiên bản của mình ở thực tại.

Sự ra đời của digital nomad (dân du mục kỹ thuật số) cũng như một cách thoát khỏi lối đi làm công sở thường ngày. Xu hướng này không chỉ tạo điều kiện linh hoạt cho “người làm công” mà còn là sự thích nghi trước biến chuyển xã hội sau đại dịch.

Làm sao để cân bằng escapism?

Tham gia hoạt động lành mạnh

Một số hoạt động như thiền, tập thể dục, đọc sách được coi là lành mạnh vì có thể cải thiện sức khỏe, giúp năng suất hơn khi quay lại làm việc.

Giới hạn thời gian ở thế giới ảo

Bạn có thể cho phép mình hai tiếng lướt điện thoại, một tiếng nghe nhạc, một tiếng rưỡi để tâm trí lang thang. Nhưng khi chuông reng thì phải ngay lập tức thức tỉnh.

Dùng thực tại đánh giá ảo tưởng

Đem theo nhận thức của thực tại khi phiêu du ảo tưởng là một cách để nhắc nhở bản thân. Hãy thử vận dụng tư duy phản biện, kiến thức chuyên môn để nhận xét về thế giới trong tranh và những nhân vật trong sách.

Thoát khỏi vòng lặp bỏ trốn

Hãy luôn để 3 câu hỏi này trước mặt: Điều bạn đang làm có giúp bạn giải quyết vấn đề không? Điều gì đang làm bạn bận tâm/ sợ hãi/ lo lắng? Bạn muốn cuộc sống của mình như thế nào?

Đối mặt

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, vấn đề như một món ăn, sẽ mục ruỗng theo thời gian nếu không giải quyết. Thay vì phớt lờ, hãy trả lời ba câu hỏi trên và lập một kế hoạch cụ thể, bắt đầu từ những đầu việc đơn giản nhất rồi nâng dần độ khó. Bạn có thể nhờ người khác giám sát nếu chưa tự tin kiểm soát bản thân.