Deltacron: Chủng lai giữa Delta và Omicron có đáng lo ngại? | Vietcetera
Billboard banner

Deltacron: Chủng lai giữa Delta và Omicron có đáng lo ngại?

Nếu cảm thấy lo lắng vì phải đọc tin tức về biến chủng mới, bạn hãy thử tham khảo các cách trong bài viết.
Deltacron: Chủng lai giữa Delta và Omicron có đáng lo ngại?

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 09/01, ông Leonidos Kostrikis, giáo sư khoa học sinh học thuộc Đại học Cyprus và Giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và virus học phân tử, thông báo rằng mình đã phát hiện ra một biến thể mới. Ông gọi biến thể này là Deltacron vì nó mang đặc điểm di truyền của cả Delta và Omicron.

alt
Lý giải cho cái tên của biến thể mới | Nguồn: Báo Tiền Phong

WHO cũng đã từng nhiều lần cảnh bảo về khả năng đột biến của Omicron khi biến thể này có khả năng lây nhiễm nhanh. Cho tới hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh Deltacron.

2. Tại sao lại có những tranh cãi?

Giáo sư vi sinh vật Nick Loman, thuộc Đại học Birmingham (Anh), đã luôn theo dõi và nghiên cứu về virus corona tin rằng khả năng cao Deltacron là một “giả tưởng kỹ thuật” (technical artifact). Nói cách khác đây chỉ là kết quả của một lỗi kỹ thuật trong phòng thí nghiệm.

Ông giải thích thêm, trong quá trình mầm bệnh lây lan trong cộng đồng thì các hình thái tái tổ hợp của virus có thể tạo ra nhiều biến thể. Tuy nhiên, khả năng cao biến thể Deltacron có thể sinh ra từ quá trình giải bộ gen của virus, thay vì là kết quả của quá trình lây lan trong cộng đồng.

Đồng tình với ý kiến này chuyên gia Covid của WHO, bà Krutika Kuppalli, đã chia sẻ trên Twitter rằng Deltacron có thể là kết quả của sự nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm. Bộ trưởng Y Tế của Cyprus đã thông báo rằng biến thể lai này không đáng lo ngại.

3. Có bao nhiêu loại biến thể?

Virus SARS-CoV-2 được biết tới với khả năng lan truyền và liên tục tiến hóa, tạo ra nhiều biến chủng với nhiều đột biến. Tuy nhiên, không phải biến thể nào cũng nguy hiểm. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã phân loại ra 4 cấp độ biến thể:

  • Biến thể đang được theo dõi (VMB);
  • Biến thể đáng quan tâm (VOI);
  • Biến thể đáng lo ngại (VOC);
  • Biến thể có hậu quả nghiêm trọng (VOHC).

Các yếu tố để đánh giá dữ liệu để xếp hạng bao gồm: tỷ lệ biến thể (ở cấp quốc gia và khu vực), tác động tiềm tàng và đã biết, hiệu quả của các biện pháp y tế lên biến thể, mức độ nghiêm trọng và khả năng lây nhiễm.

Hiện tại không có biến thể nào được xếp vào hạng đáng quan tâm và có hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng phân loại của biến thể cũng sẽ thường xuyên được cập nhật và thay đổi dựa trên các nghiên cứu khoa học mới nhất.

Ngoài CDC thì WHO cũng có danh sách phân loại riêng và sẽ có những khác biệt nhỏ, dựa trên tác động của biến chủng ở những khu vực khác nhau. Hiện nay WHO xếp hạng có 5 loại biến thể đáng lo ngại, trong khi CDC thì chỉ có 2 loại là Delta và Omicron.

alt
5 Biến thể đáng lo ngại theo như WHO | Nguồn: WHO

4. Các nhà khoa học phát hiện ra chủng mới như thế nào?

Để có thể nghiên cứu và tìm hiểu một biến chủng mới, các nhà khoa học phải thực hiện giải trình tự DNA. Như đã biết, virus có khả năng đột biến vì chúng sở hữu RNA hoặc DNA.

Khi một sinh vật nhân bản, nó sẽ tạo ra một bản sao bộ gen của mình. Trong quá trình này đôi khi sẽ tạo ra lỗi, dẫn đến đột biến và ảnh hưởng các gen. Đối với virus SARS-CoV-2 thì các đột biến này tạo ra sự khả năng lây nhiễm, lan truyền hay trốn tránh hệ miễn dịch. Ví dụ như Omicron có tới hơn 30 đột biến mới và lây lan nhanh hơn.

Việc hiểu quá trình này thông qua giải mã giúp các nhà khoa học có thể giám sát được tính lây lan, nguồn gốc phát hiện và sự tiến hóa của virus ở các khu vực khác nhau. Từ đó họ sẽ đưa ta những dự báo và cách đối phó cho từng khu vực.

alt
Cây phả hệ cho thấy mối quan hệ của các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau | Nguồn: Vox

5. Khi nào ta nên lo lắng về một biến thể?

Khi một biến thể mới xuất hiện, chúng ta cũng sẽ thường bắt gặp các bài viết liên quan tới chủ đề này. Điều này vô tình tạo ra sự lo lắng và bất an khi phải đọc quá nhiều thông tin về dịch bệnh. Tuy nhiên, việc phát hiện ra một biến chủng mới cũng nhấn mạnh rằng hệ thống giám sát virus toàn cầu đang hoạt động tốt.

Báo Guardian đã đưa ra 3 câu hỏi để giúp chúng ta xác định về mức độ đáng quan ngại khi đọc về chủng mới:

  • Nó có lây lan nhanh hơn không?
  • Nó có làm tăng khả năng tử vong không?
  • Nó có “lọt lưới" hệ miễn dịch không?

Thay vì bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến gây ra bởi số lượng tin tức về dịch bệnh, chúng ta chỉ nên thật sự lo lắng khi cả 3 câu trả lời đều là có. 3 câu hỏi này cũng gần với tiêu chí phân loại biến thể của CDC. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể buông lỏng cảnh giác và chủ quan trước dịch bệnh.

6. Có biến thể đáng lo ngại nào được phát hiện gần đây?

Ngày 04/01, quan chức quản lý COVID-19 của WHO, ông Abdi Mahamud đã thông báo rằng chủng mới phát hiện của Pháp đang “nằm trong tầm ngắm" của tổ chức này.

Được biết chủng IHU, lần đầu được phát hiện ở Pháp vào cuối năm 2021, có tới 46 đột biến (trong khi Omicron là khoảng 30). Tuy nhiên ông Mahamud cũng chia sẻ rằng đây chưa hẳn là một mối lo ngại lớn khi biến thể này vẫn còn đang được nghiên cứu. Vậy nên, cho tới hiện tại chủng Omicron vẫn đang là nỗi lo chung của cả thế giới và Việt Nam.

7. Làm sao để giữ bình tĩnh khi nghe tin về biến thể mới?

Chúng ta có thể thử áp dụng những phương pháp giúp giữ bình tĩnh khi nghe tin tức về một biến thể mới (cũng như là tin tức về COVID-19). Christina Caron tới từ New York Times đã gợi ý như sau:

Đi tìm dòng chảy cảm xúc của mình

Flow hay dòng chảy là một khái niệm trong tâm lý học, diễn tả cảm xúc khi ta đắm chìm trong một hoạt động cụ thể, nó được chứng minh là giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Nhất là khi chúng ta đang đối mặt với những điều không rõ ràng.

Lưu ý về các hoạt động này bao gồm nó mang tính chủ động như chơi điện tử, yoga (ví dụ về hoạt động thụ động là nghe nhạc); hoạt động này không quá dễ (vì nó gây chán) và bạn nên đặt mục tiêu. Tìm một người bạn để cố vấn hoặc đồng hành cùng cũng giúp bạn kiên trì hơn và không bỏ cuộc giữa chừng.

Thiền định

Chỉ cần 15 - 20 phút một ngày có thể giúp bạn tạo ra sự thay đổi trong tâm trí. Đây là cách bạn tìm ra sự bình tĩnh trong thời thế hỗn loạn.

Tập trung vào những gì bạn kiểm soát được

Những điều này bao gồm các biện pháp phòng dịch và tiêm vaccine. Đặc biệt hãy nhớ ngủ đủ giấc và tránh đọc tin tức trước khi lên giường. Đây là những điểu cơ bản nhất giúp tâm trí bạn thảnh thơi giữa sóng gió của đại dịch.