7 Điều bạn cần biết về biến thể Omicron của đại dịch COVID-19 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

7 Điều bạn cần biết về biến thể Omicron của đại dịch COVID-19

Những lý do ta không nên chủ quan trước biển chủng Omicron dù đã được tiêm chủng.
7 Điều bạn cần biết về biến thể Omicron của đại dịch COVID-19

Nguồn: Bloomberg

1. Tại sao Anh họp khẩn?

Ngày 29/11, Bộ y tế Anh đã yêu cầu họp khẩn cùng các nước G7 để thảo luận về những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19  gây ra bởi biến thể Omicron. 

Cho tới hiện tại, biến thể mới này đã nhanh chóng xâm nhập vào nhiều quốc gia châu Âu (Anh, Đức, Italy và Hà Lan), Bắc Mỹ, Úc và cả Hồng Kông.  Được biết nguồn lây của các biến thể đa phần bắt nguồn từ các chuyến bay từ Nam Phi. 

Theo như WHO, biến thể mới được xếp vào mục “đáng lo ngại” và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá. 

5 Biến thể trong danh sách đáng lo ngại của WHO | Nguồn: WHO

2. Omicron từ đâu xuất hiện?

Ngày 26/11, WHO chính thức đặt tên cho biến chủng mới là Omicron (tên khoa học là B.1.1.529). Omicron lần đầu xuất hiện tại Nam Phi vào ngày 22/11 thông qua mẫu xét nghiệm được lấy của một bệnh nhân vào ngày 09/11. Sau khi được Nam Phi chính thức phát hiện và công bố, nó lây lan một cách chóng mặt.

Omicron lây lan nhanh hơn các chủng Delta và Beta | Nguồn: Financial Times

Trên website của mình, WHO có giải thích rằng đa số các virus đều tiến hóa theo thời gian. Việc các virus lây lan rộng rãi cũng khiến làm gia tăng khả năng đột biến của nó hơn. Đây là lý do mà việc đẩy mạnh tiêm chủng là hết sức cần thiết.

Với dân số 1,2 tỷ dân nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở Châu Phi chỉ có 6%. Tình trạng bất bình đẳng vaccine giữa những nước giàu và nghèo đã nhanh chóng cho thấy hậu quả của nó. Trong khi các nước phát triển như Anh dù có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng vẫn “trở tay không kịp" trước sự xuất hiện của biến chủng mới. Thế giới vẫn chưa thể an tâm khi mà tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới không đồng đều .

3. Omicron có nguy hiểm hơn?

Theo các kết quả nghiên cứu, Omicron có tới 50 đột biến, với hơn 30 đột biến nằm ở tế bào protein gai. Đây chính là lý do khiến đột biến này nguy hiểm khi nó làm tăng tính bám dính của tế bào, khiến chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người. 

6 Điểm đột biến chính của Omicron | Nguồn: Financial Times

Tuy nhiên chúng ta vẫn biết quá ít về một biến chủng có nguy cơ lây nhiễm cao như Omicron. Trả lời phỏng vấn với The Atlantic, Boghuma Kabisen Titanji, bác sĩ bệnh truyền nhiễm, nhà virus học và chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Đại học Emory, cho rằng ta không thể dự đoán được nếu các đột biến này kết hợp với nhau sẽ gây ra hậu quả gì. 

Những hình ảnh đầu tiên so sánh 2 biến thể Delta và Omicron với số protein gai nhiều hơn | Nguồn: The Independent 

4. Tại sao chủng này mang tên Omicron?

Trước giờ để dễ phân biệt, các biến chủng mới đều được đặt theo thứ tự bảng chữ cái Hy Lạp, tuy nhiên nhiều người nhận ra rằng WHO đã bỏ qua 2 chữ Nu và Xi mà tiến tới sử dụng kí tự Omicron. Theo như WHO, họ không chọn ký tự Nu vì nó dễ làm người ta liên tưởng tới chữ “new" (mới), còn Xi tình cờ lại là họ của rất nhiều người.

Bảng chữ cái tiếng Hy Lạp với ký tự thứ 14 là Xi | Nguồn: Twitter

Theo NYT, nhiều bên cho rằng WHO cố tình không chọn chữ Xi vì không muốn gợi nhớ tới thuyết âm mưu virus bắt nguồn từ Trung Quốc, khi mà Chủ tịch của Trung Quốc có tên là Xi Jinping (Tập Cận Bình). 

Trong quá khứ, đã có nhiều tranh cãi trong việc gọi tên virus COVID-19 là virus Trung Quốc hay virus Vũ Hán. Bên cạnh đó, những cuộc điều tra cho tới hiện tại vẫn chưa thể khẳng định được giả thuyết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc. 

Theo lẽ tự nhiên, rất nhiều người có xu hướng gọi tên virus theo nơi mà nó xuất hiện. Vậy nên việc đặt tên theo chữ số sẽ tránh gây hiểu lầm và tạo ra sự kỳ thị chủng tộc.

5. Nam Phi phản ứng như thế nào trước việc bị cô lập?

Trước sự xuất hiện đột ngột của Omicron, nhiêu quốc gia đã cấm các đường bay từ Châu Phi. Bộ Hợp tác và Quan hệ Nam Phi cho rằng họ đang bị trừng phạt vì giúp thế giới phát hiện ra chủng mới. 

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO cũng cho rằng hạn chế đi lại chỉ có thể giảm nhẹ sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên bù lại, nó gây tổn hại to lớn cho nền kinh tế các nước đang cố gắng phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó nó còn làm chia rẽ các nước trên thế giới trước một đại dịch toàn cầu cần sự góp sức của cả thế giới để chấm dứt.

Trong thời điểm hiện tại, châu Phi cũng đang đẩy mạnh việc tiêm chủng cũng như thắt chặt các quy định đeo khẩu trang. Theo bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, đồng thời là người phát hiện ra sự tồn tại của chủng mới cho rằng, dù lây lan gấp 500% biến thể Delta nhưng người nhiễm lại có những triệu chứng nhẹ. 

WHO cũng cho rằng không nhất thiết phải đưa ra lệnh cấm biên với châu Phi mà thay vào đó là nên thắt chặt và áp dụng các biện pháp an toàn. 

6. Các loại vaccine hiện tại có hiệu quả với chủng mới?

Đã có nhiều thay đổi trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 như biện pháp tiêm trộn vaccine hay tiêm mũi tăng cường. Cho tới hiện tại vaccine được cho là vẫn làm tốt trong việc giảm tỷ lệ tử vong và trở nặng của người bệnh. Dù Omicron xuất hiện đột ngột nhưng các nhà khoa học trên thế giới đã phản ứng nhanh nhạy trong việc thu nhập dữ liệu, tập trung vào khả năng “vượt rào" vaccine của đột biến. Tuy Omicron đáng lo ngại, nhưng cho tới hiện tại, nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng các loại vaccine hiện hành vẫn có tác dụng đối phó với chủng mới. 

Khả năng cao trong tương lai, bên cạnh việc tiêm mũi tăng cường để tăng kháng thể, các công ty sản xuất vaccine sẽ cải tiến các loại vaccine hiện tại để tạo ra một phiên bản nâng cấp để đối phó với chủng mới. Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson cũng đã bắt tay vào việc phát triển và thí nghiệm phiên bản vaccine mới, tập trung vào chủng Omicron. Cách thức phân phối và giá thành của loại vaccine này cũng khiến nhiều người quan tâm vì cả thế giới sẽ không được an toàn nếu chủ nghĩa dân tộc vaccine vẫn còn tồn tại. 

7. Động thái của Việt Nam là gì?

WHO cũng đã phát thông báo cảnh cáo các quốc gia Đông Nam Á nên cẩn thận khi rủi ro “nhập khẩu” virus rất cao. Bộ Y tế cũng đang đề xuất tạm dừng nhập cảnh các hành khách tới từ các quốc gia đã xuất hiện biến thể Omicron. 

Cho tới hiện tại Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào liên quan tới biến thể Omicron. Tuy nhiên, viện Pasteur đã chủ động giải trình tự gene các trường hợp nghi nhiễm chủng mới để có thể có biện pháp phản ứng kịp thời. 

Hiện nay Việt Nam đang có độ tiêm phủ vaccine là 50,8%. Trước sự xuất hiện của chủng Omicron có thể thấy tương lai bình thường mới có lẽ lại bị đẩy đi xa hơn.