Tóm Lại Là: Virus corona là gì? Đi đến đâu rồi? | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Virus corona là gì? Đi đến đâu rồi?

Tất cả những gì bạn cần biết về virus Corona và những diễn biến phức tạp xảy ra tại Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung
Tóm Lại Là: Virus corona là gì? Đi đến đâu rồi?

Tóm Lại Là: Virus corona là gì? Đi đến đâu rồi?

Cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh

Cập nhật diễn biến ngày 01/02/2020:

Đến sáng ngày 01/02/2020, số ca nhiễm bệnh và tử vong do virus corona đạt mức kỷ lục tại Trung Quốc, với 11.791 ca lây nhiễm và 259 ca tử vong. Trong đó, chỉ riêng tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bùng phát, đã có thêm 45 ca tử vong và 1.347 trường hợp nhiễm bệnh mới. Tại các quốc gia khác cũng đã ghi nhận 120 trường hợp nhiễm virus corona.

Kể từ sau khi WHO tuyên bố tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu về virus corona, đã có rất nhiều hãng hàng không tạm dừng khai thác đường bay đến Trung Quốc. Trong đó gồm có Delta Air Lines, United Airlines, American Airlines, British Airways, Virgin Atlantic, Air France, Air India, Seoul Air, Lufthansa, Lion Air, và các hãng hàng không quốc gia của Kenya, Rwanda, Tanzania, Madagascar, Egypt, Morocco và Mauritius. Các hãng Air Canada, Finnair, Cathay Pacific, Jetstar Asia, United Airlines, và Turkish Airlines cũng giảm thiểu số lượng chuyến bay đến Trung Quốc. (Nguồn: scmp.com)

Trong số 12 cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đã có 9 cửa khẩu phụ – cặp chợ biên giới do các địa phương quản lý đã đóng cửa để chống dịch viên phổi cấp do nhiễm virus corona. Hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng và cửa khẩu song phương Chi Ma do trung ương quản lý vẫn tiếp tục hoạt động.

Tại Việt Nam, việc tăng giá bán khẩu trang y tế, thiết bị phòng hộ và dung dịch rửa tay diễn ra trong vài ngày qua cũng đã được kiểm soát chặt và xử phạt nếu phát hiện vi phạm. (Nguồn: Tuoitre.vn)

Theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn cho biết, “Nếu phòng dịch trong tình huống giao tiếp, đi lại hằng ngày chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế 3 lớp. Nếu đi vào vùng dịch hoặc tiếp xúc với người có nguy cơ trong khoảng cách dưới 2m mới cần sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng hơn, trong đó có khẩu trang N95.” Cách tốt nhất để phòng virus Corona là rửa tay bằng xà phòng và nước.

Cập nhật diễn biến dịch ngày 31/01/2020:

Tại Trung Quốc, số người bị nhiễm virus corona đã lên tới gần 10.000, với 213 ca tử vong (Nguồn: gisanddata.maps.arcgis.com). Tại Thanh Hoá và Hà Đông, có 3 người Việt mới từ Vũ Hán trở về xác nhận dương tính với corona. Cả 3 đều đang được cách ly và điều trị.

WHO tuyên bố tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu (PHEIC) về virus corona, tương tự với ebola hồi tháng 07/2019. Tuyên bố này sẽ giúp các nước thực hiện đóng cửa khẩu và giám sát chặt chẽ hơn tại sân bay.

Cập nhật diễn biến ngày 29/01/2020:

Theo The New York Times, tại Trung Quốc, số ca tử vong do virus conora đã tăng lên 132 ca, và số ca lây nhiễm đã gần chạm mốc 6.000 ca. (Tính đến 8h50 ngày 29/01/2020)

Theo Uỷ ban Y tế Quốc gia Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, số ca lây nhiễm tính đến ngày 29/01/2020 là 5.974 ca, tăng thêm 1.459 ca so với ngày 28/01/2020.

Trong đó, ca lây nhiễm trẻ nhất được ghi nhận là một bé gái 9 tháng tuổi tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các chuyên gia cảnh báo con số này có thể cao hơn do tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế và các bộ kiểm tra (test kit) tại Trung Quốc.

Hiện tại, tại Thái Lan đã phát hiện 14 ca lây nhiễm; Hồng Kông phát hiện 8 ca; Mỹ, Đài Loan, Úc và Macau phát hiện 5 ca; Singapore, Hàn Quốc, và Malaysia phát hiện 4 ca; Nhật Bản phát hiện 7 ca; Pháp phát hiện 4 ca; Canada phát hiện 3 ca; Việt Nam phát hiện 2 ca; và Nepal, Campuchia và Đức phát hiện 1 ca. Hiện không có ca tử vong nào được ghi nhận bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Việt Nam ứng phó với dịch như thế nào?

Chiều ngày 28/01/2020, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Y Tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dịch virus conora ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, do tình hình dịch ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp hơn, chúng ta phải sẵn sàng trong mọi tình huống.

Tại Việt Nam, hiện có 27 trường hợp nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm (giảm 09 người so với ngày 27/01/2020). Trong đó, tại miền Bắc có 24 trường hợp, miền Trung và Tây Nguyên không có trường hợp nào, miền Nam có 05 trường hợp. Hiện tất cả các bệnh nhân thuộc diện nghi nhiễm virus conora đều đang được cách ly, điều trị như đã nhiễm virus conora trong khi chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.

Về hai trường hợp nhiễm virus conora đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện người con đã khỏi bệnh, còn người cha mặc dù bị ung thư phải cắt phổi phải nhưng tình hình tiến triển tích cực.

Theo diễn biến hiện nay, tình huống dịch virus conora ở Việt Nam đang ở cấp độ 1 là có ca bệnh xâm nhập. Ngành Y tế đã rất sẵn sàng với cấp độ 2 là có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và đã có phương án để ứng phó với cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh.

Cập nhật diễn biến ngày 23/01/2020:

Tối 23/1, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận 2 bệnh nhân dương tính với virus nCoV là ông Li Ding sinh năm 1954 và con trai Li Zichao, sinh năm 1992. Đây là trường hợp đầu tiên viêm phổi ghi nhận tại Việt Nam. (Theo vnexpress.net)

1. Tại sao Tổ chức Y tế Thế giới phải họp khẩn?

Cuối tháng 12/2019, một loại virus lạ từ chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc đã khiến 6 người tử vong và hơn 300 người nhập viện. Các nhà khoa học phát hiện ra đó là một loại virus mới thuộc nhóm corona, chuyên gây bệnh hô hấp ở cả người và động vật.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang có cuộc họp khẩn về dịch bệnh này.

Trong 6 loại virus corona (-CoV) gây bệnh ở người, mỗi loại có một mức độ lây lan và gây bệnh khác nhau. Nguy hiểm nhất là SARS-CoV, đã khiến 800 người tử vong vào năm 2003.

Các nhà khoa học chưa biết chủng virus corona mới này sẽ chuyển biến xấu giống SARS-CoV hay ít nghiêm trọng hơn như các loại còn lại. (wired.com)

2. Virus corona lây qua những đường nào? Bao giờ có vaccine?

Theo tin mới nhất từ CNN, chủng virus corona có thể lây giữa thú với người, và người với người qua đường hô hấp:

  • Người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng, làm phát tán virus vào không khí;
  • Chạm hoặc bắt tay với người bị nhiễm bệnh;
  • Tiếp xúc trực tiếp với bề mặt hoặc vật thể có chứa virus, sau đó chạm vào mũi, mắt hoặc miệng của chính mình;
  • Tiếp xúc với phân của bệnh nhân (hiếm xảy ra).

Vì là một loại virus mới, hiện chưa có vaccine cho virus corona. Có thể cần đến vài năm để phát triển vaccine cho loại virus từ Vũ Hán, Trung Quốc này.

"passengers screened for coronavirus symptoms on a domestic flight out of Wuhan pic.twitter.com/ytUbVzpYRZ"

— David Paulk 波大卫 (@davidpaulk) January 20, 2020

Xét nghiệm virus corona trên một chuyến bay từ Vũ Hán.

3. Có bao nhiêu cách để phòng tránh virus corona?

Theo hướng dẫn của WHO và các bác sĩ, bạn nên thực hiện 8 điều sau để phòng tránh loại virus này:

  • Thường xuyên rửa tay kỹ với xà phòng khử trùng trong ít nhất 20 giây;
  • Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi vào khăn giấy hoặc má trong khuỷu tay;
  • Tránh dụi mắt, mũi với tay bẩn;
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đang bị cảm hoặc có triệu chứng cảm cúm;
  • Không dùng chung bát đũa với người có triệu chứng;
  • Chỉ ăn thịt, trứng đã được nấu kỹ;
  • Hạn chế tiếp xúc với động vật hoang, gia súc gia cầm ở các khu chợ, trang trại, sở thú;
  • Giữ chó, mèo trong nhà, tránh để chúng ra ngoài tiếp xúc với những con vật khác.

Nhân viên y tế, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người già, những người có hệ miễn dịch kém hoặc bệnh tim phổi nên đặc biệt chú ý những điều trên.

4. Những người nhiễm bệnh có triệu chứng gì?

Các chủng virus corona thường gây ra bệnh hô hấp với triệu chứng khá giống cảm thông thường như hắt xì, sổ mũi, ho khó thở, mệt mỏi. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị sốt và viêm phổi cấp.

5. Điều trị bệnh gây ra bởi virus corona như thế nào?

Hiện tại chưa có thuốc đặc trị cho người nhiễm loại virus này. Hầu hết người bệnh sẽ tự khỏi. Nếu bạn nghi mình nhiễm, hãy đến bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, theo Cục Y tế Mỹ, bạn có thể làm những điều sau để các triệu chứng thuyên giảm:

  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt (khuyến cáo: không dùng Aspirin cho trẻ nhỏ);
  • Nếu tắm, hãy tắm nước nóng;
  • Uống nhiều nước;
  • Nghỉ ngơi ở nhà.

6. Việt Nam đang làm gì để phòng chống virus corona?

Bộ Y tế đang giám sát chặt chẽ diễn biến của loại virus này. Từ tháng 12/2019 đến ngày 19/01, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm phổi cấp do chủng mới gây ra.

Để phát hiện virus sớm nhất có thể, các cơ sở y tế tiếp tục lấy máu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời để không bùng phát thành dịch bệnh.

Giám sát tại cửa khẩu như đo thân nhiệt cũng đang được thực hiện.

7. Virus corona đã lan đến đâu rồi? Có nên lo sợ khi đi du lịch Tết?

Những nước đã xác nhận có bệnh nhân nhiễm coronavirus bao gồm Trung Quốc (Vũ Hán, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, và Thái Lan. Theo thống kê, đây cũng là những địa điểm có nhiều người Vũ Hán nhập cảnh nhất trong dịp Tết nguyên đán.

Tuy nhiên, nếu đi du lịch vào dịp Tết này, bạn cũng không nên lo lắng quá.

“Dựa trên những thông tin nhận được đến thời điểm này, chúng tôi thấy chưa cần hạn chế các hoạt động du lịch và giao thương giữa các nước,” WHO cho biết trong một thông cáo.

“Nguy cơ lây nhiễm khá thấp nên chúng tôi thấy người đi du lịch chưa cần đổi lịch trình của mình,” bác sĩ Nick Phin, Phó tổng giám đốc Viện Y tế Anh Quốc chia sẻ.

Nếu bạn đi du lịch Trung Quốc vào dịp này, hãy mang khẩu trang, hạn chế lui tới các khu vực chợ và ăn các món chế biến từ thịt, chuyên gia y tế từ Hong Kong khuyên.